Đó chính là chút tâm tình của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh – Giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh.
Một thuở đáng nhớ!
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh sinh ngày 04 tháng 12 năm 1957 tại Sài Gòn nhưng lại lớn lên tại Sa Đéc, Đồng Tháp – mảnh đất mà mỗi giai đoạn lịch sử quan trọng của Nam Bộ đều ghi đậm dấu ấn. Xuất thân trong một gia đình tri thức có ba là Hạ sĩ quan trong quân đội VNCH, mẹ làm nội trợ nên ngay từ nhỏ bà cũng như các anh chị em của mình đều được cha mẹ giáo dục một cách toàn diện để trở thành một người con có ích cho xã hội, dẫu biết rằng thời điểm đó việc nuôi dạy 10 người con ăn học không hề đơn giản. Đây cũng là lý do vì sao dù tuổi thơ có lắm gian nan, vất vả bởi cuộc chiến tranh dân tộc thì niềm say mê đến trường trong bà chưa bao giờ tắt. Có thể nói, gia đình chính là cái nôi, là tấm gương để bà tự định hình được cá tính và nhân cách cho mình trước khi hòa nhập vào cuộc sống xã hội.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh tại phòng làm việc của Trường
Xuyên suốt năm tháng đến trường, từ cấp 1 cho đến cấp 3 năm nào PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh cũng là cô học trò giỏi đứng đầu lớp được thầy yêu bạn mến. Bước vào những năm cuối cấp hai, do hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn, bà phải dành một nửa thời gian để phụ mẹ làm bánh đem vào trường bán song những trắc trở ấy không làm khó tinh thần ham học của bà mà còn là động lực để bà cố gắng nhiều hơn. Bà chia sẻ rằng bản thân cũng như tính cách của mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ba mẹ. Nếu mẹ là người đã truyền dạy cho bà tính kiên trì, lòng quyết tâm, tính kỷ luật thép trong công việc thì ba lại là người giúp bà nhận ra những giá trị nhân sinh, tình yêu thương trong cuộc sống. Mặc dù làm việc trong môi trường quân đội nhưng ông rất hiền lành, nho nhã, chưa từng quát mắng mà chỉ nhẹ nhàng khuyên răn các con.
Học đều các môn khoa học tự nhiên, rất thích và học tốt tiếng Anh, tiếng Pháp đồng thời có những lời nhận xét khích lệ của các thầy cô nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã đăng ký thi và đỗ vào trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) khóa 1975 – 1980. Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại quãng thời gian nhiều kỷ niệm thời Trung học ấy, bà vẫn mãi khắc ghi công ơn của các thầy cô đặc biệt là cô giáo Lệ Hường dạy môn Anh văn, cô Hoàng Hoa dạy tiếng Pháp, thầy Lê Trung Hiếu dạy Toán và thầy Lê Minh Điệu dạy Hóa. Riêng thầy Điệu với những lời phê chân tình trong học bạ “Học giỏi, thông minh, còn tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn” và còn ra tận bến xe đò tiễn chân cô học trò nhỏ lên thành phố đi học đại học càng khiến bà thêm tự tin, quyết tâm trở thành người con có ích, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh tham gia báo cáo tại
Hội nghị Khoa học CERET, ở Pháp, (năm 2006)
Năm năm theo học dưới giảng đường của trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã thu về cho mình những thành quả nhất định. Đó là kiến thức, là nghị lực, là sự tự tin và bản lĩnh để có thể vững bước vào cuộc sống mới. Kết thúc quãng thời gian miệt mài rèn luyện, năm 1980 nhờ thành tích xuất sắc trong học tập, bà được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy và từ đó cho đến nay Khoa Kỹ thuật Hóa học đã trở thành ngôi nhà thứ hai, đồng hành cùng bà với biết bao vui, buồn, khó khăn trong cuộc sống, đây cũng là nơi bắt nguồn những đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật của bà sau này.
Một người thầy, một nhà khoa học luôn đồng hành cùng thế hệ trẻ
Làm quen và tiếp xúc với nghề giáo từ lúc còn nhỏ (nhà bà có dượng, cô, chú ruột đều là giáo viên) nên khi đảm nhận vai trò của một người lái đò thầm lặng, bản thân PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh không gặp nhiều bỡ ngỡ. Bà chỉ tâm niệm một điều rằng khi đã đứng trên bục giảng thì sẽ không còn khoảng cách giữa thầy và trò mà chỉ là khoảng cách của những người cùng chung đam mê, chung khát khao vươn tới tri thức. Bởi vậy mà bất kỳ sinh viên nào từng có cơ hội học tập dưới sự dẫn dắt của bà đều coi bà là tấm gương để học tập và noi theo. Là một người tâm huyết với nghề, trong hoạt động giảng dạy, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh luôn chú trọng sử dụng các tri thức, kỹ năng đã tích lũy được để truyền đạt cho sinh viên, học viên cao học và các nghiên cứu sinh. Với sự nhạy bén của mình, bà nhận thức được các môn khoa học tự nhiên ở Việt Nam, nhất là môn Hóa học vẫn còn nghiêng về lý thuyết nhiều, chưa hướng tới ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, bà đã cố gắng góp sức cùng với Khoa Kỹ thuật Hóa học tìm các phương pháp thay đổi chương trình đào tạo nhằm hướng tới nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh làm việc trên
thiết bị phân tích Fluorescence
Gắn bó với trường, với học trò 14 năm, năm 1994, với suy nghĩ thầy giỏi thì mới có trò giỏi, người thầy phải học hỏi, rèn luyện liên tục để có kiến thức sâu rộng truyền tải cho học trò, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạm rời xa bạn bè, người thân, đồng nghiệp và nhất là các em sinh viên yêu quý để lên đường làm thực tập sinh tại Viện Quốc gia Bách Khoa Grenoble (Institut National Polytechnique de Grenoble) ở Pháp. Thời gian học và rèn luyện ở đây không lâu nhưng đã kịp bổ sung lượng lớn tri thức vào kho tàng của bà.
Trở về nước, vẫn tiếp tục vị trí của một người lái đò thầm lặng tuy nhiên một năm bôn ba ở nước ngoài đã khiến lối suy nghĩ của bà thay đổi. Sự thay đổi ấy đơn giản chỉ là do các bài giảng của bà biến hóa màu sắc hơn, giúp học trò tiếp thu được nhiều hơn. “Phải làm sao để sinh viên yêu thích môn học, truyền cảm hứng cho sinh viên yêu thích khoa học và làm nghiên cứu khoa học?” là câu hỏi bà vẫn luôn tự nhắc nhở mình, hơn nữa là người thầy bà hiểu rằng phải biết dạy cho sinh viên sự sáng tạo, làm cho sinh viên biết tự học, tự tìm ra cái mới, phát huy nội lực sẵn có để làm cái mới. Âm thầm đứng bên phấn trắng, bảng đen một năm nữa, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội nâng cao chuyên môn,với sự động viên và giúp đỡ của chồng, TS. Võ Hữu Thảo, năm 1996 bà lại quay trở lại Pháp để làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Viện Quốc gia Bách khoa Toulouse. Từng làm quen và bắt nhịp với cuộc sống của nước bạn nên khoảng thời gian 3 năm không làm khó được người con gái đất Việt. Năm 1999, bà vui mừng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và trở về. Lại được chạm tới cảm giác hít no căng “mùi vị” quê nhà, bà vẫn luôn tự nhủ bản thân rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiền hòa nhưng ấm ám tình người.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh cùng sinh viên tiếp đón
GS.Jens Hagen (Đức) thăm Phòng thí nghiệm Hóa Lý
Trải qua chặng đường 30 năm với nghề, điều mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh tâm đắc nhất là tình yêu đối với nghề nghiệp, với công việc không hề thay đổi. Cũng để định hướng cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là những ai có ý định trở thành người thầy, bà đã nêu ra quan điểm cá nhân của mình. Quan điểm của bà về người giáo viên hiện đại trước phải có sức khỏe, phải có những tiêu chí định hướng để bắt kịp với thời đại đó là tư tưởng phải tiến bộ, phải luôn luôn có phong cách sáng tạo và đổi mới, đặc biệt là không phải chỉ đổi mới trong tư duy mà cũng phải đổi mới trong từng công việc cụ thể. Sự nghiệp trồng người của một giảng viên Đại học không chỉ được phép dừng lại ở những giờ trên bục giảng, mà phải là chuỗi nối dài từ lý thuyết đến thực hành, từ những nghiên cứu khoa học đến các ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã say mê với nhiều công trình nghiên cứu khoa học, từ các đề tài Nhà nước đến các đề tài phối hợp với các công ty, xí nghiệp sản xuất, nơi bà đã biến những ý tưởng thành những hình hài cụ thể. Hướng nghiên cứu chính của nhóm do bà chủ trì như: Chế tạo các xúc tác mới dạng viên trong xử lý khí thải CO và NOx, xử lý phẩm màu trong nước thải dệt nhuộm hoặc chuyển hóa các hợp chất thơm độc hại thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bà còn định hướng cho các học trò và các cộng sự tiếp cận với khoa học vật liệu Nano ứng dụng trong các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học hoặc các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo đi từ các nguồn nguyên liệu nông nghiệp, như một thế mạnh vốn dĩ của một đất nước có nền tảng nông nghiệp như Việt Nam. Với niềm đam mê trỗi dậy thành sức mạnh, thông qua các nghiên cứu thực tế này, bà cũng tạo cho bản thân mình cơ hội được trở thành một nhà giáo truyền cảm hứng hiệu quả nhất cho các thế hệ sinh viên, với ước vọng đào tạo các đội ngũ nghiên cứu khoa học kế thừa. Như cái cách mà những năm tháng tuổi trẻ được học tập và làm việc dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Guy Bertrand trên đất Pháp, bà đã biết thế nào là đam mê nghiên cứu khoa học và để nó trở thành huyết quản cho cả cuộc đời bà.
Ngoảnh đầu nhìn lại những thành tựu của cuộc đời, bà tự cảm thấy mình may mắn và biết ơn vì đã sống và làm việc trong những tập thể gắn bó chan hòa giữa các đồng nghiệp, cộng sự và học trò. Nói một cách đơn giản hơn, các thành tích khoa học đạt được qua mấy mươi năm làm việc, suy cho cùng cũng chỉ là phụng sự cho nghề nghiệp, cái nghề giáo mà bà đã đeo đuổi đến tận cùng. Bà vinh dự có 2 bằng sáng chế Mỹ được thế giới công nhận về chế tạo xúc tác phức mới mở các vòng thơm sản xuất các Polymer có khả năng tự phân hủy sinh học đi từ các nguồn nguyên liệu nông nghiệp, điều mà không phải nhà khoa học Việt Nam nào cũng làm được.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng các em sinh viên thân yêu của mình sau giờ học
Rất nhiều các công bố khoa học, kể cả trên các tạp chí quốc tế uy tín hay các tạp chí trong nước còn non trẻ, đâu đó đều ghi nhận những đóng góp không chỉ của riêng bà, mà nó còn bao hàm cả sự tri ân của bà đối với các người thầy của mình. Quan trọng hơn hết, đó còn là sự công nhận cho nỗ lực đào tạo của cá nhân bà đối với các thế hệ trẻ, khi các học trò của mình giờ đây trở thành những đồng tác giả, những đồng nghiệp trong giới nghiên cứu khoa học. Nhiều giáo trình phục vụ cho giảng dạy Đại học và sau Đại học đã được bà biên soạn dựa trên các nền tảng kiến thức tích lũy qua nhiều chục năm làm việc. Dĩ nhiên, bà không quên luôn nâng cấp và cập nhật các kiến thức mới trên thế giới để đưa vào các giáo trình, đề có được những ấn phẩm luôn luôn được đổi mới sáng tạo và hiện đại. Đặc biệt, các môn học thực nghiệm như Thí nghiệm Hóa lý, Thí nghiệm xúc tác luôn có sự vận động đổi mới về nội dung và hình thức theo từng năm, nơi bà đã áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của cá nhân bà và trên thế giới. Trong tư duy dạy và học của bà, đó là sự vận động hiển nhiên của cả thầy và trò, nhất là ở bậc Đại học.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh chụp ảnh cùng với các học viên
Cao học trong ngày lãnh bằng tốt nghiệp Thạc sĩ
Mỗi một thế hệ trẻ đi qua, nhìn thấy các học trò của mình ngày càng trưởng thành, từ sinh viên Đại học, đến học viên Cao học và Nghiên cứu sinh, bà cảm thấy mình dù tuổi ngày càng cao nhưng tim mình ngày càng trẻ lại, chứa đựng đầy niềm hi vọng và phấn khởi. Nhiều sinh viên do bà hướng dẫn đã đạt được các giải thưởng nghiên cứu khoa học như Eureka (cấp thành phố) và Vifotec (cấp trung ương), trở thành những tiền đề cho các cơ hội xin học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Đài Loan,… Và những thành công của các học trò đã mang lại cho bà nhiều sự ghi nhận từ Đảng, Nhà nước và các cấp Bộ ngành với những danh hiệu và giải thưởng cao quý cho một nhà giáo. Gần đây nhất, năm 2014, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã vinh dự được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những thành công mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh có được ngày hôm nay phải kể đến sự hy sinh thầm lặng của những người thân yêu trong gia đình, những người luôn kề vai sát cánh, ủng hộ cho sự nghiệp của bà. Sự cảm thông gánh vác chia sẻ việc nhà, những góp ý chỉnh sửa cho các bản thảo bài báo và những tranh luận về khoa học của chồng cùng với thành tích học tập và làm việc tốt của hai cậu con trai chăm ngoan, biết cầu tiến luôn là động lực và nguồn cảm hứng cho bà để có thêm sức mạnh vượt qua mọi áp lực, khó khăn trong cuộc sống và công việc.
Có thể nói, với gần 40 mươi năm công tác và cống hiến, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hạnh luôn là một nhà giáo mẫu mực, một nhà khoa học tâm huyết, miệt mài, gắn bó với nghề, bà luôn trăn trở hướng tới xây dựng nền nghiên cứu khoa học nước nhà ngày một phát triển, sự cần mẫn, nhiệt tình và say mê, đó chính là những tác phong thường trực của bà. Bởi lẽ bà không chỉ là một người thầy truyền tải tri thức tới thế hệ trẻ mà còn là một nhà nghiên cứu khoa học giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Trong thời gian tới, chắc chắn bà sẽ vẫn tiếp tục vững tin, kiên định trên con đường mà bà đã chọn. Dẫu rằng chỉ trong một bài viết ngắn sẽ không thể kể hết đầy đủ những thành tựu và những cống hiến to lớn mà PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo ra, nhưng tựu trung lại bà là một nhà khoa học đã để lại nhiều dấu ấn chuyên môn trong ngành, là một người phụ nữ đầy nghị lực và ý chí. Bà chính là tấm gương sáng mà thế hệ trẻ ngày nay cần học tập và noi theo.
In trong: Tấm gương người làm khoa học. Tập 14.
H – Hồng Đức, 2016. Trang 122 – 132.