Mừng vui vô cùng khi đến Hội cựu Giáo chức TP Hồ Chí Minh gặp lại chị Sáu Nở, nguyên Phó giám đốc Sở (hoạt động thời Mỹ chiếm đóng, từng vào tù ra tội, được ra Bắc học tập, hai lần gặp Bác Hồ, mà tôi đã quen và viết bài trên báo Tiền Phong khi các cựu thành viên Ban Trí vận Sài Gòn – Gia Định khi ra thăm Thủ đô năm ngoái).
Bất ngờ gặp cả chị Yến Thu (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam) cũng có mặt. Càng bất ngờ khi chị cùng học thầy Huy ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi xin lỗi mọi người để nói chuyện riêng với chị Thu một lúc vì là đồng tuế, và hỏi chuyện mới biết cả tôi và chị cũng gặp lại thầy trong hai thời gian, không gian khác nhau nhưng cùng trạng thái… xấu hổ như nhau: Thầy nhận ra trò trước, hỏi trò trước chứ không phải ngược lại.
… Hôm ấy là ngày kỉ niệm 60 năm thành lập Khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (2011). Anh Ma Văn Kháng và tôi đang đi tìm xem có bạn bè quen không thì thầy gọi đúng tên hai anh em. Rồi thầy trò chụp ảnh kỉ niệm. Sau này về nhà, thầy gửi ảnh ra cho chúng tôi chứng tỏ thầy chu đáo cẩn thận đến mức nào.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy (bên trái) và tác giả |
Ngày Tết ta, thầy còn gửi thư tay chúc Tết tôi mới lạ. Lại còn gửi kèm một bài thơ tặng tôi trong đó có ghép tên nhiều tác phẩm của tôi mà thầy đã cẩn thận viết bằng mực đỏ. Bây giờ thầy thường gửi thư điện tử chung cho chúng tôi và thường theo dõi và có bài viết về học trò cũ, nhất là anh Ma Văn Kháng.
Hai lần vào dự hội thảo do Hội đồng Lí luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh đều gặp thầy, tôi đã hẹn đến thăm thầy rồi lại lỡ hẹn. Thế nên lần này, hơn nửa thế kỷ cách xa, được trò chuyện ở ngôi nhà có thiết kế nội thất rất đẹp của thầy ở Gò Vấp mới biết, thầy quê gốc Hưng Yên, nơi tôi đã dạy suốt mười năm trước khi đi bộ đội. Hóa ra thầy cũng đã từng dạy 5 năm (1953 – 1958) ở Sơn La, cũng từng đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từng làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng trường Sư phạm sơ cấp Khu tự trị Thái Mèo. Cũng từng lang thang trong rừng chọn địa điểm dựng trường trên một ngọn đồi. Lại phải bạt đất làm sân bóng chuyền. Chặt gỗ, tre, nứa về dựng trường, dựng khu tập thể. Chưa có nhà ăn, cơm dọn ra ăn ở ngoài trời, có lần chim trên cây bĩnh vào giữa xoong canh đành đổ đi! Có khi cả thầy trò cùng lăn ra ốm, phải cử người còn khỏe lên khu xin gạo về nấu cháo. Có lần mảng qua suối bị lật suýt chết đuối, gạo vớt lên về tãi ra phơi, sấy khô rồi nấu ăn vậy… Rồi chuyện thầy trò chạy phỉ, tan tác mỗi người một nẻo trong rừng sâu, người nấp dưới khe, anh trèo tót lên cây cao, bọn con gái thì rúc kín trong bụi rậm đến khi không thấy động tĩnh gì mới chui ra. Những chuyện ấy mà thầy viết hồi kí, tìm lại những học trò ngày ấy chả khối chuyện hấp dẫn à?
Nhạc phụ tôi họ Đoàn ở Phù Cừ cũng là một chi lớn. Thân phụ thầy ở Hải Yến, Tiên Lữ lên Hà Nội đã lâu, sinh ra thầy ở Hà Nội. Cụ học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, lên dạy học ở Cao Bằng mấy năm mới được về trường Ngô Sĩ Liên, Hà Nội.
Có lần đang dạy, thoáng thấy Thanh tra Giáo dục ngoài lớp. Ông ta có quyền vào bất cứ lớp nào sao lại cứ như rình mò nghe lén thế nhỉ? Đã thế lờ đi, coi như không biết, không việc gì phải ra mời vào. Chắc nghi ngờ cụ tuyên truyền yêu nước cách mạng cho học sinh nên mới làm thế. Rồi cũng chẳng tìm ra phốt gì, cuối cùng phải bổ nhiệm cụ làm hiệu trưởng.
Hòa bình lập lại cụ về tiếp quản Thủ đô, làm Trưởng phòng Giáo dục khu Đống Đa, rồi Thanh tra Giáo dục Vụ Tiểu học. Em ruột cụ cũng theo anh làm nghề dạy học, ba người con chú cũng dạy học, em gái thầy cũng dạy học. Thầy cũng theo truyền thống gia đình, học giỏi cả tự nhiên và xã hội, nhưng được phân công học văn, sử, địa.
Điều quyết định làm nên sự nghiệp hôm nay là khả năng tự học, tự vượt lên chính mình. Ví như vừa dạy chúng tôi, thầy vừa học tại chức tâm lí giáo dục, sau này lại đắc dụng. Luận án tiến sĩ (1994) thầy cũng tự học chứ không có người hướng dẫn (GS Nguyễn Đăng Mạnh làm cố vấn).
Hai năm sau được phong hàm Phó giáo sư. Chỉ thích làm chuyên môn nhưng trong hơn 10 năm (1975-1986) thầy cũng “bị” làm Phó Chủ nhiệm khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, được bầu làm Bí thư Chi bộ; Đảng ủy viên rồi Bí thư Đảng ủy khoa. Thầy sinh năm 1934, mà gần 60 năm tuổi Đảng, nghỉ hưu nhưng bây giờ vẫn tham gia đào tạo sau đại học.
Gần 60 năm trước, một lứa các anh Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Tô Hoàng, Nghiêm Đa Văn, Lê Đình Ảnh và tôi nghe thầy giảng về “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” (Đào Vũ) và mới đây chúng tôi lại nhận được cuốn sách dày gần 500 trang khổ 16x24cm “Hồ Chí Minh – niềm thơ cao cả” – một công trình nghiên cứu đồ sộ toàn diện về Bác Hồ do trường Đại học Nguyễn Tất Thành xuất bản mà PGS.TS Đoàn Trọng Huy, cố vấn cao cấp của trường là tác giả. Chắc chưa phải là cuốn cuối cùng. Còn ở giữa là hơn 20 đầu sách, trên 150 bài đăng tạp chí, kỉ yếu khoa học trong và ngoài nước.
Thầy biết tiếng Hoa (học ở Khu học xá Trung ương) và tiếng Pháp (vốn học trong nhà trường thời thuộc Pháp) nên vừa đi sâu nghiên cứu, viết giáo trình giảng dạy văn học cận, đương đại Việt Nam thầy vừa sang học “ké” tâm lí giáo dục học của các giáo sư kì cựu. Chỉ để có thêm kiến thức bổ trợ cho giảng dạy văn chương thôi. Cho đến lúc Angola mời chuyên gia sang dạy đại học thì chuyện học chơi bỗng chốc trở thành cơ hội.
Bây giờ chỉ còn phải học tiếng Bồ Đào Nha. Đã có tiếng Pháp, mà nó với tiếng Bồ cùng ngữ hệ La tinh nên thầy học cũng nhanh. Nhanh nhưng không có “mưu thầy mẹo thợ” như thầy thì nhiều người lên lớp cũng rơi vào tình trạng… đứng chào cờ khi sinh viên hỏi hay trả lời mà mình nghe không thủng, thì biết làm gì?
Vốn có trí nhớ tuyệt vời nhưng để nhanh chóng nắm vững tiếng Bồ, nhất là cách diễn đạt của sinh viên bản địa thì thầy tôi lại có mẹo riêng. Gọi một sinh viên nhắc lại (nhất là tay nào đang không tập trung tư tưởng). Nghe lần thứ hai, chỗ nào chưa hiểu đã vỡ ra phần lớn rồi. Lại gọi sinh viên khác tóm tắt lại. Hai lần thế đủ để mình nắm được cả ngôn ngữ lẫn nội dung vấn đề.
Chưa hết! Thầy còn nhờ một bạn đồng nghiệp người bản địa mua hộ mấy cuốn ngữ pháp, từ điển tiếng Bồ mới nhất để tham khảo. Đã thế, thầy còn thường tổ chức những cuộc tọa đàm nho nhỏ cho sinh viên tự do tranh luận, để thầy trò bình đẳng tương tác với nhau. Nhờ thế cũng học được rất nhiều, nhất là văn hóa, phong tục, tập quán của họ. Họ phản ánh lên giáo vụ được học thầy là niềm vui, nên hết hợp đồng bạn lại mời sang tiếp.
Đi hai đợt, đúng là để “cứu nước cứu nhà” (cũng như vợ tôi thời ấy làm chuyên gia y tế ở Angiêri chủ yếu là để trả nợ dần tiền bạn bán chịu, mình chỉ được một chút gọi là). Đến lần sau, thầy được ký hợp đồng tay đôi với bạn mới thực sự được hưởng thành quả lao động của mình.
Là người ham hiểu biết, thầy còn học luôn tiếng Tây Ban Nha (chỉ khác tiếng Bồ Đào Nha ở cấu tạo phần đuôi câu thôi). Tiếng Anh thì dĩ nhiên thầy dùng tốt để tự dịch các công trình tiếng Việt ra. Thế nên, thầy có đến 31 công trình tiếng Việt (sách, giáo trình, tài liệu giảng dạy nghiên cứu phê bình, lí luận văn học), 10 công trình tiếng Anh (về văn hóa, văn nghệ, giáo dục), 11 công trình tiếng Bồ (giáo trình, tài liệu, nghiên cứu giảng dạy về tâm lí giáo dục)
Thầy tôi là một giai điệu đẹp của Bài ca sư phạm mà tôi và những người được học thầy luôn cảm phục vì sự chu đáo, ấm áp trong tình thầy trò và một ý chí vượt lên đáng nể trọng.
Nguyễn Bắc Sơn
Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/