Đứng trên vai người khổng lồ
Nhiều người nói rằng, không nên tự hào quá về giải Fields của Ngô Bảo Châu vì anh được đào tạo và làm việc ở nước ngoài. Ông nghĩ về vấn đề này thế nào?
GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học. |
Bất kỳ một nước nào có người được giải Fields đều tự hào về việc đã sinh ra một con người như vậy.
Phần lớn các giải Fields ở các nước đều được đào tạo ở Mỹ và Pháp.
Ví dụ như Nhật có Heisuke Hironaka được giải Fields năm 1970 sau khi làm luận án tiến sĩ và ở lại làm việc ở Mỹ một thời gian dài.
Năm 1982, tức là tám năm sau, tôi đi Nhật vẫn thấy hình ảnh của ông xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Úc có Terence Tao được giải Fields năm 2006 nhưng sang Mỹ học từ năm 2002 và ở lại Mỹ làm việc cho đến nay. Tao suýt nữa được chọn là người Úc tiêu biểu năm 2007 và được bầu vào Viện Hàn lâm Úc năm 2008.
Những yếu tố gì đã tạo nên Ngô Bảo Châu? Những điều kiện nào đã góp phần quyết định trong việc hình thành tài năng của Ngô Bảo Châu trong toán học?
Trước tiên, phải nói là tư chất con người Ngô Bảo Châu làm nên Ngô Bảo Châu.
Gia đình Ngô Bảo Châu là một gia đình đậm chất trí thức. Bố Ngô Bảo Châu là GS Ngô Huy Cẩn về cơ học, ngành anh em của ngành toán.
GS G.Laumon và học trò, GS Ngô Bảo Châu gặp gỡ tại Đại hội Toán học thế giới đang diễn ra ở Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng |
Ngô Bảo Châu trưởng thành trong giai đoạn hoàng kim của nền toán học Việt Nam. Đó là thành quả của cả một quá trình phát triển lâu dài, bắt đầu từ việc toán học đã được chú ý phát triển ngay từ khi mới thành lập nước.
Với sự quan tâm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cùng nỗ lực của các nhà toán học như GS Lê Văn Thiêm, toán học Việt Nam đã phát triển một cách toàn diện từ giáo dục phổ thông cho đến nghiên cứu học thuật.
Ngô Bảo Châu được học trong những trường tốt nhất thời bấy giờ, được dạy dỗ bởi các thầy cô giỏi và tâm huyết, được tiếp xúc với những nhà toán học thật sự và qua đó sớm làm quen với phương pháp suy luận của toán học cao cấp.
Ở bậc đại học, Ngô Bảo Châu được học toán ở ĐH Sư phạm Paris, một trong vài cơ sở đào tạo tốt nhất về khoa học cơ bản trên toàn thế giới.
Quan trọng hơn cả là Ngô Bảo Châu đã theo học GS G.Laumon, một giáo sư trẻ nhưng đầy những ý tưởng táo bạo nhằm giải quyết những vấn đề khó nhất của Toán học.
Ngô Bảo Châu đã được đứng trên vai của một người khổng lồ để đạt đến những đỉnh cao mới
|
Với kiến thức uyên bác và tầm nhìn xa của mình, GS Laumon đã đào tạo được hai học trò được giải Fields.
Người thứ nhất là Laurent Laforgue, được giải Fields năm 2002 và người thứ hai là Ngô Bảo Châu. Có thể nói, Ngô Bảo Châu đã được đứng trên vai của một người khổng lồ để đạt đến những đỉnh cao mới.
Thách thức mới
Việc GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields đặt ra những vấn đề gì cho khoa học Việt Nam?
Sau giải Fields của Ngô Bảo Châu, thế giới sẽ nhìn khoa học Việt Nam với một con mắt khác. Và điều này đặt ra những thách thức mới đối với khoa học Việt Nam.Ngô Bảo Châu đã chứng tỏ con người Việt Nam có thể đạt được những đỉnh cao trong khoa học. Vậy thì nền khoa học Việt Nam có thể đạt được những thành tựu mang tầm thế giới hay không?
Đó là một thách thức không phải chỉ đối với các nhà khoa học Việt Nam mà còn là một thách thức đối với cả đất nước, vì khoa học Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu nhà nước có những chính sách và cơ chế thực sự ưu tiên khoa học và toàn thể xã hội coi trọng giá trị của tri thức.
Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại nhận định của nhà toán học Pháp Laurent Schwartz, người cũng được giải Fields, về khoa học Việt Nam.
Ông sang thăm Việt Nam nhiều lần, và lần nào cũng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp.
Năm 1990, ông được Bộ Đại học mời sang tham quan và đánh giá giáo dục đại học ở Việt Nam. Sau đó, ông đã viết một báo cáo dài hơn 40 trang. Nhớ lại chuyện này ông viết như sau: “Việt Nam đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình”.
Năm 1990, nhà toán học Pháp Laurent Schwartz, người cũng được giải Fields, được Bộ Đại học mời sang tham quan và đánh giá giáo dục đại học ở Việt Nam. Sau đó, ông đã viết một báo cáo dài hơn 40 trang. Ông có viết như sau: “Việt Nam đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình”. Trong hòa bình, nhà nước đã không coi trọng việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ khoa học. Trong đó, ông nhấn mạnh đến chế độ lương bổng cào bằng |
Thắng là vì trong chiến tranh, nhà nước Việt Nam đã gửi những học sinh tốt nhất đi học nước ngoài. Khi trở về nước, những người này đã làm cho Việt Nam trở thành một cường quốc khoa học ở trong vùng sau chiến tranh.
Nhưng trong hòa bình, nhà nước đã không coi trọng việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ khoa học. Trong đó, ông nhấn mạnh đến chế độ lương bổng cào bằng.
Điều này đã làm khoa học Việt Nam thua dần những nước trong vùng.
Để cải thiện tình hình, ông kiến nghị một loạt biện pháp mà biện pháp chính là phải có những chính sách ưu đãi đội ngũ trí thức.
Ông nói, việc gửi thanh niên đi học trong chiến tranh là một ưu tiên rất lớn so với những người khác. Thế thì tại sao trong thời bình, Việt Nam không thể làm những điều tương tự?
Những nhận định trên của ông về giáo dục và khoa học Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Vậy trước mắt, Nhà nước có thể làm gì để thúc đẩy khoa học phát triển?
Về lâu dài, chúng ta không thể để lương các giảng viên đại học hay các nhà khoa học như lương các cán bộ hành chính hay thậm chí như là lương công nhân.
Chính điều này đã làm cho thế hệ trẻ không nhìn thấy tương lai khi theo đuổi con đường khoa học. Hãy nhìn ra toàn thế giới để xem họ trả lương cho trí thức như thế nào.
Tuy nhiên, để có một chính sách đãi ngộ người làm khoa học được xã hội chấp nhận thì cũng cần phải có những quy định nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng bằng cấp và chức danh theo đúng thông lệ quốc tế.
Trong lúc chưa thể có những biện pháp toàn diện để cải thiện tình hình chung, nhà nước nên thi hành một số biện pháp đặc biệt trong việc bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Chúng ta chưa bao giờ có những biện pháp bồi dưỡng nhân tài ở cấp sau đại học hay sử dụng nhân tài sau này.
|
Trước đây, chúng ta đã làm rất tốt công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ở cấp phổ thông thông qua việc tổ chức thi học sinh giỏi và hệ thống các trường chuyên. Chúng ta cũng đã phần nào quan tâm đên việc đào tạo nhân tài ở cấp đại học thông qua các lớp cử nhân tài năng.
Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ có những biện pháp bồi dưỡng nhân tài ở cấp sau đại học hay sử dụng nhân tài sau này.
Để khắc phục yếu điểm này, nhà nước nên xây dựng một viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp với chế độ lương và học bổng ưu đãi để có thể mời các chuyên gia thế giới đến giảng dạy, để các giảng viên trẻ ở các trường đại học có thể thường xuyên đến nâng cao trình độ và nhất là để có thể đào tạo những cán bộ khoa học trẻ có trình độ cao cho cả nước.
GS Ngô Bảo Châu ký tặng sách cho đồng nghiệp tại đại hội. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng |
Viện cũng là nơi thu hút những nhà khoa học giỏi của Việt Nam đang ở nước ngoài quay về nước làm việc và chúng ta có thể mời GS Ngô Bảo Châu về lãnh đạo viện.
Hàn Quốc và Brazil đã thành lập những viện như vậy và những viện này đều trở thành những trung tâm khoa học có tên tuổi trên thế giới. Thành công của những viện này là một tấm gương đáng để chúng ta noi theo.
Anh Châu là con người toàn diện
Trong tư cách cá nhân, ông có những kỷ niệm và ấn tượng gì về Ngô Bảo Châu?
Kỷ niệm đầu tiên mà tôi nhớ được là tại trường hè toán học do Viện Toán tổ chức năm 2003 tại Kiến An, Hải Phòng.
Năm ấy, anh Châu vừa bảo vệ TSKH và được chúng tôi mời nói chuyện với sinh viên. Buổi tối, chúng tôi thường chơi tiến lên, ai thua phải đội mũ.
Anh Châu phải đội mũ nhiều nhất mà trời lại nóng. Giá mà chụp ảnh được cảnh đó thì bây giờ giá trị biết bao.
Kỷ niệm gần đây nhất là được anh Châu và anh Vũ Hà Văn mời ăn và dẫn đi chơi ở New York, tha hồ chụp ảnh. Thâm tâm tôi coi đó là một vinh dự vì cùng một lúc, được nói chuyện với hai người giỏi như vậy, sau này có thể kể cho con cháu nghe.
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Ngô Bảo Châu là lòng nhiệt huyết của anh đối với đất nước.
Mỗi lần về nước, anh đều thảo luận với chúng tôi việc làm thế nào để đẩy Toán học Việt Nam đi lên. Với uy tín của mình, anh đã đi gặp các cấp lãnh đạo kiến nghị một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình đào tạo cán bộ trẻ cho toán học.
Lần nào về, anh cũng tham gia vào công tác giảng dạy ở Viện Toán, báo cáo kết quả nghiên cứu hay nói chuyện với sinh viên ở các trường đại học. Ngoài toán học, anh Châu còn quan tâm đến âm nhạc, văn học và nghệ thuật. Có thể nói, anh là một con người toàn diện.
Sơn Khê
Nguồn: vietnamnet.vn/giaoduc/201008/Thach-thuc-voi-VN-sau-khi-co-nguoi-Viet-gianh-giai-Fields-930963/