Tập bài giảng ” Bệnh học ngoại khoa”

Năm 1956, theo Quyết định của Cục quân Y và Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Văn Phúc được phân công vừa giảng dạy Bộ môn Ngoại ở trường Đại học Y Hà Nội vừa là Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng tại Bệnh viện Việt – Đức.Thời gian này ông soạn thảo tập bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" để giảng dạy cho sinh viên Y3, trong đó có các học trò như GS như Đặng Hanh Đệ, GS Đỗ Đức Vân…Năm 1965 ông chuyển công tác, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho đến 1980.

Năm 1986, với niềm đan mê "thích dạy học" ông về giảng dạy Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội cho những sinh viên Y5, Y6 và Bác sĩ Chuyên khoa I. Trong thời gian này, ông bổ sung hoàn chỉnh bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" từ tập 1 đến tập 6, nhằm trang bị cho sinh viên ngành phẫu thuật những kiến thức cơ bản, đồng thời bổ sung những vấn đề phát hiện được trong nghiên cứu mới về Y học lâm sàng của Việt Nam và thế giới. Bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" bao gồm hơn 20 bài viết về các bệnh khác nhau như: Viêm phúc mạc cấp do thủng tạng, điều trị cấp cứu đa chấn thương, phân loại chọn lọc người bị thương, điều trị cấp cứu bỏng, điều trị tắc ruột cấp… Một số bài được đăng trong Tạp chí "Bệnh lý Ngoại khoa" của trường.

Mỗi tập bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" có những nội dung riêng, và được nâng cao ở mức độ khác nhau nhằm phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Tập 1 dành cho sinh viên Y5 gồm các bài: Viêm mủ bàn tay; Bệnh Post; Lao xương và khớp xương; Viêm ruột thừa cấp tính; Thủng dạ dày và hoành tá tràng do loét.

Tập 2tập 6 dành cho sinh viên Y5-Y6 Đại học Cần Thơ gồm: Viêm Phúc mạc do thủng tạng; Lồng ruột ở nhũ nhi; Hẹp phì đại môn vị; Ung thư trực tràng; Ung thư đại tràng; Ung thư thực quản; Điều trị tắc ruột cấp; Bỏng.

Tập 3tập 4 dành cho sinh viên Y6 Đại học Y Hà Nội gồm các bệnh: Viêm tụy cấp; Chảy máu nặng do loét dạ dày hoành tá tràng; Viêm tụy cấp; Điều trị ngoại khoa bệnh loét dạ dày tá tràng; Chấn thương bụng; chấn thương sọ não; Vết thương sọ não hở; Chấn thương lồng ngực kính.

Tập 5 dành cho Bác sĩ chuyên khoa I gồm các bệnh: Hội chứng vùi lấp Bywaters Blast injwry; phân loại chọn lọc người bị thương; điều trị cấp cứu bỏng; điều trị cấp cứu đa chấn thương, bài giảng này gồm các phần: Đại cương về loại bệnh; diễn biến lâm sàng; điều trị. Cuối mỗi bài đều có phần câu hỏi.

                                                                                               

Sưu tập bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" của GS Phạm Văn Phúc

Với những sinh viên Y5 ông truyền đạt những bài học mở đầu về lâm sàng, còn với sinh viên Y6, Giáo sư sẽ cung cấp kiến thức cao hơn và những thông tin khoa học liên quan. Đối tượng học viên là bác sĩ Chuyên khoa I, ông truyền đạt những kiến thức mới nhất trong nước và ngoài nước. Nhưng chung quy lại các bài giảng của ông bao giờ cũng có kết cấu chung: một là, truyền đạt những kiến thức kinh điển cho sinh viên; hai là, những đặc điểm lâm sàng của người bệnh Việt Nam và cuối cùng là những thông tin thế giới đã nghiên cứu về vấn đề đó như thế nào. Đồng thời trong quá trình giảng, Giáo sư luôn mở rộng kiến thức cho sinh viên ra ngoài chương trình.

                  

Trang 33 và 34 trong cuốn bài giảng tập 5

Để biên soạn tập bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" sinh động, ngoài vốn kiến thức sẵn có, hàng ngày Giáo sư Phạm Văn Phúc phải tìm tòi nhiều nguồn tài liệu khác nhau trên sách, báo, thông tin đại chúng… để cập nhật những kiến thức mới, kết hợp với kinh nghiệm của những ca mổ thực tế để sinh viên dễ hiểu hơn. Vì ông biết rằng, để nắm vững môn học này, bài giảng cần có sự kết hợp giữa kiến thức thực tế lâm sàng và lí thuyết. Bài giảng của ông đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu này, trang bị những kiến thức cơ bản cho sinh viên. Theo ông, muốn trở thành Bác sĩ Ngoại khoa tối thiểu phải có những kiến thức đó.

Năm 1986, tại trường Đại học Cần Thơ, Giáo sư Phạm Văn Phúc đã giảng «Bệnh học Ngoại khoa» cho sinh viên Y5. Sau một năm công tác, ông nhận thấy những sinh viên ở đây học tập rất chăm chỉ và vốn ngoại ngữ của họ tương đối giỏi. Nhưng vấp phải một khó khăn lớn là ở đây thiếu giáo viên dạy lâm sàng. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương đối với những sinh viên hiếu học, trách nhiệm đối với nghề, năm 1987 ông quyết tâm ở lại Cần Thơ để dạy tiếp phần chương trình cho sinh viên Y6, cùng một số đồng nghiệp như GS Lê Văn Lợi, GS Trần Đức Thọở Viện lão khoa, GS Nguyễn Như Bằng Bệnh viện Việt-Đức. Những sinh viên được ông giảng dạy ngày ấy, đến bây giờ họ đều trưởng thành và đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, trong đó ông nhớ nhất đến những sinh viên tên Cương, Hùng, Tốn – sau là cán bộ cốt cán của trường Đại học Y Cần Thơ.

GS Ngô Gia Hy [1] khi có dịp xuống Đại học Cần Thơ công tác đúng vào dịp Giáo sư Phạm Văn Phúc giảng dạy ở đây đã nói với sinh viên "Các em được nghe thầy Phúc giảng là rất vinh dự".

Cho đến tận bây giờ tuy tuổi đã cao, nhưng Giáo sư vẫn lao động miệt mài bằng cách chấm luận án và phản biện cho các Nghiên cứu sinh, ông vẫn luôn theo dõi phương pháp học tập và làm việc của các đồng nghiệp. Thực tế ông còn những trăn trở về kiến thức của thế hệ bác sĩ ngày nay. Ông nhận thấy rằng phải đọc sách chọn lọc cái hay và ông đang viết cuốn cẩm nang cho sinh viên chuyên khoa. Như Giáo sư chia sẻ: «tôi biết họ cần gì, mặc dù được học kiến thức mới và nhiều phương tiện kỹ thuật mới nhưng cái cốt lõi về kiến thức kinh điển để tránh sai sót thì nhiều bác sĩ chưa biết…»[2].

Tập bài giảng "Bệnh học Ngoại khoa" được Giáo sư Phạm Văn Phúc viết tay bằng tiếng Việt và tiếng Pháp với nhiều loại mực khác nhau cũng đủ nói lên sự trăn trở với khoa học lâm sàng của ông. Trải qua thời gian, nhưng giá trị nội dung củabài giảngvẫn còn phù hợp tới hôm nay. Bây giờ đọc lại bài giảng của mình, ông nói “Ngẫm lại, mình thấy ngày ấy sao viết tốt thế. Đến bây giờ những kiến thức mới bổ sung không có gì nhiều…”[3]. Đó chính là những “ba lô” kiến thức cốt lõi mà ông đã tự tích lũy cho mình và tâm huyết truyền thụ cho các thế hệ học trò.

Lê Thị Trinh

_____________________

[1].Ông là một chuyên gia về Niệu học, giảng dạy ở Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh.

[2]; [3]. Ghi âm phỏng vấn GS Phạm Văn Phúc, ngày 23-7-2013.