Tuy vậy, những lần thầy vào làm việc ở phòng tư liệu, lớp cán bộ trẻ chúng tôi lại tìm cách gần thầy để nghe thầy nói đủ thứ chuyện. Những câu chuyện mà thầy nói thuộc dạng “bách khoa toàn thư” nên nghe thật cuốn hút và thật hấp dẫn đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Về sau, bản thân tôi mới biết được trước đó, thầy cũng vốn là “cán bộ giảng dạy” của khoa, nhưng do có một chuyện gì gì đấy nên thầy (cùng với thầy Cao Xuân Hạo) phải chuyển sang làm “tư liệu viên” mà không được đứng giảng ở lớp nữa. Dần dần, chúng tôi cũng biết thầy chính là Nhữ Thành, một dịch giả nổi tiếng thời đó.Và mãi đến tận những năm 2000 sau này, khi có nhiệm vụ tìm hiểu lại lịch sử ngành Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ văn nói riêng và của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung, tôi mới biết thầy chính là vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên (trong 02 năm) của Khoa Ngữ văn khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập vào năm 1956.
Phó Giáo sư Phan Ngọc là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên (trong 02 năm) của Khoa Ngữ Văn khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956
Có lẽ những điều tôi vừa kể vắn tắt về thầy Phan Ngọc như trên cũng có thể chỉ có một vài người chưa biết như tôi trước đây. Còn thời gian về sau, từ năm 1980 trở đi, khi thầy chuyển về làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do Giáo sư Phạm Đức Dương phụ trách thì vị thế của thầy là “chuyên viên cao cấp”. Những công trình nghiên cứu mà thầy xuất bản vào thời gian này như Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á năm 1983, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều năm 1985, Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới năm 1994, Bản sắc văn hóa Việt Nam năm 1998, Thử xét văn hóa học – Văn học bằng ngôn ngữ học năm 2000 và nhiều công trình khác nữa đã được độc giả nhiệt thành đón nhận. Năm 2000, trong số những công trình đó, có hai công trình đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Đối với bản thân, tôi có một vài kỷ niệm đi theo suốt đời mình về thầy Phan Ngọc. Ở đây, chỉ xin kể lại một kỷ niệm ấn tượng về kiến thức sâu rộng và sự nhiệt huyết của thầy đối với ngôn ngữ học lịch sử. Vào năm 1979, tôi vào học khóa đầu tiên đào tạo Phó Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có một tập thể gồm ba Giáo sư hướng dẫn cho tôi làm Nghiên cứu sinh, trong đó Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là Giáo sư phụ trách chung và chịu trách nhiệm hướng dẫn luận án. Do đề tài luận án của tôi có liên quan đến phần ngữ âm lịch sử nên Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn yêu cầu tôi “tầm sư” với nhiều thầy cô, trong đó có thầy Phan Ngọc để học hỏi thêm về lĩnh vực này. Vì thế, tôi đã không biết bao nhiêu lần đến căn nhà nhỏ trên phố Bùi Thị Xuân để hỏi thầy về lịch sử ngữ âm tiếng Việt trong công trình của H. Maspero mà thầy là người dịch từ tiếng Pháp bản dịch chép tay ở phòng tư liệu của Khoa Ngữ văn. Hồi ấy, ở địa hạt ngữ âm lịch sử, tài liệu viết bằng tiếng Việt hầu như chưa có, thầy Phan Ngọc đã tận tình và say sưa chỉ bảo cho tôi nhiều điều khó hiểu trong công trình của H. Maspero. Có lẽ, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của thầy, việc viết phần luận án có liên quan đến ngữ âm lịch sử tiếng Việt của tôi hồi ấy cũng sẽ gặp khó khăn đến mức nào.
Ảnh: Thành Long
Rồi mãi đến năm 2011, tôi lại mới có dịp đến thăm thầy. Hôm đó là ngày 19/11, sau khi Khoa Ngôn ngữ học tổ chức xong buổi họp mặt chúc mừng các thầy cô ở Khoa, tôi đề nghị PGS.TS Nguyễn Văn Chính, khi đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, lái xe chở tôi đến thăm thầy Ngọc. Hôm đó, sau khi uống nước và thăm hỏi sức khỏe của thầy và cô, nhận thấy thầy có vẻ vui lắm nên tôi liền mạnh dạn thưa với thầy rằng:
– Thưa thầy, lâu rồi chúng em lại mới có dịp đến thăm thầy. Chúng em có một vài “giai thoại” liên quan đến thầy muốn được thầy và cô cho biết rõ ngọn ngành.
Thầy cười và hỏi lại tôi:
– Được thôi. Nhưng có chuyện gì mà các ông tò mò muốn biết vậy?
– Thưa thầy, em xin hỏi thầy một vài câu chuyện liên quan đến thầy mà chỉ nghe mọi người kể nhưng chưa biết thực hư thế nào. Như thầy biết đấy, ở Bộ môn Ngôn ngữ học trước đây của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có nhiều “dị nhân” về ngoại ngữ như thầy Hạo, thầy Cẩn v.v. Hậu thế bọn em kính phục thầy về khả năng sử dụng những ngoại ngữ mà thầy đã biết. Ngoài chữ Hán và tiếng Pháp là những ngôn ngữ thầy được học ở trường, các tiếng khác như Nga, Anh, Ý, Hy Lạp, Đức là do thầy tự học. Vậy thầy tự học như thế nào để có được kết quả như thầy đã có?
– À, nói rằng tự học cũng đúng mà cũng không hẳn như thế. Đó là nhờ sự “chỉ bảo” của ông cụ cha mình đó. Chả là hồi ông cụ làm việc ở Huế, thay vì cho mình vào trường Quốc học, cụ gửi mình vào học thêm trường “Dòng” ở đây. Theo cụ, học trường Dòng mới có điều kiện học tiếng Latinh. Là dân ngôn ngữ học lịch sử thì chắc ông biết tiếng Latinh quan trọng như thế nào đối với các ngôn ngữ phương Tây. Nhờ bảy năm theo học tiếng Latinh trong trường “Dòng” ở Huế, sau này cùng với những hiểu biết về ngôn ngữ học, mình mới có điều kiện để “tự học” những tiếng mà mình không được dạy ở nhà trường. Chìa khóa để mình sử dụng các ngôn ngữ khác nhau thuộc gốc Latinh là như thế đấy ông ạ.
– Nhưng tiếng Latinh khó học lắm phải không thầy?
– Khó, nhưng khó cũng phải học vì ngoại ngữ là “chìa khóa” để mở cửa vào thế giới. Ông cụ nhà mình đã chọn và chỉ dẫn để mình phấn đấu mà.
Nghe thầy giải thích điều đó, chúng tôi hiểu ra khả năng ngoại ngữ của thầy là có lý do và cũng nhờ vào sự cố gắng của bản thân thầy. Rồi tôi tiếp tục hỏi thầy điều băn khoăn khác:
– Thưa thầy, chúng em biết tên hiệu và cũng là tên thầy dùng trong một vài văn bản dịch thuật là Nhữ Thành. Nghe đâu, tên Nhữ Thành đó gắn với tên Ngọc của thầy tạo thành một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?
– Tôi xin nói với ông là tên Nhữ Thành mà tôi dùng là tên ông cụ nhà tôi đặt cho chứ không phải là do tôi lựa chọn. Chắc là khi lựa chọn tên hiệu này cho tôi dùng, ông cụ đã ngầm nhắc nhở tôi. Tên gọi đó là một cách rút gọn câu nói có “điển tích” của người xưa dùng để khuyên bảo. Tôi dùng tên gọi ấy là để vâng theo lời ông cụ răn dạy mình.
– Thưa thầy, thầy có nhớ nguyên văn câu “điển tích” đó không?
– Ở tuổi này (năm ấy thầy ở tuổi 86) và ngay bây giờ, tôi không nhớ được đầy đủ. Nhưng vẫn còn nhớ được một vế trong câu điển tích dùng để ghép tên Nhữ Thành mà ông cụ chọn cho tôi. Câu đó, âm Hán – Việt là “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã”. Ông về tìm hiểu nghĩa của cả câu đó thì sẽ biết dụng ý của ông cụ nhà tôi khi đặt tên cho tôi.
Ảnh: Thành Long
Tôi ghi lại âm Hán – Việt câu thầy đọc, về nhà tra cứu lại nguyên văn chữ Hán câu “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã” (貧 贱 懮 戚 鄘 玉 汝 于 成 也) rồi gửi thư qua email cho anh Phạm Ánh Sao để xem những chữ Hán đó có đúng với âm Hán – Việt không. Sau đó tôi lại nhờ anh Đinh Thanh Hiếu (mà dân Ngữ Văn chúng tôi gọi là ông “ma xó” về điển tích Hán), là cán bộ giảng dạy ở bộ môn Hán – Nôm của Khoa Văn học, để nhờ anh giải nghĩa giúp và truy tìm xuất xứ của câu đó. Anh Hiếu cho tôi biết câu đầy đủ ấy ở bài “Tây minh” của đại nho Trương Tái đời Tống là “富 貴 福 澤 天 厚 吾 之 生 也, 貧 贱 懮 戚 鄘 玉 汝 于 成 也” (Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã; Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã “Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta; Nghèo hèn lo buồn là để rèn dũa ta nên ngọc”). Vậy là tên hiệu Nhữ Thành mà cụ Phan Võ chọn cho thầy Phan Ngọc đã nói lên tất cả những “được mất” trong cuộc đời của thầy. Và trong cuộc đời thực, thầy Phan Ngọc đã vượt qua được tất cả sự “bần tiện ưu thích” để “nhữ vu thành ngọc” vậy.
Hôm 29.05.2015 vừa rồi, khi ở giảng đường số 19 Lê Thánh Tông để mừng sinh nhật lần thứ 80 của Giáo sư Hà Minh Đức, anh Trần Hinh cho biết ở trường đang muốn anh viết những kỷ niệm về thầy Phan Ngọc, nhưng những gì anh biết về thầy thì cũng đã viết rồi. Anh mong “dân ngôn ngữ” như tôi nếu có biết gì thêm về thầy thì viết cho nhà trường đi. Thú thực là việc viết về những kỷ niệm đối với các thầy cô, ở Khoa Ngữ văn cũ của chúng tôi có nhiểu người vừa biết rất nhiều vừa viết rất tài hoa; còn tôi biết thì ít mà lại không có khiếu để viết. Nhờ có một vài kỷ niệm như trên về thầy Phan Ngọc nên tôi cũng xin ghi lại đôi dòng như thế để chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của thầy.
Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2015
PHÓ GIÁO SƯ PHAN NGỌC
Năm sinh: 1925.
Quê quán: Nghệ An.
Tốt nghiệp tú tài (trước Cách mạng), tại Trường Trung học Huế năm 1944.
Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1992.
Thời gian công tác tại trường: 1956 – 1979.
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
+ Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1956 -1958).
Các hướng nghiên cứu chính: Văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ học; Đông Nam Á học.
Các công trình khoa học tiêu biểu:
Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, 1983 (viết chung).
Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, 1985.
Mẹo giải nghĩa các từ Hán Việt, 1991.
Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, 1994.
Văn học xét theo văn hóa học.
Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, 1995.
Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:
+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000 cho cụm công trình về văn hoá Việt Nam, gồm Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985).
GS.TS Trần Trí Dõi
Nguồn:www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Thay-Chu-nhiem-Bo-mon-Ngon-ngu-hoc-dau-tien-1-12164.aspx