Đó là tấm bưu thiếp viết bằng tiếng Pháp mà GS Nguyễn Trọng Bằng thuộc đến từng chữ. Ông đọc và dịch rành rọt cho chúng tôi: Penang, ngày 17-8-78. Ông Bằng thân mến, tôi vẫn còn ấn tượng bởi sức mạnh của dàn nhạc mà ông chỉ huy. Tôi nghĩ không có một sự đón tiếp, tôn vinh nào với nghệ sĩ nước ngoài bằng cuộc biểu diễn này. Nếu dư luận bảo tôi rất xứng đáng với sự hòa tấu của dàn nhạc thì tôi sung sướng biết bao. Cho tôi gửi lời thăm tất cả dàn nhạc và tôi sẽ không bao giờ quên buổi hòa nhạc này. Markus[1].
* *
*
Một ngày cuối tháng 7-1978, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận thông báo với ông Nguyễn Trọng Bằng, khi đó là Hiệu phó trường Âm nhạc Việt Nam[2], rằng nghệ sĩ cello Markus Stocker sẽ đến Việt Nam và mong muốn được chơi cùng một dàn nhạc ở Hà Nội. Markus Stocker là nghệ sĩ nổi danh người Thụy Sỹ đã hai lần đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Mỹ và Pháp vào năm 1972 và 1976[3]. Markus Stocker quen thân với ông Đại sứ Thụy Sỹ Müler ở Hà Nội, nên nhân chuyến lưu diễn tại một số nước châu Á, ông ngỏ ý muốn đến Việt Nam. Nghe tin này, ông Trọng Bằng lo lắng từ chối, vì các nhạc công Việt Nam chưa từng chơi cùng nghệ sĩ nước ngoài. Nhưng ông Huy Cận đã động viên ông: Có Trọng Bằng là có nước ngoài![4].
Lúc đó, dàn nhạc giao hưởng của trường Âm nhạc Việt Nam mới thành lập được gần một tháng. Tuy vậy, ngay từ buổi đầu thành lập trường (năm 1956), những giờ học hòa tấu hàng tuần đã được chú trọng đặc biệt. Thời kỳ ấy, số người học nhạc cụ giao hưởng còn rất ít, nhạc cụ không đồng bộ và kém chất lượng, cộng thêm sự thiếu thốn trầm trọng các thứ phụ tùng như dây đàn, dăm kèn…, nhưng thầy và trò vẫn kiên trì luyện tập. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, có những buổi tập và hòa nhạc diễn ra dưới hầm rộng được lợp mái tranh ở nơi sơ tán. Dàn nhạc lúc đó đã bắt đầu chơi một cách rất hào hứng các tác phẩm của Mozart như Dạ khúc cho dàn nhạc dây, của Beethoven như Giao hưởng số 1…, cả nhạc công diễn tấu dưới hầm và thính giả ngồi đông nghịt quanh miệng hầm đều chung một niềm say mê với âm nhạc cổ điển, bất chấp tiếng máy bay Mỹ nhiều lần gầm rít qua đầu.
Năm 1963, Trọng Bằng tốt nghiệp bằng đỏ về chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Liên Xô và về nước công tác tại trường Âm nhạc Việt Nam. Ông cùng các đồng nghiệp và học trò say sưa luyện tập và biểu diễn. Xuân Mậu Thân (1968), trong không khí hừng hực hưởng ứng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, tất cả học sinh, sinh viên khoa Giao hưởng đã tập hợp thành một dàn nhạc lớn, cùng với dàn hợp xướng lớn của trường lên một ngọn đồi bạch đàn để biểu diễn bài Bão nổi lên rồi do ông sáng tác. Trong những ngày đầu tháng 5-1975, dàn nhạc giao hưởng do ông chỉ huy đã trình diễn một số tác phẩm Việt Nam và của các nhạc sĩ thế giới như Tchaikovsky, Schubert, Beethoven, đã làm chấn động cả Sài Gòn và khách nước ngoài tại Sài Gòn lúc đó[5].
Sau giải phóng miền Nam, dàn nhạc của trường có điều kiện được tập tành đều đặn hàng tuần, nhưng vẫn còn trong hoàn cảnh nghèo nàn, khó khăn thiếu thốn đủ điều. Như ông chia sẻ: Không ai ngày nay có thể tưởng tượng được một cây kèn ôboa, clarinet đã phải để cho hai hoặc ba học sinh sử dụng, một sợi dây đàn phải nối đi nối lại mấy lần mới được xin phép nhà trường đổi dây mới[6]. Ấy vậy mà dàn nhạc vẫn duy trì và có nhiều đêm diễn ở Nhà hát Lớn, rạp Công nhân trong dịp kỉ niệm 20 năm thành lập trường. Đến tháng 7-1978, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu quyết định giao nhiệm vụ xây dựng dàn nhạc giao hưởng quốc gia cho trường Âm nhạc Việt Nam.
Theo thông tin của Thứ trưởng Cù Huy Cận, nghệ sĩ Markus Stocker sẽ chỉ có một buổi biểu diễn vào tối 7-8-1978. Trước ngày biểu diễn chính thức một tuần, ông Huy Cận đến trường Âm nhạc Việt Nam đưa cho ông Trọng Bằng bản tổng phổ và các phân phổ concerto của nhà soạn nhạc Haydn, do Đại sứ Müler nhờ chuyển hộ để hòa tấu với Markus Stocker. Tiếp nhận bản nhạc này, Trọng Bằng thấy thật là bất ngờ vì đây là một nhạc phẩm chưa hề được đánh một lần nào ở Việt Nam[7]. Nhưng ngay sau đó, ông thuê người chép tay lại bản tổng phổ và phân phổ (do chưa có máy photocopy như bây giờ), rồi đưa cho các nhạc công tập luyện cá nhân và tập theo tổ. Dàn nhạc công khi đó gồm hơn 40 người, có nhiều nghệ sĩ được đào tạo ở Liên Xô và đã có tay nghề điêu luyện như Tạ Bôn, Bích Ngọc, Bùi Gia Tường, Bùi Công Thành[8],… nên tập luyện cũng khá nhanh.
Ngày 6-8-1978, ông Markus Stocker đến Hà Nội và được bố trí ở khách sạn Thắng Lợi. Sau này, tâm sự với các phóng viên Việt Nam về lần đầu tiên đến nước ta, ông Stocker cho biết: Riêng chuyến đi đó thì không điều gì làm tôi quên nổi. Nó quá ấn tượng, quá ấm áp, quá tình cảm… Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác khi trên đường từ sân bay về Hà Nội, thấy san sát những hố bom. Ngoài đường hầu như chỉ có xe đạp, rất ít mô tô và ô tô thì lác đác[9].
Buổi tổng duyệt duy nhất được thực hiện vào sáng ngày 7-8-1978. Ông Trọng Bằng và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương[10] đến đón ông Stocker tại khách sạn từ 7 giờ, để 8 giờ bắt đầu làm việc. Tới nơi, hai ông đã thấy ông Stocker chờ sẵn ở cửa. Buổi diễn tập đã diễn ra suôn sẻ. Thông thường, tổng duyệt phải chơi thử hai lần, nhưng vừa khớp, thử lần đầu, ông Stocker ngạc nhiên nói: Các anh không cần đánh nữa đâu, các anh đánh hay rồi, tối chúng ta gặp nhau ở Nhà hát Lớn[11]. Ông Stocker nói tiếp: Đối với tôi, việc đặt chân đến Việt Nam và được hòa nhạc với các nhạc công Việt Nam và một sự phát hiện mới. Không ngờ các bạn lại chơi nhạc cổ điển hay và đúng phong cách đến thế, hơn nữa, còn có một cái gì mới mẻ tươi mát rất riêng của các bạn trong khi chơi nhạc cổ điển Tây phương, làm cho tôi ngỡ ngàng và càng thêm thán phục. Theo tôi, có lẽ người Việt Nam có tâm hồn và nhạc cảm sâu sắc nhất châu Á này[12]. Cũng buổi sáng hôm ấy, ông ta còn nhận xét rằng, hầu hết nhạc cụ của nghệ sĩ Việt Nam đều thuộc vào hạng bét, nhưng không hiểu tại sao với những cây đàn như vậy họ lại làm được một thứ âm nhạc hay đến thế!. Ông Trọng Bằng không rõ đó là lời khen xã giao hay thật lòng, nhưng cũng mừng thầm, tự tin chờ đón buổi biểu diễn chính thức.
Trọng Bằng (phải) say sưa chỉ huy dàn nhạc hòa tấu cùng nghệ sỹ Markus Stocker (trái), ngày 7-8-1978
Và buổi hòa nhạc đầu tiên của dàn nhạc mới thành lập với một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế đã diễn ra tốt đẹp. Sau này, ông Stocker nhớ lại: Nói về đêm nhạc năm 1978 ấy, chỉ có thể miêu tả bằng câu: Ngoài sức tưởng tượng. Bạn cứ hình dung hồi ấy là chớm thu, Nhà hát Hà Nội không có điều hòa nhiệt độ mà cả khán phòng đông chật người[13]. Ông có cảm giác nóng khủng khiếp. Nhưng chúng tôi đã phải biểu diễn lại đến lần thứ ba khúc nhạc cuối cùng trong tiếng vỗ tay của khán giả. Các nghệ sĩ Việt Nam đã chơi nhạc với một nguồn lửa tinh thần rất mãnh liệt, họ khiến cho tiếng đàn tràn trề xúc cảm và nhiều lúc thăng hoa[14].
Hôm sau, có một bữa liên hoan thân mật để chia tay ông Stocker sang Nhật lưu diễn. Khi đến thành phố Penang (Malaysia), ông Stocker viết bưu thiếp gửi cho ông Trọng Bằng. Tấm bưu thiếp khổ 10cm x 15cm, có tem của Malaysia ở góc trái bên trên, có ghi địa chỉ của ông Trọng Bằng và những dòng cảm xúc hân hoan của ông Stocker. Nhận được bưu thiếp này, ông Trọng Bằng cảm thấy quá vui, bởi không ngờ một nghệ sĩ nước ngoài lần đầu đến Việt Nam đã bị chinh phục ngay và các nghệ sĩ nước ta cũng mê mẩn tiếng đàn của bạn. Ông Trọng Bằng trân trọng lưu giữ tấm bưu thiếp và coi đó là kỉ vật quan trọng sau buổi hòa nhạc lịch sử của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Tấm bưu thiếp sau gần 40 năm được lưu giữ cẩn thận
Mười năm sau, trong bức thư gửi ông Trọng Bằng nhân dịp nhận được kỷ yếu 30 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội (1956-1986), ông Stocker vẫn nhắc lại ấn tượng năm xưa: Tôi không bao giờ quên dàn nhạc mà anh chỉ huy. Tôi cũng chưa bao giờ đánh hay như thế. Tôi nghĩ rằng đó là bản concerto Haydn hay nhất trong đời tôi[15]. Sau đó, ông Stocker còn trở lại Việt Nam nhiều lần và lần mới đây nhất là vào năm 2014. Với nghệ sĩ này, Hà Nội đã trở thành điểm đặc biệt trên hành trình nghệ thuật[16] của ông. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng tiếp tục có nhiều cuộc biểu diễn với các nghệ sĩ quốc tế khác, như: tam tấu Clement (CHLB Đức), nữ nghệ sĩ piano M. Baxtresser (Mỹ), nghệ sĩ sáo Suehara (Nhật)… Nhưng có lẽ với GS Trọng Bằng, buổi biểu diễn đầu tiên của dàn nhạc công điêu luyện cùng với nghệ sĩ Stocker là dấu mốc quan trọng khó quên trong lịch sử âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Ông chỉ tiếc là hồi đó chưa có máy ghi âm như bây giờ để ghi lại bản nhạc du dương trong buổi diễn tối mồng 7-8-1978.
Trao cho chúng tôi tấm bưu thiếp cùng lá thư và ảnh chụp buổi biểu diễn lịch sử ấy, GS Trọng Bằng không quên dặn dò: Các em lưu trữ cẩn thận nhé, những tài liệu này quý lắm đấy![17].
Trần Bích Hạnh
________________
* GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Bằng là nhà khoa học chuyên ngành Âm nhạc, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
[1] [4] [11] [17] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Trọng Bằng ngày 5-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc quốc gia.
[3] Http:www.cellist.nl/database/showcellist.asp?id=2871.
[5] Nguyễn Trọng Bằng, “Người thể hiện tâm hồn Việt Nam với bạn bè quốc tế”, báo Người Hà Nội, số 13, ngày 31-3-2001, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] [7] [12] Nguyễn Trọng Bằng, “Hồi ức về một ước mơ”, báo Nhân dân và kỷ yếu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2007), tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Hiện nay, họ đều là những nghệ sĩ tên tuổi trong ngành âm nhạc Việt Nam.
[9] [13][14] [16] Http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/viet-nam-va-nhung-nguoi-ban/20060510/markus-stocker-an-tuong-voi-dang-di-xe-dap-cua-phu-nu-vn/137105.html
[10] Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khi ấy là Giám đốc trường Âm nhạc Việt Nam.
[15] Thư của ông M. Stocker gửi GS Trọng Bằng, ngày 21-4-1989, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.