Khi đó, Lê Thị Cúc đang học tiếng Pháp ở Trung tâm của Lân Trung (em Lân Dũng) tại Ba Đình, chuẩn bị hồ sơ lý lịch để gửi phòng Đào tạo của trường. Bà tranh thủ buổi tối vì bà rất thích tiếng Pháp, bà có cảm giác có cái "duyên" ở trong tiếng Pháp. Trước đó bà cũng nói được tiếng Anh, không phải là tốt lắm và tiếng Nga thì bà thành thạo hơn. Mặc dù đã tốt nghiệp bằng C tiếng Pháp nhưng bà nghĩ sang Pháp thì phải giao tiếp nhiều hơn nên bà quyết định đi học một lớp cấp tốc về tiếng Pháp, chủ yếu để giao tiếp. Thời gian gấp rút, bà lại đang bị ốm, bà đến gặp vợ thầy Tư nhờ xem có chỗ nào học cấp tốc tiếng Pháp, đưa cho bà các nội dung câu hỏi để bà về chuẩn bị. Bà về chuẩn bị, tuy nói không được tốt như viết nhưng bà có giọng nói, âm điệu tốt nên có hy vọng, tạo cho bà có lòng tin hơn. Sáng thứ hai, bà cùng PGS Túy, bà Hiền đến trường ĐH Bách khoa Dự thi. Vì chưa đến giờ thi, bà lên phòng tổ chức chơi, ông Tư thấy vậy nhắc nhở bà lên vì sắp đến giờ dự thi. Lúc bà lên, ông Nguyễn Đình Trí, khi đó là Hiệu phó của Trường đã giới thiệu xong PGS Túy, ông Trí giới thiệu luôn bà. Nhưng bà thấy ông Túy giới thiệu sai, xin phép ông Trí giới thiệu lại với họ về bản thân, họ đồng ý nhận bà sang Pháp cùng với PGS Túy.
Bà thấy rất vui mừng vì thi đỗ, năm 1993, bà sang Pháp nghiên cứu đề tài bà tự chọn về tính chất của thóc trồng ở Việt Nam và thóc trồng ở Pháp để đưa kết luận chung. Khi đi, bà đem cả một bao tải thóc trồng ở Việt Nam, đủ các loại như: Tám thơm, nếp cái hoa vàng…Đề tài nghiên cứu của bà phù hợp với hướng nghiên cứu của thầy hướng dẫn bà-GS Giắccơ Pho- đã làm trong tổ chức FAO (Tổ chức Lương thực thế giới) gần 10 năm chuyên nghiên cứu về lúa, gạo. Thầy Pho rất đại lượng, rất tốt. Trong quá trình nghiên cứu, có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Ví như sự thay đổi của tinh bột ảnh hưởng bởi nhiệt độ sẽ thay đổi như thế nào, thầy Pho cho một đường thẳng hất lên trên, nhưng khi bà xem, bà nói không đúng vì đường thẳng phải là đi xuống. Thầy Pho đã in bài, định đưa đăng trên báo chí, nhưng bà đã chứng minh, thầy Pho công nhận bà đúng.
Sang Pháp, bà được hưởng số tiền hơn 7.000 Fanc, bà ở Ký túc xá của sinh viên, thành phố Monpene khu CA, Trung tâm thóc gạo của Pháp. Tại thư viện của Trung tâm, bà tìm được một cuốn sách cổ của Pháp viết về lúa gạo của Việt Nam rất rõ.
Từ Ký túc xá đến Trung tâm nghiên cứu bà phải đi xe buýt, bà Lizit Pon hay đến đưa cô đi làm. Bà còn về cả gia đình bà Lizit Pon chơi, họ còn cắt tóc cho bà. Ông Pho thấy bà về muộn, có khi còn nói để đưa về nhưng bà thấy ngại.
Bà thấy người Pháp rất chân thành, tế nhị và cao thượng. Nếu như họ sai, bà góp ý, họ tiếp thu, chấp nhận, không đao to búa lớn. Họ quan niệm rất đúng về Bác Hồ, Bảo Đại, Võ Nguyên Giáp. Bà cũng có tự hào vì mọi người nhận định "Tao ít thấy người Việt Nam nào như mày".
Bà kể về câu chuyện: trong lớp học có một số học sinh người Mỹ ăn uống tự nhiên trong giờ học mặc cho thầy cô đang giảng bài, khi thầy cô nhắc nhở thì họ nói người Mỹ có tự do, người Pháp không có tự do, bà đã nói ở Việt Nam có một câu “nhập gia tùy tục”, khi ở Mỹ thì làm gì tùy ý nhưng khi sang Pháp học thì phải tuân thủ những quy định của người Pháp, những người đó rất phục bà, bà thích tính nhân văn của họ vì họ biết cách tiếp thu, biết tôn trọng văn hóa và bà thấy được cái hay, cái đẹp của họ “tôi yêu người Nga nhất, người Pháp nhì”.
Sau này bà và thầy Giắccơ Pho vẫn liên lạc với nhau “Nhớ đến Việt Nam là nhớ về Madam Cúc, nhớ về Madam Cúc là nhớ về Bình Định, nhớ về Quy Nhơn”,
Để thực hiện đề tài, bà xuống Trung tâm thóc gạo của Pháp nghiên cứu. Bà cho biết, ở Trung tâm có một loại gạo nấu nhanh khoảng 10- 20 phút nên ngoài đề tài chính của bà, vì lòng yêu nghề, còn còn thực hiện thêm một đề tài khác nghiên cứu về gạo nấu nhanh. Bà lấy gạo tốt của Việt Nam và Pháp để nghiên cứu và có một báo cáo phụ mà bà không cho người ngoài biết về Nghiên cứu quy trình công nghệ gạo nấu nhanh, chỉ cần 3- 4 phút là có một bát cơm. "Tôi thấy rấy yêu nghề và thấy rất hay trong khi nghiên cứu"-PGS Cúc cho biết.
Trong một năm bà học được rất nhiều, Trung tâm còn ngỏ ý mời bà ở lại nhưng bà không ở. Báo cáo kết quả nghiên cứu của bà đều là những số liệu thật lấy từ kết quả nghiên cứu. Ngoài báo cáo chính, bà gửi lại họ bản báo cáo thêm về nấu gạo nhanh để họ có ứng dụng thì ứng dụng.
Sau khi về nước, những kết quả nghiên cứu bà chuyển cho Viện Công nghệ sau thu hoạch (Nay là Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) và cho một số học sinh của bà tham khảo: Cách logic trình bày một vấn đề; Nghiên cứu về ăn liền qua những bước gì. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, ứng dụng thì họ phát triển theo hướng một hướng khác: Sấy khô rồi ép, sau đó đổ nước vào, hạt gạo sẽ phồng trở lại. Phương pháp này cũng có tính ưu việt của nó.