Năm 1961, Trần Hiếu Nhuệ tốt nghiệp THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), với nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn tìm hiểu những điều mới lạ nên đăng ký thi trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Xây dựng, mặc dù chưa hiểu biết gì nhiều về xây dựng và kiến trúc. Sau khi trúng tuyển vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Hiếu Nhuệ là một trong những sinh viên trong danh sách được đi học tập chính trị để chuẩn bị sang Liên Xô học tập. Khi sang Liên Xô, Trần Hiếu Nhuệ được phân học ngành Cấp nước và Tiêu thủy thành phố tại trường Đại học Xây dựng Mátxcơva. Ngành học này, ở thời điểm đó không mấy hấp dẫn sinh viên, bởi không ít người cho rằng đây đơn thuần chỉ là một ngành chuyên “khơi thông cống rãnh”, vì vậy ông vào học với tâm trạng rất buồn.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, say mê với những công trình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, thời gian học tập tại trường, với những bài giảng của các thầy giáo về chuyên ngành tuy không hấp dẫn, nhưng rất quan trọng trong đời sống dân sinh này, Trần Hiếu Nhuệ dần nhận thức được ngành Cấp nước và Tiêu thủy thành phố là một ngành có ý nghĩa sống còn trong quá trình phát triển đô thị ở Liên Xô cũng như các quốc gia khác. Việc thoát nước và xử lý nước thải trong ngành Cấp nước và Tiêu thủy thành phố không chỉ là nhu cầu thiết yếu của con người, mà còn là yêu cầu cấp bách của xã hội, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển. Cũng từ đó, ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu về nước, bảo vệ môi trường nước, xử lý chất thải…
Trong câu chuyện của mình, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cũng bày tỏ những trăn trở, khó khăn về vấn đề cơ chế, chế độ đãi ngộ, vấn đề con người của lĩnh vực xử lý nước thải ở nước ta hiện nay.
Đã bước sang tuổi 74 nhưng GS.TS Trần Hiếu Nhuệ vẫn đang mải mê thực hiện những đề tài khoa học phục vụ đời sống xã hội về xử lý chất thải rắn và giúp đào tạo cán bộ để vận hành và quản lý các nhà máy xử lý nước thải ở Đồng Hới (Quảng Bình), Quy Nhơn (Bình Định)…
Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam