Tết xa Tổ quốc

Ai ai cũng háo hức đến một vùng đất mới, đem kiến thức của mình truyền dạy cho sinh viên nước bạn. Bộ Tài chính tạm ứng cho vay mỗi người 60 Franu (khoảng 10 dollars). Với khoản tiền ấy chi tiêu cho chuyến đi đúng nửa vòng trái đất! Thế rồi sau gần 2 ngày với khoảng 24 giờ bay đến sáng ngày 2/10 chúng tôi đã đến Luanda thủ đô Angola.

Tất cả tập trung ở nhà khách của sứ quán Việt Nam nghe phổ biến tình hình Angola và nghỉ ngơi. Sau đó tiếp tục bay về thành phố Lubango cách thủ đô Angola khoảng 1000km về phía Nam. Đoàn chúng tôi gồm 34 thầy giáo từ các trường đại học và cao đẳng sư phạm của Việt Nam đều dạy ở Học viện Cao cấp khoa học và giáo dục Lubango gọi tắt là ISCED thuộc trường Đại học Angola.

Trường ISCED đã đóng của từ năm 1975 bởi vì phần lớn Giáo sư bỏ ra nước ngoài. Năm học này nhờ có các giáo sư Việt Nam nên trường mới mở của lại sau gần 10 năm đóng của. Cả trường có khoảng 70 thầy giáo đến từ nhiều nước như Liên Xô, Đức, Mali, Paraguay, Việt Nam… trong đó số thầy giáo Việt Nam là một nửa.

 

Hà Đình Đức trong thời gian làm chuyên gia giáo dục tại Angola 1983-1985.

Sau hai tuần chuẩn bị bài giảng, đầu tháng 11 chính thức lên lớp. Nhiều thầy giáo cao tuổi có vốn tiếng Pháp thì dạy bằng tiếng Pháp vì đa số sinh viên cũ đều biết tiếng Pháp hoặc vừa dạy bằng tiếng Pháp vừa dạy bằng tiếng Bồ. Còn anh em trẻ chúng tôi vừa tự học thêm tiếng Bồ vừa lên lớp. Công việc hết sức khẩn trương và vô cùng vất vả.

Mãi đến trung tuần tháng 12 thỉnh thoảng mới có những cánh thư nhà đến. Mỗi lá thư đều là niềm vui chung của mọi người. Chúng tôi thường thông báo cho nhau biết về tình hình sinh hoạt ở trong nước, một cân gạo giá bao nhiêu? Bao nhiêu tiền một cân thịt? Hà Nội đã rét chưa, bao nhiêu độ… Bởi vì chúng tôi ra đi giữa lúc đời sống, sinh hoạt trong nước đang rất khó khăn vất vả, nên ai nấy đều quan tâm theo dõi đến từng tin tức nhỏ nhất.

Thật là may mắn khi chúng tôi dò tìm và nghe được buổi phát thanh “Giành cho đồng bảo ở xa tổ quốc” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là chiều ngày 24/12/1983 (Giờ Angola sớm hơn giờ Việt Nam 6 tiếng). Mọi người ngồi chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời từng tiếng. Chiều ngày 28/12 cũng trên buổi phát thanh này chúng tôi lại được nghe các bài hát “Làng tôi”, “Lá xanh”, “Người Hà Nội”. Tiếp đến ngày 31/12 chúng tôi lại được nghe tiếng đàn bầu do nghệ sĩ Thanh Tâm biểu diễn. Ai nấy đều xúc động khi nghe được tiếng nói quê hương khi ở xa tổ quốc. Tôi đã biên thư về cám ơn Ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó trong một buổi phát thanh điểm thư bạn nghe đài, nội dung của tôi cũng được nhắc đến.

Tết đến, lãnh đạo đoàn đã phát động một sáng tác thơ mừng năm mới – Người đi tiên phong là thầy Thuần dạy Toán đã ra một bài thơ xướng:

Ba tư nhà giáo ở xa nhà

Năm mới tưng bừng rượu với hoa

Khoa bút thành thơ với tết đến

Vỗ tay làm pháo kéo xuân qua

Mối tình quốc tế nhiều sâu lắng

Nỗi nhớ gia đình lắm diết da

Nâng chén nhìn xa hòa nghĩa lớn

Nghinh tân tống cựu chúc Đoàn ta

Thế là có ngay hàng chục bài họa và hàng chục bài thơ xuân khác về xuân, về tết, về quê hương…

Hôm 30 tết chúng tôi lập một bàn thờ ở phòng khách của khách sạn Grand de Huila. Trên bàn thờ có hai lọ hoa, một cốc thủy tinh đựng gạo làm bát hương. Trên tường treo ảnh Bác Hồ. Đúng 6h chiều (Tức 12h đêm – giờ Hà Nội) chúng tôi tập trung đón giao thừa. Bác Bình là thành viên cao tuổi nhất đoàn thắp ba nén hương cắm vào bát hương, hai tay chắp trước ngực và nói: “Chúng em xa quê hương, xa tổ quốc, hôm nay năm hết, tết đến chúng con thắp nén hương hướng về quê hương đất nước, mong cho đất nước bình yên và phát triển”. Bỗng dưng có một tiếng nấc, thế là cả đoàn lặng im và không ai ghìm được nước mắt. Nhiều người khóc to thành tiếng”.

Đó là kỷ niệm sâu sắc về cái tết xa quê hương đầu tiên của đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam ở Lubango, Angola mà chúng tôi không bao giờ quên được.

Tôi chợt nhớ đến câu trả lời của Noimen Abdela (hàng binh người Algeri) chăn bò ở nông trường Ba Vì năm 1962: “Khi nào anh xa quê hương, xa đất nước anh cảm thấy thế nào thì tôi cũng thấy như vậy”, khi tôi hỏi: “Xa đất nước Algeri, xa gia đình anh có nhớ không?”

Câu trả lời thật chí lý! Tôi thực sự cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của nó trong chuyến đi công tác ở Angola.

PGS.TS Hà Đình Đức