Tập Hồi ký dang dở

Với tâm huyết, say mê gắn bó với ngành Cầu đường, GS.TS Bùi Danh Lưu đã để lại nhiều dấu ấn trên khắp các nẻo đường của đất nước trong thời kỳ đầu của sự nghiệp Đổi mới, mà tiêu biểu là Công trình xây dựng cầu Chương Dương. Ông cũng là người đầu tiên trưởng thành từ cơ sở trong ngành Cầu đường, rồi làm Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng và năm 1986 là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Trong 10 năm (1986-1996) ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng, ngành Giao thông Vận tải đã có sự đổi mới và phát triển, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

GS.TS Bùi Danh Lưu trong lễ thông xe Cầu Chương Dương, năm 1985

Năm 2001, GS.TS Bùi Danh Lưu bất ngờ phát hiện mình bị ung thư máu. Tuy vậy, trong suốt thời gian tích cực điều trị bệnh, ông vẫn không ngừng tham gia hoạt động trong Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, thậm chí vẫn đi công tác xa đến các tỉnh. Đặc biệt, ông có đóng góp lớn trong hai sự kiện quan trọng: Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội” chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 6-2010) và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam lần thứ VI (tháng 7-2010).

Bên cạnh sự say sưa với công việc, dường như GS.TS Bùi Danh Lưu cảm nhận được tình trạng sức khỏe ngày càng xấu dần nên từ năm 2010 ông bắt đầu tự viết điếu văn cho mình và đồng thời bắt tay vào viết hồi ký đời mình. Đọc những dòng hồi ký do ông viết tay bằng bút bi mực xanh trên giấy A4, dày 140 trang, chúng tôi không khỏi xúc động với những câu chuyện về quê hương Đào Xá (Phú Thọ), về gia đình, tuổi thơ và cả một thời trai trẻ của ông.

Những bút tích cuối cùng của GS.TS Bùi Danh Lưu

Ngay trang đầu tiên, GS.TS Bùi Danh Lưu tâm sự: “Tuổi thơ của tôi lớn lên bằng củ khoai, củ sắn làng Đào. Tôi đã lớn lên trong tình thương yêu của bố mẹ, gia đình và của những người dân thật thà, mộc mạc quê hương…”. Rồi Giáo sư nhớ lại kỉ niệm thơ ấu vui đùa trên những đồi sim bạt ngàn, cảm giác sợ sệt trong ngày đầu tiên cắp sách đến trường…

Những kí ức tuổi thơ lưu lại trong trí nhớ một người đã bươn trải và thành công trong cuộc đời vẫn đậm sâu đến lạ kỳ. Thật nao lòng khi đọc những dòng chữ của Giáo sư nhớ lại khi ông mới lên lớp 6 vì bố mất, mẹ không thể nuôi ăn học: “Sáng hôm đó, mẹ ép tôi ăn no để rồi còn đi xa. Trong tay nải, mẹ tôi đã nắm cho hai nắm cơm và vài con cá thính thơm phức”… “Mẹ nói mẹ có lỗi chẳng thể lo cho con ăn học như nguyện ước của bố. Bây giờ ra đi, tìm việc làm, tự túc để học là điều tốt, nhưng đôi mắt mẹ chan hòa nước mắt. Con thì gầy gò mảnh khảnh, thư sinh như thế, làm sao con có thể lao động cật lực để có miếng ăn…”. Lần đầu tiên xa nhà khi tuổi đời mới độ 12, Bùi Danh Lưu mải miết đi suốt ba ngày về hướng Tuyên Quang. Đến lúc mệt lả thì xin nghỉ nhờ một nhà bên đường. “Đêm ấy tôi nằm trên chiếc ghế tre, ông chủ cho mượn một chiếc chăn mỏng, tuy mệt nhưng không làm sao chợp mắt được. Tôi nhớ, thương mẹ tôi. Bây giờ mẹ chắc còn chưa ngủ để nghĩ về tôi”.Hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, nhớ lại chuyện này, ông trải lòng mình: “Kể từ cái ngày chia tay gia đình ra đi đến nay đã 55 năm. Mỗi lần khó khăn, tôi lại nhớ đến mẹ, lại thấy mẹ vẫy vẫy và đôi mắt đỏ hoe của mẹ. Tất cả như đang động viên cổ vũ tôi vượt qua bao khó khăn để học tập, công tác đạt kết quả tốt”.

Cùng những câu chuyện thời đi học, GS.TS Bùi Danh Lưu kể lại câu chuyện cũng chính là nguồn cơn nhen nhóm trong ông ước mơ trở thành kĩ sư cầu đường, để rồi suốt cả cuộc đời ông gắn bó với những con đường, những cây cầu nối đôi bờ dòng sông. Chuyện là năm 15 tuổi, ông đang học ở Tuyên Quang về quê ăn Tết trong một đêm Giao thừa rét cắt da cắt thịt: “Đã ba ngày liền chúng tôi từ Mĩ Lâm (Tuyên Quang) qua Ấm Thượng, Ấm Hạ, leo đèo lội suối, đầu trần chân đất, chân đau bụng đói, lê lết đến ghềnh bà Triệu đã gần đến giờ đón Giao thừa”, ông và người bạn ra sức gọi đò, rồi được ông lão lái đò nghèo đưa qua sông mà không có tiền trả. Ông lão tốt bụng còn mời ông ở lại cùng gia đình đón Giao thừa bên bếp lửa nồng ấm. Lúc đó, Bùi Danh Lưu nghĩ:“Tôi hằng mơ ước sẽ trở thành kĩ sư cầu đường để xây dựng tại ghềnh Bà Triệu một cây cầu, để không bao giờ còn tiếng gọi đò khuya, để vơi đi nỗi cơ cực của người dân quê tôi”.

Tập hồi ký còn lôi cuốn người đọc theo từng bước đường hoạt động của GS.TS Bùi Danh Lưu khi ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi làm liên lạc cho Cục trưởng Cục Thiết kế. Đặc biệt sự kiện bước ngoặt trong đời được Giáo sư nhớ mãi: thi trượt trường Cao đẳng Giao thông công chính và lên Làng Giàng (Lào Cai) xây cầu. Đó là khoảng năm 1956, ông lên Làng Giàng vào một ngày cuối năm, “núi cao, rét thấu xương thấu thịt, chiều chiều sương xuống mịt mù, đêm nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng beo gầm vượn hú…”. Bùi Danh Lưu được phân công vào Ban Chỉ huy thi công Trạm số 4, một trạm công tác rất khó khăn, lòng sông đá tai mèo lởm chởm, lại ở chính dòng nước chảy siết. Ông đã có sáng kiến táo bạo, thiết kế một khung vây hai lớp gỗ để chặn dòng nước, tạo điều kiện cho anh em công nhân nổ mìn, phá đá và hạ móng đến tầng cơ bản. Với những đóng góp trong công trình đầu tay, ông được tăng liền hai bậc lương, nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được cử đi Trung Quốc thực tập một năm.

Những dòng hồi ức của GS.TS Bùi Danh Lưu còn trải dài theo các câu chuyện khi ông tham gia đảm bảo giao thông cầu Đò Lèn, Hàm Rồng; Đưa tiến bộ kỹ thuật mới tiếp thu được trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc áp dụng tại cầu Kim Tràng…

Nhưng những hồi tưởng đó mới dừng lại ở mốc năm 1975, còn biết bao những hoạt động khi Giáo sư trở thành lãnh đạo Bộ, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu Đường; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào giao thông vận tải… ông chưa kịp kể lại…

Gần ba năm qua, bà quả phụ Trần Thị Quế trân trọng lưu giữ nguyên vẹn Tập hồi ký này cùng nỗi ưu tư vẫn chưa nguôi trong lòng. Khi giới thiệu di vật này với chúng tôi, bà cười mà đôi mắt ngấn lệ: bà vẫn như thấy ông của một thời trẻ trai, sung sức nhất.

 

GS.TS Bùi Danh Lưu sinh ngày 28-8-1935. Quê ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ông từng được mệnh danh là “Người của những con đường”.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa VI, VII, VIII;

Đại biểu Quốc hội Khóa 8;

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (1986-1996);

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng (1997-2003);

Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam từ 1987 đến khi mất (2010).

Trần Bích Hạnh