Sự lan tỏa, tạo hứng khởi trong nghiên cứu di sản





Ngày 11-10-2019, TS Nguyễn Thanh Hóa đã dành gần 3 tiếng để chia sẻ về quá trình thực hiện luận án: “Trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” với các nghiên cứu viên của Trung tâm. Đây là đề tài đã được TS Nguyễn Thanh Hóa ấp ủ, thực hiện trong một thời gian dài và đã bảo vệ thành công dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc chuyên môn) và Đại tá, TS Trần Văn Thức (Viện Lịch sử quân sự). Điều đặc biệt là luận án này lấy cảm hứng trực tiếp từ những công việc của Trung tâm với đối tượng là các trí thức, nhà khoa học trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

TS Nguyễn Thanh Hóa trình bày những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu từ luận án “Trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)”

Với nguồn tài liệu tham khảo phong phú, dày dặn được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau: văn kiện, tài liệu lưu trữ, sách, báo, tạp chí, hồi ký, ký ức, tư từ, văn bản hành chính… luận án đã phác họa lên bức tranh sinh động về bối cảnh lịch sử, hoạt động và những đóng góp quan trọng của trí thức Việt Nam trong kháng chiến. TS Nguyễn Thanh Hóa chia sẻ rất kỹ về những phương pháp được dùng trong luận án như: phương pháp lịch sử, thống kê, phân tích, phỏng vấn, xã hội học lịch sử… đồng thời liên hệ trực tiếp đến những phương pháp, quá trình thực hiện những nghiên cứu ở Trung tâm. Sự phân chia trí thức tham gia kháng chiến thành hai thế hệ: 1925 và 1945 đã dẫn tới việc phân tích các dữ kiện lịch sử về nguyên nhân tham gia kháng chiến, nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn, mức độ tham gia kháng chiến… Đây cũng là những luận điểm mới, có tính thuyết phục của luận án mà những công trình trước đây chưa đề cập đến.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy dẫn giải một số phương pháp nghiên cứu thực hiện trong luận án

Rất nhiều câu hỏi, tranh luận được đặt ra khiến cho buổi sinh hoạt khoa học trở nên sôi nổi, hào hứng. Cũng từ đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Rất nhiều vấn đề lịch sử được đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu, đó là nhiệm vụ của mỗi người ngồi đây”. Điều quan trọng hơn, nghiên cứu của luận án sẽ làm cơ sở để Trung tâm thực hiện một trưng bày lớn bằng ngôn ngữ bảo tàng về trí thức Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

TS Lưu Hùng nhấn mạnh: "Thu hoạch lớn nhất từ kinh nghiệm của TS Nguyễn Thanh Hóa đó là phương pháp làm việc. Từ thực tế đó, các bạn đồng nghiệp cùng nhìn nhận lại công việc đang thực hiện tại Trung tâm để làm cho hiệu quả"

Khép lại những chia sẻ của mình, TS Nguyễn Thanh Hóa nhắn nhủ: “Điều quan trọng của người làm nghiên cứu là mỗi chúng ta phải có cảm hứng, động lực và trách nhiệm để góp phần lý giải những vấn đề của lịch sử, xã hội”.

 Phòng Giáo dục – Truyền thông

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam