Tạ Hòa Phương – Say sưa chưa bao giờ cạn

Lần ấy, Ông là người thuyết trình về đặc điểm địa chất, địa mạo, đặc điểm sinh kế của dân bản địa và lịch sử của cả vùng cao nguyên đá Đồng Văn rộng lớn. Ông bảo, ông thuộc từng con dốc, khúc cua của vùng này. Ông đã có gần 30 năm gắn bó nơi đây và không ít lần đi bộ khắp cao nguyên đá để khảo sát thực địa.

Ông là PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

PGS Tạ Hòa Phương cùng ông Howard Limbert – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trước cửa động Phong Nha (ảnh do THP cung cấp).

Tạ Hòa Phương sinh năm 1949 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Năm 1959, gia đình ông chuyển về Hải Dương và ông gắn bó với vùng quê đó đến năm ông 17 tuổi. Tốt nghiệp phổ thông với thành tích xuất sắc, Tạ Hòa Phương được cử sang Nga học tập. Kết thúc một năm học dự bị tiếng Nga tại Kiev, tân sinh viên Tạ Hòa Phương cùng 7 bạn khác được phân công về Trường ĐHTH Quốc gia Voronez, học chuyên ngành Địa chất.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, PGS. Tạ Hòa Phương bồi hồi: “Ngày ấy, chúng tôi du học khi đất nước vẫn đang chìm trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tôi cũng như nhiều bạn đồng trang lứa học tập và làm việc tuân thủ theo sự phân công của tổ chức. Tôi bén duyên với ngành địa chất một cách tự nhiên như thế”.

Rồi năm 1972, khi tốt nghiệp đại học trở về nước, tân cử nhân Tạ Hòa Phương may mắn được làm việc với các nhà địa chất dày dạn kinh nghiêm: Tống Duy Thanh, Bùi Phú Mỹ… Chuyến đi thực địa Tây Bắc với nhà địa chất Bùi Phú Mỹ năm ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học của Tạ Hòa Phương sau này. Sự say sưa trong Tạ Hòa Phương được đánh thức. Ông bắt đầu những tháng ngày lặn lội khắp các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Miền Trung bởi lí do xuyên suốt và duy nhất: Đi vì sự thôi thúc, vì niềm say mê với khoa học địa chất.

Nhóm tượng Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ nơi có các khối đá mang hình các pho tượng thần linh

Từ thời kỳ đầu nghiên cứu hóa thạch San hô vách đáy kỷ Devon dưới sự hướng dẫn của GS. Tống Duy Thanh, từ những năm 70 của thế kỷ trước, cùng nhà địa chất Nguyễn Thế Dân, ông đã có cơ duyên đến với Hà Giang – miền đá cổ tích nơi địa đầu phía bắc của Tổ quốc. Tạ Hòa Phương đã gắn bó với với mảnh đất này suốt hành trình nghiên cứu khoa học. Có lần ông nói với tôi, sẽ có lúc ông xuất bản sách về miền đá ấy.

Sau này, PGS. Tạ Hòa Phương đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần đưa khoa học đến với thực tiễn. Ông đã viết nhiều bài báo khoa học về cổ sinh, địa tầng, về những di sản địa chất trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Ông đã đặt tên cho một số di sản địa chất mà hiện nay là điểm dừng chân của du khách trên hành trình du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là nhóm tượng Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ – nơi có các khối đá mang hình các pho tượng thần linh. Không ít vị khách cho rằng nhóm tượng này đẹp và ấn tượng hơn cả các công trình Cự thạch (Menhir) do người xưa tạo dựng 1 số nơi thuộc Châu Âu, mà chúng lại là những công trình nhân tạo, không thể ví với nhóm Thạch Sơn Thần do thiên nhiên chạm khắc được.

Hẻm vực Tu Sản – di chỉ địa chất tiêu biểu quan trọng trên
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thuộc tỉnh Hà Giang (tác giả ảnh: Tạ Hoà Phương)

Rồi trên cung đường Hạnh phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, du khách sẽ được dừng chân chiêm ngưỡng hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế, là di sản địa chất tiêu biểu của cao nguyên đá Đồng Văn. Hẻm vực được đánh giá là sâu và hoành tráng bậc nhất Đông Dương này cũng do nhà khoa học Tạ Hòa Phương và đồng nghiệp đặt tên từ năm 2008.  .

Tôi còn nhớ, trên hành trình từ Đồng Văn lên đỉnh Lũng Cú năm nào, nhà khoa học Tạ Hòa Phương đã chỉ cho tôi xem những điểm hóa thạch Bọ ba thùy, Tay cuộn, Hai mảnh vỏ và Cá cổ,… Tôi tin Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng văn sẽ thực sự sinh động hơn nếu có những chỉ dẫn khoa học địa chất đặc thù, chi tiết.

Lĩnh vực mà PGS.TS Tạ Hòa Phương tập trung nghiên cứu là cổ sinh – địa tầng với 3 nhóm hóa thạch chính là San hô vách đáy (Tabulata), Răng nón (Conodonta) và Vỏ nón (Tentaculites). Cả 3 nhóm hóa thạch này khi nghiên cứu đều cần dùng kính hiển vì chúng có kích thước hoặc cấu trúc rất nhỏ. Từ những bước đi ban đầu đến những thành công sau này, ngoài việc được đào tạo bài bản, ông còn tự học thêm với sự chỉ dẫn của các giáo sư giỏi ở nước ngoài: GS. H. Lardeux ở Pháp, GS. W. Ziegler ở CHLB Đức.

Trên nền tảng kiến thức cổ sinh học được trang bị khá vững, ông đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề về địa tầng cho các tờ bản đồ địa chất khu vực, về tuổi của các thể đá trầm tích thuộc các hệ Devon và Carbon. Chính các loại đá vôi mà ông nghiên cứu cũng cấu tạo nên các thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, như Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với các hang động nổi tiếng: Phong nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng v.v..,  vì thế nhiều điểm cổ sinh – địa tầng mà ông và đồng nghiệp nghiên cứu đã trở thành các di sản địa chất có giá trị.

PGS Tạ Hòa Phương cùng ông Howard Limbert và các thành viên đoàn thám hiểm của Hong Kong TV (cảnh trong phim tài liệu khoa học
“Sơn Đoòng – hang karst lớn nhất thế giới” của Hong Kong TV)

Tính đến nay, Tạ Hòa Phương đã có trên 150 bài phổ biến kiến thức khoa học và trên 100 công trình nghiên cứu khoa học trên các báo về những di sản này.  

Không chỉ gắn với miền đá Hà Giang, PGS. Tạ Hòa Phương còn có những kỉ niệm đặc biệt với Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng bình, nhất là với Sơn Đoòng – hang lớn nhất thế giới. Để Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành Di sản thiên nhiên thế giới có phần đóng góp của ông cùng nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN như Nguyễn Quang Mỹ, Trần Nghi, Đặng Văn Bào, Vũ Xuân Phái, Phan Duy Ngà, Trịnh Long, Nguyễn Xuân Trường cùng nhiều nhà khoa học khác.

Năm 2013, PGS. Tạ Hòa Phương được mời tham gia, với tư cách là chuyên gia địa chất khu vực, trong cuộc thám hiểm hang Sơn Đoòng cùng đoàn làm phim khoa học – thắng cảnh của Hong Kong TV. Một tuần ở trong hang tuy rất cực nhọc, nhưng bù lại ông đã được gặp những hiện tượng địa chất chưa thấy ở những nơi khác, để lại trong ông những ấn tượng khó quên. Một lần nữa ông lại được làm việc với nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh do ông Howard Limbert đứng đầu.

Trước đó, năm 1989, nhà khoa học Tạ Hòa Phương cùng với đồng nghiệp Phan Duy Ngà đã có dịp làm việc với Howard Limbert – Trưởng Dự án nghiên cứu hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh – trong chuyến thám hiểm và nghiên cứu khối đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Bình. Đó là sự khởi đầu của mọi khởi đầu trong suốt quá trình hợp tác nghiên cứu hang động giữa Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS. Tạ Hòa Phương (phải) cùng với Hồ Khanh – người phát hiện ra
cửa hang Sơn Đoòng

Năm 2010, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố Hang Sơn Đoòng là hang karst lớn nhất thế giới, với chiều cao tối đa 200m và rộng 150m, Sơn Đoòng không chỉ là hang đá có tầm vóc khổng lồ, mà còn có những đặc điểm kỳ lạ khác thường. Trước hết, đó là sự có mặt của 2 hố sụt – nơi trần hang bị sập đổ, tạo nên các “giếng trời”. Tại các vị trí đó, ánh sáng mặt trời rọi được xuống, làm phát triển thảm thực vật và cả cánh rừng nhiệt đới đặc biệt, không nơi nào có được. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tại đáy các hố sụp có tới trên 200 loài thực vật sinh sống.

Ngày đoàn Hong Kong TV dời Việt Nam để về nước, khi biết tuổi của PGS Tạ Hòa Phương, ông Howard Limbert đã tuyên bố trước toàn đoàn: cho tới nay ông Phương là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên, cũng là người cao tuổi nhất từng đi qua trọn vẹn hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới.

Trong chuyến thám hiểm ấy, ông đã chụp rất nhiều bức ảnh tuyệt đẹp về hang karst này, cùng những người bạn đồng hành, trong số đó có anh Hồ Khanh, người dân địa phương đã có công phát hiện ra cửa hang. Sau chuyến đi, ông trở thành cố vấn khoa học của 2 bộ phim tài liệu khoa học của các ê kíp trong và ngoài nước về hang Sơn Đoòng.

Khó ai có thể liên tưởng nhà khoa học địa chất Tạ Hòa Phương còn là nhiếp ảnh gia, họa sĩ và nhà điêu khắc. Những sắc màu hấp dẫn ông từ thủa nhỏ và là niềm vui của ông mỗi khi muốn thư giãn sau những thời gian miệt mài nghiên cứu. Hiện nay, bức tranh đá họa GS.TS Nguyễn Văn Chiển đang được lưu giữ trong Trung tâm di sản Các nhà khoa học Việt Nam, Hà Nội và rất ít người biết Tạ Hòa Phương chính là tác giả bức tranh. Cho đến nay ông cũng không nhớ nổi đã từng vẽ và chạm khắc bao nhiêu bức chân dung tặng cho những người thầy, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết của mình.

Cụm măng đá Hand Dog (ảnh: Tạ Hoà Phương)

Hóa thạch Động vật móng guốc ở phần cuối hang Sơn Đoòng (ảnh: Tạ Hoà Phương)

Một chuông đá khổng lồ chảy rủ từ trần xuống gần đến nền hang Sơn Đoòng (ảnh: Tạ Hoà Phương)

Hố sụt thứ hai trong hang Sơn Đoòng, tạo nên Giếng Trời sâu hơn 300m, trên mặt đáy phát triển khu rừng nhiệt đới có tên Edam.

Năm 2014, Tạ Hòa Phương chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà khoa học Địa chất đầu tiên và là giảng viên đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có tên trong danh sách các nhà văn Việt Nam. Cho đến nay ông đã có trên 20 đầu sách văn học với tư cách là tác giả, đồng tác giả và dịch giả, đồng dịch giả. Trong lĩnh vực dịch thuật ông thiên về dịch các tác phẩm của các nhà thơ Nga. Trong cuốn “Những đỉnh cao thơ Nga” in năm 2010 ông đã dịch gần 200 bài thơ của các nhà thơ Nga nổi tiếng: A. Puskin, M. Lermontov, S. Esenin và A. Akhmatova. Ông chuẩn bị cho ra mắt cuốn “Thơ trữ tình Sergei Esenin” dày trên 300 trang nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà thơ Nga vĩ đại. Ông bảo đó là tập thơ dịch dày công và tâm huyết nhất của ông. Năm 1999, ông đã giành được giải nhất trong cuộc thi dịch thơ A. Puskin do Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn Nghệ và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tổ chức.

Có lần tôi hỏi, ông có ý định dịch tiểu thuyết không. Ông nói, mong muốn thì nhiều nhưng quĩ thời gian thì hạn hẹp, mà muốn dịch tiểu thuyết thì cần nhiều thời gian và sự chuyên tâm. Cho đến nay cuốn tiểu thuyết “Mặc đàn chó sủa” của nhà văn Pháp Herbert Wild là cuốn duy nhất ông đã dịch và cho in năm 2005.

Câu chuyện về những dự định văn học có lẽ sẽ còn kéo dài nếu như không có cuộc trò chuyện qua điện thoại của ông với cô học trò về những chuyến thực địa sắp tới. Tiếng gọi của những miền đất vẫn đang thôi thúc bước chân của nhà giáo tuổi nay gần thất thập. Hàng năm, PGS. Tạ Hòa Phương vẫn cùng các đồng nghiệp trẻ đưa hết lớp sinh viên này tới lứa sinh viên khác đến các cung đường thực địa. “Lĩnh vực Cổ sinh của tôi đang teo tóp dần do nhu cầu xã hội đã giảm. Trong bối cảnh khoa học cơ bản ít được chú ý, chưa được đầu tư tương xứng nên học sinh ngại vào. Một lĩnh vực khoa học khó mà khi tốt nghiệp lại khó tìm việc làm hoặc mang lại những công việc có thu nhập không cao. Điều này khiến cả phụ huynh và học sinh đều e ngại” – ông chia sẻ.

Tôi đã từng tò mò hỏi ông, trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam thì cuộc sống của nhà khoa học Tạ Hòa Phương có gì khác trước? Ông trả lời rằng, ông phải làm việc và sống trách nhiệm gấp đôi với cuộc đời “hai trong một” của mình.


Ngọc Diệp – Đỗ Phấn

Nguồn: VNU Media; www.vnu.edu.vn/