“Sự lựa chọn của lương tâm”

Con đường khoa học mà bác sĩ Nguyễn Tài Thu lựa chọn thật trong sáng, ông dành trọn tâm huyết, trách nhiệm vì người bệnh. Ở ông niềm vui, mong muốn duy nhất là chữa bệnh cho nhân dân, phục vụ đất nước, cho dù sự nghiệp khoa học của ông được đánh đổi bằng gian lao vất vả, mồ hôi và nước mắt. Song từ những khó khăn trên con đường khoa học đã rèn rũa thêm bản lĩnh của một nhà khoa học vững vàng, tâm huyết.

GS Nguyễn Tài Thu và cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 2010

Sự lựa chọn của lương tâm

Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu sinh ngày 6-4-1931 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Cuối năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Tài Thu hăng hái tham gia vào đội Quyết tử quân của của khu phố Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện làm cho ông gắn bó với sự nghiệp chữa bệnh cứu người là khi ông chứng kiến một phụ nữ bị thương nặng trên phố Hàng Gai. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó chàng thanh niên tên Thu đã nói với Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu phố Hoàn Kiếm: “Tội quá, mà em chẳng biết làm thế nào. Nước mắt chảy dòng dòng, em thương quá. Giá em là thầy thuốc thì có thể chữa cho người ta. Em nghĩ sau này độc lập, nhất định em sẽ đi học y để làm doctor, chữa bệnh cho nhân dân, chữa bệnh cho người nghèo. Nếu còn chiến tranh thì sẽ chữa cho người bị thương[1].

Đầu năm 1947, sau khi rút khỏi Hà Nội, Nguyễn Tài Thu theo Trung đoàn Thủ đô lên Việt Bắc và tham gia nhiều hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1952, Nguyễn Tài Thu đăng ký vào học trường Đại học Y khoa ở Việt Bắc. Mục đích của việc học y là để thực hiện mong muốn được chữa bệnh cứu người. Học được gần một năm, năm 1953 ông được cử sang Bắc Kinh, Trung Quốc để học về Đông y. Lúc đầu ông còn phân vân, vì thích đi Liên Xô hơn, nhưng nghĩ kỹ, ông thấy học ở đâu cũng là để phục vụ nhân dân, đất nước.

Trong suốt thời gian học ở Trung Quốc, Nguyễn Tài Thu luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tế, để sau này có thể giúp ích cho đời. Sau này, ông chia sẻ: “Học thế nào cho ngày mai trở về phải là một phần tử tích cực nhất, đắc lực nhất trong hàng ngũ của Đảng. Học lúc nào cũng phải học cho toàn diện thì mới mong phục vụ được nhân dân một cách tốt đẹp. Học gì thì học cũng phải dựa trên cơ sở của ngọn đuốc soi đường, cho cách mạng, ngọn đuốc lý luận của cách mạng Mác – Lênin”[2].

Thời gian học tập tại Trung Quốc, sinh viên Nguyễn Tài Thu tranh thủ thời gian để học thầy, học bạn. Đặc biệt ông chăm chú tìm hiểu, dành nhiều thời gian để học và ghi chép tỉ mỉ về phương pháp “Thủy châm”. Có lẽ, tình thương yêu đồng loại đã khiến cho chàng thanh niên Nguyễn Tài Thu lựa chọn theo học ngành y. Đó là sự lựa chọn của lương tâm, và ông luôn ghi nhớ, mang theo suốt cuộc đời người thầy thuốc.

Hành trình không mỏi

Năm 1959, bác sĩ Nguyễn Tài Thu trở về nước, được bộ Y tế phân công làm việc tại Hội Đông y. Ở đó, ông tích cực đem những kiến thức đã tiếp thu được ở Trung Quốc để ứng dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

Khi bác sĩ Nguyễn Tài Thu trở về, cũng là lúc đất nước đang bị chia cắt, miền Nam vẫn đang trong khói lửa chiến tranh… hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, cả thuốc tây, thuốc ta. Theo bác sĩ Nguyễn Tài Thu, thủy châm là một phương pháp sử dụng kim tiêm đưa thẳng thuốc vào huyệt, nâng cao hiệu lực của thuốc, giảm thời gian điều trị bệnh, mau chóng nâng cao thể trạng người bệnh. Phương pháp này đã được áp dụng ít nhiều ở một vài nước. Thuốc dùng cho thủy châm rẻ tiền, dễ tìm trên thị trường, thường là sinh tố B, C hoặc novocain. Chính vì sự hiệu quả của phương pháp này mà bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã tìm mọi cách phổ biến nó nhằm chữa trị cho người dân. Trong thời gian công tác ở Hội Đông y, ông không chỉ nghiên cứu thủy châm mà còn phải làm công tác tuyên truyền, vận động phát triển ngành Đông y.

GS Nguyễn Tài Thu châm cứu cho bệnh nhân, 2010

Từ năm 1959 đến năm 1969, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho những nghiên cứu về thủy châm. Ông từng tâm sự: “Sung sướng, vinh dự thay cho tập thể của mình, vinh dự thay cho bản thân tôi đã được đặt viên gạch đầu tiên xây dựng phương pháp chữa bệnh bằng thủy châm – một phương pháp có kết hợp y học dân tộc với y học thế giới mà tổ quốc ta từ xưa chưa ai nêu lên. Mồ hôi đổ xuống cho nền y học độc lập, dân tộc, đại chúng, khoa học… vất vả cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân quần chúng… ta vô cùng sung sướng trước sự tín nhiệm, tin yêu của mọi người… đẹp vô cùng lương tri của một thầy thuốc vô tư…”[3]. Ông vui mừng vì Phòng nghiên cứu Thủy châm Trung ương được thành lập vào năm 1969. Tuy nhiên đi cùng với niềm vui là trách nhiệm của một nhà khoa học. Ông tâm sự: “Nhiều người nhắc đến công lao của bản thân mình, mình càng lo lắng cho nhiệm vụ mai đây, làm thế nào để đi nốt con đường nghiên cứu cho công trình này hoàn chỉnh. Khó khăn còn nhiều lắm! Trở ngại cũng không ít, nhưng làm theo lời Đảng, có Đảng dẫn dắt, nhất là có quần chúng nhân dân ủng hộ, tin yêu, tập thể mình sẽ thành công tốt đẹp, trong đó có vinh dự của bản thân”[4].

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong châm cứu, nhưng đến những năm 1970-1980 có một số người viết đơn kiện, cho rằng những kết quả chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Tài Thu không có căn cứ khoa học. Lúc đó ông như bị suy sụp: “Có lúc tôi bị dồn vào chân tường. Họ bài bác phản đối làm mất danh dự của tôi. Làm thầy thuốc mà kết quả chữa bệnh không được thừa nhận. Làm người nghiên cứu mà phương pháp đưa ra bị bài bác thì còn gì đau đớn hơn. Có lúc cảm thấy bế tắc, khủng hoảng tinh thần. Tôi không muốn sống nữa. Đời sống vật chất khổ, mình còn có thể chịu được. Nhưng đời sống tinh thần luôn bị dồn nén thì tôi cảm thấy mệt mỏi quá. Song tôi nghĩ lại thấy thấy thật vô lý: mình có trái tim trong sáng, sống hết lòng vì người bệnh, không có tham vọng, không tính toán cá nhân, tại sao mình lại gục ngã trước những người nham hiểm ấy. Tôi lại tiếp tục vùi đầu vào nghiên cứu, chữa bệnh cho người nghèo, ra chiến trường cứu giúp thương binh”[5].

Trước những hoàn cảnh khó khăn, con người thường bộc lộ những khả năng đặc biệt. Trường hợp này rất đúng với bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Trong thời gian học tập tại Trung Quốc, có những vấn đề bác sĩ Nguyễn Tài Thu phải bỏ dở giữa chừng vì chưa có điều kiện, về nước ông tiếp tục mày mò, tự nghiên cứu để có thể đáp ứng được hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Xuất phát từ sự ám ảnh, tình thương đối với người bệnh mà bác sĩ Nguyễn Tài Thu luôn suy nghĩ, sáng tạo ra những phương pháp mới để phục vụ nhân dân, bộ đội. Một trong những sáng tạo đó của bác sĩ Nguyễn Tài Thu là sử dụng phương pháp châm tê để phẫu thuật cho thương binh. Phương pháp châm tê để mổ là một sáng tạo lớn, có giá trị lớn về mặt thực tiễn Việt Nam. Theo ông, Trung Quốc là đất nước không có chiến tranh kéo dài nên nội thương là chính, việc chọn huyệt để châm thường ở chân tay, khiến cho khi phẫu thuật ở ngực, bụng không vướng víu vì vấn đề châm. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam, có nhiều vết thương ở chân tay, muốn châm tê để mổ thì phải chọn huyệt ở gần trên ngực, trên cổ hoặc phía trên cánh tay, phía bụng thì mới phẫu thuật chân tay được dễ dàng. Mặc dù cơ sở là như vậy nhưng để nghiên cứu và thực hành được thì cần rất nhiều thời gian và công sức.

Trước thực tế như vậy bác sĩ Nguyễn Tài Thu rất lo lắng. Ông luôn coi đó là một nhiệm vụ, một trách nhiệm của bản thân ông – một thầy thuốc. Thậm chí những dòng nhật ký vào ngày sinh nhật của mình (6-4-1972), ông cũng không quên nhắc nhớ nhiệm vụ: “Hôm nay kỷ niệm ngày mình ra khỏi lòng mẹ với một tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ vì bệnh nhân… Kết quả bước đầu đã làm mình phấn khởi và bớt lo lắng hơn: những bệnh nhân liệt từ 3-4 năm đã có những biến chuyển rõ ràng, những bệnh nhân liệt mới đã có 3 người đi lại được, các bệnh nhân đau thần kinh, các cháu liệt đều có kết quả…[6]. Những nỗ lực trong nghiên cứu của ông cuối cùng cũng có kết quả. Ngày 12-5-1972, sau 18 trường hợp thực hành châm gây tê để mổ trên cơ thể bác sĩ, y sĩ, học viên và trên một số bệnh nhân, ông đã châm tê để làm thủ thuật vùng bụng thành công. Đây là ca châm gây tê để tiến hành thủ thuật vùng bụng đầu tiên ở Việt Nam. Với bước ngoặt quan trọng này, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã mở ra một trang mới cho nền châm cứu Việt Nam, đặc biệt là có thể phục vụ những thương binh trong hoàn cảnh chiến tranh.

Năm 1972 là năm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, số thương binh tại chỗ và thương binh được đưa từ miền Nam ra rất nhiều. Cứu chữa cho những thương binh này là nhiệm vụ chung của tất cả các bác sĩ Đông, Tây Y. Khi đó bác sĩ Nguyễn Tài Thu đang thực hiện đề tài nghiên cứu mới về châm tê để mổ, những kiến thức học được trong thời gian ở Trung Quốc (1953-1958) không giúp ích được nhiều cho ông. Cũng năm tháng ác liệt này ông đang cứu chữa bệnh cho thương binh ở Viện Quân y 9, Đầm Vạc, Vĩnh Yên. Do tình hình thực tế của đất nước nên ông tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp châm cứu sao cho có hiệu quả nhất. Ông đã thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Có trường hợp chiến sĩ bị thương ở mắt, phải phẫu thuật sớm nhất có thể. Nhưng việc châm tê thế nào cho đúng các huyệt ở mặt, ở các mạch máu, làm cho tê vùng mắt để có thể phẫu thuật là một chuyện không hề đơn giản. Đứng trước bài toán như vậy ông đã phải thức cả đêm để thử nghiệm, châm tê lên các huyệt ở mặt mình. Cứ như vậy, từ mỗi trường hợp thương binh, từ mỗi ca phẫu thuật, từ cách thử nghiệm trên chính các huyệt của cơ thể mình mà ông có thể tìm ra những phương pháp, kinh nghiệm để phục vụ công tác cứu chữa bệnh và giảng dạy cho những bác sĩ khác.

Cũng trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đi cứu chữa cho thương binh hết nơi này đến nơi khác, khi thì lăn lộn trong tiếng súng và lửa đạn ở Hải Phòng, khi làm việc tại Hà Nội, nhưng nơi ông đến và dừng chân nhiều nhất là Quân y viện 109, Đầm Vạc, Vĩnh Yên. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Tài Thu vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, vừa cứu chữa thương binh và vừa mở lớp huấn luyện cho các bác sĩ, y tá có thể châm cứu. Ông vẫn còn nhớ như in ca phẫu thuật đặc biệt cho một thương binh trẻ tên Luận, 19 tuổi. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 20-12-1972, tiến hành kết xương đùi bị gẫy. Đây là phẫu thuật lớn ở chân bằng phương pháp gây mê toàn thân và có thể xảy ra tử vong.

Đó là một ca mổ lớn mà ông chưa bao giờ thực hiện, gây kích động mạnh tới bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ tiến hành khoan tủy xương, đóng đinh dài 30cm – 40cm, đường kính 30mm – 40mm vào ống xương đùi của người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Tài Thu mô tả: “tiếng khoan ken két máu phun đầy, tiếng gõ chan chát rung cả toàn thân bệnh nhân, làm mình vô cùng căng thẳng, càng hết sức điều khiển cuộc châm sao cho thương binh không đau, không choáng[7]. Ngoài việc trực tiếp chỉ đạo gây tê, ông còn làm công tác tư tưởng, giúp bệnh nhân có cảm giác yên tâm để ca mổ thực hiện được thuận lợi: “Cố chịu đựng một tí nữa nhé! Đấy là đóng đinh để kết hai đầu gẫy của xương đấy! Đừng cựa quậy nhé! Có mỏi chân thì cố gắng một chút, chỉ 5 phút nữa thôi, cố ngủ đi Luận ạ[8]. Ca mổ diễn ra thành công, mở ra cả một thời kỳ cho chuyên ngành châm tê để mổ ở nước ta, đem lại cho bác sĩ Nguyễn Tài Thu nhiều cảm xúc.

Thành công của phương pháp châm tê để mổ đã giúp cứu chữa nhiều thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nó giúp các thương binh hồi phục nhanh, ít tổn hại tới sức khỏe, giảm thiểu tác hại so với việc dùng thuốc mê khi mổ. Thành công này bắt nguồn từ quá trình tự tìm tòi, thực hành trên cứu chữa cho thương binh trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Từ thực tiễn này, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, sau này ông đã áp dụng cơ chế châm tê một cách hiệu quả để điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy. Với cách học và thực nghiệm như vậy, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã nghiên cứu thành công đề tài "Châm tê để mổ" trong năm 1972, ông vui sướng vì mình là người châm tê để mổ những ca đầu tiên ở Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thương binh bị thương từ mặt trận phía Nam được gửi ra miền Bắc rất nhiều, phần lớn họ bị thương do bom Napan, bị thương ở chân tay, mặt, mắt… rất đau đớn. Để tiến hành phẫu thuật, phải tiêm thuốc giảm đau như mocphin, dolagam. Sử dụng nhiều thuốc giảm đau có thể gây nghiện, giống như nghiện ma túy. Bằng phương pháp châm tê để mổ, ông có thể mổ và làm giảm đau cho thương binh mà không gây nghiện moocphin mỗi khi họ bị đau.

Hòa bình lập lại trên cả nước, trước thực tế nhiều người nghiện ma túy, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã áp dụng phương pháp châm tê để chữa cai nghiện. Cơ chế của phương pháp này là dưới sự điều khiển của vỏ não, cơ thể tự sản sinh chất moocphin nội sinh để điều tiết sự cân bằng của các tạng phủ. Khi dùng ma túy tức là đưa vào cơ thể một chất moocphin, vì tất cả các chất ma túy vào cơ thể đều chuyển hóa thành moocphin làm tê liệt chức năng tự xả chất của moocphin nội sinh, nếu không cung cấp thường xuyên để đảm bảo hoạt động bình thường của các tạng phủ thì sẽ gây ra triệu trứng gọi là lên cơn nghiện. Khi châm cứu đúng các vị trí trên cơ thể khoảng 20-25 phút thì cơ thể sẽ tiết ra chất moocphin nội sinh, làm giảm đau và giảm lên cơn nghiện, châm một ngày ba lần và đều đặn theo thời gian thì có thể cai nghiện được ở người. Phương pháp này đã được GS Nguyễn Tài Thu đúc rút từ những năm tháng chiến tranh và trở thành một phương pháp ứng dụng rộng rãi, hữu hiệu trong xã hội để cai nghiện đối với những trường hợp bị nghiện.

Không những tập trung vào chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Tài Thu còn rất quan tâm tới việc tạo dựng một cơ sở y tế khám, chữa bệnh bằng chuyên môn Đông Y. Tháng 4-1982, Bộ Y tế cho phép thành lập Viện Châm cứu, bác sĩ Nguyễn Tài Thu được cử làm Viện trưởng. Để xây dựng cơ sở Viện Châm cứu, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp cho một mảnh đất ở phố Thái Thịnh – một cánh đồng trũng, lầy lội. Đứng trước những khó khăn về kinh phí, trang thiết bị xây dựng bệnh viện, tưởng chừng không thể vượt qua nhưng bác sĩ Nguyễn Tài Thu vẫn quyết tâm cùng đồng nghiệp thực hiện ước mơ là xây dựng một Viện Châm cứu. Ông đã dùng tiền trong những năm đi giảng bài tại Pháp, đi xin từng chiếc giường bệnh, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cùng các học trò góp công, góp sức xây dựng nên Viện Châm cứu.

Cho đến năm 1990 thì Viện Châm cứu đã có “hình hài” và đi vào hoạt động, từ đó bác sĩ Nguyễn Tài Thu có điều kiện tập trung chữa bệnh, cứu người. Thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, ông đã mở các lớp đào tạo tại Viện, tiến hành giảng bài cho các cán bộ ở trong nước. Chỉ tính riêng việc đào tạo ông cũng đã hướng dẫn thành công hàng chục người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và nhiều bác sĩ chuyên khoa cấp 1. Ngoài việc đào tạo ở trong nước, ông còn đi nhiều nước khác để chữa bệnh, giảng bài, truyền đạt kinh nghiệm cho các nước bạn: Ý, Uzebekistan, Pháp, Mehico… đặc biệt ông còn hợp tác với trường đại học Mehico để đào tạo 30 thạc sĩ về chuyên ngành Châm cứu.

Để phổ biến rộng rãi sở học và kinh nghiệm, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã viết nhiều sách về về châm cứu. Một số cuốn sách do ông là tác giả hoặc đồng tác giả đều có giá trị thực tiễn và lý luận cao, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu học tập và thực hành của các sinh viên và học viên. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến những cuốn sách: Nhĩ châm. Thuỷ châm. Mai hoa châm (đồng tác giả), Nxb Y học và Thể dục Thể thao, 1969; Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Nxb Y học, 1975; Châm tê trong ngoại khoa chiến thương (đồng tác giả), Nxb Y học, 1984; Châm cứu chữa bệnh, Viện Châm cứu Việt Nam, 1984; Châm cứu ở tuyến cơ sở, Nxb Y học, 1987…

“Đức tâm là cái gốc sâu vững của tài năng”

Còn nhớ lần gặp đầu tiên, khi GS Nguyễn Tài Thu chưa biết về Trung tâm, ông tưởng chúng tôi là bệnh nhân nên hỏi: “Các cháu khám gì, chờ chú một chút nhé”. Chất giọng ông đầm ấm, đều đều, nhưng đầy tình thương của một người thầy thuốc. Quả thực, tôi chắc chắn rằng đối với ai, Giáo sư cũng ân cần và nhẹ nhàng như vậy. Nhiều lần ông nhấn mạnh: “Chỉ có tình cảm là vô tư chân thật mới đưa người ta gần lại với nhau”. Đó cũng là nguyên tắc sống của ông.

Tâm sự với chúng tôi, Giáo sư đã nhấn mạnh đạo đức của một thầy thuốc, rằng cái “tâm” kia mới là cái gốc của khoa học: “Đức tâm là cái gốc sâu vững của tài năng”. Cả cuộc đời ông, từ ước muốn đi học, cho tới thành lập Phòng nghiên cứu Thủy châm, rồi Viện Châm cứu Trung ương đều vì tâm huyết với nghề, vì khát vọng chữa bệnh cho người nghèo, cho thương binh, vì sức khỏe nhân dân. Tại phòng làm việc của mình, Giáo sư treo một bức tranh chữ, trên đó có hai chữ rất đẹp: chữ “Phật” và chữ “Tâm”. Giáo sư chia sẻ: “Động đến tâm thì tự nhiên mình tìm cách chữa cho người bệnh…Nếu có tâm thì dù mình chỉ có dăm ba nghìn trong túi, mình cũng có thể bỏ ra cho được, nhưng nếu không có tâm, không có tình thương con người thì dù giàu, cũng không sẵn lòng bỏ tiền ra, chia sẻ”. Ông luôn làm việc với tâm niệm: “Lương y như từ mẫu, trong tim của mình đã phải có chữ tâm thì tự nhiên mình sẽ nghĩ đủ cách chữa trị cho người bệnh. Nếu không có chữ tâm, cứ khi nào thuận lợi thì mình chữa, không thuận lợi thì mình bỏ ngay[9].

Lấy tình thương của con người làm gốc, bởi vậy đối với Giáo sư Nguyễn Tài Thu những tấm huân chương, những tấm bằng khen không phải là phần thưởng cao nhất, mà phần thường cao quý nhất là tình yêu nhân dân dành cho ông. Niềm vui chữa bệnh cứu người chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông. Như ông đã từng tâm sự con gái qua tnhững dòng nhật ký: “Mỗi khi người bệnh mỉm cười với bố, là bố nhận được cả tình đời chan chứa. Bố đang mải miết làm việc không mệt mỏi vì những nụ cười trên môi người bệnh đau đớn, khổ nghèo. Bởi vì những nụ cười ấy đã truyền sức sống cho bố, niềm tin cho bố. Bố không bao giờ quay mặt đi trước nỗi đau của con người. Họ đau đớn, khổ cực cũng như mình đau đớn khổ cực thôi Hương ạ. Trên đời này, kẻ tàn nhẫn nhất là kẻ làm ngơ trước nỗi đau của người khác”[10].

Trong quá trình khám chữa bệnh, Giáo sư Nguyễn Tài Thu không lấy tiền của trẻ em nghèo, của người nghèo, của thương binh, của người già cô đơn. Ông từng nói vui với chúng tôi rằng: “Giáo sư Tài Thu là thầy thuốc của người nghèo, bệnh viện nơi Giáo sư lãnh đạo là bệnh viện của người nghèo…”. Một đời tự học, sáng tạo, một đời lăn lộn vất vả với nghề nghiệp, âu cũng là tình yêu với đất nước, tình cảm với nhân dân, tình thương với người bệnh. Ông luôn lấy đó làm vui và tâm niệm rằng: “Còn gì vui hơn trước công việc bảo vệ sức khỏe cho dân nghèo, còn gì vui hơn trước sự tin cậy, yêu mến của người bệnh”[11]. Đã ở tuổi bát tuần, với chặng đường dài cống hiến cho y học, ông càng khẳng định sự mách bảo của lương tâm là một sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời, sự nghiệp của ông.

 Nguyễn Thanh Hóa

[1] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Tài Thu, 17-2-2009, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký Việt Bắc – Bắc Kinh (viết tay), 1955-1956, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Tài Thu, 17-2-2009, tài liệu đã dẫn.

[4] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký tập 5 (1969-1971), tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Tài Thu, 17-2-2009, tài liệu đã dẫn.

[6] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký tập VI (1971-1977), tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký tập VI, tài liệu đã dẫn.

[8] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký tập VI, tài liệu đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Tài Thu, 17-2-2009, tài liệu đã dẫn.

[10] Nguyễn Tài Thu, Nhật ký tập VI, tài liệu đã dẫn.

[11] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Tài Thu, 17-2-2009, tài liệu đã dẫn.