Sống với lời dạy “Nhân trí truyền gia”

Kỳ II: Trên "mặt trận" giảng đường

Đó cũng là lúc đế quốc Mỹ đang điên cuồng trút những trận mưa bom nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Ngay lập tức 9 tân kỹ sư nhận được lệnh tham gia vào bộ đội công binh. Còn duy nhất kỹ sư Vũ Đình Phụng được điều về trường Đại học Xây dựng làm công tác giảng dạy. Vào thời điểm đó, Tổ quốc đang phải gồng mình lên chuẩn bị cho một cuộc chiến tới hồi quyết liệt, nên Vũ Đình Phụng “thèm” được đi bộ đội hơn bao giờ hết. Trong ông vẫn còn nguyên ký ức đã từng trải qua cái giây phút cay cay khóe mắt khi phải lén lút đưa cha đi thăm mộ bà nội bởi khi bà nội mất cha đang phải hoạt động Cách mạng bí mật không kịp về chịu tang. Vũ Đình Phụng cũng đã chứng kiến niềm vui vỡ òa của cả dân tộc sau chiến thắng Điện Biên Phủ và càng thêm tự hào vì cha mình đã luôn trung kiên, mưu trí để cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng Cách mạng.

Về công tác tại trường Đại học Xây dựng, song Vũ Đình Phụng đã 3 lần làm đơn xin gia nhập bộ đội công binh nhưng không được chấp nhận. Mỗi lần lên gặp đồng chí Nguyễn Xuân Trọng – Bí thư Đảng ủy của trường Đại học Xây dựng, để trình bày nguyện vọng của mình, là một lần Vũ Đình Phụng trở về trong thất vọng. Sau nhiều lần như thế, Vũ Đình Phụng được mời lên gặp đồng chí Trần Tống khi đó là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong lần gặp ấy, ông Trần Tống dứt khoát nói: “Trường Đại học Xây dựng là chiến trường, còn bút là cây súng. Đảng đã giao cho anh công tác ở đây thì anh phải yên trí mà hoàn thành tốt nhiệm vụ!”. Dường như nghề giáo đã chọn ông, dù không phải tình cờ, nếu không muốn nói là một sự “áp đặt”. Và sự áp đặt đầy cương quyết của Ban lãnh đạo trong hoàn cảnh ấy đã rèn luyện, tạo nên một GS.TS Vũ Đình Phụng với gần 50 năm “xây sự nghiệp truyền nhân đạt trí”, rồi trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Cầu đường ngày hôm nay.

Tháng 1-1967, khi trường Đại học Xây dựng đã hoạt động ổn định tại nơi sơ tán, thuộc xã Quế Ổ, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), lúc này Vũ Đình Phụng đã “an tâm” làm thầy giáo mà tạm quên đi giấc mơ trở thành “anh bộ đội cụ Hồ” và được Ban lãnh đạo nhà trường phân công về Bộ môn Đường ô tô và đường đô thị, thuộc khoa Cầu đường – theo đúng chuyên ngành đã học. Ban đầu Vũ Đình Phụng làm “chân” phụ giảng cho thầy Hà Huy Cương – “một con người có tình cảm sâu sắc, vị tha, hết lòng vì học trò, đặc biệt là có tư duy khoa học độc lập”[1]. Sau một thời gian “đủ cứng”, Vũ Đình Phụng được thầy Hà Huy Cương giao nhiệm vụ giảng dạy môn Thiết kế mặt đường cứng với cường độ 15 tiết thay vì 7 tiết mà Trưởng bộ môn Đặng Hữu đã dự tính trước đó. Thầy Hà Huy Cương đã trấn an tinh thần cho Vũ Đình Phụng: “Tớ cho cậu bơi đấy! Rồi cậu sẽ vượt qua được!”. Từ đây người “chiến sĩ trẻ” Vũ Đình Phụng hăm hở tiến bước trên “mặt trận” giảng đường đầy cam go – theo cách nói của Thứ trưởng Trần Tống.

Làng Bồng Lai[2] thuộc xã Quế Ổ, huyện Quế Võ khi ấy là trung tâm đại bản doanh của khoa Cầu đường. Những lớp học đơn sơ của khoảng 500 sinh viên, được trải đều trong các xóm nhỏ xung quanh: Mai Thôn, La Miệt, Chợ Chì… Đó là những ngôi nhà tranh, mái lá với bức tường đắp bằng đất sét trộn rơm khô, bên trong là hai dãy bàn ghế tre đóng xộc xệch… nằm thấp thoáng giữa không gian mênh mông, xanh mướt của xứ sở quan họ.

Những buổi trưa, sau khi lót dạ bằng bát ngô bung, cũng có khi là ổ bánh mì nguội ngắt, Vũ Đình Phụng thường lấy phấn viết tóm tắt nội dung bài giảng lên cánh cửa nhà dân nơi ông đang ở, rồi tập thuyết trình chuẩn bị cho giờ lên lớp. Bà cụ chủ nhà ban đầu tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, nhưng rồi sau đó cũng quen dần với việc làm “kỳ quặc” này. Và dẫu sao, bà vẫn luôn là “sinh viên thử nghiệm” kiên nhẫn, tận tụy nhất của thầy giáo trẻ Vũ Đình Phụng. Nhiều hôm thấy Vũ Đình Phụng dù triền miên với món ngô bung nhưng vẫn say sưa tập giảng, vẫn miệt mài trong các công việc chung: chở than, chở củi, đào hầm, trồng rau… bà đã phải lo lắng thốt lên: “Ối giời, thầy làm việc ngày đêm thế mà chỉ ăn ngô thì sống làm sao được. Thôi thầy để ngô đây cho các cháu nó ăn, thầy ăn một chút cơm cho chắc dạ”. Thế nhưng Vũ Đình Phụng đâu dám nhận, có chăng, ông ghi nhận trong suốt cả cuộc đời, rằng: “Mảnh đất ấy nghèo nhưng lòng dân thì vô cùng tuyệt vời!”

Hàng đêm, sau khi đã cắm vài chiếc cần câu cá trê xuống các ao quanh làng mong cải thiện bữa ăn cho nhà bếp, Vũ Đình Phụng lại ngồi bên ngọn đèn dầu để soạn bài cho buổi lên lớp ngày hôm sau. Đến lúc này những tài liệu tham khảo mà ông đã cất công đem về từ Trung Quốc mới thực sự phát huy tác dụng, các bài giảng mà Vũ Đình Phụng biên soạn đều được lãnh đạo Bộ môn nhất trí. Bên cạnh đó cũng nhờ kiên trì tập dượt giảng bài cho nên Vũ Đình Phụng nhanh chóng vượt qua cái cảm giác run run, ngại ngùng khi đứng giảng trước các sinh viên sàn sàn lứa tuổi với mình, thậm chí có người còn hơn tuổi.

Mỗi lần lên lớp, Vũ Đình Phụng phải đi qua một cánh đồng sang làng bên cạnh để dạy cho sinh viên. Ông kể lại: “Có những trận mưa lớn, tôi ở bên làng Bồng Lai sang làng Xa Loan để dạy. Trời mưa ngập đường, không thể đi xe đạp. Tôi phải cởi quần dài ra chỉ mặc quần đùi lội qua một đoạn đường khoảng 800 mét. Trước khi vào lớp thì phải rửa chân, mặc quần dài vào”[3].

Ngày 19-5-1967, Vũ Đình Phụng được cử làm phó đoàn[4] phụ trách đưa một nhóm sinh viên khóa 8 đi thực tập, làm nhiệm vụ mở rộng tuyến đường 1B qua hai huyện Quan Hóa, Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để tạo thuận lợi cho các đơn vị bộ đội đưa tên lửa vào chiến trường. Buổi sáng hôm đoàn lên đường, Mỹ ném bom dữ dội vào khu vực Cao – Xà – Lá[5], Hà Nội. Tiếp đến là một trận mưa như trút nước khiến toàn bộ bánh mỳ dự trữ trên xe ô tô bị ẩm, trở nên mốc meo. Vào tới xứ Thanh, thầy trò Vũ Đình Phụng vẫn đành phải cố ăn cho khỏi đói.

Đèo Voi Khóc nối hai huyện Quan Hóa, Bá Thước – là nơi thử thách sức chịu đựng của Vũ Đình Phụng cùng nhóm sinh viên khoa Cầu đường suốt thời gian thực tập. Tương truyền, khi xưa có 1 đàn voi từ bên Lào nối đuôi nhau đi qua dãy Trường Sơn sang đất Việt. Sau khi vượt qua mấy ngọn đèo đã ngấm mệt, đến đoạn đèo thuộc khu vực này thì cả đàn kiệt sức nằm phủ phục và chết rất nhiều. Từ đó, người dân bản xứ đặt tên là đèo Voi Khóc. Thầy trò Vũ Đình Phụng làm việc ở đây cùng với một đơn vị nữ thanh niên xung phong với nhiệm vụ mở rộng cung đường đèo bằng phương pháp nổ mìn. Đoàn ở dưới chân đèo, cách nơi làm việc 400 bậc thang; buổi sáng đi bộ lên đèo thi công, buổi tối lại xuống nghỉ ngơi dưới chân đèo. Đó là một vùng đất còn hoang vu, thưa người, thức ăn thường là rau, măng chấm muối. Dẫu gian khổ cả trong công việc lẫn sinh hoạt nhưng Vũ Đình Phụng tuyệt nhiên không bao giờ nghe thấy một lời kêu ca phàn nàn nào từ các chị em thanh niên xung phong. Họ đều là những cô gái trẻ, chưa chồng, sống hết mình không quản ngại hy sinh vì lý tưởng, vì nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc. Và trong 3 tháng trải nghiệm công việc như một người lính công binh, điều đọng lại sâu sắc nhất trong Vũ Đình Phụng chính là tinh thần ái quốc ấy!

Trong một chuyến đi tìm địa điểm thực tập cho sinh viên vào tháng 11-1968, Vũ Đình Phụng cùng thầy giáo Hoàng Xuân Liễn đạp xe hơn 200km với lộ trình Hà Nội – Thái Nguyên – Hòa Bình. Chuyến đi kéo dài 3 ngày ấy, thức ăn chủ yếu là bánh mỳ và kẹo bột, xe đạp buộc phải sơn màu tối, ngụy trang trên lưng bằng một tấm vải dù màu xanh lá cây, nhằm tránh bị máy bay Mỹ phát hiện. Trên đường đi, không ít lần các ông phải tránh những trận oanh tạc của không quân Mỹ. Lần đi ấy, Vũ Đình Phụng đã may mắn thoát nạn sau vụ ngã xe tại đèo Khế, Thái Nguyên.

Năm 1972, khi trường Đại học Xây dựng sơ tán về Hương Canh, Vĩnh Phúc, Vũ Đình Phụng được phân công thiết kế con đường vào trường và trực tiếp thi công cùng với sinh viên. Thời kỳ này, vì được giao thêm nhiệm vụ quản lý Phòng thí nghiệm ở trường Đại học Bách khoa nên Vũ Đình Phụng phải thường xuyên đi lại như con thoi giữa Hà Nội – Hương Canh. Vì thế, để hoàn thành tốt công việc được giao, nhiều buổi ông phải đi từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Ông tâm sự: “Trong suốt quá trình đó tôi chỉ có một thân một mình, được cử đi đâu là sẵn sàng đi luôn”[6].

Thật vậy! Từ khi thông suốt tư tưởng “người cầm bút, người cầm súng” bước chân vào nghiệp giảng dạy, Vũ Đình Phụng chấp nhận dấn thân vào những khó khăn của sự nghiệp đào tạo thời chiến. Ông đã đối diện, đã vượt qua mọi thử thách bằng tinh thần của một người chiến sĩ…

Đỗ Minh Khôi

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

 Kỳ 1: Đường học gập ghềnh của cậu trò nghèo làng Thụy Lôi

 

 

 


[1][3][6] Phỏng vấn GS.TS Vũ Đình Phụng, ngày 18-11-2013

 

[2] Hiện nay là xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

 

[4] Trưởng đoàn là ông Trần Đình Bửu, sau này là GS.TS ngành Cầu đường.

 

[5] Cụm 3 nhà máy: Nhà máy cao su Sao Vàng; Nhà máy xà phòng; Nhà máy thuốc lá.