Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử và Ngô Thảo là những nhà nghiên cứu, phê bình văn học được nhiều người biết đến với tư cách là những cây bút viết nhiều, viết “mạnh mẽ”. Họ không chỉ là những đồng nghiệp có mối quan hệ thuần túy trong công việc mà còn là những người bạn tâm giao, thẳng thắn nhận xét những luận điểm của nhau trong lĩnh vực nghiên cứu.
Mối quan hệ giữa Nguyễn Đăng Mạnh và Lại Nguyên Ân được bắt đầu vào năm 1977, khi đó Lại Nguyên Ân vừa chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn), còn Nguyễn Đăng Mạnh là giáo viên Khoa Văn, trường Đại học Sư phạm I. Lúc đó, Nguyễn Đăng Mạnh muốn xuất bản một cuốn sách đầu tay của mình về vấn đề lý luận văn học, tại Nxb Tác phẩm mới, đã viết thư cho Lại Nguyên Ân: “Tôi có tập hợp được một số bài tiểu luận và phê bình văn học đăng rải rác trên một số tạp chí và tuần báo văn học từ khoảng 15 năm nay. Tôi có nguyện vọng được Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho tập bài của tôi vào kế hoạch xuất bản càng sớm càng tốt… Tôi đặt tên tập bài của tôi là: “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” vì khi viết tiểu luận hay phê bình văn học tôi thường cố gắng tìm hiểu những đặc sắc riêng của từng cây bút về tư tưởng và phong cách trên những tác phẩm khác nhau của họ…”[1].
Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa Nguyễn Đăng Mạnh và Lại Nguyên Ân trở nên thân thiết hơn, họ thường xuyên trao đổi các vấn đề về nghiên cứu văn học, xuất bản,… Trong một lá thư viết cho Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ: “Bao giờ có nhuận bút đấy? Cuốn văn xuôi xuất bản Nxb Văn học vẫn chưa có nhuận bút… Ân giục họ đi. Trượt giá thế này mà trả chậm thế nguy quá. Đã có nhuận bút bài Xuân Diệu trong “Xuân Diệu con người và tác phẩm” chưa? Về cuốn “Nguyễn Tuân – Con người và tác phẩm” mình định làm mấy phần: I-Tiểu sử và niên biểu, II-Con người Nguyễn Tuân, III-Tác phẩm Nguyễn Tuân (hay Văn Nguyễn Tuân), IV-Nguyễn Tuân bàn về văn học (ý kiến ông ấy về Văn học Nghệ thuật). Đề cương tỉ mỉ thì sẽ gửi sau, nhanh thôi, để mình hỏi xem có di bút, di cảo Nguyễn Tuân không?”[2].
Bìa cuốn sách in năm 1987 (bên trái) và Tái bản năm 1995
Đặc biệt trong những lá thư trao đổi của nhóm tác giả cuốn sách Một thời đại Văn học mới cho biết một số thông tin khá thú vị. Vào năm 1984, hướng tới Kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh (1945-1985), Nguyễn Minh Tấn – Phó Giám đốc Nxb Văn học đã mời một số tác giả biên soạn một công trình mang tính chất Tổng kết về nền Văn học chính thống dưới chế độ mới từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Theo đó, Lại Nguyên Ân đã tập hợp một số bạn bè, đồng nghiệp trong giới nghiên cứu, phê bình, lý luận để cùng viết cuốn sách về chủ đề này. Năm tác giả tham gia bao gồm: Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử và Ngô Thảo. Theo như lời kể của Lại Nguyên Ân thì vào thời điểm đó ông và Vương Trí Nhàn cùng làm công tác biên tập ở Nxb Tác phẩm mới, Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Đình Sử là giảng viên của Khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội, còn Ngô Thảo khi ấy công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhóm tác giả đã xây dựng Đề cương, phân công chịu trách nhiệm các nội dung: Nguyễn Đăng Mạnh viết bài khái quát và phê bình văn học (Một cuộc cách mạng sâu sắc trong lịch sử văn học dân tộc). Trần Đình Sử viết về con người được phản ánh trong văn học 1945-1985 (Con người trong Văn học Việt Nam hiện đại). Lại Nguyên Ân viết về vấn đề thể loại văn học 1945-1985 (Nội dung thể tài và sự phát triển thể loại trong nền Văn học Việt Nam mới). Vương Trí Nhàn viết về vấn đề ngôn ngữ (Bốn mươi năm phát triển ngôn ngữ văn học), còn Ngô Thảo viết về đội ngũ các nhà văn (Sự hình thành và phát triển của đội ngũ nhà văn kiểu mới).
Những bức thư trao đổi trong quá trình viết sách
Quá trình trao đổi, biên soạn cuốn sách được tiến hành trong gần 2 năm, các buổi thảo luận thường diễn ra ở nhà của Ngô Thảo, số 80 Hàng Bông. Nhóm tác giả thường phân công đọc chéo và nhận xét phần viết của nhau nhằm hướng các vấn đề theo đúng mục tiêu như Đề cương đã đặt ra, đảm bảo tính lịch sử, trung thực và khách quan. Trong thư viết nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh về bài của Lại Nguyên Ân có đoạn ghi: “Bài viết phong phú, lắm ý kiến mới và sắc sảo, chắc chắn gây được dư luận nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục đâu. Bài viết có một số vấn đề phải giải quyết. Có ba vấn đề: Dài quá, hơi tham lam ôm đồm – thích nói hết nhẽ, hình như cái gì cũng muốn giải thích, nói kỳ cùng, quá cặn kẽ. Nên bớt đi ¼. Giọng mỉa mai và phủ nhận văn học 40 năm qua và lãnh đạo văn nghệ 40 năm qua rất rõ. Đôi chỗ như khiêu khích gây sự, vì nói trùm lớp, từ cao nhất, từ toàn bộ… nên hết sức tránh. Rất cần an toàn tuyệt đối cho tập sách. Cũng không cần phải nói như thế, cũng quá đáng. Có lẽ vì muốn tô đậm luận điểm mà nói thế chăng… ”[3].
Ở một bức thư khác, Trần Đình Sử đã thẳng thắn nhận xét những ưu, khuyết điểm trong phần nghiên cứu và viết của Lại Nguyên Ân: “Bài viết công phu,nêu được nhiều nét quy luật của quá trình thể loại của 40 năm văn học, có kèm theo sự phân tích cụ thể của những phát hiện thú vị, thuyết phục, sắc sảo. Tuy nhiên bài viết quá dài, có những chỗ có thể viết gọn lại để tập trung vào các vấn đề thể loại, tránh trùng lặp, có những chỗ có lời văn gây phản ứng, ít thôi, nhưng cần phải sửa, để đừng ảnh hưởng tới những ý kiến hay. Đề nghị rút ngắn bớt, khoảng 60 trang là vừa…”[4].
Trong một lá thư viết vội trên tờ giấy kiểm tra đã sử dụng một mặt của học trò, Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Thân gửi Sử Ân. Bài của Thảo, Ân sửa đi như thế là ổn rồi. Nói chung được, có nhiều chỗ cũng sắc, hấp dẫn đấy chứ. Có mấy điểm này Sử Ân nghĩ và sửa thêm thì tốt…”[5].
Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học in lần đầu tiên năm 1987 với tên Một thời đại Văn học mới và được tái bản năm 1995 với một cái tên khác Một thời đại mới trong văn học. Gần 3 năm nghiên cứu, trao đổi và viết của 5 tác giả đã cho ra đời một cuốn sách về nền Văn học Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Một số đoạn thư trao đổi được dẫn ra trong bài viết này có thể được nhìn nhận như những câu chuyện bên lề thú vị, nhưng đồng thời nó cũng là minh chứng cho một quá trình làm việc hết sức nghiêm túc, khách quan trong nghiên cứu, một phong cách làm việc khoa học của các nhà khoa học.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[3]. Trích thư Nguyễn Đăng Mạnh gửi Lại Nguyên Ân, năm 1986.
[4]. Trích thư Trần Đình Sử gửi Lại Nguyên Ân, ngày 4-9-1986
[5]. Trích thư Nguyễn Đăng Mạnh gửi Lại Nguyên Ân và Trần Đình Sử, 1986.