Tầm vóc của một học giả

1. Tròn 30 năm ngày mất của GS Đặng Thai Mai và 70 năm ngày ông viết “Văn học khái luận”, giờ nhắc lại GS Hà Minh Đức vẫn nhớ như in hình ảnh một người thầy đáng kính, “một người có phong cách đặc biệt”. GS Đức cho rằng, thầy Đặng Thai Mai là người ít nói và thường nói những lời có chiều sâu, có cánh. Có thể nói, thầy là một tảng băng mà phần chìm nhiều hơn hẳn phần nổi nên học trò, rồi bạn đọc cũng không dễ hiểu được thầy trong chiều sâu về học thuật, tư tưởng tình cảm. Uyên bác và trầm lắng không chỉ là một phong cách mà thực chất là một nhân cách, nhân cách của một người hiểu mình, hiểu người, nhân cách trong đời và nhân cách trong học thuật.

Nhìn nhận về vai trò của người trí thức, GS Hà Minh Đức nhận xét, cuộc đời thầy Đặng Thai Mai là một tấm gương của người trí thức cách mạng, một nhà văn với sự nghiệp sáng tạo to lớn, một người thầy được tôn kính. Ông lý giải: Cuộc đời hoạt động của người trí thức cách mạng vượt qua nhiều thử thách, hai lần bị kết án tù tội. Ra tù, ông lại dùng ngòi bút sắc sảo sớm tiếp xúc với tân thư và những tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa cộng sản, ông đã tham gia viết cho nhiều tờ báo tiến bộ và cách mạng như “Tin tức”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Ông cũng viết cho nhiều tờ báo tiếng Pháp như “Le Travail” (Lao động), “Rasemblement” (Tập hợp), “No Trevoix” (Tiếng nói của chúng ta). Ông cũng viết một số truyện ngắn bênh vực người nghèo khổ.

Quang cảnh hội thảo về sự nghiệp văn học của Đặng Thai Mai
do Viện Văn học tổ chức

Từ đó, tên tuổi của GS Đặng Thai Mai được giới trí thức, các nhà văn hóa ghi nhận những đóng góp sắc sảo và có hiệu quả. “Cuộc đời của GS Đặng Thai Mai – người trí thức cách mạng đi theo Đảng không phải chỉ trên nhận thức tư tưởng mà trong đấu tranh bằng vũ khí tư tưởng, bằng hoạt động cách mạng, thậm chí tù tội, là một tấm gương sáng, một mẫu hình tuyệt đẹp của người trí thức cách mạng. Thật khó hình dung ra một vị giáo sư trên giảng đường, một văn nghệ sĩ cao niên, một nhà khoa học uyên bác, với phong thái của một nhà hiền triết lại có một cuộc đời vẻ vang, đầy thử thách và vượt lên tất cả”, GS Hà Minh Đức nói.

Trong khi đó, “học trò nhỏ” Phong Lê lại nhớ về người thầy của mình “là một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực Đông – tây, kim – cổ”. Theo ông Phong Lê, là người lãnh đạo cao nhất của Viện Văn học từ 1959 đến 1975, lại là Chủ tịch Hội Văn hóa, rồi Hội văn nghệ Việt Nam từ 1948 đến 1975, GS Đặng Thai Mai có một vị trí quan trọng trong giới sáng tác và nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật. Cũng có nghĩa là nếu những thành tựu lớn của sáng tác và nghiên cứu, giảng dạy văn học và các lĩnh vực khoa học nhân văn và xã hội ở cả ba nơi: Hội Văn nghệ, Viện Văn học và các Khoa Văn Đại học đều có sự đóng góp của ông, thì những “bất cập” và “hạn chế” của nó, ông cũng có phần trách nhiệm.

2. GS Đặng Thai Mai sinh ngày 25-12-1902, tại làng Lương Điền, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Cha là Đặng Nguyên Cẩn đậu phó bảng, làm đốc học nhưng tham gia phong trào Duy Tân từ năm 1904. Chú Đặng Thúc Hứa đậu tú tài, đóng vai trò phò tá cho cụ Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, đưa thanh niên yêu nước đi đào tạo ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Còn người chú nữa là Đặng Thái Xương tham gia Việt Nam Quang Phục hội, bị bắt đày đi Lao Bảo và hy sinh ở đó. Cô Đặng Quỳnh Anh là một lão thành cách mạng… 

GS Đặng Thai Mai

Sinh trưởng trong một gia đình mà các bậc cha chú đều là người yêu nước, Đặng Thai Mai đã sớm giác ngộ tình yêu Tổ quốc, căm ghét bọn xâm lược. Lên 7 tuổi, cậu bé Đặng Thai Mai đã phải xa cha mẹ nhưng nhờ dạy dỗ chu đáo của ông bà nội, lại là người thông minh, chăm chỉ học tập nên Đặng Thai Mai đã sớm định hình một phong thái, rồi trở thành một học giả uyên bác, nhà lý luận văn học, nhà văn, nhà sư phạm, một nhà văn hoá lớn của Việt Nam ở thế kỷ XX.

Năm 1925, Đặng Thai Mai vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội. Thời gian này, ông tham gia phong trào đòi “ân xá” cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Năm 1930, ông tham gia phong trào Cứu tế đỏ, bị bắt và ngồi tù 3 năm. Đây chính là thời điểm bước ngoặt ông chuyển từ chủ nghĩa dân tộc yêu nước sang chủ nghĩa Mác-Lênin. Ra tù, ông đến dạy ở các Trường tư thục Gia Long (1932), rồi trường Thăng Long (1935). Đến năm 1936, ông tham gia phong trào Mặt trận bình dân, tham gia viết và biên tập các báo tiếng Việt và tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng với các ông Vương Kim Toàn, Nguyễn Văn Tố thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Năm 1939, ông được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ… Trong cuộc đời 82 năm của mình, ông đã giữ nhiều trọng trách như: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường ĐHTH Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học. Ông cũng là người tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam…

3. Là một trí thức, một nhà văn hóa lớn, Đặng Thai Mai đã không ngừng suy tư về vấn đề tu dưỡng nghệ thuật. Gần 9 tháng sau cách mạng tháng Tám thành công ông đã viết trên tạp chí Tiền Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc (số 11 ngày 15-5-1946): “Sự tu dưỡng nghệ thuật là một nhật lệnh thượng khẩn trong tình thế văn hóa hiện nay… Trong công cuộc đấu tranh trên chiến tuyến văn hóa, một nghệ thuật độc đáo, sắc sảo, sâu xa là một sự thắng lợi… Dân tộc Việt Nam đang chờ nhà văn, nhà nghệ sĩ của non nước”.

Đặc biệt, khi bản Đề cương văn hoá ra đời năm 1943, chỉ 1 năm sau Đặng Thai Mai đã cho ra mắt tác phẩm “Văn học khái luận”. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học): “Đây là công trình lý luận Mác xít đầu tiên được viết một cách có hệ thống, giới thiệu và luận giải về các nguyên lý quan trọng nhất của văn học cách mạng”. Sau 70 năm, PGS. TS Trần Khánh Thành nhìn nhận: “Đến nay, nhiều vấn đề lý luận trong Văn học khái luận vẫn còn nguyên giá trị, vẫn phù hợp với bản chất và quy luật vận động của văn học”.

 

Với những cống hiến của GS Đặng Thai Mai trong các hoạt động chính trị-xã hội và văn học-nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1982); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996)…

 

 

Cho rằng GS Đặng Thai Mai là người “đắc đạo rồi mới hành đạo”, GS Hà Minh Đức nhận xét: Trong hoạt động ông tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận những giá trị văn hóa tư tưởng tiến bộ và cách mạng, tự rèn luyện, bồi đắp và có được một kho tàng tri thức uyên thâm. Sau những năm tháng có thể gọi là tu hành đắc đạo, ông đã chọn lựa và định vị hoạt động văn hóa văn nghệ ở khu vực nghiên cứu lý luận về văn học nghệ thuật. Năm 1944, ông cho xuất bản tác phẩm “Văn học khái luận”, cuốn lý luận văn nghệ đầu tiên được viết theo quan điểm cách mạng, phê phán các lý thuyết duy tâm về văn học nghệ thuật, góp phần khẳng định đường lối của Đảng trong văn nghệ. Ông chỉ rõ một chân lý trong nghệ thuật phải ở độ chín, thật chín mới sáng tạo “đắc đạo mới hành đạo”.

4. Tại cuộc hội thảo khoa học “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai” được Viện Văn học tổ chức gần đây, bên cạnh các con của GS Đặng Thai Mai còn rất đông học trò, đồng nghiệp của ông. Một lần nữa các ý kiến đều thống nhất khẳng định: GS Đặng Thai Mai là nhà văn hóa, nhà sư phạm mẫu mực có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn nghệ và học thuật nước nhà. Ông thuộc về một trong những người mở đường, đặt nền móng cho nền mỹ học, lý luận và phê bình văn học ở Việt Nam.

GS Nguyễn Đình Chú xúc động ví GS Đặng Thai Mai là “sư phụ” với hàm nghĩa vừa là người thầy, vừa là người cha mà trọn đời ông chịu ơn. PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn dù chỉ gặp GS Đặng Thai Mai trong những ngày ông nằm viện vẫn nhớ về một người thầy uyên bác, quan tâm đến thế hệ trẻ. Còn GS Trần Đình Sử nhận xét, GS Đặng Thai Mai là người thông hiểu văn hóa văn học châu Âu, lại thông hiểu văn hóa văn học Trung Quốc, ông có tri thức uyên bác để tham gia nhiều hoạt động văn hóa của đất nước. “Ông là con người hoạt động đa diện: quản lý, đấu tranh tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, chính trị, lí luận, phê bình, dịch thuật, sưu tầm nghiên cứu văn học cách mạng, giới thiệu văn học nước ngoài”, GS Trần Đình Sử nhận xét.

Tuy nhiên, theo GS Trần Đình Sử dù đã có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá cao về ông về các mặt, những bài hồi ký cảm động về những năm hoạt động. Tuy vậy, một cái nhìn toàn cục về tư tưởng của ông vẫn đang nằm ở phía trước, bởi viết về ông vẫn có những điều không dễ, vì tư liệu một phần và cũng vì địa vị của ông khiến người ta ngại ngùng, không dễ viết và khó viết hết.

Còn trong ký ức của “học trò” Hà Minh Đức, những dịp được học tập và gần gũi với GS Đặng Thai Mai, đôi lúc thấy ngại ngùng. Thầy có vẻ hơi lạnh và nghiêm. Nhiều người nói giáo sư có uy, đấy là một đặc điểm của thầy và đúng hơn là mọi người cảm nhận thấy cái uy của thầy, cái uy của một người thầy tận tâm với nghề, một nhà khoa học uyên bác, một nhân cách cao thượng, cái uy của một sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng, giữa giá trị thực và phần bộc lộ bình dị, nhẹ nhàng. Với GS Đặng Thai Mai, bên cạnh cái uy là sự hiền lành, dịu dàng được biểu hiện qua ánh mắt vừa sắc lạnh, vừa đầm ấm qua nụ cười nhiều cảm thông và cảm thương.

Hoàng Thu Phố
Nguồn: This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.