Năm 1964, bác sĩ Lê Thế Trung tốt nghiệp chuyên khoa Bỏng tại học viện Ki-rôp, thành phố Lêningrat, Liên Xô (Nay là thành phố Xanhpetecbua, thuộc CHLB Nga). Về nước, ông tiếp tục làm việc tại khoa Bỏng, Viện quân y 103. Năm 1966 ông được đề bạt là Chuyên viên đầu ngành về Bỏng của Cục Quân y. Trên cương vị công tác mới, bác sĩ Lê Thế Trung nhận thấy cần phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vừa công tác, ông vừa tự học tập, tìm tòi, nghiên cứu. Ông tìm đọc các loại sách chuyên khoa về bỏng và ghi chép lại. Với vốn ngoại ngữ tiếng Pháp (học từ hồi phổ thông), tiếng Nga và tiếng Anh nên ông đã đọc được nhiều tài liệu khác nhau. Các kiến thức cơ bản ông ghi chép lại vào một cuốn sổ để tiện tham khảo. Cuốn sổ lúc đầu ông dùng để ghi chép là một cuốn sổ mỏng, khổ giấy 13x18cm. và ông cũng định chỉ ghi chép những kiến thức cơ bản nhất về phẫu thuật tiếp da trong điều trị bỏng. Sau, các ghi chép được ông bổ sung dần qua nhiều nguồn tài liệu, qua các đợt tập huấn, và qua thực tế công việc. Cuốn sổ không phải lúc nào cũng bên mình nên ông ghi chép vào bất cứ loại giấy nào mà ông có. Về nhà, ông lại đọc lại và đóng bổ sung vào những phần nội dung đã có trong sổ. Chính vì cách đó, cuốn sổ cứ dày dần lên nhưng không phải chỗ nào cũng viết kín. Đôi chỗ còn có những loại giấy có khổ nhỏ hoặc lớn hơn khổ giấy của cuốn sổ lúc đầu. Có chỗ chỉ là những mảnh giấy nhỏ được ông đính thêm một cách khéo léo. Giấy cũng vì thế mà có giấy đen, giấy trắng, giấy cũ, giấy mới. Các nội dung ghi trong sổ cũng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga. Ông cho biết: "Vì ghi chép cho mình học, lại trong nhiều điều kiện khác nhau, nên khi viết ông cũng không dịch ra tiếng Việt cho đỡ mất thời gian. Những chỗ trích chép trong điều kiện thư viện hoặc mượn được về nhà thì ông cố gắng viết rất cẩn thận, các hình vẽ minh hoạ cũng dùng các màu mực khác nhau cho dễ nhìn, dễ hiểu". Cuốn sổ được ông sử dụng như một cẩm nang về phẫu thuật tiếp da điều trị bỏng. Không chỉ dùng cho bản thân, các kiến thức trong sổ cũng được ông dùng trong giảng dạy cho học trò của mình và truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Nó cũng giúp đỡ ông khi ông làm nghiên cứu sinh Phó Tiến sĩ (1973-1975) và Tiến sĩ khoa học (1983-1985).
Cuốn sổ hiện tại gồm 643tr, không kể bìa. Các nội dung ghi chép về:
– Phẫu thuật tiếp da: tiếp da bằng mảnh tiếp tự do bằng mảnh nhỏ; Tiếp da bằng các mảnh dài mỏng bằng mảnh biểu bì; Tiếp da bằng mảnh da lớn dầy vừa;Tiếp da bằng các mảnh da dầy toàn bộ da; Theo dõi sau khi tiếp da; tiếp da đồng loại; tiếp da không đồng loại…
– Phẫu thuật tái tạo vùng đầu, cổ, tay, tai…
Phạm Kim Ngân