Tấm ”Visa” mở đường (Kỳ 2)

Kỳ II: Ngoại ngữ – tấm "Visa" dẫn đường vào khoa học

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ* về tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, trong hợp tác nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến[1] khẳng định: Đối với bà ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời, có thể nói ngoại ngữ đã chiếm 30%, thậm chí tới 40% thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, công tác của bà, là tấm “Visa” mở đường, dẫn dắt bà đến với khoa học, đặc biệt là khoa học giáo dục. Trong một buổi làm việc tại nhà riêng, GS Hoàng Yến bộc bạch: Vào cuối những năm 80, khi đó bà công tác tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phát triển người lớn, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng là thời kỳ bà rơi vào hoàn cảnh gia đình rất đau buồn, tưởng khó có thể vượt qua. Bà và đứa con thơ chưa đầy năm được ông bà nội hết lòng chăm sóc, yêu thương mong có thể bù đắp cho sự mất mát của hai mẹ con, nhất là đứa cháu nội còn bé bỏng đã thiếu hơi ấm của cha. Được bố chồng – GS Hà Thế Ngữ[2] động viên, bà lao vào học tiếng Anh không hề có chủ ý, mục đích, mà chỉ để khuây khỏa nỗi đau quá lớn trong lòng. Nhớ lại ngày ấy cách đây đã gần 30 năm, cố kìm nén nỗi buồn sâu thẳm, GS Hoàng Yến kể rằng bà theo học tiếng Anh ở Trung tâm dạy ngoại ngữ, mỗi trình độ (A,B,C) bà thường học đi học lại chỉ để giết thời gian. Năm 1990, Nguyễn Hoàng Yến chuyển công tác từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về giảng dạy tại Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây là thời kỳ đời sống kinh tế xã hội nói chung rất khó khăn, trong đó có gia đình giảng viên trẻ Hoàng Yến. Một cơ hội và cũng là thử thách đầu tiên trên con đường sự nghiệp đến với bà. Theo yêu cầu tuyển thư ký làm việc cho Chương trình của Ủy ban Dân số quốc gia (UNPA), trong số các ứng viên của một số khoa trong trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia thi tuyển, Hoàng Yến là người được Ủy ban Dân số lựa chọn. Bà cho biết, tiếng Anh là tiêu chí quan trọng mà Ủy ban yêu cầu. Nhận quyết định biệt phái công tác, ngày đầu tiên làm việc tại UNPA Hoàng Yến thật sự choáng ngợp từ môi trường làm việc, công cụ làm việc hiện đại, đến giao tiếp trao đổi trong làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh, bởi đây là Chương trình của Liên hợp quốc tài trợ với nhiều chuyên gia các nước cùng thực hiện Chương trình.

Trong môi trường làm việc tốt cùng với thu nhập 150đôla/tháng, Hoàng Yến rất phấn khởi vì được mở mang kiến thức, cuộc sống được cải thiện. Nhưng bắt tay vào thực tế công việc với vị trí Thư ký nhóm, Hoàng Yến rất lo lắng vì thấy mình còn nhiều bất cập với vốn tiếng Anh đã học. Bà kể lại: Lo lắng lên cao trào khi lần đầu tiên tôi được cử ra sân bay đón chuyên gia nước ngoài, có thể nói tôi hoảng sợ khi nghĩ đến việc giao tiếp tiếng Anh thế nào. Tôi xin với lãnh đạo cử người khác, nhưng không được chấp nhận. Cùng với những căng thẳng, áp lực trong công việc, sau đó tôi trình bày với lãnh đạo – ông Trần Tiến Đức[3] rằng tự bản thân thấy không đáp ứng được yêu cầu công việc ở đây. Nhưng thật bất ngờ, ông Đức lại khen tôi nắm bắt được công việc, cố lên sẽ làm tốt. Có lẽ nhờ sự động viên, khích lệ đó, tôi quyết tâm học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng ngày tôi phải làm báo cáo về sản phẩm trong ngày bằng tiếng Anh. Thời gian đầu tôi phải tự bỏ tiền đi thuê đánh máy, nhưng rồi vẫn phải tra cứu Từ điển để chỉnh sửa, đọc soát lại, nên thường 9 -10 giờ tối mới xong việc. Thật quá vất vả, song cũng nhờ đó trình độ tiếng Anh của tôi được nâng lên rõ rệt. Sau một thời gian, tôi đề đạt với Ủy ban cho phép tôi được sử dụng máy tính tại cơ quan sau giờ làm việc để tự làm báo cáo. Được Ủy ban chấp thuận, chiều nào tôi cũng ở lại làm việc. Đây cũng là một cơ may để tôi có điều kiện vừa làm vừa học tiếng Anh thông qua việc tra cứu, soạn thảo văn bản tiếng Anh, học đánh máy tiếng Anh… Dù luôn về nhà muộn nhưng tôi rất phấn chấn vì đã tự hoàn thành tốt các báo cáo hàng ngày một cách thuận lợi, được tiếp cận với kiến thức mới về dân số và khả năng tiếng Anh ngày thêm vững vàng[4].

 

GS Hoàng Yến là đồng tác giả bản Báo cáo tại

Research for Collaboration Model of Human Services 9, 3-2013

Theo GS Hoàng Yến, ở môi trường công tác tại UNPA (1990-1991), bà đã học được phong cách làm việc với người nước ngoài; học được cách làm dự án với nước ngoài, và tổ chức các sự kiện… Bà rất tâm đắc: UNPA là môi trường đầu tiên tạo điều kiện để bà rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cả trong giao tiếp và soạn thảo tài liệu, văn bản, theo đó sự tự tin cũng được tạo dựng. Đồng thời cũng tại UNPA, bà tiếp nhận, tiếp thu được nhiều nhất những kiến thức, kỹ năng làm việc độc lập – nền tảng cơ bản để bà vững bước trên con đường nghiên cứu, giảng dạy. Kết thúc công tác biệt phái, đầu năm 1992 Hoàng Yến trở về trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục giảng dạy. Và một cơ hội được học tập, tiếp xúc trực tiếp bằng tiếng Anh lại đến với bà. Theo thư mời cùng với yêu cầu của Ủy ban II Hà Lan[5] cần tuyển chọn 1 học viên tham gia khóa học về Giáo dục đặc biệt (1993-1995) đang được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, lớp học đã khai giảng được gần nửa thời gian. Trường ĐH Sư phạm tổ chức tuyển chọn các ứng viên từ khoa Tiểu học, khoa Mầm non và khoa Tâm lý giáo dục. Đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, cùng với vốn tiếng Anh khá tốt, giảng viên Hoàng Yến lại được lựa chọn tham gia khóa học. Bà chia sẻ: Đây là khóa học do Ủy ban II Hà Lan tài trợ, đào tạo tại chỗ cho Việt Nam về Giáo dục đặc biệt, chuyên ngành Khiếm thính. Lớp gồm 21 học viên. Chương trình học trực tiếp bằng tiếng Anh do các chuyên gia người nước ngoài giảng dạy. Do vào học muộn, và lần đầu tiếp cận với chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, nên tôi gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ[6]

Để có thể theo kịp chương trình, học viên Hoàng Yến cân nhắc và quyết định mua bộ Từ điển Anh – Việt để tiện tra cứu, tự học. Phải “cân nhắc”, bởi để mua bộ Từ điển thời đó là cả một khoản tiền không nhỏ đối với đồng lương cán bộ nhà nước. Bà còn chủ động đặt vấn đề với thầy giúp bổ túc kiến thức, tùy theo thời gian của thầy. Sự mạnh dạn, quyết tâm học hỏi đó đã giúp Hoàng Yến thu được kết quả học tập rất tốt cả trong chuyên môn cũng như trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ, thừa nhận sự nỗ lực của bà, nhất là bà còn được thầy giáo chỉ định lên đứng lớp cùng thầy để dịch bài giảng ra tiếng Việt trước các đối tượng tham dự lớp tập huấn.

 

 GS.TS Nguyễn Hoàng Yến tại Hội thảo ở Thượng Hải, năm 2015[7]

Theo Chương trình, trước khi viết khóa luận tốt nghiệp, kết thúc khóa học vào 1995, học viên được đi thực tế 1 tháng ở nước ngoài. Học viên Hoàng Yến được ở lại thêm nên bà đã có 45 ngày tại Hà Lan, được cùng Giám đốc Ủy ban II Hà Lan đi quyên tiền và đến thăm một số trường Giáo dục đặc biệt theo các mô hình: trường Chuyên biệt; trường Hòa nhập; trường Hội nhập. Nhớ lại thời gian đó, bà xúc động: Trực tiếp được tham quan, tìm hiểu một số trường Giáo dục đặc biệt của Hà Lan, thấy được sự giáo dưỡng tuyệt vời, rất nhân văn đối với những đứa trẻ không may bị tật nguyền, tôi không cầm được lòng mình khi nghĩ đến trẻ em Việt Nam… Với những kiến thức, những trải nghiệm về Giáo dục đặc biệt cùng nhiệt huyết với nghiệp giáo dục và tấm lòng với con trẻ, giảng viên Hoàng Yến, một lần nữa lại mạnh dạn, đầy tự tin làm luận chứng, đề đạt với các cấp lãnh đạo về việc thành lập một Trung tâm về Giáo dục đặc biệt trực thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tháng 2-1995, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt trực thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập. Bà cho biết: Kinh phí xây dựng Trung tâm được bác Đỗ Mười ủng hộ, còn toàn bộ trang thiết bị (phần ruột của Trung tâm) là kinh phí do Ủy ban II Hà Lan tài trợ. Nguyễn Thị Hoàng Yến được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm. Từ đây bà dấn thân cho chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Năm 2001 khoa Giáo dục đặc biệt được thành lập, TS Nguyễn Thị Hoàng Yến được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt. Giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực chuyên ngành mới ở Việt Nam, rất cần học hỏi cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bởi vậy Chủ nhiệm khoa Hoàng Yến đã chủ trương lên lớp bằng tiếng Anh một số môn học, nhờ đó giảng viên cũng như sinh viên đã chủ động, thuận lợi trong tra cứu tài liệu cũng như tiếp xúc với chuyên ngành mới, với các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng trong dạy và học, trong nghiên cứu khoa học. Đối với GS.TS Hoàng Yến, ngoại ngữ tiếng Anh không chỉ là công cụ đắc lực giúp bà trong sự nghiệp chuyên môn, mà còn là chất xúc tác để bà nỗ lực, đam mê trong nghiên cứu, học hỏi với mong muốn có thể cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp khoa học giáo dục, trong đó có Giáo dục đặc biệt mà bà đã và vẫn đang gắn bó cả cuộc đời.

Làm khoa học, đó là sự dấn thân, tâm huyết với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để nâng cao trình độ, bồi đắp kiến thức nhằm cống hiến được nhiều nhất, hiệu quả nhất cho đất nước, cho cộng đồng, và đối với nhà khoa học nữ, trong họ còn là đức hy sinh, lòng quả cảm.

Mai Phi Nga – Giang Thị Nhung

____________________

* Xem Tấm "Visa" mở đường (Kỳ 1), 13/02/2016.

[1] GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

[2] GS Hà Thế Ngữ (1929-1990), nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (1975-1990).

[3] Ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Truyền thông Ủy ban Dân số của Chính phủ.

[4] [6] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, ngày 12-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Ủy ban II Hà Lan là một tổ chức giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam sau chiến tranh, chủ yếu về lĩnh vực Y tế và Giáo dục. 

[7] Regional IMFAR Shang hai 2015 là Hội nghị quốc tế thường niên về Trẻ tự kỷ, lần đầu tiên được tổ chức ở Châu Á.