Thành công nhờ đam mê và tự học

Tháng 11 năm ngoái, Đỗ Văn Đại được phong PGS. Rất nhiều người gọi điện cho tôi "khoe" về nhân vật này, trong Nam có, ngoài Bắc có, Hà Nội có, Bắc Giang có, vì ở tuổi Đại lúc đó (37 tuổi), được phong PGS như thế cũng là khá trẻ. Tôi tìm trên Google thông tin về Đại, rặt những bài báo, công trình khoa học của anh các vấn đề liên quan đến giải đáp pháp luật. Thậm chí, cả Wikipedia Tiếng Việt của Trường Đại học Luật Hà Nội, tên Đại cũng hiện ra đầu tiên ở mục "Một số cựu sinh viên nổi tiếng". Còn tôi, tôi ghi thêm tên Đại trong cuốn sổ tay "Người Bắc Giang tiêu biểu" của mình một tân PGS trẻ, một chuyên gia luật.

Đại sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên. Dù học giỏi, có ý chí nhưng có lẽ chưa bao giờ Đại nghĩ sẽ được "sang Tây" học. Tốt nghiệp THPT năm 1992, cậu học trò trường làng xuất sắc ghi tên mình vào danh sách thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội. Học ở Đại học Luật một năm, năm sau, anh được chọn cùng 10 thủ khoa các trường đại học khác sang đào tạo ở Cộng hoà Pháp. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Đại bởi vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Tiếng Pháp không biết, văn hoá Pháp cũng không thạo, hơn thế, quy luật đào thải của Trường Đại học Aix- Marseille III- nơi Đại theo học quá khắc nghiệt (chỉ khoảng 20% sinh viên có thể học tiếp sang năm thứ ba chuyên ngành Luật) khiến sinh viên Việt Nam như Đại buộc phải cố gắng rất nhiều. Đại bảo: "Nếu bạn bè Pháp cố gắng một thì tôi phải cố gắng 10, thậm chí nhiều hơn vì ở Pháp, tôi học không phải cho mình nữa mà vì danh dự, lòng tự trọng và cả màu cờ sắc áo". Sự nỗ lực của anh đã được ghi nhận. Tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1999, Đại giành học bổng ở lại Pháp học Thạc sĩ về Luật kinh doanh và tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Đại học Aix- Marseille III. Năm 2004, khi vừa tròn 30 tuổi, Đại bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Vai trò của lợi ích tư nhân trong hợp đồng ở Pháp. Luận án này sau đó đã được Nhà Xuất bản PUAM in thành sách và được GS J.Mestre nổi tiếng của Pháp viết lời giới thiệu với nhận định đây là một "tuyệt tác".

Tâm sự về quá trình học của mình, Đại bảo hầu hết do đam mê và tự học mà thành. 10 năm học ở Pháp (từ cử nhân đến Tiến sĩ), Đại là điển hình của sinh viên quốc tế về sự thông minh, cần cù, ý chí, nghị lực và lòng đam mê nghiên cứu khoa học. Từ một người không nói được một câu tiếng Pháp, không viết được một bức thư khi đến Pháp, từ chỗ e dè, thiếu tự tin, chỉ sau một thời gian, Đại đã mạnh dạn và đường hoàng tham gia các cuộc hội thảo khoa học cùng các chuyên gia đầu ngành của Pháp, tự tin diễn thuyết, trình bày các bài báo, công trình khoa học của mình trước hàng nghìn người Pháp…Đặc biệt, thành công của luận án Tiến sĩ đã giúp anh ngay sau đó được Hội đồng Quốc gia các trường đại học Pháp ghi nhận có đủ điều kiện đảm nhận chức danh Maitre de conférences (học hàm chỉ dưới học hàm GS đại học ở Pháp). Anh cũng là một trong số hiếm sinh viên nước ngoài được mời làm giảng viên khi còn là nghiên cứu sinh và sau đó được Trường Đại học Paris XIII (nơi GS Ngô Bảo Châu từng làm việc) tiếp nhận về giảng dạy. Và cũng từ uy tín, sự xuất sắc của mình, năm 2007, mặc dù đã quyết định về Việt Nam công tác nhưng hàng năm, anh vẫn nhận được lời mời sang Pháp làm GS thỉnh giảng cho các trường đại học lớn như Đại học Paris II, Đại học Paul Cezannes…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (bên phải)

trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS cho TS Đỗ Văn Đại (tháng 11-2011).

Nói về sự trở về của mình, Đại bảo: Nhiều người nói mình "hâm", đang ở môi trường công tác tốt như thế, thu nhập tốt như thế, sống giữa kinh đô văn hoá thế giới mà về Việt Nam làm "anh" giảng viên lương tháng mấy triệu. Ngay cả các GS Trường Đại học Paris XIII- nơi mình đang giảng dạy cũng khuyên mình rất chân thành. Họ bảo sinh viên nước ngoài chỉ mong được học ở Paris XIII. Anh thì được làm giảng viên, làm khoa học ở đấy! Anh có điều kiện phát triển khoa học, sự nghiệp, cuộc sống cũng tốt, sao anh lại về? Với Đại, anh nghĩ một điều đơn giản: Nhà nước tạo điều kiện cho mình ăn học chục năm ở Pháp. Mình đi nhiều, học được nhiều điều ở Pháp thì phải có trách nhiệm trở lại phục vụ đất nước. Hơn nữa, dù nghèo nhưng không đâu bằng quê mình, bà con mình. Đại cho tôi xem một đoạn trong bài báo viết về quyết định "đi-ở" của mình do GS Trần Hữu Tá viết đăng trên báo "Người Lao động" tháng 1 năm 2012: "Ở Paris, tôi gặp Đỗ Văn Đại, một giảng viên trẻ, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ chuyên ngành Luật, được mời làm việc tại Trường Đại học Paris XIII, lương cao, mọi mặt ổn định thế nhưng Đại vẫn đau đáu ý định về giảng dạy trong nước. Trong buổi chia tay ở phi trường Charles De Gaulle, tôi hỏi Đại: "Cháu đã nghĩ kỹ chưa? Ngành đại học nước nhà rất cần những trí thức trẻ, giỏi như cháu nhưng đời sống sẽ vất vả đấy". Đại trả lời ngay, dứt khoát: "Cháu biết. Mọi người chịu được, cháu cũng chịu được". Tôi mừng vì hiện nay, Đỗ Văn Đại là một trong những giảng viên giỏi của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh".

38 tuổi, hiện Đại là Quyền Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Làm giảng viên đại học là công việc mà Đại yêu thích và cảm thấy phù hợp nhất. Nhìn vào đầu sách và các bài báo, công trình khoa học của Đại, tôi thực sự cảm phục sự đam mê nghiên cứu khoa học của anh. Đại có bộ cuốn sách khá đồ sộ viết về các luật của Việt Nam, trong đó nổi bật là: Luật Hợp đồng, Luật Thừa kế, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng- Bản án và bình luận bản án. Ngoài ra, một loạt các bài báo: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trong pháp luật Pháp: Hướng tới sự thống nhất trong Toà án tối cao Pháp; Sự ưng thuận của đại diện theo pháp luật trong việc xin con nuôi quốc tế (viết bằng tiếng Pháp) và Trách nhiệm của trọng tài- Kinh nghiệm của Pháp đối với Việt Nam; Nhầm lẫn trong chế định hợp đồng: Những bất cập và hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự; Xử lý việc lấn chiếm tài sản của người khác trong pháp luật Việt Nam (viết bằng tiếng Việt)…được các chuyên gia và nhiều người quan tâm. Bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ngoài công việc giảng dạy, anh còn được mời tham gia nghiên cứu, xây dựng một số luật ở Việt Nam như: Luật Trọng tài năm 2010 và đang nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, sửa đổi Hiến pháp 1992…Năm 2012 và cả năm 2013, anh đã được các trường đại học của Pháp và Canađa đặt lịch mời sang làm GS thỉnh giảng, tham gia các công trình khoa học. Anh bảo không phải vì yếu tố vật chất mà đó là sự trân trọng, ghi nhận trí tuệ của người Việt Nam mình ở thế giới. Điều đó khiến mình phải tiếp tục cố gắng hơn.

Mải lo sự nghiệp, học hành, Đại giờ mới là ông bố trẻ của cậu con trai 2 tuổi và là chủ một gia đình hạnh phúc ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Với làng Phúc Lâm quê mình, Đại nói hầu như Tết nào cũng về, vẫn a-lô tíu tít với thầy cô, bạn bè, vẫn là đứa trẻ chăn trâu tinh nghịch, vì tất cả ở đó là "quê hương tuổi thơ tôi".

PGS. TS Đỗ Văn Đại sinh ngày 21-5-1974 tại xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, là PGS trẻ nhất ngành Luật từ trước tới nay tại Việt Nam.
Anh theo học đại học, cao học và bảo vệ xuất sắc luận án TS tại Cộng hoà Pháp. Từng làm giảng viên và GS thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng của Pháp như: Paris XIII, Paris II, Aix- Marseille III…
Anh là tác giả và đồng tác giả của 11 cuốn sách chuyên về luật; gần 100 bài báo, công trình khoa học đăng tải trên các báo, tạp chí của Pháp và Việt Nam. Hiện anh là Quyền Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

 

Chu Thu Hương

Nguồn: baobacgiang.com.vn/268/88657.bgo