PGS-TS Văn Như Cương – Ảnh: VIỆT DŨNG |
Rạng sáng 9-10, theo thông tin từ gia đình PGS-TS Văn Như Cương, ông đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
PGS-TS Văn Như Cương nguyên là giảng viên của trường ĐH sư phạm Hà Nội. Ông là tác giả biên soạn SGK phổ thông và giáo trình đại học môn hình học, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia Việt Nam.
Năm 1989, ông là người thành lập và hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh-Hà Nội, một trong các trường dân lập phổ thông đầu tiên ở Hà Nội.
Sau gần 30 năm gắn bó, PGS-TS Văn Như Cương đã gây dựng ngôi trường này thành cơ sở giáo dục có danh tiếng về chất lượng giáo dục.
PGS-TS Văn Như Cương cũng được biết đến với tư cách một chuyên gia giáo dục có tâm, một tiếng nói phản biện thẳng thắn những bất cập của giáo dục và kiến nghị đổi mới.
PGS-TS Văn Như Cương đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư ba năm qua. Bất cứ khi nào bệnh thuyên giảm, ông lại có mặt ở trường. Có năm từ bệnh viện, ông trở lại trường vào đúng dịp khai giảng năm học mới để gặp gỡ học sinh.
Những lá thư của PGS-TS Văn Như Cương nhắn gửi học sinh trong dịp khai trường luôn gây xúc động và tạo được lan tỏa.
Trên mạng xã hội Facebook sáng 9-10, nhiều người là học trò thầy Cương, học sinh trường Lương Thế Vinh, phụ huynh học sinh… bày tỏ niềm tiếc thương người thầy đáng kính.
“Thầy luôn xuất hiện và phát biểu trước những điều mà Thầy thấy không đồng tình trong giáo dục. Thầy cũng rất hóm hỉnh trong những bài thơ Đường luật gắn với những cuộc sống của Thầy và của xã hội.
Hình ảnh của Thầy với bộ râu dài và ánh mắt sắc sảo mãi là ấn tượng với những ai yêu quý Thầy. Là thế hệ học sinh của thầy, là đồng hương Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, em xin vĩnh biệt Thầy và chia sẻ mất mát quá lớn này với gia đình Thầy”, TS. Lê Thống Nhất chia sẻ.
Tại Trường Lương Thế Vinh, không khí trở nên trầm lặng hơn mọi ngày. Rất nhiều thế hệ học sinh và giáo viên của trường cũng đã trở về để hỏi thăm và động viên gia đình thầy Văn Như Cương.
Em Vũ Đức Quang (lớp 11A1.1, trường THPT Lương Thế Vinh) xúc động chia sẻ ấn tượng đầu tiên của em về thầy giáo Văn Như Cương thầy là một ông giáo già với bộ râu dài.
“Lúc mới gặp thầy, lần đầu tiên em nghĩ thầy sẽ rất nghiêm khắc, nhưng khi được tiếp xúc với thầy mới cảm nhận được thầy rất vui tính và tình cảm. Khi biết tin thầy mất em rất sốc, không nghĩ đây là sự thật.
Bài học mà em nhớ nhất từ thầy là trong một lần thầy giải thích về việc chọn hình logo của trường là hình tam giác. Theo thầy, hình tam giác là hình vững chắc nhất trong toán học. Qua đó thầy muốn nhắc nhở chúng em cần phải đoàn kết, thúc đẩy nhau cố gắng trong học tập”, em Quang nhớ lại.
Dù đã ra trường khá lâu, chị Lê Thuỳ Dương (cựu học sinh khóa 10, trường THPT Lương Thế Vinh) vẫn luôn dõi theo từng hoạt động của thầy cũng như của trường.
“Sáng nay biết tin thầy mất tôi rất buồn, các bạn trong lớp đã lập nhóm để tới viếng thầy. Với tôi thầy là người rất dí dỏm, vui tính và luôn là một tấm gương để học tập trong lối sống và nhân cách, thầy là người luôn lắng nghe những đề xuất của học sinh”, chị Dương nghẹn ngào.
Là một đồng nghiệp của thầy Cương ngay từ những ngày đầu thành lập trường THPT dân lập đầu tiên của cả nước, trải qua nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất thiếu thốn đến việc tìm giáo viên chất lượng, thầy Đoàn Ngọc Toại (77 tuổi), cựu giáo viên dạy văn, nói thầy Văn Như Cương mất là một thiệt thòi lớn cho trường Lương Thế Vinh cũng như nền giáo dục.
“Khi biết tin thầy Cương mất, tôi rất bàng hoàng, tôi không nghĩ thầy ra đi đột ngột như thế. Thầy Cương là một ông giáo rất tri thức, tài hoa và nghệ sĩ”, thầy Toại chia sẻ.
Tang lễ của thầy giáo Thầy Văn Như Cương sẽ được gia đình tổ chức vào 10h30 ngày 12-10 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
PGS-TS Văn Như Cương sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy học ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp trở thành giảng viên của trường này. Năm 1971, PGS Văn Như Cương hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Trở về nước, PGS Văn Như Cương tiếp tục giảng dạy bộ môn hình học tại ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh. Vào thời kỳ ngành GD-ĐT khuyến khích xã hội hóa, cho phép mở trường ngoài công lập, năm 1989 PGS Văn Như Cương lập ra Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội). Đây là một trong những ngôi trường ngoài công lập ở bậc phổ thông đầu tiên tại Việt Nam và cũng là một trong số ít trường ngoài công lập tạo dựng được tên hiệu với chất lượng giáo dục tốt. |
VĨNH HÀ – DANH TRỌNG – PHƯƠNG CHINH
Nguồn: tuoitre.vn/thay-van-nhu-cuong-qua-doi-o-tuoi-80-20171009075617124.htm