Quê tôi[1] nghèo, nghèo lắm. Cho đến bây giờ sau gần 40 năm miền Nam được giải phóng, quê tôi vẫn còn nghèo. Ở cách cửa biển Sa Huỳnh hơn 10km về phía Bắc, quê tôi nằm kẹp giữa Biển Đông và dãy Trường Sơn tạo thành dải đất hẹp bạc màu với các sản phẩm chủ lực là khoai lang, sắn…
Lần về quê năm 2010, tôi thấy chị tôi có hơn 1 tấn sắn khô không bán được. Giá rớt thê thảm nên năm nay chị tôi bỏ đất không, không trồng gì. Cái nghèo trong điều kiện kinh tế thị trường là không phát triển được kinh tế hàng hóa.
Thời chống Pháp, chống Mỹ quê tôi còn nghèo hơn gấp nhiều lần. Năm 1952, sau khi học xong lớp 8 (hệ 9 năm) thấy cha mẹ quá khổ để lo cho con cái học, phần vì trường cấp 3 cách xa nhà đến 50km lại bị máy bay địch thường xuyên bắn phá, tôi nghỉ học về giúp việc nhà và tham gia công tác địa phương. Cuối năm 1953, hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Khu 5 ta mở chiến dịch Kon Tum, tôi đi phục vụ chiến trường và sau đó (1954), tôi tập kết ra Bắc.
Sau hơn một năm công tác với nhiều nhiệm vụ khác nhau ở Hà Nội và Hải Phòng, tôi được đi học lớp Trung cấp cơ khí nông nghiệp cấp tốc hơn 1 năm, nhằm đào tạo các con em thành phần cốt cán thành lớp công nhân đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nói là Trung cấp nhưng thực chất là lớp dạy nghề vừa học vừa làm, do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Tôi bắt đầu học tiếng Nga để võ vẽ nghe thầy giảng, thỉnh thoảng còn góp ý đôi chút cho người phiên dịch. Học xong tôi được phân công về Xưởng 250 Phủ Quỳ (Nghệ An) làm công tác sửa chữa máy nông nghiệp.
Đời công nhân không kéo dài được lâu, vì hồi đó các nông trường làm ăn thua lỗ, nên xưởng cũng không có nhiều công việc để làm. Tôi được điều chuyển về Hà Nội làm ở Cục Công nghiệp quốc doanh, Bộ Công thương. Trời đất xoay vần: Năm 1954, tôi vào Bộ Công thương, đến năm 1956 chuyển sang Bộ Nông nghiệp, rồi năm 1958 lại trở về Bộ Công thương. Các bộ tách ra nhập vào suốt mấy chục năm. Năm 2001, tôi lại trở về Bộ Công thương lần nữa.
Sinh viên Hoàng Đạt và các bạn cùng học tại học trường Đại học Kinh tế quốc dân Pơlêkhanốp (Liên Xô),
năm 1961
Năm 1960, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời tôi. Nhà nước chủ trương đưa một lực lượng lớn thanh niên có trình độ cấp 3 đi học các ngành nghề ở Liên Xô. Tôi được cử đi học trường Đại học Kinh tế quốc dân Pơlêkhanốp, học ngành Thương phẩm. Hồi đó, chúng tôi chưa được phép chọn ngành nghề như bây giờ. Sự lựa chọn các ngành đào tạo của nhà nước cũng chủ yếu theo hệ thống các chuyên ngành của nước bạn chứ chưa phải là nghiên cứu, lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu và thực tiễn nước mình.
Ngành Thương phẩm mà tôi theo học nói nôm na là ngành khoa học nghiên cứu về hàng hóa. Kỹ sư được đào tạo ngành này học khá nhiều môn khoa học tự nhiên nhưng không học sâu mà chỉ học lý thuyết, ít thực hành. Bởi vậy, chúng tôi trở thành lớp kỹ sư dở thầy dở thợ, kiến thức không sâu, thực hành yếu.
Tuy mới học đến lớp 8 (năm 1952) và nghỉ học đã 8 năm nhưng do nhớ khá tốt tiếng Nga, nên tôi tiếp thu bài vở nhanh và thuộc diện học sinh giỏi. Năm thứ 3 đại học tôi đã có báo cáo khoa học trong Hội nghị khoa học của trường Đại học Kinh tế quốc dân Pơlêkhanốp và đã được Hiệu trưởng tặng Bằng khen.
Đầu năm 1965, sau khi tốt nghiệp tôi về làm công tác giảng dạy tại trường Thương nghiệp Trung ương (nay là Đại học Thương mại). Chúng tôi trở thành những giáo viên cốt cán vì ở ngành này chúng tôi là những người đầu tiên được đào tạo chính quy ở nước ngoài. Tuy bản thân còn rất nhiều yếu điểm về kiến thức và khả năng sư phạm nhưng chúng tôi đã làm việc hết mình. Tôi được phân công dạy cả những môn học cơ sở như Cơ sở kỹ thuật điện, Mỹ thuật công nghiệp… Năm 1966, tôi được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn các môn học cơ sở.
Năm 1968, tôi được cử sang làm nghiên cứu sinh ngành Thương phẩm, trường Đại học Kinh tế quốc dân Pơlêkhanốp, bắt đầu những năm tháng cực kỳ vất vả, gian khổ trong cuộc đời khoa học của tôi. Ngay từ hồi sinh viên tôi đã nhận ra rằng ngành học mình theo đuổi có thể rơi vào ngõ cụt. Giờ làm nghiên cứu sinh, điều dự cảm đó càng rõ ràng và trở thành hiện thực.
Tuy vậy, là một Đảng viên tôi không chùn bước, tôi chọn hướng nghiên cứu: Theo dõi sự biến đổi của hàng hóa vật tư có nguồn gốc polyme trong điều kiện nhiệt đới ẩm. Tôi cho rằng, đây là hướng nghiên cứu có lợi và rất thực tế với nước mình nhưng cái khó là kiến thức về ngành thương phẩm lại quá thiếu cho hướng nghiên cứu của đề tài này.
Ba năm nghiên cứu sinh là những tháng ngày cực kỳ gian khổ. Tôi làm việc 12-15 tiếng một ngày trong môi trường hóa chất độc hại. Ở Việt Nam, vợ tôi là nhân viên phòng thí nghiệm của trường Đại học Thương mại, giúp tôi phơi mẫu trong điều kiện thực tiễn để làm mẫu đối chứng, rồi gửi cho tôi qua đường bưu điện. Với phụ cấp ít ỏi tôi phải tằn tiện mới đủ tiêu, thời gian này chúng tôi có cháu gái đầu lòng, tôi còn phải dành dụm chút ít để mua quà, mua thuốc bổ cho con vì cháu bị còi xương nặng. Bên cạnh đó, tôi còn phải dành tiền mua, hoặc đôi khi phải ngoại giao để có những vật dụng cần thiết cho thí nghiệm của mình. Vì thế, tôi chẳng có tiền để bồi dưỡng khi làm việc liên tục trong môi trường độc hại, nên hồi đó tôi gầy yếu tiều tụy chẳng giống chút nào với người “đi Tây”. Lớp sinh viên, nghiên cứu sinh sau này ngoài học còn tìm cách kiếm tiền, thậm chí có người còn giàu có, còn thời chúng tôi tuyệt đối cấm, không ai dám xoay xở gì ngoài việc học.
Vượt qua tất cả sau 3 năm học tập, tôi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ với lời nhận xét kết luận của ông Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án đọc lên nghe vừa tự hào vừa ngượng vì mình đâu được đến như thế. Ông viết: Về bản chất của luận án các giáo sư phản biện đánh giá, tôi muốn nói rằng, khi quan sát Hoàng Đạt làm việc trong phòng thí nghiệm tôi rất ngạc nhiên về khả năng làm việc của anh ấy… một sự kiên nhẫn đặc biệt. Đó là một nghiên sứu sinh lặng lẽ và khiêm tốn, rất kiên trì – con người có rất nhiều sáng kiến và khả năng. Là một trong những lớp người trẻ có giáo dục nhất mà tôi gặp – Nước Việt Nam anh hùng nhận được một cán bộ tốt và tài năng – GS. V.V.Ko-dơ-lốp.
Thế là từ một công nhân sau 15 năm làm việc, học tập và nghiên cứu khoa học tôi trở thành cán bộ khoa học.
Tôi về trường cũ Đại học Thương nghiệp và lại lao vào công việc trong điều kiện cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Chúng tôi lại cõng khoa, cõng trường đi sơ tán để việc đào tạo không gián đoạn.
Năm 1972, tôi được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm khoa Thương phẩm, sau đó 2 năm – 1974 – được cử làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ngoài việc tham gia tích cực vào công tác xây dựng và lãnh đạo trường, tôi kiên trì phương hướng học thuật – chuyển Thương phẩm học từ một ngành học Kỹ thuật sang ngành Kinh tế kỹ thuật xã hội.
Tiếc rằng số phận đưa đẩy đã không cho phép tôi ở hẳn một nơi, theo đuổi một công việc cho đến cuối đời. Năm 1981, tôi được điều về Bộ làm Chánh văn phòng, rồi Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Nội thương. Đến năm 1984, tôi được Bộ chuyển về làm Viện trưởng Viện nghiên cứu về Thương mại. Nhiều bạn bè bảo rằng đây là vị trí phù hợp nhất với khả năng của tôi. Phải nói rằng, 11 năm ở Viện tôi đã làm được nhiều việc, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, đào tạo được một số cán bộ khoa học có trình độ cao, một số trở thành Phó Giáo sư, cán bộ đầu ngành.
Người ta thường nói “Bên cạnh cái rủi có cái may. Nếu cái gọi là “kỹ sư thương phẩm” đã tạo cho tôi nhiều khó khăn trong việc làm nghiên cứu sinh thì ngành khoa học này có đến 40-50% thời lượng các môn học cơ sở và chuyên môn là các môn Kinh tế học như: Kinh tế thương nghiệp, Kế toán, Tổ chức và kỹ thuật thương nghiệp…. Chính kiến thức của các môn học này cùng với các môn học chính trị và kiến thức quản lý kinh tế mà tôi tích lũy được trước năm 1980 đã giúp tôi chuyển nhanh sang nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế và tổ chức thương nghiệp trong giai đoạn về sau. Tôi cũng kịp hoàn thành các khóa học chính trị và nâng cao khóa quản lý kinh tế cao cấp do chuyên gia Liên Xô phụ trách ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong giai đoạn 1974-1979. Nhờ vậy tầm hiểu biết của mình cũng rộng hơn, tham gia nghiên cứu nhiều lĩnh vực hơn. Cũng không ngẫu nhiên mà trong số 5 nghiên cứu sinh tôi trực tiếp hướng dẫn có 2 người thuộc chuyên ngành chính trị, kinh tế học
Giai đoạn 1991-1995, tôi tham gia Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Nhà nước (Chương trình KX-03) về quản lý Kinh tế. Sau 5 năm nghiên cứu, chương trình đã hoàn thành 20 đề tài khoa học cấp Nhà nước, bao quát toàn bộ những vấn đề về kinh tế Việt Nam và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế từ đường lối, quan điểm phát triển đến các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kết quả nghiên cứu cho đến nay vẫn mang tính thời sự và có đóng góp quan trọng trong việc hoạch định đường lối phát nền kinh kinh tế Việt Nam 20 năm qua.
Riêng lĩnh vực thương mại, đề tài cấp Nhà nước mà tôi chủ trì nghiên cứu và bảo vệ xuất sắc đã giúp tôi lý lẽ, cơ sở khoa học để hoàn thành báo cáo khoa học làm luận cứ cho Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” ban hành năm 1996 mà tôi trực tiếp tham gia biên soạn khi tôi chuyển về công tác ở Bộ Thương mại.
Những kết quả nghiên cứu trước đó đã giúp tôi trở thành một Phó Giáo sư về Thương phẩm năm 1980 và trở thành Giáo sư về Kinh tế thương nghiệp năm 1991. Điều còn dang dở là do hoàn cảnh công tác tôi không hoàn thành được ước mơ góp phần để chuyển hóa ngành học thương phẩm từ ngành kỹ thuật sang kinh tế – kỹ thuật.
Viết những dòng này trong những ngày Tết Giáp Ngọ 2014 ở cái tuổi gần 80, hơn 60 năm làm việc và cống hiến, tôi tự hào nhờ có Đảng mà từ một thanh niên nông thôn tôi trở thành nhà khoa học. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, có lúc thăng trầm.Thôi thì lịch sử bao giờ cũng công bằng. Khoa học là giấy trắng mực đen không lừa dối được. Tôi tự nhủ: hãy trung thực và trung thực hết lòng với sự nghiệp ta sẽ có nguồn động lực để sống, làm việc và niềm an ủi động viên lớn hơn bất cứ sự khen thưởng nào.
Tôi cũng nghĩ nhiều đến lớp bạn bè cùng trang lứa ở quê, phần lớn trong số họ đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu ngay trong những năm đầu chống Mỹ cứu nước. Tôi thấy mình đã may mắn hơn họ rất nhiều và phải sống sao cho xứng đáng với họ.
Ở tuổi cổ lai hy, tôi cũng có đôi chút buồn vì không giúp được gì trực tiếp cho quê hương còn nghèo của mình. Tôi cũng nghĩ nhiều về người cha già của tôi đã mất gần 60 năm trước, người đã hết lòng lo cho việc ăn học của các con; ông là Đảng viên và lãnh đạo cốt cán phong trào 30-31, từng bị tù đày trong nhà tù thực dân Pháp… Xin dâng hiến người những gì tôi đã làm, đã đạt được, những tấm bằng khen và huân chương… để báo đáp phần nào tâm sức mà cha tôi đã làm cho các con.
GS.TS Hoàng Đạt
Xuân Giáp Ngọ, 2014
[1] Xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (Theo hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm do nhà khoa học tự khai).