Năm 1966, tốt nghiệp trường phổ thông cấp III Quảng Trạch (Quảng Bình) với kết quả xuất sắc, chàng trai Trần Nghi nhận giấy báo đi học tại khoa Vật lý, trường Đại học Bắc Đại (Bắc Kinh – Trung Quốc). Nhưng thời điểm ấy, Trung Quốc đang diễn ra Cách mạng văn hóa, toàn bộ lưu học sinh không thể lên đường. Theo sự phân công của nhà nước, ông vào học ngành Địa chất, khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).
GS.TS Trần Nghi tại nhà riêng, 7-3-2018
GS.TS Trần Nghi chia sẻ rằng: Là học sinh giỏi toàn diện nhưng không được đi nước ngoài, lại được phân vào học một ngành học mới mẻ khiến ông và một số bạn không khỏi chán chường, thất vọng và có phần hoang mang. Nhưng rồi, trong buổi gặp gỡ đầu tiên với thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Văn Chiển, được thầy “hướng đạo”, ông quyết tâm và tự vạch cho mình mục tiêu phấn đấu học tập nghiêm túc.
Cho đến hôm nay, GS.TS Trần Nghi vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy Chiển giản dị, thân mật, bằng giọng nói Kinh Bắc ấm áp đã giới thiệu và giải thích cho sinh viên về Khoa học Trái đất là gì, đào tạo những lĩnh vực gì… “Khoa học địa chất là khoa học rất khó, là khoa học bí hiểm, gợi tò mò cho con người để tìm hiểu, ai càng giỏi sẽ càng say mê”. Và ông đã bị "thôi miên" ngay từ bài giảng đầu tiên ấy của thầy Chiển. Càng ngày, sinh viên Trần Nghi muốn gần thầy Chiển, để theo thầy “học đạo”, học từ kỹ năng đọc sách tiếng Nga, kỹ năng Việt hóa khi dịch tài liệu nước ngoài, viết giáo trình, kỹ năng truyền đạt kiến thức cho sinh viên… Năm 1970, khi tốt nghiệp, ông cũng được thầy Chiển định hướng và giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học, phụ trách môn Trầm tích học.
Với sự kiên trì, không ngừng nỗ lực của bản thân, GS Trần Nghi đã dần tạo cho mình niềm yêu thích, đam mê với ngành khoa học Địa chất. Và nay, khi đã ngoài 70 tuổi, nhắc về những ngày đầu bước chân vào ngành, GS.TS Trần Nghi không bao giờ quên người thầy đã “thôi miên”, truyền lửa cho mình- GS.TS. NGND Nguyễn Văn Chiển.
Nguyễn Thị Hiên