Sức rồi sẽ kiệt nhưng tâm vẫn trường tồn

Học là để trả ơn

Sinh năm 1940 tại Hưng Yên nhưng quê quán của GS.TSKH Nguyễn Tài Lương lại ở Lý Nhân, Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa, năm 1958 Nguyễn Tài Lương thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội. Ông được lựa chọn sang Liên Xô học đại học. GS Nguyễn Tài Lương đã chia sẻ: “Được nhà nước lựa chọn và cho đi học tập ở Liên Xô lúc đó là một niềm vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng không nhỏ. Mình ra đi là nhận nhiệm vụ học tập để khi về sẽ góp phần xây dựng đất nước. Chính vì vậy mà mình luôn tự đặt mục tiêu là phải học thật tốt để trả ơn những người đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tạo điều kiện cho mình đi học ”[1]

Trong 5 năm học tập tại khoa Sinh, Trường Đại học Tổng hợp Metnhikova Odetxa, Liên Xô, Nguyễn Tài Lương luôn đạt kết quả tốt, được bạn bè và các thầy cô giáo quan tâm và đánh giá cao. Theo chương trình học thì hè năm thứ tư các sinh viên được phân bổ đi thực tập tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu trong Liên bang Xô viết để năm cuối làm luận án tốt nghiệp. Nguyễn Tài Lương được phân công về thực tập tại Viện Sinh lý học thuộc Viện Hàn lâm Y học Kiev và được GS.TS Potshibakin.A.K hướng dẫn. Ông kể về cái “may” trong nghiên cứu khoa học của bản thân: Buổi đầu tiên được gặp GS.TS Potshibakin A.K. –một nhà sinh lý học nổi tiếng mà công trình nghiên cứu về cơ chế châm cứu của ông báo cáo tại Hội nghị Y học quốc tế năm 1954 tại Viên (thủ đô nước Áo) được các giáo sư Trung Quốc và Triều Tiên đánh giá là cơ sở khoa học cho thực hành châm cứu phương Đông. Sau khi trò chuyện, thầy hỏi tôi ở Việt Nam có châm cứu không? Do bố tôi là bác sĩ nên tôi có biết chút ít về y học qua bố, tôi trả lời thầy là ở Việt Nam có nhiều người châm cứu giỏi, có người còn chữa bệnh bằng cách đấm lưng. Thầy liền hỏi “tại sao đấm lưng lại khỏi bệnh”? Tôi lúng túng trả lời là họ “đấm lung tung” có khi trúng huyệt thì khỏi. Câu trả lời của tôi có lẽ được thầy thích thú và nhận tôi làm học trò” [2]. Trong quá trình nghiên cứu, sau nhiều lần theo dõi và phân tích thí nghiệm, Nguyễn Tài Lương đã phát hiện mối tương quan giữa nồng độ axit của dạ dày với biến đổi điện thế và nhiệt độ của huyệt vị du ở ngoài da. Từ đó, ông đề xuất phương pháp kiểm tra dịch vị mới bằng cách đo nhiệt độ và điện thế của huyệt vị du ở ngoài da để có thể biết được nồng độ axit HCl trong dạ dày.

 

Nguyễn Tài Lương (bên trái phía trước) trong phòng mổ với GS Faitelberg R.O., Odetxa,1962 

Năm 1965, Nguyễn Tài Lương bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài “Phản xạ năng lượng của dạ dày lên các huyệt ngoài dado GS.TS Potshibakin A.K. hướng dẫn. Luận văn của ông được Hội đồng khoa học đánh giá cao và được đề nghị chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh hoặc công tác tại các Viện nghiên cứu khoa học.

Cuối năm 1965, Nguyễn Tài Lương được nhà nước cho sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tiếp tục học tập tại trường cũ, ông được GS.TS Y học Faitelberg. R.O. – một Giáo sư uy tín nhận hướng dẫn làm luận án Phó Tiến sĩ. Sau 3 năm miệt mài, Nguyễn Tài Lương đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Hoạt động hấp thu của ruột non trong trường hợp bệnh lý và phẫu thuật các cơ quan nội tạng”. Một lần nữa, luận án của Nguyễn Tài Lương lại được đánh giá xuất sắc và được đề xuất nâng cao làm luận án Tiến sĩ. “Trong buổi bảo vệ luận án, Viện sĩ Ugolev A.M. – Chủ tịch Hôi Sinh lý tiêu hoá toàn Liên Xô đánh giá: “Luận án Phó Tiến sĩ của Nguyễn Tài Lương về nhiều mặt đã gần luận án Tiến sĩ”. Còn GS.TS Ph.I Zambribor Chủ nhiệm khoa khẳng định “Nguyễn Tài Lương chỉ cần lưu lại 3 tháng để bảo vệ luận án này ở mức tiến sĩ ” [3]. Năm 1968, Nguyễn Tài Lương được ông Nguyễn Thọ Chân – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên Xô khen thưởng vì đạt được thành tích tốt trong học tập và rèn luyện tư tưởng.

Dù được đề xuất ở lại làm luận án Tiến sĩ, nhưng do điều kiện trong nước thời kỳ đó đang cần cán bộ chuyên môn nên Nguyễn Tài Lương về nước công tác tại Viện Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Hai năm sau, Nguyễn Tài Lương được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp và năm 1974 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về “Cơ chế hoạt động hấp thu của ruột non trong trường hợp cắt lìa, cắt bỏ từng phần, kích thích từng cơ quan nội tạng riêng biệt[4]. GS Nguyễn Tài Lương chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì được học liên tục ở Liên Xô trong khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Và đó chính là động lực để tôi luôn cố gắng nỗ lực không ngừng trong học tập và cả trong nghiên cứu khoa học” [5].

Đưa khoa học vào đời sống

Cuối những năm 1970, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhà nước thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học “Sinh học phục vụ nông nghiệp”, TS Nguyễn Tài Lương là thành viên Ban chủ nhiệm chương trình. Đây là một chương trình khoa học lớn với quy mô quốc gia, tập hợp nhiều nhà sinh học ở các cơ quan khác nhau cùng tham gia. Một nội dung quan trọng được giao cho TS Nguyễn Tài Lương, Trưởng phòng Sinh lý – Hóa sinh người và động vật, Viện Sinh vật, Viện Khoa học Việt Nam là nghiên cứu và sản xuất các loại thức ăn phục vụ ngành Chăn nuôi.

Tháng 3-1980 Thủ tướng Phạm văn Đồng làm việc với Viện Khoa học Việt Nam, thăm phòng thí nghiệm do TS Nguyễn Tài Lương phụ trách. Sau khi nghe báo cáo kết quả nghiên cứu và xem một số sản phẩm của phòng, Thủ tướng đã quyết định cho xây dựng Xưởng sản xuất các sản phẩm phục vụ Nông nghiệp và Y tế.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam tham quan Phòng thí nghiệm , năm 1980 (Trái qua phải: TS Nguyễn Tài Lương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, TS Nguyễn Văn Hiệu, TS Nguyễn Văn Đạo)

Trên cơ sở đó năm 1982, Trung tâm Sinh lý-Hóa sinh người và động vật thuộc Viện Khoa học Việt Nam được thành lập, tách khỏi Viện Sinh vật, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. TS Nguyễn Tài Lương được bổ nhiệm làm Giám đốc. Trong buổi lễ thành lập Trung tâm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học Kỹ thuật đã đến dự và giao nhiệm vụ cho Trung tâm: “Các đồng chí hãy ra sức cụ thể hóa, xác định các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, đẩy mạnh công tác nghiên cứu dinh dưỡng học, các quy luật phát triển, sinh sản của người và động vật… Chú trọng: đi sát với thực tiễn của con người Việt Nam, của các quần thể động vật của nước ta; kết hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu và công tác ứng dụng vào sản xuất; qua thực tế công tác nghiên cứu mà đào tạo cán bộ thật tốt”[6].

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đại tướng, Nguyễn Tài Lương cùng các đồng nghiệp đã từng bước xây dựng Trung tâm lớn mạnh, kết hợp nghiên cứu và sản xuất, đưa nghiên cứu sinh học vào việc sản xuất thức ăn cho vật nuôi. Nhiều sản phẩm ra đời và đưa vào sản xuất như: Tramvina (thức ăn viên cho cá), Vitacho (thức ăn tăng sữa cho lợn nái), Phimivilan (thức ăn chống còi cho lợn con), Sinsưmin (thức ăn tăng trọng cho lợn thịt), Vimiga (thức ăn tăng trọng cho gà), Cacbami (thức ăn tăng sữa cho bò) … và Ravina (thức ăn cho rắn hổ mang). Những thành công trong các nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất chăn nuôi. Câu chuyện ấn tượng nhất đối với GS.TSKH Nguyễn Tài Lương trong quá trình nghiên cứu thức ăn tổng hợp cho động vật đó là nghiên cứu và sản xuất thức ăn để nuôi rắn độc.

Đầu những năm 1980, vùng quanh xã Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) xảy ra một chuyện lạ: những con cóc ngày thường vẫn thấy nhiều trong các xó xỉnh bỗng dưng biến mất dần. Sự “mất tích” của những con cóc tạo cơ hội cho côn trùng phát triển làm hại đến mùa màng. Tìm hiểu mới biết nguyên nhân do hợp tác xã nuôi rắn làng Lệ Mật đã thuê học sinh và dân làng đi bắt cóc về để làm thức ăn cho rắn. Việc “tận thu” cóc làm mồi nuôi rắn gây nên sự mất cân bằng sinh thái đã đặt ra một câu hỏi từ các nhà khoa học: Làm sao để vẫn phát triển nghề nuôi rắn mà không làm “diệt vong” các động vật khác? Trăn trở với câu hỏi về tình hình nghề nuôi rắn ở làng Lệ Mật, ông đã cùng các đồng nghiệp bắt tay vào việc nghiên cứu sản xuất thức ăn tổng hợp cho rắn hổ mang. Theo quy trình nghiên cứu sản xuất thức ăn cho vật nuôi thì việc đầu tiên là phải hỏi nó cần chất dinh dưỡng gì tức là phải phân tích thành phần, tính chất các chất có trong dạ dày của chính loài vật nuôi đó. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và những kiến thức được đào tạo chuyên sâu ở Liên Xô về cơ chế tiêu hoá hấp thu, Nguyễn Tài Lương tìm đến gặp GS.TSKH Trần Kiên, một chuyên gia nghiên cứu về rắn hổ mang ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để trao đổi và được biết thức ăn ưa thích nhất của rắn hổ mang là cóc và chuột. Trong 2 loại thức ăn thì cóc là thức ăn mà rắn hổ mang ưa thích nhất. Qua phân tích đa lượng và vi lượng và các thành phần hóa học khác trong thịt cóc, Nguyễn Tài Lương cùng các đồng nghiệp đi đến kết luận: Rắn thích ăn các thức ăn có hàm lượng kẽm cao để củng cố nọc độc của nó. Qua tài liệu tham khảo cho biết trên thế giới người ta mua nọc rắn đều phải phân tích hàm lượng kẽm (Zn) có trong nọc rắn, nếu hàm lượng Zn càng cao thì nọc càng đắt giá. Từ nghiên cứu trên, Nguyễn Tài Lương và các đồng nghiệp đã sản xuất ra được một loại thức ăn cho rắn hổ mang có hình thù giống trứng chim cút và có thành phần các chất tương tự như thịt cóc và đặt tên là Ravina (Rắn Việt Nam). Sau khi thử nghiệm thành công tại hợp tác xã nuôi rắn Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc Vĩnh Phúc), Nhóm nghiên cứu công bố kết quả thì một số cơ quan và nhà khoa học đã phản đối vì cho rằng tập tính săn mồi động của rắn là không thể thay đổi. Chỉ sau khi mời đoàn làm phim lên trại rắn Vĩnh Sơn tham quan và quay một bộ phim tư liệu về việc nuôi rắn hổ mang bằng thức ăn tổng hợp. Hình ảnh rắn hổ mang bò ra ăn thức ăn Ravina đã phần nào thuyết phục được các nhà nghiên cứu và những người làm nghề nuôi rắn. Thức ăn Ravina được trại rắn Vĩnh Sơn, rồi sau đó là một số trại rắn khác ký hợp đồng tiêu thụ và Trung tâm Sinh lý – Hóa sinh người động vật tiến hành chuyển giao công nghệ và phổ biến sản xuất và sử dụng loại thức ăn này. Kết quả nghiên cứu đó bắt đầu được báo chí đánh giá cao: “Từ thành công này, ta có thể chủ động được nguồn thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cho rắn, có thể thay đổi được thành phần của thức ăn cho phù hợp với từng loại giống, tuổi và các giai đoạn phát triển của rắn”[7]. GS.TSKH Trần Kiên, người từng hợp tác nghiên cứu đánh giá: “Việc nuôi rắn bằng thức ăn tổng hợp có ý nghĩa lớn, có thể coi là một bước ngoặt trong nghề nuôi rắn. Nhờ đó, nguồn thức ăn cho rắn ít phụ thuộc vào thiên nhiên, rắn không bỏ lại những con mồi có kích thước không phù hợp. Có thể sản xuất hàng loạt các thức ăn có chất lượng và hình thức theo ý muốn, và như thế có thể công nghiệp hóa nghề nuôi rắn”[8]. Cũng từ chương trình nghiên cứu này, GS Nguyễn Tài Lương đã hướng dẫn Ngô Thị Kim, năm 1986 hoàn thành luận án Tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học tạo thức ăn hỗn hợp nuôi rắn độc Naja Naja Linnaeus”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và làm việc với Trung tâm Sinh lý-Hóa sinh người và động vật, năm 1982. TS Nguyễn Tài Lương (ở giữa hàng bên phải)

Không chỉ nghiên cứu về thức ăn tổng hợp phục vụ chăn nuôi, về sau, GS Nguyễn Tài Lương còn nghiên cứu thêm các thực phẩm chức năng phục vụ sức khỏe cộng đồng. Chế phẩm thực phẩm chức năng tăng lực Amorvita Hải sâm, Rabiton do ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu và được Công ty dược phẩm Traphaco sản xuất đã góp phần tích cực vào thành tích của các vận động viên Việt Nam. GS.TS Dương Nghiệp Chí -Viện trưởng Viện khoa học Thể dục thể thao nhận xét: “ Công trình nghiên cứu này không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, mà còn mở ra một triển vọng tốt đẹp trong việc khai thác bổ sung các thực phẩm-thuốc sẵn có ở Việt Nam phục vụ cho các vận động viên Việt Nam. Hiện nay các viên nang Amorvita Hải sâm được Bộ Y tế công nhận là sản phẩm hàng hoá và được Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích” [9].

Tâm vẫn trường tồn

Hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Nguyễn Tài Lương đã công bố hơn 150 công trình khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế, biên soạn và chủ biên 3 cuốn sách chuyên khảo về sinh học. Phần lớn các công trình nghiên cứu sinh học của ông đều thuộc lĩnh vực chuyên môn Sinh lý-Hóa sinh người và động vật, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn chăn nuôi và tạo các thực phẩm chức năng góp phần tăng cường và bảo vệ sức khỏe con người. Nghiên cứu kết hợp với ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở, GS Nguyễn Tài Lương cùng các đồng nghiệp đã chế tạo ra hàng chục loại thức ăn tổng hợp và thức ăn bổ sung cho các loại vật nuôi và một số loại thực phẩm chức năng phục vụ sức khỏe cộng đồng. Đó là một thể hiện cho khát vọng phục vụ nhân dân của ông: “Cả cuộc đời tôi luôn mong rằng mình làm được càng nhiều việc cho nhân dân, cho xã hội càng tốt. Vì đó là một sự trả ơn xứng đáng với sự hi sinh của những người đã nằm xuống cho chúng tôi có điều kiện học tập và nghiên cứu”[10]. Đồng thời, GS Nguyễn Tài Lương không quên việc kết hợp nghiên cứu với đào tạo cán bộ. Dù bận rộn với công việc chuyên môn, quản lý Trung tâm và cả khi là đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội rồi Đại biểu Quốc hội khóa khóa XI, GS Nguyễn Tài Lương vẫn quan tâm nhiều đến việc đào tạo các thế hệ cán bộ kế cận. GS Nguyễn Tài Lương đã hướng dẫn chính 17 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và tham gia với tư cách chủ tịch hoặc uỷ viên Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, sinh học và y học. Ông còn tham gia nhiều hoạt động khoa học trong Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Tổng Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Khát vọng phục vụ nhân dân trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Như ông từng nói: “Sức rồi sẽ kiệt nhưng tâm vẫn trường tồn”[11].

Bùi Minh Hào

[1] Trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Tài Lương ngày 5-12-2010.

[2] Như trên.

[3] Như trên.

[4] Những thông tin về đề tài bảo vệ luận văn đại học, luận án PTS và luận án TS đều lấy theo hồ sơ lý lịch khoa học của GS.TSKH Nguyễn Tài Lương lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Tài Lương ngày 5-12-2010.

[6] Lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tham dự lễ thành lập Trung tâm ngày 5-6-1982. Trích trong Lưu niệm đời tôi của GS.TSKH Nguyễn Tài Lương. Tài liệu tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Đoàn Đức. “Nuôi rắn hổ mang bằng thức ăn tổng hợp”. Báo Quân đội Nhân dân, số 7251, ngày 16-8-1981.

[8] Trần Kiên.“Nuôi rắn hổ mang lấy nọc”. Báo Quân đội Nhân dân, số 7312, ngày 17-10-1981.

[9] GS.TS Dương Nghiệp Chí: “Hải sâm-chế phẩm thực phẩm – thuốc tăng lực cho vận động viên”. Tạp chí Khoa học & Công nghệ của Thông tấn xã VN, số 47(1095) 20-11-2003.

[10] Trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Tài Lương ngày 5-12-2010.

[11] Như trên.