Tâm huyết trên mọi nẻo đường

Phong thái cương nghị, nét sôi nổi, hào hứng khi nhìn lại chặng đường dài đã qua, ông đã cho tôi biết và cảm nhận rõ hơn về một nhà khoa học chân chính của ngành giao thông. Mái tóc điểm sợi bạc, nhưng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề vẫn không ngừng chảy trong ông. Chậm rãi nhấp ngụm trà nóng, ông say sưa kể với tôi về hành trình không ngừng nghỉ với giao thông Việt Nam.

NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang sinh năm 1956, nguyên quán ông ở xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, Nam Định. Sinh ra trong khó khăn, vất vả, cậu học trò nhỏ Huy Khang khi ấy đã sớm nuôi dưỡng trong mình một nghị lực, một chí hướng tiến thủ cho tương lai phía trước. Với tư chất hiếu học cùng sự chuyên cần, thuở nhỏ, ông đã học rất giỏi và đạt những kết quả xuất sắc. Sau khi học xong phổ thông ở quê nhà, ông dự thi và đỗ ngay vào trường ĐH GTVT với điểm số cao. Quá trình học tập, nghiên cứu tại nhà trường, ông không ngừng trau dồi, bồi đắp vốn tri thức của mình để có thể áp dụng vào những bài giảng, những dự án xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông. Để rồi, từ bước chân đầu tiên đến nay, gần 36 năm với bao thăng trầm xuyết suốt sự nghiệp của Giáo sư đã đi qua cùng rất nhiều những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho giao thông đất nước.

NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang

Nhắc đến ông, phải nhắc đến một đóng góp quan trọng đặt nền móng cho công cuộc đào tạo nhân lực ngành xây dựng sân bay. Khi đó, ngành xây dựng sân bay rất ít người, hầu hết các cán bộ chuyên gia trong ngành bên Nga về đã đến tuổi nghỉ hưu, cả nước chưa có trường nào đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên về quy hoạch và xây dựng sân bay dân dụng dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân sự. Trước thực tế đó, năm 2004, NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang đã đề nghị thành lập một bộ môn đường sân bay riêng trong trường, khi ấy cũng là tổ bộ môn đầu tiên và duy nhất của cả nước nghiên cứu về xây dựng đường sân bay. Trải qua bao năm tháng, Bộ môn đường sân bay của trường đã đóng góp nhiều kỹ sư, chuyên gia cho ngành xây dựng sân bay, hàng trăm kỹ sư do bộ môn đào tạo đã và đang làm việc trên khắp các công trình cảng hàng không của cả nước. Nắm bắt yêu cầu và đòi hỏi cao về chuyên môn, nhu cầu hội nhập quốc tế cao, tập thể cán bộ Bộ môn đường sân bay phấn đấu đến năm 2020 có 90 % nhân lực là TS, trong đó 70 % cán bộ được đào tạo ở nước ngoài.    

Trong công tác chuyên môn, ông luôn yêu cầu đòi hỏi việc ứng dụng các đề tài phải có tính thực tiễn, ứng dụng cao chứ không chỉ nằm trên lý thuyết. Với bài toán giao thông đô thị, NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang chính là người đã có những đóng góp nhất định, cùng nhóm nghiên cứu phát kiến giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc tồn đọng. Ra đời trong bối cảnh đó, 2 chiếc cầu vượt Láng Hạ, Tây Sơn, một ý tưởng xuất sắc của ông đã góp phần quan trọng xử lý ách tắc tại các tuyến đường này, mang lại cảnh quan thoáng đãng, đẹp cho giao thông thủ đô. Khi đó hầu như chưa có 1 quy trình, quy phạm nào về loại cầu nhẹ ở nước ta. NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang chính là người chủ trì nhóm nghiên cứu, là tác giả của hầu hết các cây cầu bộ hành của thủ đô được Sở GTVT Hà Nội đánh giá rất cao. Những cây cầu vượt đi vào hoạt động đã thành công vượt dự liệu, không những thế còn đạt yêu cầu cao về mặt thiết kế, kết cấu, trọng lượng. Với tiến độ thi công nhanh gọn, chi phí hợp lý, kiến trúc hài hòa, giờ đây những cây cầu vượt được ông lên ý tưởng đang ngày ngày góp phần hạn chế ùn tắc giao thông giờ cao điểm, đảm bảo mỹ quan đô thị, mang lại bộ mặt tươi sáng cho giao thông thủ đô.

Luôn trăn trở với những câu hỏi khó cho ngành giao thông quốc gia, NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang thâm nhập sâu vào thực tế, trải nghiệm và xử lý những vấn đề dù là nhỏ nhất. Nhận thấy mặt đường nhựa ở nhiều nơi hiện nay xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, ông đề nghị trường ĐH GTVT thành lập 1 nhóm cán bộ để giải quyết vấn đề trên, đứng đầu là Hiệu trưởng và ông là tổ trưởng tổ chuyên gia. Đoàn đã đi khảo sát khắp các nơi trên cả nước, tìm các nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Đoàn làm việc đã đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, báo cáo đến các Sở GTVT tại các địa phương để giải quyết vấn đề trên. Những đóng góp, ý kiến của tổ chuyên gia được Bộ GTVT đánh giá rất cao, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đó đã trao tặng Bằng khen cho nhóm về các hoạt động nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới của nước ngoài vào việc xử lý các công trình giao thông của đất nước.

Vẻ tự hào, rạng rỡ trên gương mặt, ông say sưa kể tiếp với tôi về những dự án của hiện tại, của tương lai. Dự án mới đây nhất là dự án Đông Trường Sơn kéo dài 700 km đường biên giới, len lỏi trong dãy Đông Trường Sơn. NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang là Tổ trưởng tổ chuyên gia thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình trọng điểm và có nhiều ý kiến chuyên môn được chấp nhận trong việc xây dựng con đường mang ý nghĩa an ninh quốc phòng này. Công việc bận rộn như cuốn hút người giáo sư nhiệt thành ấy suốt đêm ngày. Dường như với ông, nhiệt huyết với nghề như con sông chảy mãi không ngừng, ông say sưa nói về dự án Đường tuần tra biên giới, những ngày lăn lộn tại công trường biên giới, công trình mà ông đã có những đóng góp quan trọng về chuyên môn với tư cách là chuyên gia.  

Bộn bề công việc vây quanh là thế, nhưng ông cho rằng đó không phải là áp lực mà là nguồn vui, niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời. Giáo sư chia sẻ: “Cái gì mình nghiên cứu, mình sẽ ứng dụng ngay vào thực tế, đã làm là làm bằng được. Trên tất cả, tình yêu với nghề là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường công tác đã qua, để những cống hiến, đóng góp được nhiều hơn nữa cho ngành giao thông, cho đất nước.” Say mê nghiên cứu khoa học, NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang đã tham gia nhiều dự án, đề tài NCKH cấp Bộ, cấp NN. Đồng thời, là một nhà giáo yêu nghề, ông đã viết nhiều giáo trình phục vụ giảng dạy cho sinh viên và cao học, đã trực tiếp hướng dẫn hàng trăm kỹ sư, thạc sĩ, đã hướng dẫn 2 Tiến sĩ bảo vệ luận án thành công và đang hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ. 

Với những đóng góp, cống hiến đầy thiết thực và đáng trân trọng của mình, NGƯT.GS.TS Phạm Huy Khang đã vinh dự được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen, lãnh đạo các Bộ, ngành trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý. Lời kết, xin chúc ông mãi giữ được lòng nhiệt huyết, niềm đam mê bất tận với nghề để góp nhiều hơn những “trái ngọt” cho giao thông nước nhà!

Tiến Đức
Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/