Sinh viên Y khoa Đặng Văn Chung hết lòng với bệnh nhân

Năm 1931 Đặng Văn Chung từ Sài Gòn ra Hà Nội học Đại học Y khoa Đông Dương. Thời kỳ đó, nước ta chỉ có vài trường đại học và cao đẳng như: Y khoa Đông Dương, Sư phạm, Canh nông, Thú y, Công chánh và Mỹ thuật…

Nói về việc lựa chọn trường Đại học Y, trong Hồi ký “Đi học trường Đại học Y khoa Hà Nội (1931-1945)”, ông có viết:“Ngoài trường trung cấp y đào tạo ra y sỹ, còn có trường Luật đào tạo công chức hành chính cho Pháp, tri phủ, tri huyện. Sự thật là các quan chức cai trị cho Pháp. Tôi không thích và chọn ngành Y”.

Năm 1937, Đặng Văn Chung tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Đông Dương và tiếp tục là sinh viên nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này ở miền Bắc đang bị quân đội Nhật và Pháp chiếm đóng. Dưới con mắt của ông tình hình đất nước được hiện lên rõ nét “Những sự chết chóc xảy ra cho nhân dân miền Bắc thật là khủng khiếp. Tình hình trong nước thật là lộn xộn thê thảm”[1]. Các chính sách cai trị và bóc lột của thực dân Pháp đã chi phối, ảnh hưởng vào mọi mặt của cuộc sống. Đói kém và bệnh tật là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh lúc này. Đặng Văn Chung đã chứng kiến những bệnh nhân ở Bệnh viện “Bệnh nhân gầy còm, tóc râu xồm xoàm, quần áo rách nát, thường là bao bố rận lúc nhúc vì không đủ vải và cũng không tắm rửa sạch sẽ vì thiếu xà phòng, lại mùa lạnh không dám tắm”[2]. Bệnh chủ yếu là ghẻ lở, gầy da bọc xương, da chân phù nề và bị lở loét, hôi hám, ỉa chảy, đau bụng. Những bệnh này theo như ông nói thì rất dễ chữa, “có lẽ họ chỉ cần được ăn uống”[3]. Điều này nghe có vẻ vô lí nhưng trong lúc đất nước khó khăn như thế thì nạn đói lại là lẽ thường. Trong hồi ký ông có viết chi tiết khi người lao công đưa cơm từ nhà bếp lên thì có người đã chạy đến bốc vài nắm cơm hay miếng thịt cá. Bên cạnh việc chống lại kẻ thù xâm lược, nhân dân ta phải đối mặt với những dịch bệnh cũng không kém phần gay go, phức tạp.

                                                                                    

Hồi ký về thời sinh viên nội trú của GS Đặng Văn Chung

Dường như thấu hiểu với nỗi khổ mà người bệnh mắc phải, năm 1940 khi đang là sinh viên nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai, ông đã thành lập “Đội sinh viên tự nguyện tuyên truyền phòng bệnh”. Đội đã phổ biến những bệnh thông thường và cách vệ sinh phòng bệnh cho dân nghèo trong các làng xóm gần thành phố như: Bạch Mai, Hoàng Mai và một làng ở Ngã Tư Sở. Với hoạt động tình nguyện hết sức ý nghĩa này, nó không chỉ giúp ích cho nhân dân mà còn tạo điều kiện để những sinh viên mới vào nghề như ông có thể nâng cao trình độ chuyên môn.

Đội được thành lập với 6, 7 sinh viên. Bằng những kiến thức đã học được những sinh viên này đã phổ biến cho nhân dân bằng cách thức dễ hiểu như vẽ trên giấy cứng những hình ảnh về sự lây bệnh, giun sán, ký sinh trùng sốt rét.

Hàng tuần vào chủ nhật, ông và các bạn đi xe đạp đến đình, chùa để thực hiện những ý tưởng của đội “…đã xin phép chính quyền địa phương trước, chúng tôi treo các bức vẽ, rồi nổi trống mời dân làng đến. Vì biết trước nên dân kéo đến có cả già trẻ gái trai”[4]. Sau khi mọi người đã đến đông đủ, ông bắt đầu giải thích trên những hình vẽ tự tạo. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ được thấy và hiểu biết sâu sắc về tác hại của những con giun sán trong cơ thể, những con muỗi gây bệnh sốt rét nên mọi người rất chăm chú lắng nghe.

                                                                                          

Hồi ký về một thời hoạt động sôi nổi của GS Đặng Văn Chung

Việc làm của các ông không chỉ được người dân hưởng ứng mà còn gây sự chú ý, cảnh giác của cảnh sát. Họ đã theo dõi hoạt động của đội nhiều ngày nhưng khi không thấy có hành động gì phạm pháp nên đã không theo dõi nữa.

Việc đi tuyên truyền trực tiếp để nâng cao dân trí về vệ sinh phòng bệnh như thế này theo ông là một phương pháp rất hiệu quả. Vì nếu viết bài đăng trên báo thì người dân lúc đó sẽ không mua được và cũng không đọc được.

Hồi tưởng lại kỷ niệm một thời đã xa, GS Đặng Văn Chung đã thể hiện những dòng suy nghĩ ấy trên những trang giấy A4. Không rõ ông đã viết trong thời gian bao lâu nhưng đến giờ những nét chữ vẫn rõ, kể cả đôi chỗ ông có sửa chữa và bổ sung. Và chắc chắn khi hồi tưởng cũng là lúc một lần nữa ông đinh ninh tinh thần Hyppocrates (lời thề của những sinh viên trường Y trước khi ra trường làm thầy thuốc) mà ông đã trọn đời theo đuổi.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

_________________________

[1], [2], [3]: Hồi ký “Những điều nghe thấy và suy nghĩ trong lúc có nạn đói ở miền Bắc (1937)”

[4]: Hồi ký “Đội sinh viên tự nguyện tuyên truyền phòng bệnh”.