PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng
Hồi nhỏ sống cùng cha mẹ đẻ ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, bé quá không có ấn tượng nào. Đến lúc về được quê, học lớp 3 trường làng lần đầu tôi nghe mấy tiếng “Tết trung thu” vào thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám. Tết đó bọn trẻ Hà Đông, làng Hà Thành chúng tôi tập họp ở đình làng, được các bậc phụ huynh cho rất nhiều bánh ít, bánh kẹp, bánh ổ… đầy một nón. Ăn mừng Tết Trung thu độc lập. Tuổi nhi đồng sung sướng lần đầu được tụ họp đông vui dưới bóng cây đa cổ thụ sân đình chạy nhảy rồi ăn bánh. Năm 1946, tôi theo cha ra học ở Huế được mấy tháng, kháng chiến chống Pháp bùng bổ, cha con ra Quảng Bình, tản cư ở Thuận Bài, Quảng Trạch. Cái Tết kháng chiến xa quê làng ở nhờ nhà ông Trần Đình Đàn. Hình như gia đình ông ấy có chuẩn bị Tết, nhưng ba cha con tôi – dân tản cư – chẳng có gì đón Xuân. Cha tôi viết bài thơ “Nhớ nhà” dịp Tết Bính Tuất năm 1947:
Cái tết năm nay tết ở xa
Lòng riêng riêng những nhớ quê nhà
Nhớ làng Hà Khúc, dinh ông Khám
Nhớ sở Âm linh, cảnh Miếu Bà
Nhớ cả ấp Tây tình ấm áp
Nhớ qua làng Giáng nghĩa gần xa
Nhớ cha nhớ mẹ cùng con, vợ
Nhớ mấy cây cao mấy cụm hoa
Khi viết bài thơ này, cha tôi 48 tuổi. Kháng chiến, tản cư, ở đậu, thiếu thốn đủ bề, tâm trạng cha tôi trong thơ rất chân thật, nhớ tất cả cha mẹ, vợ con, chị vợ, lăng miếu trong làng xã…Tôi còn nhỏ, ngây thơ nào biết gì đâu. Có lẽ người lớn xa quê thường có tâm trạng nhớ quê. Khi tôi lớn lên được đi học ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) và học ở Tbilisi – thủ đô Gruzia (Liên Xô) thì cái cảm xúc nhớ quê, cha mẹ, anh chị em thân thuộc thường đến với mình lúc trong phòng vắng vẻ nghe giao thừa chầm chậm đi qua trên đất nước ngoài cũng có lúc ngồi với vai người bạn cùng học ngắm cành thông kết những hoa giấy đỏ, uống chén rượu nhớ về Hà Nội, đất nước. Tôi chỉ thực sự nhớ đến những cái Tết ấm áp khi đã có gia đình riêng. Vợ tôi – Nguyễn Thị Nhu cùng tôi công tác ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Đời sống cán bộ giảng dạy trong kháng chiến chống Mỹ, đồng lương có hạn được hưởng chế độ tem phiếu – Tết đến mỗi gia đình được mua phân phối túi hàng tết gồm ít đỗ xanh, hạt tiêu, mì chính, gói kẹo mứt, bao thuốc, gạo nếp, gói chè, bột mì. Mọi người đem trứng, bột mì, đường cát ra cửa Nam thuê làm ít bánh xốp cùng đông vui, xếp hàng, chờ đợi bánh tỏa hương. Nhà nước lại phân phối thêm vài lạng thịt lợn. Ai khéo chế biến cũng tạm có bữa cơm tất niên và ít chè thuốc tiếp bạn bè. Có năm còn được phân phối bánh pháo tép. Giao thừa mọi nhà đốt pháo rộn ràng rất vui, kéo nhau từ nhà này sang nhà khác ở các phòng khu tập thể chúc Tết. Tiếc là sau này, do xảy ra những tai nạn do pháo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh cấm đốt pháo. Là việc tốt nhưng tôi cứ nghĩ Tết không có pháo cũng ít vui. Tiếng pháo đón Xuân rất có ý nghĩa trong đời sống người Việt Nam từ ngàn xưa như một nét văn hóa đẹp. Tôi xa quê nên Tết nào cũng thu xếp về quê vợ. Về quê Đào Mỹ, Lạng Giang tôi được sống trong không khí tết của làng quê nông thôn. Dù là chiến tranh nhưng ngày 28 tháng Chạp đã rộn ràng, thịt lợn, gói bánh, giã giò. Tối 30 được ăn cháo lòng, tiết canh…. Trẻ em xúm xít bên nồi bánh chưng đợi nhận những chiếc bánh trưng con. Ngày đầu năm chúc tết ông bà, cha mẹ, anh chị. Từ ngày có vợ, tết nào nhà tôi cũng được bố mẹ, các bác cho bánh cho thịt, thành ra tết cũng đàng hoàng, có cả giò lụa để mời anh chị em tổ bộ môn liên hoan.
Non nửa thế kỷ nay, hòa bình, đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, sung túc. Năm 1996 tôi đã có nhà riêng. Tết đến các con mua cành đào, cây mai trắng, lay ơn, thược dược, violet trang trí phòng khách. Sau Giao thừa con cháu chúc tết ông bà, lì xì năm mới – ấm cúng và vui. Riêng hai năm nay dịch Covid, Tết buồn vì không ai được đến thăm nhau. Như bị đóng hộp trong nhà. Mong sao chiến thắng được con virut 19, Delta, Omicrom để mỗi người, mỗi gia đình đón Xuân vui vẻ – Xuân sang, Tết đến lòng người ai cũng nhớ thương, hy vọng.
14 giờ, ngày 7-1-2022
Nguyễn Nghĩa Trọng