Tập bài giảng sơ khai đầu tiên
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kishinhốp, Mônđavia, Liên Xô, Nguyễn Văn Xuyến được phân về công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuối năm đó, ông cùng với một số cán bộ theo trường lên sơ tán tại Lạng Sơn (năm 1965, trường Đại học Bách khoa sơ tán lên Lạng Sơn). Nguyễn Văn Xuyến và các cán bộ khoa Hóa được phân về khu Bình Độ cách Đồng Đăng 30km, mỗi Bộ môn ở trên một quả đồi, phía dưới là sông Kỳ Cùng. Toàn bộ khu này nằm trong địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Tày. Nhà ở được dựng bằng tranh tre nứa lá, có 5 phòng dành cho cán bộ giảng dạy, mỗi phòng 18m2. Mỗi phòng bố trí 4 giường cho 4 cán bộ giảng dạy, trong phòng có kê bàn làm việc. Hội trường là những lán dài, mái lợp lá cọ. Sinh viên cũng dựng khu riêng để ở. Nhà dựng tạm, mùa đông gió rét thổi qua vách, có hôm nhiệt độ xuống đến âm 3°C, mọi người phải đi kiếm củi khô về chất đống giữa phòng, đốt lửa cả đêm để sưởi ấm. Thời gian đầu chưa có điện, nhưng về sau khoa Hóa mang máy phát điện từ Hà Nội lên để phục vụ việc dạy, học và nghiên cứu.
Tập bài giảng được nhắc tới là tập bài giảng về Cấu tạo chất, gồm 4 phần, được đánh số trang một cách cẩn thận: Cơ sở học lượng tử (trang 5-14); Cấu tạo nguyên tử (trang 15-30); Cấu tạo phân tử và liên kết hóa học (trang 31-80); Trạng thái tập hợp của các chất (trang 81-120). Trước khi Nguyễn Văn Xuyến về trường Đại học Bách khoa giảng dạy khoảng 2 năm thì ở Khoa Hóa đã có ông Trần Xuân Hoành giảng dạy về Cấu tạo chất (nhưng cũng chưa có giáo trình). Trước đó, từ khi trường Đại học Bách khoa thành lập (1956), rồi thành lập Bộ môn Hóa lý (1958), chưa có ai dạy về mảng cấu tạo chất.
Tập bài giảng Cấu tạo chất
Sở dĩ Nguyễn Văn Xuyến soạn tập bài giảng Cấu tạo chất là do yêu cầu của Bộ môn, của Khoa Hóa. Hồi đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có chủ trương cải tiến chương trình giảng dạy các môn khoa học cơ bản, trong đó có Hóa học. Ngoài ra vào thời điểm năm 1968, ông Trần Xuân Hoành chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô nên Nguyễn Văn Xuyến phải đảm nhiệm công việc này. Thời gian học tập ở trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp, Nguyễn Văn Xuyến đã được học kỹ các môn: Cơ học lượng tử, Cấu tạo nguyên tử, Cấu tạo phân tử và liên kết hóa học, Trạng thái tập hợp của các chất, đồng thời cũng ghi chép rất kỹ. Ngoài những vở ghi bài giảng, Nguyễn Văn Xuyến cũng mua và tập hợp một số sách giáo khoa, sách tham khảo rồi mang về nước để phục vụ công việc của mình. Khi về nước ông còn theo học các lớp bồi dưỡng về: Cơ học lượng tử của GS Hoàng Phương; Cấu tạo chất của GS Nguyễn Đình Huề; Phổ hồng ngoại của GS Lý Hòa; Các phương pháp phổ của GS Đào Đình Thức,…
Để soạn bài giảng Cấu tạo chất, Nguyễn Văn Xuyến còn dựa vào kết quả của hàng loạt thí nghiệm được tiến hành ở Hà Nội và khu sơ tán Lạng Sơn. Sau khi được Khoa Hóa cung cấp điện, Nguyễn Văn Xuyến cùng với các đồng nghiệp xây dựng phòng thí nghiệm hoạt động cả ngày đêm. Mặc dù điều kiện khó khăn, dụng cụ thiếu thốn, nhưng với sự giúp đỡ của các cán bộ trong Bộ môn, nên nhiều thí nghiệm đã được tiến hành như: sức điện động của pin, đo tốc độ phản ứng, hấp phụ…, và xây dựng được phương pháp cực phổ trong hóa học.
Ban ngày bận bịu với công tác giảng dạy, hướng dẫn thí nghiệm cho các sinh viên nên Nguyễn Văn Xuyến tranh thủ viết tập bài giảng này vào các buổi tối. Tập bài giảng soạn thảo hoàn chỉnh, ông chuyển đế cho các thầy giáo trong Khoa để tranh thủ ý kiến đóng góp. Sau đó có một cuộc họp để nhận xét, góp ý cho tập bài giảng và tác giả bổ sung và hoàn thiện trước khi đưa bài giảng lên lớp. Cuối năm 1968, lần đầu tiên Bài giảng cấu tạo chất được sử dụng trong giảng dạy ở Khoa Hóa Đại học Bách khoa. Trước đó ông ít giảng dạy trên lớp, chủ yếu là hướng dẫn làm thí nghiệm. Khi bài giảng cấu tạo chất được đưa vào giảng dạy thì nhiều sinh viên cảm thấy khó hiểu, vì đây đều là những môn học rất khó. Tuy nhiên, sau khi được nghe giảng bài kết hợp với làm thí nghiệm thì dần dần họ hiểu hơn và yêu thích các môn học của ông.
Các bài giảng được GS Nguyễn Văn Xuyến viết tay trên nhiều loại giấy (do trường phát và cả một số mang về từ Liên Xô) với nhiều loại mực khác nhau và đóng lại thành một tập. Hiện nay tập bài giảng đã rách hầu như toàn bộ phần mép, giấy đã mủn, bên trong bài giảng có nhiều chỗ gạch chân bằng bút đỏ, cắt dán, bổ sung…
Tập bài giảng đã gắn bó với thầy giáo Nguyễn Văn Xuyến trong suốt khoảng thời gian sơ tán ở Lạng Sơn, sau đó về Hà Nội khi Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, rồi lại đi sơ tán ở Phú Xuyên, Hà Tây, tiếp đó là ở khu sơ tán của huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Như một người bạn, Tập bài giảng Cấu tạo chất luôn theo ông trên khắp nẻo đường, trên những giảng đường đại học, như một “cẩm nang” để ông truyền dạy những kiến thức của mình cho học trò.
Đến một cuốn sách tâm huyết
Tập bài giảng Cấu tạo chất được thầy giáo Nguyễn Văn Xuyến sử dụng từ năm 1968 đến năm 1975 (từ 1977-1981 ông đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô). Cho đến năm 2002, trên cơ sở tập bài giảng này, qua quá trình phát triển, bổ sung tài liệu, kiến thức mới, GS Nguyễn Văn Xuyến đã hoàn thành cuốn sách Hóa lý – Cấu tạo phân tử và liên kết hóa học, được NXB Khoa học và Kỹ thuật xuất bản năm 2002 và được tái bản vào các năm 2005 và 2007.
Vào năm 2000, GS Nguyễn Văn Xuyến có ý tưởng viết một cuốn sách tham khảo về Hóa lý để phục vụ cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh dựa trên việc tập hợp từ các bài giảng tản mạn, trong đó đóng vai trò cốt lõi là tập bài giảng Cấu tạo chất. Trong khi đó ông vẫn phải lên lớp đến khoảng 1500-2000 tiết/năm, nên thật vất vả khi sắp xếp thời gian viết sách. Ông lại có thói quen đọc đi đọc lại, chỉnh sửa, viết lại, điều chỉnh sao cho vừa đủ ý, vừa ngắn gọn. Cũng trong thời gian này, GS Nguyễn Văn Xuyến được tham gia vào công tác đổi mới nội dung chương trình giáo dục đào tạo đại học và sau đại học của trường Đại học Bách khoa và Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là ủy viên Hội đồng tư vấn chương trình giáo dục đào tạo cho khối các trường đại học khoa học kỹ thuật.
Sau khi hoàn thành bản thảo, ông mang tới NXB Khoa học và Kỹ thuật để làm thủ tục in, nhưng Nhà xuất bản yêu cầu phải có ý kiến của các nhà khoa học ở các cơ quan khác để đảm bảo tính khách quan và trung thực của cuốn sách. GS Xuyến đã mang bản thảo tới nhờ GS.TS Đào Đình Thức (công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên) và PGS.TS Nguyễn Hữu Phú (Viện Hóa học) đọc và viết nhận xét cho cuốn sách của mình.
Nghiên cứu kỹ nội dung bản thảo sách do GS Nguyễn Văn Xuyến gửi tới, PGS.TS Nguyễn Hữu Phú cho rằng. Xét về nội dung, giáo trình đã cung cấp khá đầy đủ các kiến thức cơ sở về cơ học lượng tử, cấu tạo nguyên tử, phân tử, liên kết hóa học, mối quan hệ giữa tính chất của nguyên tử, phân tử với cấu trúc điện tử và liên kết hóa học giữa các nguyên tử trong phân tử. Ngoài ra, giáo trình còn đề cập đến các phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu cấu trúc và tính chất của vật liệu… PGS.TS Nguyễn Hữu Phú cũng nhận xét hết sức khách quan về tác giả của cuốn sách: “PGS.TSKH Nguyễn Văn Xuyến là người đã giảng dạy lâu năm về Hóa lý, đặc biệt về phần cấu tạo chất nên đã tích lũy khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc biên soạn. Nội dung của giáo trình này được xây dựng từ các bài giảng hàng năm cho sinh viên Khoa Hóa, Luyện kim, Thực phẩm,…. Tôi kính đề nghị NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xuất bản càng sớm càng tốt để đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu hiện nay của sinh viên và cán bộ nghiên cứu trong các trường Đại học và Viện nghiên cứu”[1].
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hữu Phú, GS.TS Đào Đình Thức cũng khẳng định: “Giáo trình có nội dung khoa học tốt, tính thực tiễn, tính sư phạm cao, bố cục hợp lý rõ ràng, ngôn từ chính xác, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết, thực tiễn, bài tập. Vì vậy giáo trình cần được xuất bản, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho việc giảng dạy, học tập của các trường đại học khối công nghệ, kỹ thuật và các trường đại học khác”[2].
Không những thế, cuốn sách “Hóa lý – Cấu tạo phân tử và liên kết hóa học” còn là cơ sở khoa học để GS Nguyễn Văn Xuyến xây dựng nhiều môn học tiếp theo: Hóa học chất rắn; các phương pháp vật lý và hóa lý nghiên cứu cấu tạo chất; động học và xúc tác; xúc tác phức; kỹ thuật xúc tác các phản ứng xúc tác trong công nghệ mới và bảo vệ môi trường; phân tích vi lượng bằng phương pháp động học xúc tác;…
Từ một tập bài giảng ở mức độ sơ khai đến một cuốn sách hoàn chỉnh mất hơn 30 năm, có lẽ đó là khoảng thời gian đủ dài để thấy được sự công phu cũng như mức độ tâm huyết của tác giả cuốn sách. Với GS Nguyễn Văn Xuyến, tập bài giảng và cuốn sách mang tới cho ông hứng thú đặc biệt, vì nó đã gắn liền với ông trong nhiều năm, từ khi chập chững bắt đầu vào nghề giáo.
Nguyễn Thanh Hóa
_________________________
[1] Nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hữu Phú (Viện Hóa học, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia) về bản thảo cuốn sách Hóa lý – Cấu tạo phân tử và liên kết hóa hóa học, 2001.
[2] Bản nhận xét về bản thảo cuốn sách của GS.TS Đào Đình Thức (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) về bản thảo cuốn sách Hóa lý – Cấu tạo phân tử và liên kết hóa hóa học, 2001.