Tâm huyết nghiên cứu về bệnh tuyến giáp

Đòi hỏi từ thực tiễn

Năm 1964, khi đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Y khoa, Trần Đình Ngạn đã được phân công giữ chỉ, cầm máu khi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức cho một bệnh nhân nữ là người dân tộc Nùng bị u tuyến giáp. Bệnh nhân ấy bị bướu cổ có kích thước lớn gần bằng chiếc ấm pha trà, nên ekip thực hiện phải mất gần 6 giờ đồng hồ mới hoàn thành ca mổ. Không chỉ ấn tượng bởi những giờ đồng hồ căng thẳng bên bàn mổ mà hơn thế, sinh viên Trần Đình Ngạn bắt đầu để tâm về bệnh lý tuyến giáp ở Việt Nam. Ông chia sẻ: "Người Việt Nam bị bướu cổ rất nhiều. Có nhiều trường hợp cấp thiết phải mổ vì u bướu đã đè vào thực quản, gây khó nuốt, khó nói, và ảnh hưởng không nhỏ về mặt thẩm mỹ cho người bệnh. Tôi không thể quên thời gian công tác ở Hòa Bình, hay trên đường hành quân qua những bản làng để sang chiến trường Lào, ở đâu tôi cũng nhìn thấy các bà mế bế những đứa trẻ, trong số họ có bà mế bị cái bướu cổ rất to. Điều đó làm tôi rất suy nghĩ"[1].

Cho đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính chưa ra đời, còn ở nước ta máy chụp X-quang và siêu âm vẫn rất lạc hậu. Bệnh nhân khám và điều trị ở phòng khám nội tiết phần lớn là bị bướu cổ, viêm tuyến giáp, bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc (Basedow), suy chức năng tuyến giáp… Trong điều kiện y tế hạn chế, các y bác sĩ Việt Nam đã cố gắng tìm ra phương pháp điều trị u bướu, trong đó có phương pháp phổ biến thời đó là sử dụng loại thuốc i-ốt tự pha chế đối với các bệnh suy giáp, bướu giáp địa phương, cường chức năng tuyến giáp, áp dụng cơ chế feedback (điều hòa ngược) tuyến giáp. Theo cơ chế này, khi ta đưa một lượng lớn i-ốt vào cơ thể, huyết thanh sẽ có phản ứng ngược lại, não và tuyến yên nhận thông tin và giảm tiết hormon, từ đó tuyến giáp không bị kích thích, không bị to thêm. Hoặc các y bác sĩ sử dụng thuốc an thần cho bệnh nhân giảm bớt sự hốt hoảng, dùng thuốc Digitalis làm giảm nhịp tim, Gardenal hỗ trợ giấc ngủ cho bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, phác đồ điều trị bệnh tuyến giáp ở Việt Nam giai đoạn đầu chủ yếu nhằm vào các triệu chứng bệnh lý, việc can thiệp bằng thuốc rất hạn chế. Việc đo chuyển hóa cơ bản cho bệnh nhân cũng rất vất vả, bệnh nhân phải nhịn ăn, trước đó phải ăn kiêng và khi đo phải nằm trong nhiều giờ để đánh giá được mức tăng hay giảm của chuyển hóa cơ bản. Bấy giờ nước ta chưa có điện tim, chỉ có đếm nhịp tim. Do vậy, có thể nói, việc chẩn đoán bệnh hoàn toàn dựa vào lâm sàng, nghĩa là khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, biểu hiện rõ. PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Tuy vậy, những kiến thức đó rất cần dù chưa hiểu sâu xa, các bác sĩ đã điều trị được và có kết quả, dẫu chưa nhiều.

Tuy là bệnh lý phổ biến và yêu cầu kỹ thuật cao nhưng các tài liệu nghiên cứu về tuyến giáp ở Việt Nam lại rất ít. Thời gian học đại học, ông Trần Đình Ngạn chỉ được học một số bài bệnh học tuyến giáp như Basedow – bệnh cường giáp, bệnh suy giáp… Điều đó làm tôi cứ suy nghĩ mãi và thấy mình cần phải học tập như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh đất nước, và biết đâu có thể góp sức mình vào công cuộc phòng và chống bệnh bướu cổ. Từ đó làm tôi thấy đây là một nghề và yêu mến – PGS Trần Đình Ngạn tâm sự.

PGS.TS Trần Đình Ngạn, năm 2021

Sinh viên Trần Đình Ngạn được đào tạo về nội khoa chung, tốt nghiệp năm 1965, nhưng lại có cơ may được đi thực tập ở Liên Xô (1967-1970) và được thầy hướng dẫn chuyên sâu về bệnh lý tuyến giáp. Ông chia sẻ: Không hiểu tình duyên thế nào, sau một thời gian ở chiến trường Lào, năm 1967 tôi được cử đi học ở Học viện Quân y Kirov, Liên Xô. Thầy hướng dẫn của tôi là một Trung tá, chuyên gia nghiên cứu về bệnh tuyến giáp. Luận án của thầy nghiên cứu về bệnh Hashimoto – tình trạng viêm tự miễn dịch của tuyến giáp. Thầy rất tâm huyết về vấn đề này, nên tôi được thầy nhiệt tình giúp đỡ.

Ba năm thực tập ở Học viện Quân y Kirov, BS Trần Đình Ngạn được đào tạo kiến thức rất cơ bản. So với Việt Nam, chuyên đề tuyến giáp ở Liên Xô đã được đi sâu trong nghiên cứu và đào tạo nên ông có nhiều điều kiện học tập trên cơ sở đa dạng nguồn tài liệu và thực hành. Không chỉ lý thuyết, ông được thực hành từ tất cả các xét nghiệm đơn giản như đếm hồng cầu đến tất cả các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm về tuyến giáp… Năm 1970, BS Trần Đình Ngạn về nước, công tác tại trường Đại học Quân y (từ năm 1981 là Học viện Quân y), ông tiếp tục cộng tác với đồng nghiệp quân và dân y trong nghiên cứu.

Từ năm 1969, trước tình hình bệnh bướu cổ phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với Quyết định của Hội đồng Chính phủ về Công tác phòng và chữa bệnh bướu cổ, Chương trình quốc gia phòng chống bệnh bướu cổ được triển khai, chủ nhiệm chương trình là bác sĩ Đặng Trần Duệ (sau là Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương). Ngay sau khi về nước, BS Trần Đình Ngạn tham gia một giai đoạn của chương trình là điều tra dịch tễ ở các địa phương. Cũng trong thời gian này, Việt Nam cộng tác với WHO để tiến hành điều tra dịch tễ học về các bệnh lý tuyến giáp căn bản. Đoàn điều tra gồm khoảng 30 người, là bác sĩ hệ quân y và cán bộ hệ dân y các cấp cơ sở, một số chuyên gia đến từ Thụy Sỹ, đi điều tra các địa phương có bệnh bướu cổ ở một số vùng miền núi phía Bắc. Bác sĩ Ngạn có nhiệm vụ trao đổi lý thuyết, thực hành, đào tạo cán bộ, tham gia bàn bạc đường hướng thực hiện. Cụ thể, ông phụ trách đứng lớp giảng dạy cho các cán bộ y tế địa phương trong khoảng 3 tháng để họ có kiến thức cơ bản nhất về bệnh bướu cổ: thế nào là bướu cổ, cách phát hiện bằng nhìn, sờ, nắn….  Thành phần tham gia lớp học gồm có bác sĩ chính quy, bác sĩ chuyên tu, người từng phụ trách công tác y tế địa phương, đặc biệt là cán bộ y tế chuyên về Nội tiết. Việt Nam khi đó chưa có máy định lượng hormon tuyến giáp nên phải nhờ Thụy Sỹ giúp đỡ. PGS Trần Đình Ngạn nhớ lại: Lúc đó điều kiện rất khó khăn, việc định lượng i-ốt trong nước uống, đất và nước tiểu bệnh nhân đều phải gửi qua Thụy Sỹ, nhờ họ làm giúp. Mất rất nhiều công, từ khâu bảo quản, vận chuyển bằng máy bay rồi gửi kết quả về.

Ở những nơi có nhiều người mắc bệnh bướu cổ, các trung tâm nội tiết địa phương thường được gọi là phòng bướu cổ địa phương. Mỗi phòng bướu cổ địa phương gồm một bác sĩ và một số y tá, nhìn chung số lượng nhân viên không nhiều. Vì thuộc cán bộ quân y, quy định quản lý chặt chẽ, nên BS Trần Đình Ngạn không có nhiều điều kiện tham gia điều tra dịch tễ ở các địa phương mà chỉ tham gia đào tạo, tư vấn cách làm. Ông cho biết, để xác định vùng bướu cổ, phải tiến hành kiểm tra và chẩn đoán những học sinh từ 15 tuổi trở xuống. Nhưng không thể đi tất cả các địa phương. Vì vậy theo quy định của dịch tễ học là chọn vùng trọng điểm, nơi nào số lượng trẻ bị bướu cổ chiếm từ 5-10% thì gọi là vùng bướu cổ địa phương. Sau đó, lập bản đồ phân bố bệnh bướu cổ địa phương, đánh giá mức độ (khoảng năm 1975-1976 là hoàn thành).

Sau giai đoạn điều tra dịch tễ là xác định phương pháp dự phòng và điều trị – chủ yếu là vấn đề sử dụng muối i-ốt. Theo bác sĩ Trần Đình Ngạn, Việt Nam, Tiệp Khắc, Liên Xô đều sử dụng phương pháp cung cấp một lượng đủ i-ốt cho bệnh nhân bướu cổ trong quá trình điều trị. Nhưng trên các tỉnh miền núi nước ta, muối được vận chuyển bằng ngựa nên số lượng rất hạn chế. Dẫn đến thực trạng nhiều hộ dân không có muối, họ phải đốt cỏ tranh lấy tro về ăn thay muối. Muối được quý như vàng và trở thành nhu cầu rất cần thiết của người dân vùng núi, vùng cao. Trong điều kiện giao thông hạn chế, tài chính khó khăn, muối ăn được sản xuất thủ công. Trong các khóa đào tạo kể trên, các cuộc họp, bác sĩ Trần Đình Ngạn hướng dẫn cán bộ dịch tễ địa phương cách trộn muối và sản xuất muối i-ốt tỉ lệ 1/1.000. Sau đó, ông tham gia theo dõi và đánh giá kết quả điều trị. Khoảng năm 1987-1988, Chương trình quốc gia phòng chống bệnh bướu cổ đi vào hồi kết. Kết quả nghiên cứu của chương trình sau này được trình bày trong cuốn sách Bệnh tuyến giáp và các rối loạn do thiếu hụt iod, Nxb. Y học, 1996.

Đến nghiên cứu chuyên sâu

Năm 1978, BS Trần Đình Ngạn bắt đầu thực hiện luận án Phó tiến sĩ với đề tài: Nghiên cứu góp phần vào chẩn đoán và điều trị bệnh bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc. Đề tài được triển khai trong điều kiện không có Thầy hướng dẫn. Do thời điểm ấy, chưa có nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này. Đối tượng nghiên cứu của luận án là 168 người bệnh được chẩn đoán bị bệnh bướu giáp lan tỏa nhiễm độc. Đối tượng mẫu cho nghiên cứu của đề tài đều là các bệnh nhân do ông trực tiếp khám và điều trị ở Viện Quân y 103. Các mẫu nghiên cứu được lựa chọn kỹ lưỡng, cẩn thận theo tiêu chuẩn cụ thể và có phương pháp khoa học.

Sở dĩ PGS Trần Đình Ngạn chọn đề tài này là bởi: Bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc là bệnh thường gặp. Ông đã tham gia vào quá trình điều trị cho nhiều bệnh nhân, và thực tế đặt ra yêu cầu phải tìm ra phương pháp để chẩn đoán sớm bệnh lý. Mặt khác, như ông chia sẻ: Một trong những yếu tố để thực hiện thành công một đề tài khoa học là đối tượng nghiên cứu đa dạng, trong trường hợp này là bệnh nhân tuyến giáp. Thứ hai là điều kiện xét nghiệm, tuy còn khó khăn nhưng ở Viện Quân y 103 có nhiều hơn các tuyến khác.

Đồng thời, Basedow có nhiều biểu hiện lâm sàng: run tay, tim đập nhanh, lồi mắt…, trong đó, việc điều trị triệu chứng lồi mắt để trở lại bình thường là rất khó. Hơn nữa, Basedow tồn tại ở nhiều thể khác nhau (liệt cơ, hay tái phát), yêu cầu phải xem xét, phân loại từng thể, xác định thể có khả năng tái phát cao sau điều trị, hết hợp với phương pháp phẫu thuật để điều trị thể ấy. Việc nghiên cứu về Basedow có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán và điều trị. Xưa kia, mổ tuyến giáp có tỉ lệ tử vong rất cao, bởi tuyến giáp chứa nhiều mạch máu rất dễ bị chảy máu. Công đoạn phẫu thuật cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm nâng cao chất lượng, giảm thiểu tình trạng tử vong. Những năm 50-60, chuyên gia Hungari ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức thường giữ, không để bệnh nhân biết việc họ sẽ được phẫu thuật. Bệnh nhân được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh, tối hôm trước khi phẫu thuật, bác sĩ tiêm cho họ liều thuốc ngủ, sáng hôm sau được đưa lên phòng mổ. Tức là các chuyên gia Hungari đã có đánh giá tác động của vỏ não đối với những cơn nhiễm độc giáp. Trong cơ chế bệnh sinh, tâm lý lo lắng, căng thẳng khiến cơn nhiễm độc giáp bùng lên rất dữ dội, đó là nguyên nhân làm bệnh nhân tử vong và chưa có cách điều trị. Việc bệnh nhân không biết mình sẽ được phẫu thuật, giúp hạn chế khả năng cơn nhiễm độc giáp bùng phát.

Khi thực hiện luận án này, BS Trần Đình Ngạn hướng đến hai mục tiêu: thứ nhất là chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Phương pháp nghiên cứu là khảo sát và thống kê các dấu hiệu thường gặp ở các bệnh nhân tuyến giáp và tính phần trăm của mỗi dấu hiệu đó (run tay, mắt lồi, sút cân, mạch nhanh…). Từ những số liệu bước đầu, ông đưa ra một bảng điểm các dấu hiệu cơ bản để chẩn đoán bệnh Basedow. Để thu thập được những triệu chứng người bệnh thường gặp, ông xây dựng một bộ câu hỏi đối với bệnh nhân, trên cơ sở đó ông cho điểm trên nguyên tắc cái gì thường gặp nhất là cao nhất, rồi cộng lại bao nhiêu điểm thì kết luận là Basedow – việc này giải quyết mục tiêu góp phần vào điều trị.

Mục tiêu thứ hai của đề tài là góp phần đưa ra phác đồ điều trị thông thường làm cho nhịp tim của bệnh nhân từ nhanh đến chậm dần và đi vào ổn định, không còn run tay, hồi phục sức khỏe, lên cân… Về bướu cổ, đề tài hướng đến xác định phần trăm bệnh nhân khỏi hẳn hay tái phát sau mổ. Về điều trị lồi mắt trong Basedow, mục tiêu của đề tài là đưa ra được các phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, ông cũng quan tâm nghiên cứu những trường hợp bệnh nhân bướu cổ kèm biểu hiện liệt cơ, tê tay chân, tầm soát và rút ra kết luận trường hợp bệnh nhân nào cần phải chú ý đến tuyến Thymus (tức tuyến ức, còn gọi là ung tuyến). PGS Ngạn cho biết, tuyến Thymus có ở bào thai, mất dần khi trưởng thành, là tuyến rất quan trọng trong điều hòa miễn dịch mà trước đó GS Đỗ Trung Phấn[2] đã trăn trở nghiên cứu. Từ việc quan sát mổ tử thi những bệnh nhân tử vong do Basedow, BS Ngạn phát hiện ra những bệnh nhân này có tuyến ức tương đối lớn. Do vậy, theo ông, bất cứ bệnh nhân nào có triệu chứng mỏi cơ thì phải tầm soát tuyến ức bằng cách chụp X-quang. Dù kỹ thuật đơn giản nhưng đã có thể phát hiện tuyến ức phía sau xương ức. Thông thường, tuyến ức sẽ tiêu biến ở người trưởng thành, nhưng trong một số trường hợp, tuyến ức vẫn tồn tại. Về vấn đề này, ông đã viết bài "Thông báo trường hợp bệnh Basedow có u tuyến ức kèm theo", đăng trên Học tập tham khảo số ra tháng 1, năm 1976 của Đại học Quân y. Trong đó khẳng định lần đầu tiên ở Việt Nam mở ra hướng nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị khi có hai bệnh kết hợp. Tiếp sau, năm 1977, ông công bố bài viết "Nhận xét yếu tố khởi bệnh và lâm sàng ở người bệnh Basedow" trên Học tập tham khảo số 2, tìm hiểu yếu tố chân thương tâm thần sau những năm đất nước chiến tranh, đặc điểm của bệnh ở người Việt Nam.

Đề tài cũng nghiên cứu phác đồ điều trị ngoại khoa phù hợp để tránh nhiễm độc giáp kịch phát, giảm rủi ro và giảm tỉ lệ tử vong cao, đảm bảo thành công của sự kết hợp điều trị giữa ngoại khoa và nội khoa.

Thực hiện luận án trong điều kiện không có Thầy hướng dẫn chính thức, ông tự nghiên cứu, phân tích, so sánh, viết bản thảo và tham khảo ý kiến của các thầy đi trước, những đồng nghiệp thân cận (về phương pháp, cách so sánh, đánh giá). Có thể kể đến GS Phạm Khuê (Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam), GS Nguyễn Ngọc Doãn (Viện phó Viện Quân y 108), GS Nguyễn Xuân Phách (Phó giám đốc Học viện Quân y), GS Bùi Xuân Tám (Viện trưởng Viện Quân y 103), GS Lê Huy Liệu, GS Nguyễn Thị Thu Nhạn (sau là Viện trưởng Bệnh viện Nhi Trung ương)… Trong đó, ông Nguyễn Xuân Phách hướng dẫn ông làm các thuật toán thống kê, phương pháp nghiên cứu; Nguyễn Ngọc Doãn (Viện phó Viện Quân y 108) giúp về phương pháp, đọc bản thảo và gợi ý cách sửa từng phần.

Khoảng năm 1980-1982, ông đã căn bản hoàn thành những nghiên cứu cho luận án nhưng nhận thấy chưa chín, chưa thực sự hài lòng và muốn có thời gian hoàn thiện thêm. Thời gian này, ông chỉ đăng một số bài báo như: "Chức năng nội tiết của tuyến ức, sự kết hợp bệnh nhược cơ với bệnh Basedow", tập san Nội khoa số 2, 1983, trong đó vận dụng những hiểu biết vào giải quyết thực tiễn ở Viện Quân y 103, đề ra các chỉ định phẫu thuật đúng, hạn chế tử vong; "Hình ảnh lâm sàng ở người bệnh cường giáp", báo cáo tại Hội nghị chuyên đề bệnh Basedow tại Học viện Quân y, ngày 10-4-1984, nêu những đặc điểm của bệnh Basedow ở Việt Nam…

Các bài báo đó đều được giới chuyên môn đánh giá tốt, có đóng góp cho chuyên  ngành. Song song với việc đó, ông còn đề xuất lãnh đạo Viện Quân y 103 ra một quy định là những bệnh nhân trước khi đi mổ phải được điều trị nội khoa để trở về bình giáp, tức là không còn triệu chứng nào của nhiễm độc giáp nữa (sau này trở thành quy định chung của Y tế Việt Nam). Tiếp đó, các bệnh nhân phải được điều trị để chặn trước các cơn nhiễm độc giáp từ 2-3 ngày trước phẫu thuật, đảm bảo khi mổ không bị bùng lên gây tử vong. Nhờ vậy, trong khoảng 10 năm ông cùng đồng nghiệp áp dụng quy định đó tại Viện Quân y 103, tỉ lệ bệnh nhân tử vong đã được ngăn chặn. Trong thập niên 70, Viện Quân y 103 vẫn còn một số ca tử vong do nhiễm độc giáp kịch phát thì thập niên 80, phần lớn các ca phẫu thuật thành công, trường hợp tái phát không đáng kể. Bấy giờ trong phẫu thuật tuyến giáp, bác sĩ sợ nhất là mất máu và mất tuyến cận giáp (tuyến điều khiển quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể) của bệnh nhân. Chữa xong bệnh tuyến giáp, bệnh nhân lại bị mất tuyến cận giáp, gây xuất hiện các cơn co giật, co chân tay, hạ can-xi, loãng xương. Một số bác sĩ được đào tạo về nội khoa, nắm được cơ chế bệnh sinh và bác sĩ ngoại khoa có cải tiến kỹ thuật mổ đã giúp nâng cao chất lượng điều trị bệnh.

PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Tôi đã làm và các thầy đọc những nghiên cứu ấy đã bằng lòng, ai cũng hoan nghênh nhưng biết thế thôi, tôi chưa nghĩ đến việc bảo vệ luận án. Thấy vậy, người bạn từ thời phổ thông của ông là GS.TSKH Vũ Ngọc Hải[3] hỏi: Thế anh muốn dạy học thôi hay còn muốn giúp đỡ anh em nữa? Không có bằng Phó tiến sĩ thì làm sao mà giúp đỡ anh em được. Điều đó đã thúc đẩy tôi tiếp tục hoàn thiện để bảo vệ luận án – PGS Trần Đình Ngạn kể. Nhờ sự nỗ lực nghiên cứu và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, luận án của ông được hoàn thiện, đảm bảo đúng quy cách của luận án, với các tính toán khoa học.

Luận án của PTS Trần Đình Ngạn

Năm 1988, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Học viện Quân y. Hội đồng đánh giá đó là công trình nghiên cứu công phu, phương pháp nghiên cứu chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu của một luận án. Đề tài xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, có đóng góp trong chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow, đặc biệt là các thể đặc biệt (tuyến ức) và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong phẫu thuật (ngăn chặn cơn nhiễm độc giáp). Nhờ ứng dụng vào thực tế, các trường hợp bệnh nhân bị chảy máu hậu phẫu thuật ở Viện Quân y 103 chỉ còn 1-2 ca, cơn nhiễm độc giáp kịch phát được điều trị kịp thời. Luận án của ông đã có những đóng góp mới sau:

– Xây dựng bảng điểm ứng dụng để chẩn đoán bệnh bướu giáp lan tỏa nhiễm độc ở tuyến y tế cơ sở.

– Lần đầu tiên ở Việt Nam áp dụng kết hợp thuốc kháng giáp tổng hợp Cytoxan điều trị bệnh nhân bướu giáp lan tỏa nhiễm độc có lồi mắt, phù niêm trước xương chày có kết quả tốt.

– Phác đồ chuẩn bị bệnh nhân và chỉ định điều trị bằng phẫu thuật trong đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt ở 95% số người bệnh.

– Đưa ra một số yếu tố tiên lượng bệnh.

Năm 1989, PTS.BS Trần Đình Ngạn được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Quân y 103, kiêm Chủ nhiệm khoa và Phó chủ nhiệm bộ môn Tim, Thận, Khớp, Nội tiết. Với cương vị là Phó Viện trưởng phụ trách khối Nội, ông đã xây dựng quy trình khám chữa bệnh tuyến giáp tại Viện 103, trong đó có việc nhất thiết bệnh nhân phải được điều trị về bình giáp, uống thuốc chống cường giáp trước đó 1 tuần nên không có bệnh nhân nào tử vong. Từ đó trở đi, không còn hiện tượng bệnh nhân tử vong vì mổ Basedow.

Đến nay, khi nhìn lại nghiên cứu của mình cách đây đã hơn 30 năm, PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Hình thức cuốn luận án của tôi dù còn thô sơ, không hiện đại, nhất là về cách làm, do mất rất nhiều công sức, thời gian (ngày nay, máy điện tim đưa ra kết quả ngay nhưng xưa kia phải theo dõi bệnh nhân suốt nhiều ngày)… nhưng ý nghĩa khoa học vẫn nguyên vẹn. Bệnh nhân phải điều trị nội khoa trong thời gian nhất định mới được phẫu thuật hoặc điều trị phóng xạ. Trường hợp nào được điều trị, trường hợp nào không. Sau này, trong các bài nghiên cứu, bài giảng, tham luận, ông vẫn luôn đề cập đến vấn đề này. Ông cũng rất vui vì hiện nay, tỉ lệ mắc bướu cổ đã thuyên giảm đáng kể, hiểu biết của người dân được nâng cao, chỉ đơn giản bằng cách sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn là có thể phòng bệnh. Tuy các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị đối với bệnh tuyến giáp đã có những tiến bộ vượt bậc và hiện đại, nhưng những nghiên cứu của PGS. TS Trần Đình Ngạn vẫn có giá trị thực tiễn lâu dài.

Lê Thị Hằng

_____________________

* PGS.TS Trần Đình Ngạn, chuyên ngành Y học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quân y 103.

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 7-4-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu này.

[2] GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

[3] GS.TSKH Vũ Ngọc Hải (1940-2013), nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.