Tấm ”Visa” mở đường (Kỳ 1)

Trong thời đại toàn cầu hóa, ngôn ngữ giao tiếp có vai trò hết sức quan trọng trong các quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác và hội nhập đối với mọi quốc gia. Với Việt Nam thời mở cửa, sự bất cập trong ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, trước hết là tiếng Anh, đã trở thành mối quan ngại luôn thường trực, bởi đó là một trong những căn nguyên của sự tụt hậu, sự thua thiệt trên thương trường cũng như trên địa bàn hợp tác nghiên cứu khoa học và nhiều lĩnh vực khác.

Nước ta đã chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) – một sự hội nhập ở phạm vi khu vực, ngày 31-12- 2015. Cùng với nhiều cơ hội, thuận lợi thì những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Đó là sự thiếu hụt, cả về trình độ – nguồn lực, cả về ngôn ngữ tiếng Anh, đang là rào cản lớn để thực hiện hội nhập. Như nhận định của một quan chức[1] Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì điểm yếu thứ hai của lao động Việt Nam là bất cập về ngôn ngữ tiếng Anh, xếp sau điểm yếu thứ nhất là kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Khi hội nhập, làm bất cứ việc gì người lao động cũng phải đọc, trao đổi, giao tiếp tốt thì mới làm được việc. Thiếu tiếng Anh sẽ làm cho nguồn nhân lực Việt Nam thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến chuyện sang các nước khác làm việc. Quả là chúng ta sẽ phải đương đầu với áp lực cạnh tranh vô cùng khốc liệt, khi mà công cụ – ngôn ngữ tiếng Anh hạn chế, kém sắc bén đã làm ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến điều kiện, cơ hội để hội nhập và phát triển.

Thực tế cũng đã chứng minh rằng, bất cứ quốc gia, tổ chức, cá nhân nào muốn đi sâu hơn, cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đều cần phải có công cụ thực hiện mục tiêu đó. Trước hết phải nói đến công cụ ngoại ngữ. Về vấn đề này, nghiên cứu viên chúng tôi thật sự ấn tượng khi được một số nhà khoa học chia sẻ, đặc biệt khi làm việc, trao đổi với hai nhà khoa học nữ: PGS.TS Thu Mỹ[2] và GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến[3].

Kỳ I: Chìa khóa mở đường

Trong một buổi phỏng vấn trực tiếp PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ, khi kể về con đường làm khoa học, bà khẳng định rằng những thành công trong nghiên cứu của bà không thể không có vai trò của ngoại ngữ. Ngược dòng thời gian, PGS Thu Mỹ cho biết bà đã may mắn tìm đến với tiếng Anh sớm do yêu cầu của công việc và từ đó tiếng Anh đã trở thành công cụ gắn bó với bà trong suốt chặng đường nghiên cứu, là chìa khóa mở đường vào khoa học. Năm 1966, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp, bà được phân công về làm việc tại Tổ Sử thế giới thuộc Viện Sử (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam), nghiên cứu về Thái Lan vì vậy buộc phải có tiếng Anh để đọc, tìm hiểu qua các tài liệu nước ngoài bởi tài liệu tham khảo chủ yếu là tiếng Anh. Theo lời khuyên của Viện trưởng Viện Đông Nam Á thời bấy giờ – ông Cao Huy Đỉnh, bà đã đến thư viện của Viện Thông tin ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) mượn một cuốn sách viết về đất nước Thái Lan bằng tiếng Anh để tự học thông qua việc đọc và dịch nội dung cuốn sách đó. Ban đầu khi mới dịch, từ nào cũng phải tra từ điển nhưng càng về sau số từ phải tra ít dần. Trong quá trình đọc tài liệu thấy cấu trúc câu nào hay nghiên cứu viên Thu Mỹ ghi lại và học theo mẫu câu đó. Bằng cách học như vậy mà vốn từ và các mẫu câu chuẩn văn phạm tiếng Anh ngày một phong phú, đã hỗ trợ bà rất nhiều trong nghiên cứu tài liệu nước ngoài.

 PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ chia sẻ về quá trình bà học tiếng Anh 

Năm 1982, bà được đi học nghiên cứu sinh tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1982-1986). Với ý tưởng tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về Thái Lan, bà chọn đề tài “Thái Lan trong chính sách Đông Dương của Trung Quốc (1978-1985)” làm luận án Phó tiến sĩ. Khi thực hiện đề tài, bà nhận thấy rằng những tài liệu tiếng Nga viết về Thái Lan cũng đều dịch từ tài liệu tiếng Anh, vì vậy bà tham khảo trực tiếp tài liệu bằng tiếng Anh, chủ yếu là tạp chí của Hồng Kông. Và như vậy, nghiên cứu sinh Thu Mỹ làm luận án bằng tiếng Nga, nhưng nguồn tham khảo phần nhiều là tài liệu tiếng Anh. Bà có cơ hội học hai ngoại ngữ, nhưng rất vất vả. Năm 1986, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, bà về nước tiếp tục công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ngoài công tác chuyên môn, bà còn tham gia các lớp học tiếng Anh nâng cao do Viện tổ chức. Đối với PGS Thu Mỹ, thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô thật sự có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời. Bà không chỉ tiếp cận, lĩnh hội được những kiến thức tiên tiến, bổ sung cho vốn kiến thức của bản thân, mà theo bà, một điều rất quan trọng là: “Đối với một nhà khoa học Việt Nam thì tự tin là rất quan trọng… Khi tôi ra nước ngoài học, nhờ thông thạo ngoại ngữ tôi biết trình độ của mình, của bạn và tôi thấy tự tin vào khả năng của mình hơn”. Ngoại ngữ đã trở thành tiền đề tạo dựng sự tự tin để PTS Thu Mỹ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Như bà cho biết, về nước đúng vào năm bắt đầu công cuộc đổi mới, cùng với tấm bằng PTS, ngoại ngữ tiếng Anh đã giúp bà thích ứng nhanh với yêu cầu của khoa học, của đất nước trong bối cảnh đổi mới, hội nhập vào những năm cuối thập kỷ 80. Trong thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, một cơ hội may mắn đã đến với bà, vào năm 1995, qua sự giới thiệu của Viện trưởng – GS.TS Phạm Đức Dương, bà nhận được học bổng của quỹ Ford đi học ở Viện Nghiên cứu châu Á tại trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Được trao đổi, làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài trong môi trường nghiên cứu khoa học là điều kiện tốt để bà trau dồi thêm khả năng giao tiếp tiếng Anh. Đồng thời, qua đó có thể mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài. Cũng trong thời gian này thông qua một người bạn là Châu Thị Hải ở Viện Đông Nam Á đang công tác tại Viện Hàn lâm khoa học Đức, được biết về một chương trình nghiên cứu trao đổi với các nước phương Nam của Viện Hàn lâm khoa học Đức, bà Thu Mỹ đã gửi thư cùng những thông tin cần thiết bằng tiếng Anh cho GS Bernard Damh, trưởng Bộ môn Đông Nam Á ở Đại học Passau đề nghị được tham gia chương trình này. Và bà đã được phía bạn chấp nhận sang nghiên cứu 3 tháng ở Đại học Passau, Bang Bavaria CHLB Đức. Kết thúc khóa học, bản báo cáo bằng tiếng Anh của học viên Thu Mỹ được GS Bernard Damh đánh giá tốt. Cũng trong thời gian ở Đức, Hội đồng châu Âu tổ chức Hội thảo Gặp gỡ Á- Âu (ngôn ngữ sử dụng trong hội thảo là tiếng Anh), những học viên đang tham gia chương trình nghiên cứu tại Đại học Passau đều được tham dự, trong đó có học viên Thu Mỹ. Tại hội thảo bà có dịp gặp gỡ và tự tin trao đổi học thuật với ông Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Á của Bắc Âu có trụ sở tại Vương quốc Bỉ. Rồi qua cơ hội tiếp xúc này, bà được mời sang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Bắc Âu trong 2 tháng. Cũng dịp này bà được chứng kiến sự “hợp tác không biên giới” trong khoa học. Bà kể: Tôi có phần ngạc nhiên khi được biết ông Viện trưởng một Viện nghiên cứu của Bắc Âu lại là người Ôtxtraylia. Sau tìm hiểu mới biết, ở nhiều vị trí không nhất thiết phải là người nước sở tại, mà họ tổ chức tuyển ứng viên từ các nước trên thế giới, quan trọng là đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của họ. Và đương nhiên, khả năng làm việc bằng ngôn ngữ tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên.

 Tài liệu tiếng Anh, phục vụ Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), 

do Việt Nam đăng cai, tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004

Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học, PGS Thu Mỹ đã có 25 chuyến đi công tác tham dự hội nghị, hội thảo và nghiên cứu trao đổi khoa học ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi là cơ hội học hỏi, công cụ tiếng Anh đã giúp bà nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc tiếp cận được những tài liệu mà ở Việt Nam không có, những tài liệu đó với nguồn thông tin phong phú đã giúp cho chất lượng những nghiên cứu của bà đảm bảo tốt về mặt học thuật, cập nhật được với thông tin thời đại, phù hợp với thực tế khách quan. Đồng thời, nhờ thông thạo tiếng Anh bà có nhiều cơ hội giao tiếp, góp phần mở rộng mối quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của đơn vị. PGS Thu Mỹ từng tham gia nhiều dự án, hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức trong nước, đặc biệt về vấn đề ASEAN. Theo đó, bà đã biên soạn, hiệu đính một số tài liệu, ấn phẩm bằng tiếng Anh. Và với vốn tiếng Anh thông thạo, PGS Thu Mỹ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các vị trí được giao phó. Sự say mê trong nghiên cứu cùng với việc không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ tiếng Anh – một công cụ đắc lực đã giúp bà đạt được những thành công trong sự nghiệp. Mặc dù vậy, cho đến nay khi nhìn lại chặng đường công tác, nghiên cứu đã trải qua, bà vẫn cảm thấy nuối tiếc một điều là chưa thật giỏi tiếng Anh. Trước xu thế hội nhập diễn ra mạnh mẽ, theo bà thật giỏi tiếng Anh thì cơ hội phát triển chuyên môn sẽ rất nhiều thuận lợi. Chính từ kinh nghiệm bản thân, PGS Thu Mỹ có lời khuyên với các thế hệ trẻ hãy học tốt tiếng Anh, đó là chìa khóa đến với thành công trên con đường hội nhập với thế giới: Theo kinh nghiệm từ bản thân, tôi cho rằng các bạn trẻ nên tập trung vào học thật giỏi một ngoại ngữ, mà hiện nay là tiếng Anh.

Mai Phi Nga- Giang Thị Nhung

—————-

[1] TS Đặng Quang Điều – Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

[2] PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ (Thu Mỹ) – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[3] GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; nguyên Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội.