Thách thức ban đầu vào nghề

 Năm 1959, khi mới “chân ướt chân ráo” về Học viện Thủy lợi – Điện lực, Nguyễn Công Mẫn được phân công nhiệm vụ giảng dạy môn Cơ học đất cho lớp đại học chuyên tu khóa đầu tiên. Học viên lớp này gồm các sinh viên là cán bộ đã công tác ở Bộ và các Trưởng, Phó Ty thủy lợi, số khác là học viên Trung cấp Thủy lợi khóa 7. Sau này phần lớn các quan chức của Bộ Thủy lợi và các địa phương (Trần Nhơn, Nguyễn Giới – Thứ trưởng Bộ Thủy lợi,…).

Học viện Thủy lợi – Điện lực khi mới được thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị thí nghiệm, giáo trình giảng dạy…, đó là những khó khăn đầu tiên mà Nguyễn Công Mẫn đã gặp phải khi về đây giảng dạy. Bên cạnh đó, tuy chưa tốt nghiệp nhưng ông đã được giao nhiệm vụ giảng dạy cho một lớp cán bộ có tuổi đời, tuổi nghề nên ông cũng rất lo lắng, băn khoăn “không biết dạy như thế nào”. Vượt qua những trở ngại trên, bằng những kiến thức đã tiếp thu được, Nguyễn Công Mẫn đã chủ động soạn giáo án cho môn Cơ học đất và tự tin đứng trên bục giảng. Ngay trong buổi lên lớp đầu tiên, Nguyễn Công Mẫn đã trao đổi với học viên rằng: “Tôi đã học Cơ học đất tại Đại học Bách khoa Hà Nội, kinh nghiệm thực tế chưa có, phòng thí nghiệm cũng không, trong khi các đồng chí là các cán bộ đi học ít nhiều có thực tế, do vậy chỉ còn một cách là chúng ta cùng cố gắng giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn này”. Từ lời trao đổi hết sức chân thành của Nguyễn Công Mẫn ngay buổi đầu lên lớp, nên mối quan hệ giữa thầy và trò rất tốt việc giảng dạy cho lớp đại học chuyên tu khá thuận lợi. Đó là thách thức đầu tiên ông đã được vượt qua. Năm 1961-1962, do Học viện chưa có giảng viên dạy môn Toán nên Nguyễn Công Mẫn được phân công kiêm nhiệm dạy thêm môn học này trong thời gian ngắn và cũng luôn được sinh viên thừa nhận về chất lượng giảng dạy.

Năm 1962, Nguyễn Công Mẫn chính thức được nhận bằng tốt nghiệp đại học và cũng là lúc hoàn thành chương trình giảng dạy cho lớp đại học chuyên tu khóa I. Cũng trong năm 1962, để được lên lớp các sinh viên đại học phải qua một kỳ kiểm tra và Nguyễn Công Mẫn là Ủy viên Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp. Sinh viên được chia thành từng nhóm để thực hiện. “Giảng dạy cho lớp này cũng đã là một thách thức đầu tiên của tôi, nay lại giúp một nhóm của lớp làm báo cáo tốt nghiệp với đề tài thiết kế cống lại là một thách thức nữa”, ông tâm sự.

Trong số đó, học viên Lê Quý Lâm là Phó Trưởng ty Thủy lợi, Vĩnh Phú thiết kế tường chắn đất của cống Dậu Dương (Phú Thọ) trong luận văn tốt nghiệp có đưa ra thắc mắc: “Dùng Quy phạm TY 16-51 của Liên Xô do Bộ ban hành tính ra mặt cắt lớn, trong khi thời Pháp họ thiết kế tường có mặt cắt nhỏ hơn nhiều, là vì sao ?”

GS.TS Nguyễn Công Mẫn kể về quá trình lập biểu thức tính toán

trong thời gian thực hiện đề tài

Để trả lời cho những thắc mắc của học viên, Nguyễn Công Mẫn đã đến Thư viện khoa học tìm hiểu về Quy phạm TY 16-51 của Liên Xô thì phát hiện quy phạm này đã bỏ qua công thức tính lực dính. Mặt khác, ông cũng tìm các sách của Pháp, Liên Xô để tham khảo cách xét ảnh hưởng của lực dính của đất lên tường chắn như thế nào?. Từ phát hiện đó ông đã hình thành một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Phát triển lý luận áp lực đất C.A Cloulomb cho đất dính và tính áp lực đất theo chuyển vị tương đối của vật chắn” (1963) và đề tài đã được đưa vào chương trình nghiên cứu của Bộ Thủy lợi. Để tính toán trường hợp đất đắp là đất dính trong sách Cơ học đất thường dùng lý thuyết C.A Coulomb theo phương pháp đồ giải, mất nhiều thời gian tính toán, bởi vậy ông đã lập được các hệ số không thứ nguyên để giảm biến số thuận tiện cho việc lập bảng, một xu thế phát triển của cơ học đất thời đó.

Để bảo đảm tính chính xác của biểu thức lập ra, Nguyễn Công Mẫn đã nhờ Phạm Đình Biều – một kỹ sư xây dựng (công tác tại Bộ Xây dựng) được đào tạo tại Pháp – là một thành viên của đề tài nghiên cứu và ông còn nhờ sự hỗ trợ của GS Nguyễn Như Khuê, ông Nguyễn Đức Hồ trong quá trình thực hiện đề tài. Từ những vấn đề nghiên cứu được, Nguyễn Công Mẫn đã viết một quy phạm mới “Quy phạm tạm thời thiết kế tường chắn  đất – QP – 23 – 65” có xét tới ảnh hưởng của lực dính của đất đắp thay thế cho Quy phạm TY 16-51 do Bộ ban hành trước đây. Quy phạm Thiết kế Tường chắn đất QP-23-65 của Nguyễn Công Mẫn được đưa vào sử dụng từ năm 1965.

Từ năm 1966 đến 1976, 7 bài viết về kết quả nghiên cứu của ông đã được đăng trên các Tạp chí Thủy Lợi và Khoa học kỹ thuật, và ông đã đăng ký với Bộ Thủy lợi biên soạn và ban hành “Tiêu chuẩn thiết kế tường chắn các công trình thủy công – TCXD. 57-73” (1973) dựa theo nội dung của SNiP II-I.10-65 cùng với bản H.D.T.L – C – 4 – 76.

Năm 1976, Nguyễn Công Mẫn nhận được giấy xác nhận của Viện Khoa học kỹ thuật, trong đó đồng chí Nguyễn Thước – Trưởng Phòng Khoa học tổng hợp – đã nhận xét: “Nguyễn Công Mẫn, cán bộ giảng dạy của trường Đại học Thủy lợi, thành viên tích cực của Tổ học thuật Cơ học đất nền móng đã có những đóng góp rất có kết quả cho hoạt động của Tổ, anh Mẫn đã tham gia báo cáo ở các Seminar về Tường chắn đất và cường độ bằng các nghiên cứu của mình, đề xuất và đã dịch các tiêu chuẩn thiết kế móng cọc, thiết kế Tường chắn đất, chủ trì biên soạn Quy phạm tạm thời thiết kế tường chắn và tham gia viện trợ kỹ thuật cho một số cơ sở sản xuất về kỹ thuật nền móng”.

Năm 1992, Giáo sư, Nguyễn Công Mẫn đã dùng công trình này để bảo vệ luận án Tiến sĩ theo chế độ đặc biệt của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp với 100% phiếu tán thành.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

        Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam