Thầy thuốc cũng biết ơn bệnh nhân

Thiếu tướng, PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã đến Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), một bệnh viện luôn “lĩnh ấn” tiên phong cho Y học Việt Nam thực hiện những kỹ thuật phức tạp của khu vực, thế giới. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện để đồng cảm rằng: ngành Y tế có thể còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhưng ý thức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ người bệnh thì phần lớn không thể thiếu ở các thầy thuốc.

Người thầy thuốc của nhân dân

Phóng viên (PV): Lý do nào khiến ông lựa chọn một ngành nghề đầy chông gai, một nghề luôn phải tìm cách “chống lại số mệnh”?

Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An: Theo học ngành Y, tôi cũng thấy hơi lạ lùng bởi quyết định này trong khi gia đình không có ai làm nghề y. Nhưng khi nhìn lại 30 năm phấn đấu với nghề, tôi hiểu mình đã chọn con đường đi đúng trong cuộc đời.

Từ những chuyến đi thực tế ở biên giới phía Bắc, trực tiếp tham gia mổ rất nhiều thương bệnh binh, cùng cảm nhận nỗi đau của đồng đội, tôi thấy thương người bệnh nên luôn nhủ mình phải làm một cái gì đấy tốt hơn, mang lại nhiều niềm vui và cuộc sống cho mọi người hơn.

Trở về công tác, gắn bó với Bệnh viện 103, với lợi thế được làm việc trong một bệnh viện lớn, có hoạt động đào tạo song song, một bác sĩ trẻ trưởng thành từ Bộ môn – Khoa Ngoại bụng như tôi lại được tiếp xúc, dìu dắt bởi các bậc đàn anh tâm huyết. Bên cạnh mối quan hệ đồng nghiệp còn là tình cảm thầy trò gắn bó tạo cho mình có cơ hội học tập, buộc mình luôn phấn đấu, trưởng thành. Theo năm tháng, nghề và lòng yêu nghề đã ngấm vào người lúc nào không hay.

PV: Là một người thầy thuốc quân đội, ông đã từng lăn lộn với những đồng đội là thương bệnh binh trong chiến trường. Đến nay, dù đã ở cương vị lãnh đạo, điều gì khiến ông vẫn tiếp tục xông pha trực tiếp vào những “cuộc chiến” tử-sinh của người bệnh?

Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An: Lăn lộn với người bệnh là công việc của người thầy thuốc, điều đó không thể không xảy ra. Chúng tôi quan niệm bác sĩ gắn bó với bệnh nhân không chỉ đơn thuần là chữa bệnh mà còn là sự học hỏi, tích lũy. Không có người bệnh thì không có thầy thuốc.

Trong xã hội thông tin bùng nổ, không ai có thể tự hào mình biết tất cả, nhưng nếu đã theo một chuyên ngành nào thì phải cố gắng học hỏi, giao tiếp để giỏi trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, cuộc sống của bệnh nhân chỉ có một, do đó, trước khi có những kiến thức chuyên sâu, bác sĩ phải học tốt các chuyên ngành để ít nhất có thể tư vấn cho người bệnh trước khi chuyển họ tới những người có chuyên môn sâu hơn.

Là giảng viên, bác sĩ của một bệnh viện lớn, việc đó càng đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ có kiến thức sâu mà phải rộng để có thể hướng dẫn được sinh viên, chủ trì những cuộc hội chẩn, nếu không có kiến thức thực tiễn người bác sĩ không thể ra quyết định đúng, không thể trao đổi công việc một cách có chất lượng với đồng nghiệp. Do vậy, khi đã ở cương vị quản lý, tôi vẫn cố gắng trực tiếp làm công việc chuyên môn và duy trì hoạt động đó mỗi tuần bằng một số ca khó, ca trọng điểm cần can thiệp

Tôi nhớ, khi còn là sinh viên, tôi nói với thầy rằng: Thầy ạ, em đi với thầy học hỏi được rất nhiều ở những lúc thầy xử lý ca bệnh khó, có biến chứng. Khi đó tôi có cơ hội học hỏi ông xử trí thế nào… đó chính là bài học nhanh nhớ nhất để khi làm việc mình sẽ không vướng.

Sau này có lần tôi cùng với bậc đàn anh mổ cắt một động mạch lớn. Do dụng cụ đã  quá cũ, cặp mạch bị tuột, vì là mạch gốc nên máu phụt lên trần nhà mổ. Trong cái bể máu ấy, rất khó cặp trúng, nếu không cầm được, chắc chắn bệnh nhân đó tử vong. Tôi đã từng gặp biến chứng như vậy nên xử lý rất nhanh… Chỉ một động tác bình tĩnh bệnh nhân đã được cứu sống.

Đến bây giờ, khi kèm cặp học trò của mình, tôi vẫn thường chỉ cho họ những điểm có thể xảy ra biến chứng và phải xử trí ra sao. Kỹ thuật mổ thì người bác sĩ trước sau gì cũng có thể làm được, chỉ khác nhau là độ khéo tới đâu nhưng nếu học hỏi thì vẫn sẽ thành công. Nghề y cũng giống như mọi nghề khác, khi nào, lúc nào nếu không thật sự chú ý sẽ xảy ra những biến chứng, nếu không trực tiếp làm, người thầy thuốc khó tích lũy những kinh nghiệm để xử trí.

Tôi nói thật, hàng ngày, số lượng bệnh nhân tử vong vì vô phương cứu chữa cũng không hiếm, càng khiến người thầy thuốc trăn trở vì trình độ chưa giải quyết được… nên chỉ còn một cách là liên tục học tập bằng thực tiễn, rút kinh nghiệm qua từng ca bệnh. Mang kinh nghiệm đó truyền đạt cho nhau, nhất là học trò mình, dạy họ không chỉ bằng lý thuyết mà cả kinh nghiệm thành công, cũng như thất bại mà mình đã thu nhận được.

Biết ơn người bệnh

PV: Cảm giác của ông khi đứng trước cuộc sống mong manh của người bệnh?

Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An: Khi đứng trước bệnh nhân quá nặng, thầy thuốc không thể làm được gì, đó là nỗi khổ, nỗi ân hận rằng mình chưa đủ điều kiện để phục vụ bệnh nhân.

PV: Phải chăng đó là lý do để Bệnh viện 103 luôn là một trong những nơi đi đầu về việc chuyển giao và thực hiện các kỹ thuật mới, y học chuyên sâu vào phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bộ đội,  nhân dân?

Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An: Những năm gần đây, bệnh viện đã làm được nhiều việc để xứng đáng với sự hi sinh, công lao đi trước của  các bậc đàn anh. Thông thường, người bệnh luôn biết ơn các thầy thuốc, nhưng ngược lại, chúng tôi cũng luôn biết ơn , trân trọng sự cống hiến của người bệnh đối với sự nghiệp khoa học y tế.

Ngành y cần biết ơn người bệnh, nếu không có họ, ngành y sẽ không thể phát triển. Đứng trước người bệnh, người thầy thuốc chỉ có một sự lựa chọn là làm thế nào để mang tới niềm hạnh phúc cho họ, đó là khỏi bệnh.

Các thầy thuốc của bệnh viện luôn quyết tâm vươn lên, tiến mạnh vào  khoa học kỹ thuật, đem kiến thức mới phục vụ bệnh nhân. Bên cạnh nhiều thành công trong kỹ thuật ghép tạng mà bệnh viện đã ba lần “Lĩnh ấn tiên phong”; tạo “bệ phóng”để bệnh viện nói riêng và các đồng nghiệp nói chung tự tin tiến tới làm chủ những kỹ thuật phức tạp của thế giới. Bệnh viện luôn phải đối mặt với những áp lực làm thế nào để tất cả bệnh nhân đều có quyền hưởng thụ những kỹ thuật hiện đại của thế giới. Chính vì thế, ngành y luôn có những nghiên cứu, cải tiến để vượt qua cái đắt đỏ của giá cả, những chi phí phải chi trả cho những kỹ thuật cao của thế giới.

Nhiều cải tiến nhằm tiết kiệm, giảm chi phí cho người bệnh đã được đội ngũ cán bộ bệnh viện đưa ra và áp dụng hiệu quả, trở thành những phong trào được nhiều người đồng tình ủng hộ. Những khoản tiền tiết kiệm đó được quay trở lại phục vụ cho bệnh nhân nghèo, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm, Bệnh viện 103  có vài chục cuộc hành quân đi khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế cho địa phương, cho trường học… cũng là để góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Thiết lập kỷ cương, vun đắp lòng nhân ái

PV: Nhiều người nói rằng nghề y luôn tiếp xúc với sự sống và cái chết, do đó sẽ có không ít người trở nên lãnh cảm trước nỗi đau của người khác và xuất hiện nhiều tệ nạn làm hoen mờ hình ảnh “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An: Xã hội đã có một ngày để tôn vinh người thầy thuốc, chúng tôi hết sức tự hào về điều đó. Nhưng ngày đó cũng là dịp nhắc nhở người thầy thuốc phải rèn luyện nhiều hơn về tay nghề, đạo đức và lối sống. Chúng tôi hiểu rằng phải mang lại hạnh phúc cho người bệnh nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tôn vinh đó.

Ý thức được việc đó, Bệnh viện 103 không chỉ động viên cán bộ phát huy tinh thần cao cả của người thầy thuốc, mà có thái độ quyết liệt, xử phạt nghiêm minh qua quy định 84 lỗi phạt về nếp sống, thái độ của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong bệnh viện. Năm 2010, Bệnh viện 103 là một trong 10 bệnh viện đạt danh hiệu “Bệnh viện thân thiện cho sức khỏe cộng đồng”.

Ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn, điều chúng tôi lo nhất là thói lãnh cảm, vô cảm trong cuộc sống của thầy thuốc. Để xây dựng một tinh thần nhân ái trong bệnh viện, không thể hô hào chung chung được mà phải cuốn anh em vào những hoạt động nhân đạo của đơn vị như đi khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, thăm hỏi bệnh nhân nghèo… Qua những hoạt động đó, người thầy thuốc hiểu hơn về hoàn cảnh người bệnh, biết xót xa và thương cảm trước mỗi mảnh đời bất hạnh. Một người tham gia từ thiện, kéo theo nhiều người tham gia, từ đó nhân lên những tấm lòng thơm thảo của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc.

Nếu đã xác định theo nghề y, điều đầu tiên cần chính là cái tâm, chuyên môn theo thời gian học tập sẽ có nhưng ngay từ đầu nều cái tâm không có sẽ lái cuộc đời theo hướng khác. Người thầy thuốc làm giàu trên bệnh tật của bệnh nhân là thất đức.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hà

Nguồn: hocvienquany.vn/Default.aspx