Tập Giáo án giảng dạy môn Hóa công

PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh – nguyên Chuyên viên Quản lý đào tạo, Bộ Công nghiệp, là người luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục phong cách công nghiệp cho thế hệ trẻ thông qua việc giảng dạy môn Hóa học công nghiệp. Chịu ảnh hưởng phong cách làm việc của cha – nhà văn Nguyễn Văn Cư và rất tâm đắc tư tưởng của Nguyễn Công Trứ “Phải có danh gì với núi sông”, nên ông đã từng ước mơ được học tập, nghiên cứu về Hóa học. Có lẽ, đây cũng là động lực giúp ông đạt được những thành công trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Năm 1959, Nguyễn Quang Huỳnh tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật hóa học, khóa I (1956-1959), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông và Phạm Văn Minh là hai sinh viên có kết quả học tập khá, có khả năng thuyết trình, nên được GS Phạm Đồng Điện[1] phân công về giảng dạy tại Trường Trung cấp Hóa Chất.

Được phân công đi giảng dạy trái với nguyện vọng ban đầu của mình sẽ xin vào Viện Hóa học công nghệ, nhưng với tinh thần của tuổi trẻ lúc bấy giờ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” nên Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ tháng 12-1959, Nguyễn Quang Huỳnh rời thủ đô Hà Nội lên công tác tại Trường Trung cấp Hóa chất. Trường được xây dựng ở gần hai Khu công nghiệp Hoá chất lớn đó là Việt Trì và Lâm Thao, Phú Thọ. Tại đây, ông được Giám đốc Nguyễn Quý Kỳ phân công giảng dạy và là Tổ trưởng Bộ môn Hóa công. Năm 1966, ông phụ trách giảng dạy môn Hóa công cho lớp chuyên tu Đại học của trường Trung cấp Hóa chất và nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Sở dĩ có lớp chuyên tu Đại học này là vì lúc bấy giờ thiếu cán bộ Đại học, nhà máy Supe Phốt phát cùng trường Trung cấp Hóa chất đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lớp đào tạo cán bộ trình độ Đại học chuyên tu, mời các giảng viên của trường Đại học Bách khoa về giảng các môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa.

Môn học Hóa công là môn học nghiên cứu bản chất hóa lý, lý thuyết các quá trình đặc trưng trong nhiều ngành kỹ thuật hóa học, nghiên cứu cấu tạo và cách tính các thiết bị dùng để thực hiện các quá trình đó. Khi đó, giảng viên lớp chuyên tu Đại học về Hóa công chỉ có mình Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh và một giảng viên khác dạy môn Hóa công cho lớp Trung cấp, nhưng cộng tác với trường không lâu. Bởi vậy, bên cạnh giảng bài cho lớp chuyên tu, PGS Huỳnh còn phải bồi dưỡng cho cả các giảng viên dạy ở trường Trung cấp Hóa chất. Sinh viên trong lớp học đa số là các cán bộ quản lý, một số cán bộ lớn tuổi nên ông phải phụ đạo nhiều.

Vì không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nên thời gian đầu giảng viên Nguyễn Quang Huỳnh cũng gặp nhiều khó khăn khi giảng bài. Ông không chỉ lúng túng về phương pháp giảng dạy mà còn hạn chế về tài liệu chuyên môn. Ông tự tìm hiểu một số sách về phương pháp giảng dạy và tham dự các giờ giảng của đồng nghiệp để học tập về phương pháp truyền đạt. Nhớ lại thời gian đầu giảng dạy, ông chia sẻ: “…lúc đó, hiểu thế nào thì dạy theo thế, không có nghiệp vụ thì tự tìm hiểu, làm thế nào cho học sinh dễ hiểu nhất…” [2].

Những trang viết tay Giáo án bài giảng môn Hóa công

Thời kỳ đó, tài liệu về khoa học kỹ thuật ở nước ta không có nhiều, chủ yếu là tài liệu tham khảo bằng tiếng Nga, chưa có tài liệu giáo trình nào về môn Hóa công. Để tự trau dồi kiến thức cho mình và có tài liệu cho sinh viên tham khảo học tập, Nguyễn Quang Huỳnh đã tham khảo sách của tác giả Kazackin, Liên Xô và thường xuyên đọc các bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học thường thức. Trong quá trình dịch nội dung tài liệu, ông chọn lọc những nội dung, kiến thức cơ bản của tài liệu để đưa vào bài giảng, lược bỏ những chi tiết không cần thiết. Việc dịch và soạn giáo án bài giảng ông thực hiện rất đều đặn. Liên tục trong 2 năm 1966-1967, ông đã dịch và biên soạn được 17 chương nội dung giảng dạy môn Hóa công. Mỗi chương nội dung bài giảng đều có hai phần gồm khái niệm cơ bản và nội dung bài giảng. Những khái niệm như Tích ly là gì? Bốc hơi là gì? Kết tinh là gì? Lạnh thâm độ là gì?…. đều là những từ chuyên ngành nên ông phải tra cứu từ điển rất kỹ. Mỗi trang giáo án được ông chia đôi, một bên viết nội dung bài giảng; còn một bên viết các chú giải, hình vẽ minh họa, nhằm giúp cho sinh viên vừa học lý thuyết vừa hình dung bằng sơ đồ trực quan.

Ngày đó với mức lương của ông được 73 đồng, ông dành ra một phần để mua giấy viết, mỗi tập giấy có giá 0,52 đồng (thường gọi là giấy 5 hào 2), rồi tự đóng thành từng quyển để soạn bài giảng. Các chương bài dịch được ông ghi chép cẩn thận trong 8 tập vở kẻ ngang, khổ giấy 19x27cm, đóng bìa màu hồng, xanh, trắng đục.

Tập Giáo án giảng dạy môn Hóa công được ông sử dụng trong suốt quá trình giảng dạy cho lớp Đại học chuyên tu tại trường Trung cấp Hóa chất. Với sự chuẩn bị bài giảng chu đáo, sự cố gắng trong quá trình công tác, ông được Ban Giám hiệu trường ghi nhận: “…Trong giảng dạy có tinh thần đi sâu nghiên cứu khoa học, chuẩn bị nội dung bài giảng tốt, đóng góp những cải tiến vào nội dung chương trình giảng dạy, tham gia góp ý kiến cải tiến trong sản xuất ở một số nhà máy có kết quả, đã đóng góp vào nghiên cứu khoa học ở trường tốt.…” [3].

Bản đánh máy tổng hợp lại nội dung của 8 tập Giáo án

Năm 1980, Nguyễn Quang Huỳnh đã tổng hợp nội dung các tập giáo án, đánh máy vi tính cẩn thận hình thành tài liệu "Phương pháp giảng dạy Hóa công" và có ý tưởng phát triển nội dung này để làm luận án Phó Tiến sĩ. Tuy nhiên, khi báo cáo công trình tại Bộ môn Hóa học, Viện Hóa học Công nghiệp, thì nhận được góp ý về nội dung ý tưởng, hình thức trình bày như sau: “…từ ý tưởng tổng hợp ở trong tài liệu nên phát triển đề tài theo hướng giáo dục phong cách công nghiệp… Để trở thành luận án thì phải trình bày theo yêu cầu đề tài, tìm được cái mới trong luận án, tiến hành thực nghiệm sư phạm…”[4]. Bởi vậy, tập giáo án bài giảng môn Hóa công chỉ dừng lại như một giáo học pháp Bộ môn Hóa công và là tài liệu tiếng Việt duy nhất về môn Hóa công để sinh viên học tập. Nội dung tài liệu được ông Nguyễn Trọng Hoán – Chủ nhiệm Bộ môn Máy hóa chất, trường Trung học Hóa chất Vĩnh Phú đánh giá cao về nội dung và cách trình bày với nhận xét:

“…- Tính lô gíc chặt chẽ trong phương pháp giảng bài, làm cho bài giảng sinh động. Có sự liên kết từng phần, từng chương của giáo trình.

– Tính liên tục và nhất quán giữa phần lý thuyết, bài tập và thực hành trong bài giảng.

– Học sinh tiếp thu được kiến thức môn học một cách hứng thú, chủ động…, đã giúp cho giáo viên giảng dạy tốt môn học Hóa công. Không những cho trường Kỹ thuật Hóa chất mà cả đối với các trường công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm”[5].

Qua bao nhiêu năm, những tài liệu giảng dạy môn Hóa công gồm 8 tập giáo án bài giảng môn Hóa công và tài liệu “Phương pháp giảng dạy Hóa công" được xây dựng trên cơ sở các giáo án bài giảng, nay đã cũ, ố, lề các trang giấy đã sờn rách, nhưng được PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh lưu giữ cẩn thận và đó cũng là vật kỷ niệm của ông trong giai đoạn đầu thực hiện công tác giảng dạy. Năm 2012, ông tặng những tài liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Thành

_______________________

[1]. GS Phạm Đồng Điện-Chủ nhiệm Khoa Hóa thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1956-1960).

[2]; [4]. Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh, ngày 8-11-2012.

[3]. Bản Tóm tắt lý lịch Nguyễn Quang Huỳnh, ngày 6-3-1967.

[5]. Bản nhận xét của Nguyễn Trọng Hoán – Chủ nhiệm Bộ môn Máy hóa chất, trường Trung học Hóa chất Vĩnh Phú về bản "Phương pháp giảng dậy môn Hóa công" của PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh, ngày 30-11-1998.