Sống với khát vọng tuổi trẻ

 Khát vọng của tuổi trẻ

Năm 1962, khi học lớp 10 Đinh Xuân Dũng tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc và đạt giải ba. Sau đó, cậu được tuyển ra nước ngoài học đại học nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên được chuyển về học khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Lớp văn khóa 7, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1963(sinh viên Đinh Xuân Dũng đứng trước cột giữa)

Khi mới vào trường, sinh viên Dũng thân thiết với ba người bạn đều là sinh viên miền Nam gồm: người anh lớn tuổi tên là Trần Duy Ninh, Lê Quang Thiêm (sau này là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ, nguyên Hiệu phó trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Phan Ngọc Tuân. Thuở đó, khoa Văn và khoa Sử học tại trường Trung học Hoa Kiều ở Láng, sinh viên được phân ở ký túc xá của trường. Lúc này, nhà của Đinh Xuân Dũng ở số 9 phố Dã Tượng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng cậu vẫn xin ở ký túc xá vì nhà chỉ có hơn 17m2 mà có nhiều người ở nên chật chội.

Ký túc xá là dãy nhà cấp 4. Mỗi một phòng có 10 đến 12 giường tầng. Lê Quang Thiêm, Đinh Xuân Dũng, Phan Ngọc Tuân và Trần Duy Ninh đều ở cùng phòng. Xét về hoàn cảnh thì Phan Ngọc Tuân là người có kinh tế khá giả nhất, vì vậy thường xuyên bao tiền các bạn khi đi chơi. Phan Ngọc Tuân cũng là người đẹp trai, hiền lành, học giỏi và có lý tưởng sống là để cống hiến cho đất nước một cách mãnh liệt, vì vậy anh được nhiều sinh viên nữ theo đuổi. Tình bạn của bốn người được nuôi dưỡng bằng những buổi ngồi học nhóm, những chuyến đi tàu điện lên Bờ Hồ ăn kem rồi về nhà Đinh Xuân Dũng chơi. Thỉnh thoảng cả lũ cùng ăn cơm ở nhà tôi[1], GS Dũng bồi hồi nhớ lại. Năm 1963, Đinh Xuân Dũng được mẹ tổ chức sinh nhật 18 tuổi tại nhà. Bữa tiệc mừng tuổi mới chỉ có cơm và bát canh rau đặt trên cái mẹt nhưng bốn người bạn vẫn cảm thấy vui. Chúng tôi chụm đầu vào nhau ăn, nói chuyện và cười vô tư, hồn nhiên[2], GS Lê Quang Thiêm cười chia sẻ.

Sinh viên thuở đó thiếu thốn vật chất nhưng dạt dào tình cảm, bữa sáng ăn chung chiếc bánh mì. Vào bữa ăn chính ở nhà ăn sinh viên, do Đinh Xuân Dũng ăn chậm và nhỏ nhất nhóm nên các bạn hay nhường cơm cho cậu… Sinh viên thuở đó không dư dả, nên họ thường sẻ chia khi thì chiếc áo, lúc thì đôi dép đẹp… ấy vậy mà vẫn vui, vì họ thật sự yêu quý nhau như anh em ruột thịt. Nhiều đêm học khuya, đói, nhóm bốn người bạn rủ nhau nhổ su hào tự tăng gia trước khu kí túc xá về ăn sống nhưng vẫn cảm thấy ngon.

Cuộc sống tuy đơn giản vậy nhưng chúng tôi đều là những người có chí hướng muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước nên đều chăm học. Chúng tôi mong thu thập được nhiều kiến thức để ra trường tham gia vào công cuộc khôi phục kinh tế miền Bắc, hoặc được tiếp bước đàn anh lên đường vào Nam chiến đấu, đó là những suy nghĩ ngây thơ của tuổi 20 nhưng rất mãnh liệt[3]. Khát vọng tuổi trẻ của các anh hừng hực khí thế đúng như lời bài hát mà tuổi 20 ai cũng từng nghe và học thuộc:

Hành trình tuổi hai mươi chúng ta vẫn còn nhớ,

một đoạn đường chông gai hiến dâng cho ngày nay.

Đi theo tiếng gọi non sông

Tháng 8/1964, sau sự kiện đế quốc Mỹ gây hấn vịnh Bắc Bộ, chuẩn bị mở đợt chiến tranh không quân bắn phá miền Bắc, tuổi trẻ Hà Nội sau những ngày tháng hạnh phúc sống trong tự do, lại sục sôi ý chí chiến đấu. Chống Mỹ cứu nước đã trở thành nguyện vọng thiết tha, khát vọng cháy bỏng của thanh niên và sinh viên lúc bấy giờ. Sau khẩu hiệu ba sẵn sàng do Thành đoàn Hà Nội ban bố tháng 8-1964, cả bốn người bạn cùng xung phong vào chiến trường miền Nam. Biết trước mình không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội do ngoại hình nhỏ bé, sinh viên Dũng viết đơn bằng máu với hi vọng được chấp nhận. Kết quả cuối cùng, chỉ riêng Phan Ngọc Tuân và Trần Duy Ninh được gọi đi nhập ngũ, còn Đinh Xuân Dũng và Lê Quang Thiêm ở lại tiếp tục đào tạo phục vụ công cuộc phát triển miền Bắc. Lê Quang Thiêm và Đinh Xuân Dũng chia tay Trần Duy Ninh và Phan Ngọc Tuân vào một ngày thu đầy nắng gió với lời hẹn gặp lại nhau sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cả bốn đứa siết chặt tay nhau không nói nên lời. Trong ánh mắt trao nhau hôm đó có cả niềm tin, hi vọng và nước mắt[4]. Họ hứa với nhau sẽ sống và chiến đấu cho những khát vọng bấy lâu nay họ vẫn hằng phấn đấu. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng và lâu hơn thế, hai người bạn ở Bắc mong ngóng tin hai bạn chiến đấu tại chiến trường miền Nam nhưng không nhận được bất cứ tin tức gì. Ở ngoài Hà Nội, họ tiếp tục phấn đấu học tập với khát vọng học để phục vụ đất nước. Do là sinh viên có thành tích học tập tốt nên Đinh Xuân Dũng được phân về học chuyên ngành hay nhất lúc bấy giờ-văn học Nga-Xô Viết. Còn Lê Quang Thiêm lựa chọn theo học ngành Ngôn ngữ. Năm 1966, sinh viên Dũng, Thiêm tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên giảng dạy của trường. Khoảng sau năm 1973, tại nhà của vợ một cựu sinh viên khoa Văn khóa 7 tên là Đặng Văn Nhưng (năm 1965 vào chiến trường miền Nam làm phóng viên mặt trận. Sau này là Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân Dân) ở phố Hàng Bông, Hà Nội, Đinh Xuân Dũng và Lê Quang Thiêm nhận được tin dữ về người bạn: Phan Ngọc Tuân bị bắn chết rồi bị chặt xác thành nhiều mảnh và trôi sông ngay trên chính đất mẹ của anh – Quảng Trị vào năm 1968. Riêng Trần Duy Ninh bị bắt ra nhà tù Côn Đảo khoảng năm 1967-1968 và hiện không có thông tin. Thông tin ấy như tiếng sét dội ngang tai, nhưng đó chính là động lực để chúng tôi mạnh mẽ hơn, cố gắng phấn đấu hơn[5].

Năm 1974, một số giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhận được lệnh nhập ngũ. Lần này Đinh Xuân Dũng cũng có tên trong danh sách nhập ngũ. Thời điểm đó, giảng viên Dũng có thể xin ở lại vì sức khỏe yếu, ngoại hình cao chưa đến 1,56m và nặng chưa nổi 42kg. Nhưng không, vì sự hăng hái của tuổi trẻ, vì danh dự người thầy giáo, vì truyền thống một gia đình có 7 anh em tham gia cách mạng, vì sự động viên từ phía gia đình nhỏ và vì khát vọng của tuổi trẻ nên ông vẫn chấp hành mệnh lệnh. Trong ngày chia tay đồng nghiệp và học trò để lên đường, người thầy giáo nhỏ bé ấy khoác trên vai ba lô hành lý nặng hơn 20kg, hứa với bạn và học trò thân yêu rằng “mình sẽ đứng vững”. Trên đường hành quân vào Nam, binh nhì Dũng nhận được lệnh trở về Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ mới.  Ba năm làm binh nhì vượt qua bao thử thách của đời lính từ nhưng chính khát vọng của tuổi trẻ trở thành điểm tựa vững chãi giúp ông xuất sắc vượt qua để rồi năm 1977, ông được thăng hàm Thượng úy và được sang Cộng hòa Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh. Năm 1982, ông về nước và được trao các nhiệm vụ quan trọng trong quân đội: Từ Phó phòng rồi Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ quân đội, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đến Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu IV, Bộ Quốc phòng. Năm 1999, ông được điều chuyển công tác về Ban Tư tưởng văn hóa-Trung ương.

 Dù công tác ở bất kỳ vị trí nào, GS Đinh Xuân Dũng cũng luôn phấn đấu, học hỏi để hiện thực khát vọng mà mình hằng phấn đấu. Nếu như chặng đường hơn hai thập kỷ được tôi luyện, cống hiến trong môi trường quân đội (1974 – 1999) đã tạo nên trong ông bản lĩnh, ý chí của một trí thức – sĩ quan quân đội, thì khi ông về công tác tại Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, với thực tiễn hoạt động vô cùng phong phú đã giúp ông có được trải nghiệm thực tế hơn, được tiếp xúc với mọi tầng lớp trong xã hội, từ quan chức đến người lao động bình dị, từ miền xuôi đến miền ngược, … Những trải nghiệm này giúp ông cảm nhận được sự vận động về đời sống tư tưởng, chính trị của Đảng và của người lao động. Cảm nhận được chiều sâu về mặt tư tưởng chính trị văn hóa của đất nước để phục vụ trong công tác tham mưu, đồng thời cũng là cảm hứng để ông lao vào những nghiên cứu khoa học, và cho ra đời nhiều công trình khoa học, gắn với đời sống xã hội (từ 1990 đến nay, ông đã xuất bản được 27 công trình).

Có thể nói, thực tiễn được tiếp nhận một cách liên tục, đa chiều… trở thành vốn sống phong phú và được ông truyền tải vào trong kết quả khoa học cũng như phục vụ cho việc tham mưu. Tuổi trẻ đã đi xa, nhưng khát vọng của một thời trong sáng, cao thượng, đẹp đẽ ấy vẫn còn mãi. Khát vọng tuổi hai mươi trở thành ngọn đuốc soi rọi để tôi giữ trọn phẩm chất và không bao giờ đi chệch hướng trong suốt quá trình công tác[6].

Hoàng Thị Kim Phượng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 


* GS.TS Đinh Xuân Dũng,  chuyên ngành Văn học, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, kiêm Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

[1] Hỏi thông tin GS.TS Đinh Xuân Dũng, ngày 22-9-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TS Lê Quang Thiêm, ngày 17-2-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 

[3] Hỏi thông tin GS.TS Đinh Xuân Dũng, ngày 22-9-2017, tài liệu đã dẫn.

[4] Hỏi thông tin GS.TS Đinh Xuân Dũng, ngày 22-9-2017, tài liệu đã dẫn.

[5] Hỏi thông tin GS.TS Đinh Xuân Dũng, ngày 22-9-2017, tài liệu đã dẫn.

[6] Hỏi thông tin GS.TS Đinh Xuân Dũng, ngày 22-9-2017, tài liệu đã dẫn.