Sưu tầm tư liệu của GS.TS Lê Văn Thiêm

 GS.TS Lê Văn Thiêm (1918-1991) là một trong số các nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông chính là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là Viện trưởng Viện Toán học đầu tiên của Việt Nam.

Cố GS.TS Lê Văn Thiêm (Ảnh do gia đình cung cấp)

 Trong hành trình tìm lại 21 cán bộ được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử đi Liên Xô học tập năm 1951, chúng tôi đã có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ gia đình ông Nguyễn Thanh Quế – nguyên Phó Giám đốc Công ty than Quảng Ninh, Giám đốc Công ty Than miền Nam. Thật tình cờ, chúng tôi biết được người vợ của ông Quế – bà Võ Thị Lệ Hương lại là em gái của bà Võ Thị Lệ Hồng – vợ của cố GS.TS Lê Văn Thiêm. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi đã đến gặp gỡ gia đình bà Võ Thị Lệ Hồng. Tại đây, chúng tôi được nghe bà kể rất nhiều nhiều chuyện thú vị, từ chuyện hai người được GS Trần Văn Giàu mai mối như thế nào, cuộc sống từ khi còn ở khu tập thể trường Đại học Tổng hợp ra sao,… đến những kỷ niệm rất đỗi đời thường của hai người cũng như con người và tính cách của người chồng yêu thương.

 Lần tìm trong những hộp sắt cũ kỹ, chúng tôi rất xúc động khi thấy những kỷ vật quý báu đã gắn liền với cuộc đời hoạt động khoa học của GS.TS Lê Văn Thiêm mà bà đã tin tưởng gửi gắm lại cho chúng tôi. Ở đó có những chiếc thẻ cá nhân được GS Thiêm sử dụng hồi còn ở Pháp, Đức và Thụy Sĩ; những bức ảnh tư liệu được chụp khi ông mới về nước và hoạt động ở Bạc Liêu năm 1949; chiếc máy chữ cũ kỹ được dùng trong thời kỳ gian khổ ở Việt Bắc; những bức thư ông gửi cho bà Hồng từ khi hai người còn chưa lập gia đình, những lúc ông sang công tác tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đúp-na (Liên Xô); những kỷ vật của cuộc sống đời thường: sổ tiết kiệm, sổ lĩnh lương hưu và trợ cấp, radio,…

Những bức thư GS Lê Văn Thiêm gửi cho vợ từ những năm 1950-1960 

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện gắn với cuộc sống đời thường và quá trình hoạt động khoa học của GS Lê Văn Thiêm. Khi trao nó cho Trung tâm, bà Võ Thị Lệ Hồng đã rất nghẹn ngào và tiếc nuối vì nó là những vật để bà ngắm nhìn và hồi tưởng về người chồng của mình. Bà mong muốn Trung tâm hãy giữ gìn và sử dụng nó một cách có ích nhất. Tiếp nhận những tư liệu này, chúng tôi xin hứa sẽ thực hiện theo tâm nguyện của bà, vì đây không chỉ là những kỷ vật gắn liền với lịch sử cuộc đời của GS Lê Văn Thiêm mà còn là một phần lịch sử của ngành Toán học, của đất nước.

Nguyễn Thanh Hóa