Tết xa nhà qua Nhật kí của GS Ngô Huy Quỳnh

GS Ngô Huy Quỳnh (1920-2003) từng được biết đến là người thiết kế Lễ đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và nhiều công trình kiến trúc, quy hoạch khác được nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước. Nhưng có lẽ ít ai biết đến ông từng là thành viên của đoàn cán bộ khoa học kĩ thuật đầu tiên được Trung ương Đảng cử đi Liên Xô học tập năm 1951.

GS.KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15-5-1920 tại làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình cha làm nghề dạy chữ Nho. Năm 1938, tốt nghiệp trung học ông thi đỗ vào Khoa Kiến trúc, Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, một trường nổi tiếng thời bấy giờ ở Hà Nội. Trong thời gian này, ông đã gặp và được các nhà hoạt động cách mạng của Ðảng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Ðình Long giác ngộ và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc.

Năm 1945, Khởi nghĩa Tháng Tám, ông được Ðảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Ðịnh. Cách mạng thành công, ngày 1 tháng 9 năm ấy, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự được giao thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Ðộc lập tại Quảng trường Ba Ðình. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông lên Chiến khu Việt Bắc, và tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1947, ông đã cùng các KTS Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp sáng lập Ðoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay.

Tháng 2-1950, giữa lúc cuộc Kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô, Trung Quốc và được hai nước đồng ý giúp đỡ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã cử 21 cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô, học về các ngành: kiến trúc, kho bạc, sản xuất vũ khí, chất nổ, luyện kim, cán thép… để chuẩn bị xây dựng đất nước khi hòa bình lập lại. Tháng 11-1950, Đảng Cộng sản Liên Xô có Nghị quyết tiếp nhận 21 cán bộ này. Đang trong hoàn cảnh chiến tranh nên mọi thông tin về việc đào tạo đều được giữ kín. Đến gần ngày lên đường (tháng 7-1951), 21 cán bộ mới được thông báo và triệu tập ở Ban Tổ chức Trung ương tại Định Hóa (Thái Nguyên). Khi đó, Ngô Huy Quỳnh đang làm cán bộ giao thông công chính, biết tin được đi nước ngoài khi đang trên đường đi mua thuốc cho vợ ốm. Ông phải gạt chuyện riêng tư, đến nơi tập kết ngay.

Ngô Huy Quỳnh tại Liên Xô năm 1951

Đoàn cán bộ được học chính trị một tuần, có Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Trần Đăng Ninh căn dặn chu đáo. Đến ngày 21-7-1951, sau bữa cơm thết đãi giản dị với món sườn hầm đậu xanh và cá rô rán của đồng chí Lê Văn Lương (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương), đoàn 21 cán bộ bắt đầu hành trình lên đường sang Liên Xô.

Trong những ngày từ khi được tập trung về Ban Tổ chức Trung ương (ngày 3-7-1951), Ngô Huy Quỳnh đã bắt đầu viết nhật kí và trong suốt hành trình ông đều ghi lại, từ những quan sát về cảnh vật, kiến trúc dọc đường đến những ngày học tập đầu tiên vào tháng 2-1952. Cuốn Nhật kí hiện nay được gia đình Giáo sư lưu giữ, khổ 9x14cm, viết bằng bút mực đen với nét chữ đã nhạt nhòa trên trang giấy.. Tuy nhiên, những tâm trạng của ông được bộc lộ rõ qua mỗi sự kiện, nhất là trong dịp Tết đầu tiên.

Cuốn Nhật kí của GS Ngô Huy Quỳnh năm 1951-1952

Mở đầu Nhật kí, ngày 3-7-1951 Ngô Huy Quỳnh rất lo lắng cho gia đình ở nhà khi mình đi đột xuất phải giữ bí mật không cho gia đình biết tin tức: “Bích yếu lắm sao mà đạp máy khâu, lấy củi, gánh nước, săn sóc con lúc ốm? Chị Mỵ thì yếu và đang mất tinh thần vì việc vừa xảy ra và ở cơ quan. Đi và hứa mang thuốc và tiền ăn về. Thế mà đến hôm nay 21-7 rồi vẫn không thuốc, không tiền lại mất cả người nữa. Không một lời dặn dò. Không có một sự thu xếp đầy đủ để gia đình yên tâm làm ăn”. Ngay cả tấm ảnh của vợ con Ngô Huy Quỳnh cũng không kịp mang để lưu giữ trong người. Nỗi băn khoăn, hụt hẫng thể hiện rõ qua những nét chữ đầu tiên trong Nhật kí.

Khi đến Mátxcơva, đoàn cán bộ Việt Nam được đến ở kí túc của sinh viên trường Đại học Hóa và Mỏ. Hôm sau được đi tắm ở nhà tắm công cộng. Sau đó được phát một số quần áo lót rồi thợ đến đo may cho mỗi người hai bộ và áo măng tô chống rét. Liên Xô còn cử một nữ đồng chí đứng tuổi đi lại chăm sóc mua bán cho đoàn. Sau đó các ông nghỉ ngơi 1 tháng để xem phim và thăm các triển lãm, Viện Bảo tàng.

Ngày 7-11-1951, tất cả cán bộ trong đoàn đến Quảng trường Đỏ dự Lễ mừng Quốc khánh và xem duyệt binh, diễu hành của quần chúng. Sau đó, bắt đầu vào thời gian học tập. Theo quyết định của Bộ Giáo dục Liên Xô thì hai kiến trúc sư-Ngô Huy Quỳnh và Đỗ Hữu Dư sẽ học ở trường Kĩ sư xây dựng Mátxcơva, nhưng ông vốn đam mê với nghệ thuật vẽ, từng làm kiến trúc sư, nhưng nay lại được phân công học ở trường đào tạo kĩ sư. Do đó, Ngô Huy Quỳnh phải đấu tranh trong việc học, một thời gian từ ngày 24-9 đến 10-11, ông không viết nhật kí, lí giải điều này, ông nói ngay trong khi viết trở lại: “Một là vì cứ loanh quanh chờ, sửa soạn rồi đi đến chỗ ở mới… Hai là suy nghĩ mãi tranh đấu bên trong về việc sẽ học ở đâu”. Đấu tranh mãi, ông quyết định: “nghĩ đến nhu cầu cấp thiết trong nước thì thấy ngay là cần kĩ sư xây dựng thành phố. Vậy phải phát triển khả năng kĩ thuật của nghề nghiệp của mình”.

Vậy là ông yên tâm học tập. Nhưng nỗi nhớ nhà và lo lắng cho vợ con vẫn chưa nguôi trong ông, nhất là khi Tết – niềm vui đoàn tụ sum vầy gia đình đến gần. Nỗi niềm về cái Tết đầu tiên xa quê được ông ghi lại:

Đêm mùng 1 đến Coros dự các cuộc vui, rất đông công nhân, học sinh, tất cả những người làm việc của thành Mátxcơva có mặt. Biểu diễn nhạc, múa, xiếc… nhiều trò chơi thật vui. Có mặt nhiều đoàn đại biểu khác như Trung Hoa, Triều Tiên, Chile, Đức…”

Trước khung cảnh đó, Ngô Huy Quỳnh nhận thấy: “Đẹp thật là đẹp nhưng cảm giác đẹp mãnh liệt làm mình mệt thêm. Vả lại không khí vẫn xa lạ, cái vui ấy khác cái vui quen thuộc của mình”. “Trong nhiều cuộc vui chung, không hiểu sao tôi thường cảm thấy cái cảm giác ngược lại. Và cuộc vui càng vui, tôi càng có nhiều lúc buồn”. Bởi vì, trong lòng ông trào dâng nỗi nhớ nhà: “Bích, chị Mỵ, Hoàng, Lĩnh, Thắng sống ở đâu? Tết vắng mình lần này là hai lần, chắc là cả nhà buồn và không bày vẽ gì cho vui trẻ con.

Nỗi nhớ ấy khiến ông hồi tưởng lại những kỉ niệm gian khổ mà các con đã từng trải qua: Và Hoàng, Lĩnh, Thắng có cùng ở với mẹ với cô không? Các con có đủ thức ăn không. Nhớ Thắng ốm ở Đại Tự dưới gốc cây đa, nhe răng nhợt nhạt cười với bố, trong lúc bố không có tiền mua trứng cho con ăn”… “Ôi những bữa cơm những bữa sắn ở Yên Lược, Chu Hưng, Thanh Cù, năm 48,49. Ôi những ngày lo âu khi Bích ốm ở Thanh Cù. Ôi! Những ngày Bích nằm ở nhà thương Bờ Đậu không thuốc và không thức ăn mà nuôi Thắng”.

Ngày mùng Hai Tết, đáng lẽ Ngô Huy Quỳnh đi nghe nhạc nhưng có em gái người bạn cùng phòng đến chơi với anh nên ông nhường vé cho hai anh em họ đi. Ông ở nhà nghe các điệu nhạc ở radio. Hoàn cảnh đó lại khiến ông nhớ đến vợ con: “Cứ ngồi một mình là buồn. Ngoài trời tuyết rơi, gió thổi lạnh, lạnh cả trong phòng… Mỵ, Bích, Hoàng, Lĩnh, Thắng. 5 cái tên thân mến. 5 cái tên đọc đến là nước mắt trào ra! Mong cả nhà khỏe mạnh. Nhận lấy lời chúc mừng của Quỳnh và nhận lấy nước mắt của Quỳnh… 3 lần Tết nữa! Nếu không còn lúc nào để mà rỏ nước mắt vào Nhật kí cho chị, cho Bích cho các con, thì nhất định những ngày Tết sau!

Vượt lên tất cả nỗi nhớ gia đình, Ngô Huy Quỳnh tự dặn lòng: “Phải chiến đấu bền bỉ chống các khuyết điểm trong khi nhân dân chiến đấu chống giặc”. “Nước mắt rơi, rồi nước mắt lại khô, nghĩ đến công việc làm thì thôi nước mắt”. Ông nghĩ: “Ngồi đây ở giữa thành Mátxcơva của những người sung sướng, của những người chiến đấu cho xã hội cộng sản, mà mình khóc thì cũng vô lí thật! Cho nên chỉ có say mê trong việc học, việc nghiên cứu nghệ thuật mình mới thoát khỏi những ý nghĩ buồn thảm”. Vì vậy, Ngô Huy Quỳnh cố gắng vươn lên. Kết thúc năm năm học, ông đạt kết quả tốt và trở về nước đóng góp sức mình cho ngành kiến trúc.

Chỉ đôi dòng tâm sự trong cuốn nhật kí nhỏ nhưng chúng ta có thể thấy tình cảm dạt dào của GS Ngô Huy Quỳnh – một con người hết mực thương yêu vợ con cũng như trách nhiệm đối với đất nước và đó chính là động lực để ông hết lòng cống hiến cho khoa học, để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị cho đất nước.

 

Trần Bích Hạnh