Năm 2011, NNC Lại Nguyên Ân đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khối tư liệu cá nhân của ông cùng những tư liệu về người bạn thanh niên xung phong Trần Văn Thùy, nay ông tìm lại được những bức thư mà ông đã gửi cho Trần Văn Thùy, đối với ông đó là những kỷ vật rất quý giá về tình bạn giữa hai người.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và ông Trần Văn Thùy vốn là những người bạn cùng quê (Hà Nam), học với nhau thời phổ thông và đều yêu thích văn học, nhưng do hoàn cảnh, sau khi tốt nghiệp phổ thông mỗi người một nơi, người thì vào Đại học, người tham gia Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Trong khoảng thời gian ấy, đôi bạn tri kỷ này vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau, chia sẻ về tình hình văn học trong và ngoài nước, tình hình chiến đấu ở chiến trường. Sau khi giải ngũ, Trần Văn Thùy về Hà Nội, thi vào Đại học Giao thông vận tải và có nhiều năm công tác trong ngành này. Năm 2002, ông Trần Văn Thùy mất, gia đình đã trao cho NNC Lại Nguyên Ân toàn bộ nhật ký và những bức thư Lại Nguyên Ân gửi cho Trần Văn Thùy trước đó. Với tình bạn gắn bó từ nhỏ cũng như với tư cách là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, NNC Lại Nguyên Ân đã cho xuất bản những cuốn nhật ký này vào năm 2011 với tiêu đề “Nhật ký thanh niên xung phong Trường Sơn 1965-1969. Sau khi cuốn sách được xuất bản, NNC Lại Nguyên Ân đã trao tặng lại những cuốn nhật ký viết tay của ông Trần Văn Thùy cùng những bức thư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Vừa qua, ông tìm lại được những bức thư mà ông gửi cho Trần Văn Thùy và tiếp tục trao tặng Trung tâm lưu giữ để bộ sưu tập này được đầy đủ.
Những bức thư trên được viết vào nhiều thời điểm khác nhau (1964-1968), ghi lại những suy nghĩ, những biến động về văn học trong cũng như ngoài nước, tình hình chính trị xã hội qua con mắt của một sinh viên Văn khoa. Ngoài ra, NNC Lại Nguyên Ân cũng trao tặng Trung tâm một số các tư liệu khảo cứu của cha mình – cụ Lại Nguyên Huệ, kể cả bức thư ông gửi cho cha trước khi lên được nhập ngũ năm 1972.
Tất cả những tư liệu này không những có ý nghĩa riêng đối với NNC Lại Nguyên Ân mà còn phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu của Trung tâm về tiểu sử cuộc đời Nhà nghiên cứu này.
Nguyễn Thanh Hóa