Tham dự tọa đàm: Cơ sở khoa học xây dựng mô hình lưu trữ tư nhân ở Việt Nam

Tham dự tọa đàm có TS Trần Hoàng (nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), ThS Nguyễn Thị Tâm (nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), PGS.TS Vũ Thị Phụng (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), ThS Phạm Bích Hải (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III), ThS Trần Bích Hạnh (Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) và các đại biểu, giảng viên, sinh viên khoa Văn thư – Lưu trữ, trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Dưới sự chủ trì của ThS Trần Việt Hà – Phó chủ nhiệm khoa Văn thư – Lưu trữ, trường Đại học Nội vụ Hà Nội, nội dung các tham luận xoay quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng mô hình lưu trữ tư nhân được trao đổi sôi nổi, như phân tích các khái niệm “lưu trữ tư”, “lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ”…, những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lưu trữ tư nhân, hướng dẫn mô hình lưu trữ tài liệu cho các gia đình. Đặc biệt mô hình lưu trữ tại gia và lưu trữ tập trung được nhiều đại biểu quan tâm, trong đó Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là điển hình của mô hình lưu trữ tập trung.

ThS Trần Bích Hạnh chia sẻ về mô hình lưu trữ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Với tiêu đề “Vài nét về mô hình lưu trữ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam”, bản tham luận của GĐ Trần Bích Hạnh đã khẳng định: Đây là một mô hình mới mẻ, kết hợp nhiều chức năng: bảo tàng – lưu trữ – thư viện – cơ quan nghiên cứu, Trung tâm Di sản từng bước phải tự khai phá con đường phát triển của mình, phải đối mặt với nhiều thách thức. Từ những kết quả đạt được của TTDS gần một thập kỷ qua, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm và đánh giá rất cao ý nghĩa, vai trò của Trung tâm trong hệ thống lưu trữ ở nước ta. Tiến sĩ Trần Hoàng, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao đổi: Mô hình lưu trữ mà Trung tâm đang thực hiện là một việc làm có trách nhiệm với xã hội, tuy nhiên Trung tâm cần chú ý đến vấn đề sở hữu trong lưu trữ tư liệu, đây là vấn đề xương sống trong việc xác minh tư liệu…


TS Trần Hoàng trao đổi về những vấn đề lưu trữ theo mô hình lưu trữ tập trung tại Trung tâm Di sản

Tham dự tọa đàm cũng là dịp để cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận, học hỏi thêm về chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ tư liệu và tiếp tục hoàn thiện, hướng tới một mô hình lưu trữ có tính điển hình, bền vững.

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam