”Tây Nguyên trong tôi ”





Trong buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 30-9-2019, biết bao thương nhớ về Tây Nguyên lại như ùa về trong ông. Năm 1976, ông Nguyễn Đức Ngữ được phân công Chủ nhiệm đề tài “Khí hậu Tây Nguyên” thuộc Chương trình Nhà nước “Điều tra tổng hợp vùng lãnh thổ Tây Nguyên”. Trong vai trò Đội trưởng đội khảo sát, ông lập kế hoạch khảo sát từ thung lũng đến núi cao để thực hiện nhiệm vụ đặt 11 điểm quan trắc thuộc ba tỉnh: Gia Lai – Kom Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Lần đầu, đội ông được đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên, tuy xa xôi, hẻo lánh, mới lạ nhưng trong mỗi người đều trào dâng cảm giác vui sướng. Chương trình khảo sát trong 4 năm, toàn đội được bố trí ăn ở, sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc, bộ đội địa phương. Thời đó, dù đời sống nghèo nàn, mỗi sáng chỉ có một bát cơm gạo đỏ chan nước mắm, nhưng đầy ắp tình cảm, sự quý mến nhau. Đặc biệt, đội ông cũng như những thành viên thực hiện chương trình đều phải đối mặt với hiểm nguy từ FULRO, dịch bệnh,… Hoàn cảnh gian khổ là vậy, nhưng ai nấy đều chung mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần khôi phục, xây dựng, phát triển mảnh đất Tây Nguyên.

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ chia sẻ về Tây Nguyên, 30-9-2019

Năm 1980, đề tài “Khí hậu Tây Nguyên” hoàn thành, đây là một nghiên cứu toàn diện đầu tiên về khí hậu ở Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần phân tích đầy đủ các quy luật phân bố khí hậu, phân vùng khí hậu, cung cấp cơ sở khoa học cho việc khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế phù hợp với các điều kiện tự nhiên ở đây. Giáo sư Nguyễn Đức Ngữ tâm sự: “Tôi chẳng có điều kiện vật chất để giúp đồng bào ở Tây Nguyên, nhưng tôi có khối óc để nghiên cứu góp phần xây dựng, phát triển mảnh đất này”.

Với GS Nguyễn Đức Ngữ, Tây Nguyên đã trở thành thân thuộc, thông thổ như mảnh đất quê hương, bất kỳ ai hỏi đến nơi này, ông đều có thể chia sẻ như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Tạ Anh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam