Người “say” sưu tầm sách
GS.TS. Phạm Đức Dương, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Tổng Chủ biên bộ Từ điển đồ sộ Việt Lào – Lào Việt. Ông là một nhà khoa học uy tín và là tác giả cuốn "Việt Nam – Đông Nam Á, Ngôn ngữ và Văn hóa", tác giả của 19 công trình khoa học nổi tiếng về Ngôn ngữ, Văn hóa dân tộc và nhiều đầu sách – công trình quan trọng khác.
Tôi tới thăm căn gác nhỏ trong ngôi nhà ở Khu tập thể Khoa học xã hội của GS.TS Phạm Đức Dương vào một chiều mưa và tận mắt chứng kiến thư viện sách khổng lồ trong căn gác chật hẹp của ông. Mọi ngóc ngách của căn nhà đều được Giáo sư tận dụng tối đa để chứa sách, 5 chiếc kệ cao gần bằng chiều cao căn phòng, mỗi cái rộng bằng 2 sải tay người lớn, đều chật cứng sách. Sách còn được xếp trên nóc tủ và cả dưới nền nhà. Có những tài liệu đã cũ, giấy đã phai màu nhưng vẫn được giáo sư cất giữ cẩn thận.
GS.TS Phạm Đức Dương bên những cuốn sách quý sưu tầm được.
Trên 8.000 đầu sách GS đang lưu giữ có nhiều bộ toàn tập cả sách trong nước và nước ngoài, sách cổ và sách hiện đại, như tuyển tập trọn bộ Lịch sử tư tưởng phương Đông, Tuyển tập Mác, Tuyển tập Lê Nin, Phan Bội Châu, Tấn trò đời… và nhiều bộ sách Nga, Pháp, Trung Quốc… Trong số đó còn có hàng chục bộ sách cổ rất quý mà thầy sưu tầm được nhiều nơi qua các chuyến điền dã ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Lào… Trong thư viện này còn có hơn 400 luận án bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ về nhiều ngành… mà thầy đã bỏ công sưu tầm, xin, giữ lại sau khi hướng dẫn cho học viên bảo vệ xong trong suốt hơn 20 năm.
Tất cả sách ở thư viện của GS. Phạm Đức Dương đều được phân loại, dán số thứ tự, ghi tiêu đề và lưu vào máy tính cẩn thận. Làm như thế, sinh viên đến tra sách, cần cuốn gì có thể tìm rất nhanh. Để có được cơ ngơi đồ sộ với hơn 8000 đầu sách này, GS. Phạm Đức Dương đã phải đi khắp nơi để sưu tầm sách.
GS. Phạm Đức Dương tâm sự: ““Tôi đi đâu cũng xin sách và đem về. Đi Nga về tôi cũng mang được 7 tạ sách, đi Paris, Mỹ… tôi cũng đều xin được sách”.
Thư viện miễn phí cho sinh viên
Trong suy nghĩ của người giáo sư già, người luôn muốn đem đến cho sinh viên những tài liệu quý báu, bổ ích, thì sinh viên ngày nay đang rất “khát” sách, thiếu nhiều cuốn sách hay để đọc. Vì lẽ đó nên thầy luôn trăn trở phải tìm cách nào đó truyền đạt được nhiều kiến thức đến cho sinh viên. Chính từ những suy nghĩ đó, thư viện sách trong căn gác nhỏ của Thầy Dương đã được mở cửa phục vụ miễn phí cho sinh viên và những độc giả ham tìm tòi.
Hơn chục năm mở cửa, thư viện của GS chưa ngày nào vắng bóng sinh viên đến đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Thư viện trên căn gác nhỏ của thầy ngày càng có sức hấp dẫn sinh viên vì đến đây, ngoài việc được đọc những cuốn sách hay, sinh viên còn được GS hướng dẫn cho nhiều thứ như làm tiểu luận, làm luận văn, phương pháp tiếp cận văn hóa, tổ chức seminar khoa học… Khi sinh viên đến đọc sách, thầy thường hỏi sinh viên đó học ngành gì rồi hướng dẫn cho các em nên đọc cuốn sách nào, nếu có gì chưa hiểu thầy sẽ giải đáp. GS. Phạm Đức Dương chia sẻ: “Tôi muốn mình đọc rồi thì mình phải cho SV tiếp tục đọc. Tôi bàn với nhà tôi là mình nên mở vì nó có ích cho các em. Độc giả chủ yếu là học trò của mình. Rồi tiếng lành đồn xa, có những sinh viên tôi không dạy cũng đến đây và số sách cũng càng ngày càng tăng lên.”
Thư viện sách đồ sộ trong căn gác nhỏ của GS Dương.
Tại đây, chúng tôi gặp Chăm, sinh viên Khoa Việt Nam học, Đại học Sư Phạm Hà Nội, một người hâm mộ các cuốn sách trong thư viện sách của thầy Dương. Chăm cho biết: “ “Thư viện của thầy Dương có bộ sách bây giờ không tìm được ở bên ngoài nữa, như cuốn Nghiên cứu văn hóa ĐNA ở Việt Nam theo em biết thì ở Hà Nội chỉ còn 2 nơi có bộ sách này, đó là thư viện Quốc gia và nhà thầy Dương. Được đến và tìm hiểu các cuốn sách quý tại nhà thầy chúng em rất vui, vì nó giúp ích rất nhiều trong công việc nghiên cứu tài liệu và học tập của bọn em”.
Cuối tháng 3 vừa qua, thư viện của GS Dương đã đạt giải nhất trong lễ trao giải Tủ sách gia đình tại Ngày Hội Sách được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư luôn mong muốn sẽ có nhiều những tủ sách gia đình như của thầy để có thể đem đến nhiều tri thức và cổ vũ văn hóa đọc trong mọi người, đặc biệt là ở các vùng quê.
Với đức tính khiêm tốn, giản dị và sự cống hiến cao cả cho văn hóa đọc Việt Nam, vị giáo sư già chỉ có ước nguyện rất đỗi mộc mạc: “Tôi rất mong và cổ vũ các cụ ở quê thiết lập tủ sách cho trẻ con, người lớn đến đọc. Bây giờ sẽ có thêm nhiều những tủ sách của dòng họ, của gia đình… Tôi thấy nên khuyến khích những tủ sách để cho nhiều người đến và những người lớn tuổi cũng sẽ thấy vui vẻ, ấm áp.”
Hương Thắm- Việt Anh
Nguồn: thoidai.com.vn/Tham-vi-giao-su-dang-luu-giu-8000-dau-sach-cho-doc-mien-phi-2401-3838.htm