Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhiều thế hệ bác sĩ của trường Đại học Y khoa Huế lại tưởng nhớ về một người thầy được họ tôn kính vì đạo đức chuẩn mực, y nghiệp tinh thông và tình cảm của ông đối với học trò. Người thầy đó là cố bác sĩ Lê Văn Bách, nguyên Trưởng bộ môn Nội, trường Đại học Y dược Huế – một tấm gương sáng của nhiều thế hệ thầy thuốc trưởng thành từ y khoa Huế.
Cố bác sĩ Lê Văn Bách, sinh năm 1930 tại làng Kim Long, nay thuộc phường Kim Long, TP Huế. Năm 1951, ông theo học tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1958, bác sĩ Lê Văn Bách được “trưng tập” vào quân đội với quân hàm Trung úy. Ông được phân công tác về Quân y viện Duy Tân[1] (Đà Nẵng) và Quân y viện Nguyễn Tri Phương[2] (Huế). Năm 1962, ông được biệt phái về trường Đại học Y khoa Huế. Từ năm 1963 đến 1964, bác sĩ Lê Văn Bách được cử đi tu nghiệp sau đại học tại Cộng hòa Liên bang Đức. Trong thời gian từ tháng 4-1967 đến tháng 12-1967, ông được Bộ Văn hóa – Giáo dục và Thanh niên bổ nhiệm chức Quyền Khoa trưởng[3] – trường Đại học Y khoa Huế. Theo giáo sư Võ Đăng Đài, “Thầy Lê Văn Bách vào làm cho y khoa Huế ngay từ lúc trường mới thành lập. Thầy là rất có trách nhiệm, nguyên tắc và không ham muốn chức vị. Vì vậy, khi thầy được bầu lên Quyền khoa trưởng, mặc dầu lúc đó thầy được sự ủng hộ mạnh mẽ của các giáo sư người Đức và hầu hết nhân viên giảng huấn, hành chánh… và sinh viên, nhưng thầy luôn yêu cầu Viện (Đại học Huế) phải thúc giục Bộ Giáo dục bổ nhiệm một khoa trưởng chính thức”[4].
Bác sĩ Lê Văn Bách (1930-2002)
Theo bác sĩ Lê Bá Vận, bác sĩ Lê Văn Bách là một người sống giản dị, đạm bạc. Ông luôn mặc áo sơ mi trắng dài tay, kết hợp với dép xăng đan nâu đơn giản nhưng chỉnh tề. Suốt thời gian sống và làm việc tại Huế, bác sĩ Bách chỉ sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Ông không tham gia các hoạt động như đánh bài, văn nghệ, thể thao hay đến các câu lạc bộ tại Huế.
Một trong những thành quả to lớn nhất của bác sĩ Bách khi tạm quyền lãnh đạo y khoa Huế là tổ chức thành công kỳ thi lâm sàng đầu tiên vào tháng 9-1967. Ông đã mời các giáo sư Trần Vỹ[5], Đặng Văn Chiếu[6], Hoàng Ngọc Minh của y khoa Sài Gòn ra Huế cùng với các giáo sư Horst. G.Krainig, R.Discher, J.J.Caron của y khoa Huế để thành lập Hội đồng xét luận án tốt nghiệp cho khóa đầu tiên của Y khoa Đại học Huế[7].
Theo hồi ký của giáo sư Bùi Duy Tâm, “Bác sĩ Lê Văn Bách đã giữ vững y khoa Huế trong một thời gian rất nhiễu nhương để trao lại cho tôi. Ông có một đời sống khắc khổ và nghiêm nghị với mọi người”[8]. Cuối tháng 12-1967, GS.TS Bùi Duy Tâm[9] được cử ra Huế giữ chức Khoa trưởng trường Đại học Y khoa, Viện Đại học Huế. Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, để không bị gián đoạn trường y khoa Huế tạm thời chuyển vào Sài Gòn. Tuy nhiên, tại Huế, bác sĩ Lê Văn Bách cùng các đồng nghiệp đã tích cực xây dựng lại cơ sở vật chất, chuẩn bị cho “ngày trở về” của trường. Từ năm 1972 đến tháng 3-1975, bác sĩ Lê Văn Bách giữ chức Phó khoa trưởng, trường Đại học Y khoa Huế. Cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Tự, ông đã “chung tay đấu cật” chèo lái con thuyền y khoa Huế.
Bác sĩ Lê Văn Bách cống hiến hết sức lực để nuôi dưỡng, duy trì “sự sống” của trường Đại học Y khoa Huế. Dù trải qua bao nhiêu sóng gió, biến cố, từ các vụ tranh đấu của phong trào sinh viên và phật giáo từ 1964 đến 1966, Tết Mậu Thân, đến mùa hè đỏ lửa 1972, thầy vẫn ở luôn sát với trường, với khu Nội thương thuộc trường y khoa Huế… Thầy Lê Văn Bách được mọi người, từ các thế hệ giảng viên đến sinh viên biết đến không chỉ vì tấm gương nghiêm chỉnh, mẫu mực mà còn vì sự giản dị và tận tâm trong công việc. Thầy là một người thầy tận tụy với nghề, một nhà mô phạm đầy lương tâm và trách nhiệm[10].
Sau năm 1975, bác sĩ Bách vẫn ở lại Việt Nam và gắn bó với trường Đại học Y khoa Huế. Ông giảng dạy môn Sinh lý bệnh và giữ chức Trưởng bộ môn Nội cho đến năm 1995. Với tấm lòng tận tụy, chu đáo và cần mẫn, thầy Bách không ngại khó, ngại khổ, tỉ mỉ, giúp đỡ từng sinh viên. Thầy luôn đi sớm về muộn, dù ngày nắng hay đêm mưa, luôn thăm khám bệnh nhân một cách tận tình. Với phong thái dịu dàng, nhã nhặn, niềm nở, với trình độ chuyên môn vững vàng, uyên bác, thầy đã để lại bao niềm kính mến ở tất cả bệnh nhân, dù chỉ một lần tiếp xúc với thầy. Thầy đã thể hiện lòng độ lượng, nhân từ, bác ái với người nghèo, người neo đơn khốn khó, người tu hành… mà đối với họ, khi nhắc đến thầy họ tưởng chừng gặp Bồ tát cứu độ[11].
Theo lời kể của GS.TS Trần Văn Huy, dù là Chủ nhiệm bộ môn và công việc vô cùng bận rộn, nhưng thầy Lê Văn Bách luôn giữ một lịch trình rất khoa học và nghiêm ngặt. Mỗi sáng, vào lúc 6h45 phút, thầy đã có mặt để kiểm tra lại tình trạng bệnh nhân nặng trong phòng. Dù giữ chức vụ cao, nhưng thầy vẫn luôn có hai giường để trực tiếp khám bệnh như bao bác sĩ khác.
Khi là sinh viên năm thứ tư, GS.TS Trần Văn Huy có dịp theo chân thầy theo dõi hai giường bệnh. Lúc đó, như bao sinh viên mới vào nghề, ông còn có phần cẩu thả, giữ thói quen mặc áo khám bệnh nhưng không cài khuy nút trên. Một buổi khi cùng thầy đi khám bệnh, nhìn thấy nút áo của học trò không cài, thầy Bách không nghiêm nghị khiển trách hoặc quát tháo, la mắng, mà nhẹ nhàng đưa tay cài nút áo cho học trò. Cử chỉ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Đó không chỉ là sự giáo huấn tinh tế mà còn là một bài học về tác phong nghiêm túc trong nghề y mà thầy Bách đã dạy học trò. Kể từ đó, ông không bao giờ chểnh mảng trong việc mặc y phục khám bệnh nữa[12].
Năm 1995, bác sĩ Lê Văn Bách về hưu nhưng vẫn rất quan tâm đến các thế hệ học trò của mình. Cùng năm, trong một lần gặp mặt cựu sinh viên y khoa Huế, thầy đã có những lời dặn dò tâm huyết: “Thấy các anh chị thành đạt hôm nay là một điều rất đáng mừng nhưng hãy giữ làm sao cho cái quả được xanh tươi, tốt đẹp, cả bên ngoài lẫn bên trong, chứ đừng để nhìn bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong đôi khi lại đầy sâu thối”[13].
GS.TS Trần Hữu Dàng nhớ lại, “Thầy Bách là một bác sĩ, thầy giáo không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Đặc biệt trong nghề y thì đạo đức của người thầy thuốc là điều cần có và bắt buộc”. Trong những năm tháng là sinh viên, Trần Hữu Dàng đã được thầy Bách hướng dẫn tận tình và tâm huyết. Những bài học đầu tiên về sinh lý và nội khoa mà ông học được từ thầy là dấu ấn khó quên trong cuộc đời ông. Hơn thế nữa, ông Trần Hữu Dàng học được từ thầy lòng bác ái, tính khiêm nhường và sự chỉn chu, cầu toàn trong công việc – những phẩm chất không thể thiếu của một bác sĩ thực thụ. Để tri ân người thầy kính yêu, ông đã cảm tác và viết lên ca khúc “Người thầy của tôi” như một cách tưởng nhớ đến thầy Lê Văn Bách.
Thầy Lê Văn Bách qua đời ngày 2-4-2002 tại nhà riêng ở Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế, hưởng thọ 72 tuổi. Ngày đưa tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng, đoàn học trò của ông là các giáo sư, bác sĩ qua nhiều thế hệ được đào tạo tại trường Đại học Y khoa Huế đã đến để tiễn biệt thầy, đưa thầy về với đất mẹ.
Nguyễn Sửu
[1] Quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng thành lập năm 1955, nay là Bệnh viện Quân y 17, Bộ Quốc phòng.
[2] Quân y viện Nguyễn Tri Phương (trước năm 1975) nay là Bệnh viện Quân y 268, Bộ Quốc phòng.
[3] Ngày 3-4-1967, theo Sự vụ lệnh số 79/GD/NVSVL, cử bác sĩ Lê Văn Bách xử lý thường vụ Khoa trưởng Y khoa Huế thay cho bác sĩ Quyền khoa trưởng Thân Trọng An.
[4] GS.BS Phó khoa trưởng Võ Đăng Đài, Đặc san Y khoa Huế, 2006.
[5] GS.Thạc sĩ Trần Vỹ, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế VNCH.
[6] GS.BS Đặng Văn Chiếu, cựu Khoa trưởng Đại học Y khoa, Viện Đại học Sài Gòn.
[7] Bài viết của bác sĩ Lê Bá Vận, cựu Khoa trưởng Y khoa Đại học Huế (1972-1975).
[8] Bùi Duy Tâm, hồi ký “Một quãng đời qua”, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.28.
[9] GS.TS Bùi Duy Tâm sinh năm 1934 tại Hà Nội, ông được bổ nhiệm Khoa trưởng Y khoa Đại học Huế ngày 26-12-1967, theo Sự vụ lệnh số 3445/VHGD/NV/SVL và bị giải nhiệm chức vụ vào tháng 3-1972.
[10] Nguyễn Thị Tinh Châu (YK2), bản tin 6-2022 đăng trên kỷ yếu Y khoa Huế 2010.
[11] Bác sĩ Dương Văn Sinh (Bệnh viện Trung ương Huế), bài viết “Nhớ thầy yêu, kính” đăng trên trang “Khóa 13 Y khoa Huế (1972-1978)”.
[12] Theo bài viết ngày 5-4-2002 của GS.TS Trần Văn Huy (trường Đại học Y dược Huế) đăng trên trang Y khoa Huế khóa 13 (1972-1979).
[13] Theo bài viết của GS.TS Trần Văn Huy, đã dẫn.