Phó giáo sư Nguyễn Đình Kim sinh năm 1933 tại Hà Nội, cha ông- cụ Nguyễn Đình Diệp vốn tốt nghiệp trường Y sĩ Đông Dương và hành nghề ở nhiều nơi. Tuổi thơ ông gắn với những tháng ngày theo cha đi khắp các tỉnh thành khám chữa bệnh: Hải Phòng, Sơn La, Phúc Yên… Năm 1947, cha bị thực dân Pháp bắt và giết hại trong khi đưa thương binh vượt vòng vây địch, gia đình cậu phải hồi cư về Hà Nội sống nhờ nhà ông bà ngoại. Nguyễn Đình Kim được mẹ cho đi học tiếp ở trường Chu Văn An[1] (năm 1948), cậu học rất chăm chỉ với hy vọng sau này thoát khỏi cảnh nghèo khổ và kiếm được nghề tử tế.
Nhớ sinh thời cha từng căn dặn: Sau này con đừng theo ngành y, vì rất vất vả[2], và Nguyễn Đình Kim cũng rất thích học ngành toán, nhưng để tránh bị Pháp bắt đi lính anh đã chọn thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội[3]. Sinh viên học ngành y sẽ được miễn quân dịch, khi nào học xong thì mới bắt đi[4], ông kể. Sinh viên Nguyễn Đình Kim dần yêu thích ngành Y qua những bài giảng của thầy: Nguyễn Hữu, Đỗ Xuân Hợp[5], Tôn Thất Tùng[6]… Bởi vậy, năm thứ 4 ông đã thi đỗ Phụ giải phẫu viên (người đứng phụ mổ hướng dẫn sinh viên khóa dưới); năm thứ 5 đỗ nội trú ngoại khoa được trực tiếp tham gia đứng mổ dạ dày, ruột. Năm 1959, Nguyễn Đình Kim tốt nghiệp và công tác tại chuyên khoa Phẫu thuật bụng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, kiêm giảng dạy tại trường Cán bộ Quản lý Y tế[7].
Với kiến thức và thực tiễn khi học nội trú ngoại khoa, trong 8 năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, BS Nguyễn Đình Kim mổ hàng trăm ca và nhiều ca cấp cứu. Ngoài phẫu thuật bụng, ông còn thành thạo phẫu thuật bướu cổ và phẫu thuật cho bệnh nhi. BS Kim chia sẻ: Ở độ tuổi thanh niên tôi rất khỏe, nhiều lần phải trực suốt đêm mà hôm sau vẫn đứng mổ và lên lớp giảng như bình thường[8]. Với ông, phẫu thuật và giảng dạy đều là công việc chính nên luôn phải cân bằng thời gian. Tuy nhiên, ông yêu thích và say mê với phẫu thuật hơn. Ông nhớ nhất năm 1967, Mỹ ném bom ở Cổ Loa (Hà Nội) rất nhiều người bị thương, riêng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân mổ cấp cứu. Đêm đó, bệnh viện triển khai thành bốn phòng mổ, BS Nguyễn Đình Kim đảm nhiệm ba ca đại phẫu: Tôi vẫn nhớ trường hợp một người phụ nữ khoảng 40 tuổi bị viên bom bi bắn xuyên bụng với sáu lỗ thủng nhỏ, vì không thể khâu lại hết các vết thủng nên phải cắt bỏ đoạn ruột dài hàng thước. Hay trường hợp cháu nhỏ bị viên bom bi xuyên từ gan xuống dạ dày, ruột. Qua thăm khám ban đầu theo đường đi của đạn tôi nhận định số vết thủng phải là chẵn, nhưng tôi chỉ tìm ra ba vết. Sau khi khâu ba vết hoàn tất, tôi đang băn khoăn thì nhìn thấy con giun đang bò ngọ nguậy trong lỗ thủng thứ tư, tôi tiếp tục khâu lại cứu sống được bệnh nhân[9]. Qua những ca phẫu thuật, ông quan niệm: Muốn làm phẫu thuật viên giỏi phải có một trái tim sư tử, một đôi mắt cú vọ, một bàn tay mềm mại của người đàn bà[10].
Cuối năm 1967, thầy Hoàng Đình Cầu[11] (khi đó là Vụ trưởng Vụ Huấn luyện, Bộ Y tế) nhận thấy cần sớm phát triển giáo dục y tế lên miền rẻo cao và phải xây dựng phân hiệu Đại học Y miền núi[12], nên đã cử BS Nguyễn Đình Kim lên khu sơ tán La Hiên, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để dạy giải phẫu và bệnh học cho lớp sinh viên Y khoa hàm thụ đầu tiên. Bốn năm cống hiến trên miền núi, ngoài giảng dạy, ông còn cùng sinh viên dựng trường lớp, khám chữa bệnh cho người dân địa phương. Đây là giai đoạn rất gian khổ, nhưng ông biết ơn thầy Cầu vì đã cho ông nhiều trải nghiệm quý giá.
Năm 1971, thầy Hoàng Đình Cầu là Thứ trưởng Bộ Y tế, nhưng thầy vẫn tham gia làm chuyên môn. Thầy Cầu đã điều chuyển BS Nguyễn Đình Kim về công tác tại khoa Phẫu thuật phổi, Viện chống Lao[13]. Gần chục năm làm các phẫu thuật về bụng và cũng được biết phẫu thuật phổi là một công việc rất vất vả, khó khăn nên BS Kim mong muốn được tiếp tục về làm phẫu thuật bụng. Nhưng nhờ sự động viên, hướng dẫn, tận tình dìu dắt của thầy Hoàng Đình Cầu, ông đã dần gắn bó và yêu thích chuyên khoa này. Thời gian đầu, BS Nguyễn Đình Kim gặp nhiều bỡ ngỡ, dường như phải học lại từ đầu, từ động tác buộc chỉ sâu trong lồng ngực, rồi cách dùng mũi kéo, tăm bông bóc tách chỗ dính. Ông nhớ lời thầy Cầu căn dặn: Phẫu thuật lao phổi có khi phải mạnh tay để cắt các xương sườn đã biến dạng co kéo sát nhau, nhưng cũng có khi thì tỉ mỉ để mở các bao động mạch thùy phổi[14]. Phẫu thuật lao phổi rất khó, nhưng sự chỉ dạy ân cần của thầy Hoàng Đình Cầu như đã tiếp thêm nghị lực để BS Kim vững bước theo con đường thầy định hướng. Sau hai năm phụ cho thầy Cầu mổ nhiều ca phức tạp, ông sớm nắm bắt được các kỹ thuật mổ và ngày càng trưởng thành trong chuyên khoa Phẫu thuật phổi.
Làm phẫu thuật lao phổi, BS Nguyễn Đình Kim rất quan tâm tìm đọc các tài liệu về ung thư và miễn dịch. Nhận được sự ủng hộ của GS Hoàng Đình Cầu ông đã bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học theo hướng này. Sau bốn năm (1983-1987) miệt mài nghiên cứu, ông đã bảo vệ thành công đề tài luận án Phó tiến sĩ: “Điều trị miễn dịch bổ trợ sau mổ ung thư phổi nguyên phát bằng LH1, vitamin C liều cao và tam thất”. Luận án là quá trình đúc kết, áp dụng các liệu pháp miễn dịch sau mổ ung thư tại khoa Phẫu thuật phổi,kết quả theo dõi trong 7 năm, trên một nhóm 31 bệnh nhân được áp dụng sơ đồ điều trị[15]. Đây là công trình tâm đắc nhất trong cuộc đời làm khoa học của ông, đề tài nghiên cứu đầu tiên kết hợp Đông y và Tây y trong điều trị ung thư, giúp cho các bác sĩ cũng như người bệnh ý thức được phải tăng cường liệu pháp miễn dịch trong cơ thể để chống lại khối u. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng điều trị hỗ trợ miễn dịch cho các bệnh nhân ung thư ở Viện Lao và Bệnh phổi.
PGS.TS Nguyễn Đình Kim chia sẻ về một số công trình nghiên cứu khoa học, 27-6-2017
Bác sĩ Nguyễn Đình Kim biết khả năng bị lây nhiễm từ bệnh nhân lao phổi rất cao, nhưng chưa bao giờ ông sợ hãi, nản lòng với nghề. Theo ông, để ca phẫu thuật thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố: khám cẩn thận, xem xét bệnh án kỹ lưỡng, chỉ định phẫu thuật chuẩn xác và phải tính toán chiến thuật trước khi mổ,… Ngoài ra, bác sĩ phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà để trấn an tư tưởng cho họ yên tâm đi vào phẫu thuật. Năm 1985, BS Nguyễn Đình Kim mổ ca áp xe phổi, bệnh nhân là thương binh đã từng phẫu thuật ở tuyến cơ sở, nhưng vì khi mổ bác sĩ để quên gạc nên phổi bị mưng mủ lâu ngày thành áp xe mãn tính: Mổ áp xe phổi rất khó, bóc tách chỗ dính rất tỉ mỉ, bệnh nhân chảy máu nhiều. Khi tôi đang mổ thì tim bệnh nhân ngừng đập, phải dừng lại để xoa bóp lồng ngực hồi sức. Lần thứ hai lại tiếp tục như vậy, ca mổ kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, mổ xong vì căng thẳng quá nên tôi đi ra ngoài. Hồi sau, bác sĩ phụ mổ mời tôi quay lại vì tim bệnh nhân lại tiếp tục ngừng đập, lần thứ ba tôi làm hồi sức cho bệnh nhân và truyền máu[16]. Bác sĩ Kim đã gần như tuyệt vọng, nhưng thật bất ngờ sáng hôm sau bệnh nhân tỉnh lại, qua khỏi cơn nguy kịch. Phó giáo sư Nguyễn Đình Kim chia sẻ: Người thầy thuốc chữa bệnh không mong được cám ơn, chỉ mong sau khi phẫu thuật bệnh nhân mạnh khỏe thì đó là niềm vui, hạnh phúc to lớn. Đã là phẫu thuật viên rất nhiều stress ai cũng lo lắng. Mỗi một ca phẫu thuật bác sĩ đều phải tập trung tinh thần cao độ ở từng động tác, sau đó theo dõi sát sao bệnh nhân trong thời gian hậu phẫu, tránh để xảy ra biến chứng[17]. Với BS Nguyễn Đình Kim: Làm phẫu thuật như người nghiện thuốc lá càng làm càng nghiện, càng say mê[18]. Hơn nữa, mỗi ca mổ thành công làm cho ông thêm tin tưởng vào tay nghề của mình và càng yêu nghề.
Năm 1989, BS Nguyễn Đình Kim được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi, ông đảm trách về công việc chuyên môn. Khi đó, ông nhận thấy Viện Lao và Bệnh phổi là bệnh viện đầu ngành, uy tín trong điều trị lao phổi, nhưng chưa quan tâm đến việc tổng kết và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để phục vụ cho giảng dạy và học tập nên PGS Nguyễn Đình Kim đã đề xuất ý tưởng biên soạn giáo trình và 2 tập sách: “Bệnh học Lao và bệnh phổi”, đã được NXB Y học ấn hành năm 1994.
Cuộc đời PGS Nguyễn Đình Kim dành trọn cho nghề phẫu thuật với một niềm đam mê, sự tận tâm, tận tụy hết mình vì người bệnh. Ông luôn tâm niệm: Làm việc phải đặt tâm đức, trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên hàng đầu[19].
Tạ Thị Anh
____________________
* PGS.TS Nguyễn Đình Kim, chuyên ngành Y học, nguyện Phó viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi.
[1] Nay là trường THPT Chu Văn An
[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 22-8-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Nay là trường Đại học Y Hà Nội.
[4] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 22-8-2017, tài liệu đã dẫn.
[5] GS Đỗ Xuân Hợp, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu, trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa IV.
[6] GS Tôn Thất Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
[7] Nay là trường Đại học Y tế Công cộng.
[8] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 23-10-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 23-10-2017, tài liệu đã dẫn.
[10] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 23-10-2017, tài liệu đã dẫn.
[11] GS Hoàng Đình Cầu, chuyên ngành Y học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989).
[12] Năm 1973, phân hiệu Đại học Y miền núi được thành lập.
[13] Tên gọi của viện qua các thời kỳ: Viện chống Lao (1957-1985); Viện Lao và Bệnh phổi (1985-2003); Bệnh viện Phổi Trung ương ( từ 2003- nay).
[14] Phỏng vấn ghi hình PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 27-6-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.