Tấm bằng kỳ lạ

Trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ chiếc Bằng xe đạp phổ thông do Ban Thể dục thể thao Hà Nội cấp ngày 15-9-1960, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung không khỏi xúc động pha chút tự hào. Những ký ức liên quan đến hiện vật tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng nó lại chất chứa kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông.

Giáo sư Lung kể: Những năm 60 của thế kỷ trước vẫn lan truyền những câu ví von dân dã về chiếc xe đạp, nó quý giá tới mức: Mượn gì thì có thể cho mượn, “chứ mượn xe thì không". Ông cho biết: Ngày đó, tài sản lớn nhất của mỗi cán bộ là chiếc xe đạp nên được chủ nhân cất giữ rất cẩn thận. Vì là tài sản rất quý nên thời đó quản lý rất chặt chẽ, chủ sở hữu xe đạp phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công an cấp biển số cùng với Giấy đăng ký sở hữu. Khi lưu thông trên đường, nếu xe không có biển số thì bị giữ lại. Đồng thời chủ sở hữu được cấp sổ mua phụ tùng như xích, lốp… để thay thế khi bị hỏng.

Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp 

Nguyễn Ngọc Lung(đi đầu) cùng đồng nghiệp đi công tác tại Lâm trường Sơn Động, Bắc Giang, khoảng năm 1966-1968 

Năm 1960, tốt nghiệp trường Trung cấp Nông lâm, Nguyễn Ngọc Lung may mắn là một trong 5 người được lựa chọn về công tác tại Học viện Nông lâm. Ông làm trợ lý thực tập và giảng dạy tại Bộ môn Điều tra và Quy hoạch rừng thuộc Khoa Lâm học của Học viện. Do đặc thù phải đi nhiều vì Bộ môn có một Lâm trường thí nghiệm ở Cầu Hai, Phú Thọ, ông thường xuyên đưa sinh viên về đó thực tập nên được hưởng chế độ 18 cân gạo một tháng (tiêu chuẩn phổ biến là 13,5kg/1 tháng). Đồng thời ông được ưu tiên mua xe đạp để thuận tiện cho việc đi lại.

Kỹ sư Nguyễn Quang Hà phụ trách Tổ công đoàn của cơ quan (sau là GS.TS, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp) thông báo: Bộ môn được cấp một chiếc xe đạp. Nhưng khi đó, ở Bộ môn có hai cán bộ Trung cấp là Nguyễn Ngọc Lung và Trần Văn Sang thường xuyên cùng nhau đi hướng dẫn sinh viên thực tập nên Công đoàn quyết định để hai ông mua chung một chiếc xe đạp do Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất, một Xí nghiệp quốc doanh sản xuất. Chiếc xe đạp giá 260 đồng, lương thời đó của mỗi người như ông Lung và ông Sang là 52 đồng/tháng. "Lần đầu tiên ở Học viện Nông lâm có trường hợp hai cán bộ chung sở hữu một chiếc xe đạp. Khi ra Sở Công an Hà Nội đăng ký cùng có tên hai người, tức mỗi người sở hữu một bánh xe nên gọi vui là xe đạp một bánh" – GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cười vui khi nhớ lại sự kiện này.

Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả là việc Nguyễn Ngọc Lung tham gia buổi thi xe đạp phổ thông do Liên hiệp Công đoàn Hà Nội tổ chức. Đây cũng là một kỷ niệm ông rất nhớ, cảm thấy vinh dự và thích thú vì chỉ có một lần duy nhất Liên hiệp Công đoàn Hà Nội tổ chức buổi thi này. "Hồi đó tổ chức công đoàn của cơ sở yêu cầu ai có xe đạp thì phải tập để đi được thành thạo, tránh trường hợp va chạm trên đường. Liên hiệp Công đoàn Hà Nội đã tổ chức một chuyến picnic từ Bờ Hồ, Hà Nội lên đến Chùa Thầy, ai đạt tiêu chuẩn đạp xe an toàn, trên quãng đường Hà Nội – Chùa Thầy – Hà Nội với thời gian là 2 tiếng thì sẽ được cấp bằng. Dẫn đầu đoàn xe đạp là một xe ô tô, trên xe có thợ sửa xe đạp, đề phòng xe đạp có thể hỏng hóc giữa đường sẽ được sửa chữa kịp thời, không làm gián đoạn cuộc thi"- Giáo sư Lung nhớ lại.

 

Có được Bằng xe đạp phổ thông là cả một vinh dự

Với thành tích đạp xe 74 cây số trong 2 giờ, Nguyễn Ngọc Lung đã được Ban Thể dục thể thao Hà Nội cấp Bằng xe đạp phổ thông chứng nhận ông đã đạt tiêu chuẩn đạp xe an toàn.

Trải qua thời gian, Bằng xe đạp phổ thông đã cũ, ố vàng, rách mép, nét chữ viết tay bằng bút mực đen trên mẫu đánh máy có sẵn phần nào đã bị nhòe nhưng được GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung gìn giữ cẩn thận như bằng chứng về một thời gian khó nhưng cũng nhiều niềm vui dễ thương.

Hoàng Thị Liêm