Tấm thẻ đại biểu hội nghị khoa học quốc tế

Tấm thẻ được làm rất đơn giản, chỉ là một vuông giấy nhỏ hình chữ nhật (5,2cm x 2,8cm) có ghi tên NGUEN D.K. VIET NAM bằng bút mực đen, dán trên miếng nhựa màu trắng, ép plastic ở mặt trước và có kim cài ở mặt sau. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nghiên cứu sinh Nguyễn Đăng Quang đã trải qua một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ và vượt qua nỗi đau tinh thần mới có cơ hội được đeo tấm thẻ ấy trên ngực áo.

Trở thành cán bộ khoa Hóa học ở trường Đại học Bách khoa từ năm 1964, giảng viên Nguyễn Đăng Quang nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình trong lĩnh vực chuyên môn và công tác Đoàn. Năm 1968, khi 28 tuổi, ông là trường hợp hiếm hoi của các bộ môn khoa học cơ bản được Ban giám hiệu cân nhắc cho đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Hiếm hoi là bởi ở trường Bách khoa có câu “kỹ thuật là con đẻ, cơ bản là con nuôi”, ngụ ý khối khoa học kỹ thuật được coi trọng hơn khối khoa học cơ bản. Nhưng khi ấy, Ban chủ nhiệm khoa Hóa học chưa tìm được người thực sự có đủ uy tín để đảm đương cương vị Bí thư chi bộ thay đồng chí Nguyễn Đăng Quang. Theo đề nghị của Ban chủ nhiệm khoa, lãnh đạo nhà trường tạm hoãn việc cử ông Quang đi du học. Ông tiếp nhận quyết định của nhà trường với một thái độ vui vẻ, nhưng luôn mong muốn cơ hội ấy sẽ đến một lần nữa.

Hai năm sau, ước mơ đi nghiên cứu sinh của Nguyễn Đăng Quang đã trở thành hiện thực, nhưng ông thuộc thế hệ nghiên cứu sinh đầu tiên phải thi tuyển. Thời điểm đó, bố bị ốm nặng phải điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, nên ông vừa chăm sóc bố vừa tranh thủ thời gian ôn tập với tinh thần quyết tâm cao. Kỳ thi nghiên cứu sinh năm 1971, Nguyễn Đăng Quang là một trong những người đạt điểm cao nhất ở cả ba nội dung: ngoại ngữ, chuyên ngành và đề cương nghiên cứu. Ông muốn được học ở trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, nơi một số thầy cô của ông từng tu nghiệp. Nhưng khi sang Liên Xô, theo sự phân bổ học viên, Đại sứ quán Việt Nam đã mua sẵn vé tàu cho ông đi về Gruzia, và thế là ông trở thành nghiên cứu sinh trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi.

Khi còn ở Việt Nam, Nguyễn Đăng Quang xác định sẽ theo đuổi hướng nghiên cứu về các hợp chất bán dẫn, bởi nó phục vụ đắc lực cho lĩnh vực quốc phòng. Song, cũng vì thế, Liên Xô không đào tạo người nước ngoài theo hướng nghiên cứu này. Ông buộc phải lựa chọn một đề tài vừa không bị từ chối bởi vấn đề quốc phòng của Liên Xô, vừa có phần liên quan đến các hợp chất bán dẫn. Tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi, GS I.M. Gverdtsiteli và PGS T.P. Doksopulo nhận hướng dẫn NCS Nguyễn Đăng Quang thực hiện đề tài “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất Cơ – Silic – Germani không no và thơm”.

Khác với nhiều nghiên cứu sinh cùng trường, Nguyễn Đăng Quang muốn tăng tốc trên hành trình học tập của mình. Năm đầu tiên, trong khi các bạn chỉ tập trung học tiếng Nga theo đúng kế hoạch đào tạo, ông đã bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Hàng tuần, ông dành hai ngày để làm việc ở phòng thí nghiệm hóa học. Những lúc rảnh rỗi, ông đọc tài liệu chuyên ngành ở thư viện Viện Hàn lâm khoa học Gruzia và thư viện Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Dù vậy, ông không lơ là việc học tiếng Nga, bởi đây là điều kiện tiên quyết đối với nghiên cứu sinh nước ngoài. Ông từng chia sẻ trong một bài luận rằng hóa học là ước mơ nghiên cứu của tôi từ nhiều năm nay và đang được các nhà bác học Xô viết từng bước dẫn đến đỉnh cao khoa học[1], được cô giáo tiếng Nga biểu dương. Ông còn tham dự các tiết học cùng sinh viên khoa Vật lý, tập viết nhật ký và làm thơ bằng tiếng Nga. Cuộc sống của ông dường như lúc nào cũng bận rộn với việc học ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học.

Sáu bài nghiên cứu đăng tạp chí chuyên ngành của NCS Nguyễn Đăng Quang

đồng tác giả với GS Gverdtsiteli và PGS Doksopulo, Liên Xô, 1973-1976

Kết thúc năm thứ nhất, NCS Nguyễn Đăng Quang không chỉ tổng hợp được 6 chất mới liên quan đến hợp chất Cơ – Silic – Germani, mà còn cùng GS Gverdtsiteli viết bài “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chấtCơ – Silic – Germani không no trên cơ sở 1,4-bis (methylphenyl) benzen”, được đăng ở tạp chíHóa đại cương của Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, số 43, tháng 12-1973. Các bạn và thầy cô đều ngạc nhiên về điều đó, riêng GS Gverdtsiteli càng có thêm niềm tin và khuyên học trò: Anh đừng đi học ngoại ngữ nữa, mà hãy dành thời gian để làm thực nghiệm. Trình độ tiếng Nga của anh giỏi hơn tôi rồi! Mặc dù từ năm thứ hai trở đi, nghiên cứu sinh nước ngoài vẫn phải học tiếng Nga mỗi tuần một buổi, nhưng Nguyễn Đăng Quang mạnh dạn đăng ký thi kết thúc môn học này. Ban chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ cho rằng ông “ngựa non háu đá”, nên ra đề thi rất khó. Nhưng cuối cùng, Chủ nhiệm khoa thừa nhận với GS Gverdtsiteli: Đúng là học trò của anh rất có năng lực và sự quyết tâm. Chúng tôi đồng ý cho cậu ấy dừng học tiếng Nga – PGS Nguyễn Đăng Quang vẫn nhớ những lời trao đổi này.

Ở Liên Xô, Nguyễn Đăng Quang chưa bao giờ nguôi nhớ về đất nước, nhà trường và bố mẹ đang phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh: Ôi, Tổ quốc trăm thương ngàn nhớ/ Đang ngày đêm gian khổ đấu tranh/ Bao người anh dũng hy sinh/ Để cho ta được học hành nơi đây[2]. Tâm tình đó khiến ông có thêm động lực phấn đấu, mong sớm được trở về xây dựng quê hương. Giữa tháng 5-1972, ông như bị điện giật khi nghe tin bố đã qua đời được 40 ngày. Giây phút ấy bỗng vỡ òa trong lồng ngực của người con xa xứ: Ba kính yêu sao đi đâu vội thế?/ Bốn năm trời ba không thể chờ con!/ Con tưởng thấy mắt ba còn đang hé/ Đôi môi còn mấp máy nhắc tên con![3]. Rồi ông bình tâm: Con tự nhủ phải học, làm gấp bội/ Để bù cho phần việc của ba/ Đường cách mạng ba rỡ rào phát lối/ Nay lẽ nào con chẳng dám xông pha[4]. Xác định như vậy, ông tiếp tục lao vào nghiên cứu, thường làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày, chủ yếu ở phòng thí nghiệm. Những năm tiếp theo, ông tổng hợp thêm được 28 chất mới, cùng GS Gverdtsiteli và PGS Doksopulo viết 5 bài được công bố ở Liên Xô[5].

Giáo sư Gverdtsiteli rất phấn khởi trước sự cố gắng của NCS Nguyễn Đăng Quang. Bởi thế, trong số các học trò của mình, thầy đã lựa chọn Nguyễn Đăng Quang tham dự hội nghị Hoá học toàn quốc nước Cộng hoà Gruzia tháng 5-1974. Lần ấy, khi được mời phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia Gruzia, ông có cảm xúc lâng lâng tự hào và sau đó ông bộc lộ bằng những vần thơ: Lần đầu tiên giọng anh/ Bay qua làn sóng điện/ Lan khắp khoảng không gian/ Tới năm châu, bốn biển[6]. Niềm vui như được nhân đôi khi ông trở thành thành viên duy nhất của Việt Nam trong Hội đồng Bác học trẻ tuổi toàn quốc Gruzia. Hội đồng này có khoảng một chục thành viên, đa số là giảng viên trẻ xuất sắc của các trường đại học. Nghiên cứu sinh Nguyễn Đăng Quang coi đây là cơ hội quý để trao đổi học thuật thông qua các buổi tọa đàm khoa học rất hữu ích.

Đầu tháng 5-1975, NCS Nguyễn Đăng Quang trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi, trước khi chính thức bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Gruzia. Không dừng ở phạm vi đề tài đã xác định, ông mở rộng nghiên cứu về một loại liên kết hóa học thuộc lĩnh vực hóa lượng tử. Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả của đề tài, nhưng yêu cầu ông đến gặp GS.TS Sladcov – Trưởng phòng thí nghiệm bán dẫn và cơ kim, Viện Bán dẫn và Cơ kim (Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô), để mời nhà khoa học này phản biện luận án. Băn khoăn về điều đó, ông tìm hiểu qua một số bạn nghiên cứu sinh cùng trường thì được họ phỏng đoán có hai khả năng: Đề tài của anh rất hay, trường muốn “mang chuông đi đánh nước người”; hoặc cũng có thể do kết luận của anh mâu thuẫn với quan điểm của một số nhà khoa học tên tuối ở Liên Xô, cần phải xem xét lại.

Lần đầu tiên gặp gỡ giữa NCS Nguyễn Đăng Quang và GS Sladcov, hai thầy trò đã tranh luận chuyên môn khoảng 4 giờ liền. Cuối cùng, GS Sladcov bị quan điểm của Nguyễn Đăng Quang thuyết phục và đồng ý làm phản biện. Lẽ ra, luận án được bảo vệ ngày 14-5-1975 (đúng sinh nhật của tác giả), nhưng vì GS Sladcov bận đi giảng ở Paris nên phải hoãn lại hai tuần. Nói đến việc chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận án hôm 28-5- 1975, PGS Nguyễn Đăng Quang cho biết: Bảo vệ luận án cũng giống như thuyết trình một đề tài khoa học, mà thuyết trình bằng tiếng Nga đòi hỏi phát âm chuẩn, đúng trọng âm, có ngữ điệu… Tôi tập thuyết trình hàng chục lần, mua máy ghi âm rồi nghe lại mới biết khả năng của mình còn dở tệ, cần rèn luyện thêm. Lần đầu tiên, tôi thuyết trình mất 25 phút, nhưng đến lúc bảo vệ chỉ còn 12 phút.

Luận án đạt loại xuất sắc, NCS Nguyễn Đăng Quang được trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi thưởng hai tháng lương (170 rúp), cụ thể là một chiếc xe đạp và tiền mặt 85 rúp. Đối với ông, chiếc xe đạp đó là món quà tuyệt vời, do GS Gverdtsiteli đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường. Kể về thầy, ông xúc động chia sẻ thêm: Thầy Gverdtsiteli từng khẳng định trước hội đồng khoa học rằng tôi là một nghiên cứu sinh cần cù, nghiêm túc và có trình độ. Thầy rơm rớm nước mắt khi nhắn nhủ tôi đừng bao giờ quên thầy cô và bạn bè ở Liên Xô. Giáo sư Gverdtsiteli muốn giúp đỡ học trò Nguyễn Đăng Quang tiếp tục làm luận án tiến sĩ, nhưng tiếc là khi ấy trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi chưa tổ chức hệ đào tạo này. Theo gợi ý của thầy, Nguyễn Đăng Quang ở lại Gruzia để tự nghiên cứu thêm, bởi ông đã bảo vệ luận án sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch.

Vừa lúc đó, Nguyễn Đăng Quang nhận được lời mời đến làm việc ở Viện Bán dẫn và Cơ kim (tại Moskva), mở ra cơ hội có thể thực hiện luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Sladcov. Ông nhớ lại: Tôi sung sướng khi đón nhận cơ hội mới đến từ thầy phản biện luận án phó tiến sĩ của mình. Chưa một người nước ngoài nào được vào làm việc ở Viện Bán dẫn và Cơ kim, chứng tỏ Liên Xô rất ưu ái cho tôi cũng như cho đất nước chúng ta. Thế nhưng, chuyện này đã không suôn sẻ, do Đại sứ quán Việt Nam phản đối ý định làm luận án tiến sĩ của ông. Đến nay, ông vẫn nhớ rõ lời quán triệt của vị cán bộ Đại sứ quán: Chúng tôi đã gửi cho anh giấy khen công nhận anh là nghiên cứu sinh xuất sắc nhất toàn Liên bang, tức là chúng tôi biết rõ khả năng của anh rồi. Nhưng chúng tôi biết một thì bạn biết 10, họ muốn khai thác và lợi dụng anh đấy! Anh cần đưa cái giỏi của mình về phục vụ đất nước vừa mới giải phóng!

Thẻ đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về các hợp chất Cơ – Silic của PTS Nguyễn Đăng Quang, Moskva, 7-1975

Phó tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang không thể làm trái quyết định của Đại sứ quán, nhưng ông được ở lại Liên Xô khoảng 4 tháng nữa để nghiên cứu tư liệu và tham gia sinh hoạt chuyên môn của Hội đồng Bác học trẻ tuổi toàn quốc Gruzia. Tháng 7-1975, ông được mời tham dự Hội nghị quốc tế về các hợp chất Cơ – Silic[7] lần thứ tư, họp tại Moskva. Tại bàn đón tiếp đại biểu, một thành viên Ban tổ chức nói với Nguyễn Đăng Quang bằng tiếng Anh, bởi ngỡ tưởng ông là người Nhật. Khi ông đề nghị dùng tiếng Nga và cho biết mình là người Việt Nam, bà này ngạc nhiên, như ông kể lại bằng thơ: Đâu có đoàn Việt Nam/ Tham gia vào đại hội?[8]. Nghe vậy, ông khiêm tốn đáp: Vâng, chưa có Việt Nam/ Nhưng có người nước Việt/ Với tư cách thành viên/ Đoàn bác học Xô viết[9]. Sau khi tiếp nhận thông tin này, Ban tổ chức hội nghị rất vui mừng, liền cấp cho ông Nguyễn Đăng Quang thẻ đại biểu có ghi NGUEN D.K. VIET NAM. Theo nguyện vọng của ông, Ban tổ chức ghi thêm chữ DRV (Việt Nam Dân chủ cộng hòa) ngay trên hàng đầu của bảng danh sách các quốc gia tham dự hội nghị. Ai đã từng học ở nước ngoài những năm đất nước ta còn chiến tranh mới thực sự thấu hiểu niềm vinh dự mà ông thổ lộ: Có thật không Đăng Quang/ Con người bình thường ấy/ Xưa đâu dám mơ màng/ Sánh vai cùng thế giới[10].

Tham gia hội nghị ở Moskva, PTS Nguyễn Đăng Quang được gặp nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng đến từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp… Theo yêu cầu bảo mật của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, ông không trình bày tham luận về nghiên cứu của mình, nhưng việc lắng nghe các nhà khoa học trao đổi chuyên môn đã giúp ông mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích. Ông được Ban tổ chức tặng bộ từ điển gồm 4 tập về các hợp chất Cơ – Silic, do Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc xuất bản. Sau hội nghị, ông càng suy nghĩ đến trách nhiệm nặng nề trên vai mình: trách nhiệm của một người thầy, một cán bộ nghiên cứu được Đảng và nhân dân tạo điều kiện cho đi học ở nước ngoài, khiến ông trăn trở và thôi thúc ông tiếp tục tiến lên trên vũ đài khoa học.

Trân trọng ân tình của nước bạn Liên Xô, PTS Nguyễn Đăng Quang mang theo về nước từ chiếc xe đạp đến cuốn luận án, sách vở và cả tấm thẻ đại biểu tham dự hội nghị quốc tế kể trên. Từ sau khi ông về Việt Nam tháng 9-1975, Hội đồng Bác học trẻ tuổi toàn quốc Gruzia vẫn gửi thư mời ông sinh hoạt khoa học, tiếc rằng do hoàn cảnh khó khăn nên ông không sang tham gia với các bạn được. Thế nhưng, tình cảm đối với xứ sở bạch dương luôn còn mãi trong ông và những kỷ vật luôn gợi nhớ về một thời nghiên cứu sinh tràn đầy năng lượng.

Mỗi lần làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS Nguyễn Đăng Quang thường bày tỏ sự tiếc nuối khi không còn giữ được nhiều tài liệu, một phần vì nhà chật chội và thiếu biện pháp bảo quản, một phần vì trước đây ông chưa ý thức đầy đủ về giá trị của chúng đối với các thế hệ trẻ. Chiếc xe đạp mà trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tbilisi tặng ông, sau nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng, giờ chỉ còn trong ký ức. Bộ từ điển 4 tập về các hợp chất Cơ – Silic vàcuốn luận án phó tiến sĩ cũng không còn nữa. Bởi vậy, cả PGS Nguyễn Đăng Quang và chúng tôi đều rất vui mừng khi ông tìm thấy tấm thẻ đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về các hợp chất Cơ – Silic ở Moskva. Dù được bọc cẩn thận trong túi ni lông nhưng tấm thẻ vẫn lộ rõ vết tích thời gian, giấy bị ố, rách và ghim cài bị han gỉ. Đắn đo suy nghĩ hồi lâu, ông mới quyết định tặng kỷ vật này cho Trung tâm lưu giữ. Không nghi ngờ gì nữa, tấm thẻ nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt và giá trị tinh thần lớn đối với PGS.TS Nguyễn Đăng Quang.

Nguyễn Thị Hợp

_______________________

* PGS.TS Nguyễn Đăng Quang, chuyên ngành Hóa học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ hóa hữu cơ và hóa dầu, trườngĐại học Bách khoa Hà Nội.

[1] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đăng Quang, 15-3-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, những lời kể của PGS Nguyễn Đăng Quang đều trích dẫn từ tài liệu này.

[2] Nguyễn Đăng Quang, “Ta sẽ về hàn gắn quê hương”, trong bản thảo “Thơ nhật ký”, Hà Nội, tháng 5-2011, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Nguyễn Đăng Quang, “Ba đã đi rồi ư?”, trong bản thảo “Thơ nhật ký”, tài liệu đã dẫn.

[4] Nguyễn Đăng Quang, “Ba đã đi rồi ư?”, tài liệu đã dẫn.

[5] Các bài nghiên cứu này bao gồm: 1- I.M. Gverdtsiteli, Nguyễn Đăng Quang, T.P. Doksopulo, “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất Cơ-Silic-Germani không no trên cơ sở 1,4-bis (dimethylsilyl) benzen”, tạp chí Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm khoa học Gruzia, số 72, N02 (1973); 2- Nguyễn Đăng Quang, T.P. Dokcsopulo, I.M. Gverdtsiteli, “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất Cơ-Silic-Germani không no trên cơ sở 1,4-bis (dialkyl (arylsilyl) benzen”, Tóm tắt báo cáo hội nghị khoa học và phương pháp luận toàn quốc các nhà hóa học, Hội nghị lần thứ IV, Cộng hòa Gruzia (5-1974); 3- I.M. Gverdtsiteli, Nguyễn Đăng Quang, T.P. Doksopulo, “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất Cơ-Silic-Germani trên cơ sở 1,4-bis (dimethylsilyl)-1,4-dihydronaphtalen và 9,10-bis (dimethylsilyl)-9,10-dihydroanthracen”, tạp chí Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm khoa học Gruzia, số 77, N01 (1975); 4I.M. Gverdtsiteli, Nguyễn Đăng Quang, T.P. Doksopulo, “Tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất Cơ-Silic-Germani trên cơ sở 1,4-bis (diphenylsilyl) benzen”, tạp chí Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm khoa học Gruzia, số 78, N03 (1975); 5- I.M. Gverdtsiteli, Nguyễn Đăng Quang, “Các hợp chất Cơ-Silic-Germani chứa các mắt xích phenyl và axetylenyl trong mạch”, tạp chí Hóa đại cương, Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, số 46, tập 3 (1976).

[6] Nguyễn Đăng Quang, “Họp hội nghị quốc tế”, trong bản thảo “Thơ nhật ký”, Hà Nội, 5-2011, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Đây là hội nghị khoa học quốc tế thường niên, trước đó được tổ chức lần lượt ở Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

[8] Nguyễn Đăng Quang, “Họp hội nghị quốc tế”, tài liệu đã dẫn.

[9] Nguyễn Đăng Quang, “Họp hội nghị quốc tế”, tài liệu đã dẫn.

[10] Nguyễn Đăng Quang, “Họp hội nghị quốc tế”, tài liệu đã dẫn.