Năm 1952, Nguyễn Năng An – sinh viên năm thứ 1 Đại học Y kháng chiến (trường Đại học Y Hà Nội sơ tán lên Tuyên Quang) được cử đi tập huấn ở Việt Bắc để chuẩn bị ra nước ngoài học tập. Trong số 400 học sinh, sinh viên được lựa chọn đi học ở các nước, Nguyễn Năng An trong số những người được lựa chọn đi học ở Liên Xô. Ông được phân về học tại trường Đại học Y khoa số 2 Mátxcơva. Trong suốt 6 năm học (1953-1960), sinh viên Nguyễn Năng An đã tự nỗ lực trau dồi kiến thức về ngoại ngữ và chuyên môn. Để rèn luyện trình độ tiếng Nga, Nguyễn Năng An đã chủ động dịch cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên[1] từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Bản dịch hoàn thành vào năm 1955, Nguyễn Năng An đã nhờ bạn bè cùng học người Nga đọc lại, chỉnh sửa theo văn phong Nga và bản dịch đầu tay của Nguyễn Năng An đã được xuất bản trong năm đó.
Ký ức nhà khoa học
Sinh viên Y2 biên soạn Từ điển Nga-Việt
GS.TSKH Nguyễn Năng An giới thiệu
quyển Từ điển Nga-Việt được tái bản nhiều lần
Năm 1955 Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô là ông Nguyễn Lương Bằng đã gợi ý cho sinh viên Nguyễn Năng An nên làm cuốn Từ điển Nga-Việt đáp ứng nhu cầu học tiếng Nga khi đó. “Đã có nhiều người biên soạn Từ điển nhưng sinh viên soạn Từ điển như tôi thì chưa từng có”, GS.TSKH Nguyễn Năng An chia sẻ. Hàng ngày, với 5 tiếng buổi chiều, Nguyễn Năng An thường soạn được 5 trang dưới sự cố vấn về tiếng Nga của chuyên gia Liên Xô và ông Hồng Hà (học trường Đảng ở Liên Xô) cố vấn về tiếng Việt. Cũng nhờ có vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung tốt nên sinh viên Nguyễn Năng An đã dựa vào các cuốn từ điển Nga-Pháp, Nga- Anh, Nga- Trung để tổng hợp, chọn mục từ và biên soạn Từ điển. Sau 2 năm ông đã hoàn thành việc biên soạn và hoàn chỉnh các Mục từ cho cuốn Từ điển Nga-Việt. Năm 1959, cuốn Từ điển Nga-Việt đã được xuất bản. Đây là cuốn Từ điển Nga-Việt đầu tiên thời bấy giờ, là kết quả của sự nỗ lực cố gắng của Nguyễn Năng An và sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Sự ra đời của cuốn Từ điển đã đáp ứng phần lớn nhu cầu học tập ngoại ngữ tiếng Nga nên đã được tái bản tới 7 lần ở cả Liên Xô và Việt Nam.
Vốn tiếng Nga của chàng sinh viên Y khoa được nâng lên rõ rệt, tạo điều kiện giúp ông có thể tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học về cơ trơn[2] như dạ dày, tử cung, mạch máu, phế quản… Và là tiền đề vững chắc giúp Nguyễn Năng An bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp (1960); Ông tiếp tục được ở lại học 3 năm để làm nghiên cứu sinh. Nội dung xuất sắc của bản luận án của Phó Tiến sĩ Nguyễn Năng An đã được Hội đồng bảo vệ Khoa Điều trị trường Đại học số 2 Mátxcơva kiến nghị lên Hội đồng nhà trường xét duyệt và công nhận đủ điều kiện của một luận án Tiến sĩ Y học. Hội đồng trường Đại học số 2 Mátxcơva nhất trí công nhận vào ngày 13-1-1964. Ông trở thành Tiến sĩ Y học đầu tiên được đào tạo ở Liên Xô.