Kỳ I: Đường học gập ghềnh của cậu trò nghèo làng Thụy Lôi
Bây giờ, những cụ già miệng bỏm bẻm trầu thuốc ở thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vẫn thường lấy gương “ông Phụng” để răn dạy cháu chắt bài học về ý chí vươn lên trong nghèo khó, đạt thành tựu nhờ con đường học vấn. Nhiều cô cậu học trò nhỏ thậm chí còn chưa một lần được gặp “ông Phụng”, chỉ nghe nói ông là một vị Giáo sư Tiến sĩ người làng mình…
Tên đầy đủ của "ông Phụng" là Vũ Đình Phụng, sinh ngày 27-12-1941, là con trai cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là Vũ Đình Thính, được kết nạp Đảng năm 1945. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù bị thực dân tổ chức càn quét, lùng sục ráo riết nhưng vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng trong vai trò Chủ tịch xã, rồi Bí thư chi bộ xã Tiên Lữ (thay cho anh trai Vũ Đình Quy khi ông này bị bắt giam). Ký ức trong suốt cả tuổi thơ bữa no bữa đói của cậu bé Vũ Đình Phụng là người cha vắng nhà đi hoạt động cách mạng bí mật triền miên. Ông còn nhớ, có lần, bà mẹ tần tảo của mình đã nói vui: “Mỗi khi ông ấy về thì u lại phải đưa thêm quần áo, tiền bạc và rồi u lại đẻ ra một đứa để nuôi”. Cái “công thức” đơn giản của gia đình nhà ấy được lặp đi lặp lại cho đến khi người con thứ 10 được sinh ra. Trong vai người anh cả, dù tuổi còn nhỏ nhưng Vũ Đình Phụng đã phải cùng mẹ đứng mũi chịu sào để chăm lo cho các em.
Ngày đó, hầu khắp các cánh đồng trù phú thuộc địa phận làng Xuôi[1] trải ven bờ sông Luộc có lẽ đều in dấu chân gầy gò, nhỏ bé của Vũ Đình Phụng. Ông không ra đó để thả diều như đám bạn mà để mò cua, bắt ốc đem về làm thức ăn cho gia đình, đôi khi bắt được nhiều Vũ Đình Phụng đem bán lấy tiền trang trải việc học. Tối đến ông lại đem theo bút, vở, đèn dầu và chiếc bàn học cá nhân tới nhà thầy giáo Hổi để nghe giảng. Lớp học của thầy Hổi chỉ vỏn vẹn mươi học trò đều là con em trong làng nhưng việc học tập thì nghiêm túc vô cùng. Dưới ngọn đèn dầu leo lét tại lớp học đơn sơ này, Vũ Đình Phụng bắt đầu những nét chữ đầu tiên.
Năm 1953, cậu bé Phụng thi đỗ vào trường cấp II Tiên Lữ – đây là ngôi trường cấp II duy nhất của huyện. Lớp của ông có nhiều học sinh là con nhà địa chủ, những “cậu ấm cô chiêu” được ăn sung mặc sướng, trong khi đó ông vẫn phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi bắt cua, đến 7 giờ thì tới lớp cho kịp giờ học với cái bụng réo lên cồn cào vì đói. Thời gian này dấy lên một phong trào học tập hết sức sôi nổi giữa hai làng: Làng Xuôi và làng Hải Yến. Đám học trò nghèo làng Xuôi bảo nhau gắng sức học hành để không bị thua kém làng Hải Yến – một làng văn vật, có truyền thống học tập và kết quả Vũ Đình Phụng là người luôn đạt thành tích cao, thường đứng nhất hoặc nhì lớp.
GS.TS Vũ Đình Phụng
Năm 1956, vì ở Hưng Yên chưa mở trường cấp III nên Vũ Đình Phụng phải sang học tại thị xã Thái Bình, cách nhà 60 km. Đó là lần đầu tiên ông phải sống xa nhà. Để tiện việc học tập và sinh hoạt, Vũ Đình Phụng đã xin ở nhờ trong một gia đình ở gần trường. Tại đây, mỗi khi tan học, rời cây bút, quyển sách là ông phải hì hục lao vào công việc xay thóc, giã gạo giúp gia đình nhà chủ. Có thể nói công việc tay chân chiếm gần hết thời gian học tập ở nhà của Vũ Đình Phụng. Mệt mỏi. Nản lòng. Vũ Đình Phụng quyết nghỉ học. Một buổi chiều mùa đông, sau giờ tan học ông đi bộ một mạch từ thị xã Thái Bình về Hưng Yên. Ông về tới nhà vào khoảng 3h sáng, trong sự bất ngờ và thất vọng của mẹ, khi biết lý do muốn nghỉ học của ông. Bà nói với Vũ Đình Phụng: “Mẹ không quyết định được việc này, con nên đi hỏi bố”. Ngay lập tức, Vũ Đình Phụng lại tiếp tục đi bộ 12km lên Tỉnh đội Hưng Yên để gặp bố – lúc bấy giờ đang làm Chính trị viên Phó ở Tỉnh đội Hưng Yên – để hỏi ý kiến. Trưa hôm đó, sau khi kết thúc công việc, bố đưa Vũ Đình Phụng ra bến tàu phố Hiến và nói rằng: “Con phải đi học, không thể không đi học được!”. Sau "chuyến đào tẩu" đặc biệt không thành ấy, Vũ Đình Phụng không bao giờ còn tư tưởng bỏ học, mà càng ngày ông càng ý thức hơn về việc học của mình và tự nhủ lòng phải học thật tốt.
Năm 1957, Hưng Yên bắt đầu mở trường cấp III cũng là lúc Vũ Đình Phụng kết thúc năm học lớp 8 ở Thái Bình và chuyển về thị xã Hưng Yên để bước vào năm học lớp 9. Vũ Đình Phụng là một trong những thế hệ học sinh vừa học vừa lao động để xây dựng trường cấp III Hưng Yên đầu tiên ở khu vực Chợ Gạo. Dù được học ở quê nhà Hưng Yên nhưng do trường nằm tại thị xã nên Vũ Đình Phụng vẫn phải ở nhờ một gia đình làm nghề kéo xe thuê cùng với 2 người anh họ là Vũ Đình Mậu, Vũ Văn Khoa. Đó là một gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: “Nhà rất nghèo, chồng bỏ đi vào
Nam để lại 3 người con (2 gái, 1 trai) và một mái nhà tranh rách nát”[2]. Mặc dù vậy, bà vẫn đối xử rất tử tế, tốt bụng, và tạo điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ngủ, chỗ học tập cho "đám" học trò xa nhà. Đáp lại sự thịnh tình của bà chủ nhà lúc rảnh rỗi Vũ Đình Phụng lại dành thời gian giúp đỡ, kèm cặp các con của bà trong việc học.
Những năm học cấp III Vũ Đình Phụng thường mượn các tiểu thuyết nổi tiếng để đọc, trong đó đặc biệt thích thú với tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Sôlôkhốp. Với khả năng cảm thụ và viết văn tốt, ông tôn thờ Sôlôkhốp như một thần tượng của mình, rồi mơ ước sau này trở thành một kỹ sư Cơ khí nông nghiệp, trở về quê hương vừa làm nông trang, vừa viết văn.
Vũ Đình Phụng đã ôm ấp ước mơ đó trong suốt quãng thời gian học cấp III, nhưng như ông từng nói “cuộc đời đâu có cho thế”. Tốt nghiệp cấp III năm 1959 với thành tích học tập tốt, một phần do bố tham gia và có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, nên Vũ Đình Phụng được nhà nước cử đi học ở Trung Quốc. Sau gần 1 năm học ngoại ngữ ở trường Bổ túc ngoại ngữ tại Gia Thượng – Gia Lâm (9-1959 đến 5-1960), đầu tháng 8-1960, ông cùng với đoàn học sinh Việt
Nam lên đường sang Trung Quốc, học tại trường Đại học Đồng Tế (Thượng Hải). Chỉ trước khi đi học 1 tuần Vũ Đình Phụng mới biết mình được phân công học ngành Cầu đường và kỷ niệm trong ngày công bố ngành học cho các du học sinh Việt Nam khiến ông không thể nào quên: “Một số học sinh nữ được đi Liên Xô học ngành Hỏa táng thì ôm nhau khóc như mưa. Riêng tôi học ngành Cầu đường – tiếng Trung Quốc dịch ra là Công lộ, người ta đánh máy lại không có dấu, cho nên khi lớp trưởng đọc trước cả lớp rằng Vũ Đình Phụng học ngành Cống lỗ thì mọi người được một trận cười sảng khoái. Anh em họ trêu: Cậu đi học ngành chuột”[3].
Dù được phân công học không đúng với chuyên ngành mình ước muốn, yêu thích nhưng Vũ Đình Phụng cũng rất vui vẻ chấp hành. Sáu năm tu nghiệp ở Trung Quốc đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho cậu học trò nghèo đã từng cặm cụi mò cua bắt ốc giúp mẹ nuôi em suốt quãng đời tuổi thơ.
Đỗ Minh Khôi
[1] Nay là làng Thụy Lôi, thuộc xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
[2]; [3] Phỏng vấn GS.TS Vũ Đình Phụng, ngày 23-10-2013.