Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1960, được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, bác sĩ Đỗ Kính đã gắn bó gần 40 năm với Bộ môn Mô học – Phôi thai học, cho đến lúc nhận quyết định nghỉ hưu (năm 1999). Niềm đam mê nghiên cứu về Phôi thai học vẫn nung nấu trong ông. Với uy tín, kiến thức kinh nghiệm có được, trường Đại học Y Hà Nội đã mời ông tiếp tục tham gia công tác đến năm 2004. Trong thời gian này, ông tập trung giảng dạy, đào tạo cho đối tượng Sau đại học của các Bộ môn: Mô học – Phôi thai học, Nhi, Răng-Hàm-Mặt, Giải phẫu bệnh…Từ thực tế giảng dạy, ông nhận thấy tài liệu về Phôi thai học chưa có nhiều. Đặc biệt, nội dung giáo trình về Phôi thai học đang được sử dụng lại chủ yếu là lý thuyết, chưa đề cập nhiều đến phần thực nghiệm và lâm sàng. Do vậy, năm 1999 ông đã xây dựng kế hoạch viết một cuốn sách mang tính thực hành, đi sâu về các nội dung Phôi thai học đại cương và Phôi thai học các cơ quan. Sau thời gian dài miệt mài nghiên cứu, năm 2008, cuốn sách “Phôi thai học thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng” đã được Nhà xuất bản Y học xuất bản. Đây là công trình kết tinh những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt cuộc đời làm khoa học của Bác sĩ Đỗ Kính.
Bản thảo lần một cuốn "Phôi thai học thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng". Nét chữ của Bác sĩ – giảng viên Đỗ Kính
Bản thảo đầu tiên được Bác sĩ Đỗ Kính chấp bút từ đầu năm 2000, đến năm 2006 thì hoàn thiện. Tuy nhiên, trải qua 4 lần chỉnh sửa, hoàn thiện, đến năm 2008, cuốn sách mới chính thức được ra mắt bạn đọc. Bác sĩ Đỗ Kính quan niệm, trong nghiên cứu trong khoa học có bốn tiêu chí cần thiết mà ông luôn hướng tới, đó là: Tính chính xác; Tính kế thừa; Tính cập nhật và Tính sáng tạo. Và cuốn sách “Phôi thai học thực nghiệm và ứng dụng lâm sang” cũng thực sự là một công trình khoa học, đảm bảo đủ 4 tiêu chí đó.
Với Bác sĩ Đỗ Kính, tính chính xác không chỉ là yêu cầu đầu tiên trong nghiên cứu khoa học, mà nó còn thể hiện sự nghiêm túc cũng như đạo đức của người cầm bút. Cũng bởi vậy, khi lật giở cuốn sách dù đã được sửa chữa rất kỹ lưỡng nhưng khi xuất bản (năm 2008), ông vẫn chỉ ra chi tiết những sai sót cần sửa chữa. Đó là cách đặt hình vẽ không đúng vị trí, kích thước không đạt yêu cầu; Sai lỗi chính tả; Sai tên gọi các thuật ngữ dịch… Đặc biệt là phần chia cột của "Bảng tra cứu thuật ngữ viết tắt" đã bị đánh máy lẫn lộn, từ tên thuật ngữ nhảy sang phần chú thích thuật ngữ và ngược lại.
Nhận thức được việc kế thừa các thành tựu đã có là một yêu cầu không thể thiếu với người làm khoa học. Đặc biệt, đối với việc viết sách mà người viết chưa có đủ am hiểu về vấn đề mình viết. Để hoàn thiện cuốn sách "Phôi thai học thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng", bác sĩ Đỗ Kính đã dành khá nhiều thời gian xây dựng đề cương và tham khảo tài liệu. Tài liệu trong nước, ông tham khảo chủ yếu ở cuốn Phôi thai học của bác sĩ Trương Cam Cống, H- Y học và Thể dục Thể thao, 1967. Ngoài ra, ông cũng tập trung cập nhật thông tin từ các sách, như cuốn “Phôi thai học đại cương” của Tokin B,P; “The Williams and Wilkins Co” của Keith L.Moore; "An Introduction to Embryology" của Balinsky B; "Manual de Embriología” của Champy; Hay các tạp chí nước ngoài, như Tạp chí Nature, American Journal of Anatomy… Cùng với những kiến thức đã có được trong quá trình giảng dạy, viết sách trước đó, ông đã tổng hợp, sắp xếp các chương thành một hệ thống nhất quán.
Theo GS.TS Trịnh Bình (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Mô học – Phôi thai học), một trong những học trò của bác sĩ Đỗ Kính thì tính sáng tạo trong cuốn sách thể hiện ở chỗ: Từ những kết quả nghiên cứu trên động vật đã có, bác sĩ Đỗ Kính đã tìm hiểu và lý giải được cơ chế bất thường của phôi thai người. Với bề dày kiến thức về Phôi thai học cùng với nguồn tư liệu sưu tầm phong phú, ông đã tổng hợp và lấy dẫn chứng bằng những trường hợp cụ thể. Kèm theo phần lý giải tỉ mỉ mà trong các cuốn sách khác về Phôi thai học chưa làm được. Theo đó, có hai nội dung được tác giả dành nhiều công sức trong cuốn sách: Một là, cơ sở phân tử tế bào của quá trình phát triển cá thể. Đây là vấn đề được nhiều tác giả trên thế giới quan tâm, bởi nó mang tính ứng dụng lâm sàng, tìm liệu pháp gen để điều trị những bất thường bẩm sinh. Hai là, những bất thường bẩm sinh của cơ thể người được đề cập rộng và sâu hơn.
Để dễ hiểu hơn, Bác sĩ Đỗ Kính đã dẫn chứng thực tế trường hợp quái thai của một thai nhi. Ông kể: Để lý giải được cho người đọc hiểu phần quái thai phức tạp ký sinh, năm 2000 ông đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa vào sách làm ví dụ minh họa. Đây là trường hợp bệnh nhi có hai quái thai phức tạp song sinh (quái thai do 2 thai nhi dính nhau), mỗi thai nhi đều có hai mông, nhưng hai chi dưới lại dính chung vào phần bụn. Bằng những hình ảnh thực tế cùng với những nghiên cứu, tổng hợp có được, ông đã lý giải được cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân, đặc điểm lâng sàng, tần số, phương pháp chẩn đoán và điều trị. Các thông tin này có ý nghĩa với người đọc, bởi nó mang tính thực nghiệm cao.
Bên cạnh nội dung, hình ảnh minh họa được Bác sĩ Đỗ Kính rất chú trọng. Để có được hình ảnh phù hợp với từng nội dung, ông đã sử dụng các hình do chính ông tự vẽ và đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương… chụp trực tiếp bệnh nhân. Bên cạnh một số hình vẽ mới, ông tận dụng một số hình đã có trong quá trình giảng dạy, viết sách “Phôi thai học người” xuất bản năm 1998. Ông tâm sự, lúc đầu Nhà xuất bản Y học định không in ảnh chụp màu, vì các ảnh màu, chi phí cao. Nhưng ông thuyết phục, bởi nếu không có các hình ảnh minh họa người đọc sẽ không thể liên hệ được với thực tế. Và cuối cùng, các hình ảnh chụp màu đã được Nhà xuất bản in đen trắng để đưa vào sách. Trong quá trình lựa chọn, sắp xếp các hình ảnh minh họa, ông đã hệ thống lại thành một tập. Dưới mỗi hình ảnh có chú thích tên, kích cỡ, vị trí đặt… Dựa vào đó, biên tập viên so sánh, chỉnh sửa và cho vào sách.
Bút tích sửa chữa các lỗi của Bác sĩ Đỗ Kính trên cuốn sách được xuất bản năm 2008.
Nói về quá trình viết sách, Bác sĩ Đỗ Kính chia sẻ: “Ban đầu, tôi không có ý định phiên dịch các thuật ngữ từ tiếng Anh – Pháp sang tiếng Việt. Vì nếu làm như vậy sẽ dài quá, nhưng trong quá trình viết sách, các đồng nghiệp góp ý nên tôi thêm bảng tra cứu vào phần cuối để thuận tiện cho việc tìm thông tin”1.
Khi viết cuốn sách, Bác sĩ Đỗ Kính đã tự liên hệ với Nhà xuất bản Y học để in sách và không thông báo với nhà trường bởi “Khi thông báo với nhà trường sách có thể lấy danh nghĩa Bộ môn. Tác giả cuốn sách có tên trường, tên Bộ môn, bìa trong mới có tên người trực tiếp biên soạn. Hơn nữa, Bộ môn lại có quy định về số lượng chữ, một tiết học chỉ tối đa viết 7 trang cứ thế nhân lên”2. Mà theo ông, quy định đó không thể truyền tải hết được thông tin ông muốn viết.
Tập bản thảo sách đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam gồm bản viết lần một và lần hai. Trong đó, bản thảo lần một được ông viết tay trên 420 trang giấy A4 (thiếu các chương 1, từ chương 17 đến 22) bằng bút bi mực đen, xanh, đỏ. Bản thảo được ông trình bày khoa học, chương, mục rõ ràng. Tên chương được viết hoa bằng bút bi mực đỏ, các đề mục và nội dung ông cho là quan trọng được gạch chân. Do trải qua thời gian dài nên giấy đã ngả vàng, ố, thủng do kẹp ghim. Bản thảo lần 2 gồm đầy đủ 23 chương, được Nhà xuất bản đánh máy lại, trong đó vẫn còn nguyên những bút tích sửa chữa của ông. Ngoài hai tập bản thảo trên, ông còn kèm một tập ảnh riêng biệt sử dụng minh họa trong sách và cuốn sách hoàn thiện được xuất bản năm 2008.
Tháng 10-2012, với nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Y học đã liên hệ với Bác sĩ Đỗ Kính đề nghị được tái bản cuốn sách. Cuốn "Phôi thai học thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng" xuất bản năm 2008 được ông sửa chữa chằng chịt các lỗi sai bằng bút bi mực đỏ gửi tới Nhà xuất bản. Ông coi đó là bản thảo cho lần tái bản và đề nghị Nhà xuất bản phải sửa chữa các lỗi theo đúng bản thảo này. Cuối năm 2012, cuốn sách dày 858 trang, kích thước 19x27cm được tái bản với số lượng 1000 cuốn phục vụ đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các sinh viên chuyên khoa ngành Phôi thai học.
Với Bác sĩ Đỗ Kính, cuốn sách không chỉ hội tụ những kiến thức được tích lũy trong suốt quá trình công tác của ông, mà nó còn là tâm huyết ông muốn truyền lại cho thế hệ sau. Cuốn sách rất sinh động khi ông đưa ra được những dẫn chứng cụ thể từ thực tế với những hình ảnh minh họa sống động. Trong lời giới thiệu cuốn sách, GS Trịnh Bình viết: “Chúng tôi cho rằng, đây là công trình tổng quan thông tin khoa học rất nghiêm túc của Bác sĩ Đỗ Kính. Và là cuốn sách tham khảo có giá trị đối với anh chị em sinh viên, học viên sau đại học và các đồng nghiệp“.
Theo thời gian, sức khỏe của Bác sĩ Đỗ Kính đã yếu dần đi. Nhưng mỗi lần có cơ hội được gặp gỡ, chúng tôi vẫn luôn cảm nhận được niềm đam mê trong ông đối với ngành Phôi thai học. Và chắc chắn rằng, những nghiên cứu của con người tâm huyết ấy sẽ được thế hệ sau trân trọng, tiếp bước.
Nguyễn Thị Loan – Nguyễn Thúy Tiềm
_______________________
1,2. Trích băng ghi âm Bác sĩ Đỗ Kính, ngày 5-9-2012.