Lễ trao giải vừa được Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào tối 6/5 tại Hà Nội. Kể từ khi Chương trình Giải thưởng WIPO được công bố vào năm 1979, hàng nghìn giải thưởng đã được trao cho các nhà sáng tạo KHCN, trong đó có phụ nữ và các tài năng trẻ, ở 97 quốc gia trên thế giới. Trong lần này, Việt Nam đã có 3 giải xuất sắc được vinh dự trao tặng giải WIPO.
“Nhà khoa học trồng rừng”
Giải pháp “Cải tiến kĩ thuật nâng cao chất lượng giống keo lai bằng phương pháp giâm hom” lần này đã giúp nhà khoa học Phan Thị Hạnh giành giải Nhất Hội thi Sáng tạo kĩ thuật toàn quốc 2010-2011, đồng thời được nhận giải thưởng WIPO – giải thưởng cao quý nhất của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho nhà khoa học nữ có đề tài xuất sắc nhất.
Được nhiều người gọi với cái tên thân mật “Nhà khoa học trồng rừng”, chị Hạnh như gắn cả cuộc đời với các giống cây. Phần lớn thời gian làm khoa học, chị dành để nghiên cứu sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ việc phủ xanh những cánh rừng trơ trọc.
Chị Phan Thị Hạnh (áo dài xanh) giành giải nhất Hội thi Sáng tạo kĩ thuật toàn quốc 2010-2011
(Ảnh: N.Y)
Sinh năm 1967, tại Bình Định, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, chuyên ngành công nghệ sinh học, chị không về làm việc cho các viện nghiên cứu mà tự mày mò thành lập cơ sở sản xuất giống cây trồng riêng.
Nỗi ám ảnh về những cánh rừng trơ trọc, những dải cát trắng khô cằn dọc miền Trung khiến chị càng thêm quyết tâm tạo ra giống cây phủ xanh rừng phù hợp với từng điều kiện môi trường, thời tiết. Giải pháp tạo giống cây keo lai bằng phương pháp giâm hom do chị nghiên cứu có khả năng ứng dụng dễ dàng, không tốn nhiều thời gian và kinh phí.
Theo như tính toán thực tế, người trồng rừng khi mua cây giống được sản xuất theo phương pháp cải tiến này sẽ tiết kiệm được 60 đồng/cây. Nếu được áp dụng rộng rãi thì lợi ích mang lại là rất lớn. Riêng tỉnh Bình Định, trong năm 2010 đã sản xuất và tiêu thụ 33,6 triệu cây, nếu mỗi cây tiết kiệm được 60 đồng thì tổng cộng đã tiết kiệm được khoảng 2,02 tỉ đồng.
Hiện cơ sở sản xuất của chị mỗi năm cung cấp lượng cây giống rất lớn cho tỉnh Bình Định cũng như các vùng lân cận. Riêng năm 2011, cơ sở đã sản xuất, tiêu thụ được 10 triệu cây keo lai, bạch đàn. Năm 2012, dự kiến sẽ sản xuất, tiêu thụ 11 triệu cây.
Sáng tạo hữu ích
Ở góc độ khác, tác giả Võ Văn Dũng, Công ty TNHH xây dựng và thương mại vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ đã khắc phục được tình trạng thiếu cát xây dựng đạt chuẩn ở Tp Cần Thơ. Ông Dũng đã nghiên cứu, thiết kế và đưa vào ứng dụng “Hệ thống thiết bị sàng rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng”. Khác với thiết bị hút cát sông thông thường, ở đây cát hút lên được hòa trộn với nước sạch, dẫn theo đường ống để máy sàng rửa rồi đưa vào bể lắng chuyên dụng. Do việc điều khiển lưu lượng và vận tốc dòng chảy hợp lý nên trong quá trình lắng đã thu được ở các ngăn bể khác nhau với các loại cát có độ hạt khác nhau, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: đổ bê tông, cát xây, cát san nền…
KS. Lê Tiến Thắng với giải pháp tiết kiệm gas. (Ảnh: T.N)
Điều đặc biệt, hệ thống này không làm ô nhiễm môi trường. Tạp chất được thu gom tận dụng theo đúng mục đích. Lần đầu tiên hệ thống tuyển chọn cát đồng bộ cho phép khai thác cát sông ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tạp chất để biến thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Còn KS. Lê Tiến Thắng thuộc DNTN Hùng Thắng, TP.HCM lại có thể giúp các bà nội trợ “nhẹ lòng” hơn khi tiết kiệm được 30% nhiên liệu nhờ kiểm soát được sự đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu gas nhờ bộ thiết bị tiết kiệm gas.
Bộ thiết bị tiết kiệm gas do KS. Thắng sáng chế gồm một bộ nam châm vĩnh cửu được lắp ghép đối cực tạo mạch từ khép kín, tạo ra từ trường bên trong. Nhờ từ tính của hai thanh nam châm, các chuỗi phân tử hydrocacbon trong dòng LPG từ bình chứa LPG khi đi qua thiết bị sẽ được kéo dãn ra, phân bố đều hơn, tạo khoảng cách đủ rộng cho ôxy thâm nhập và tạo phản ứng cháy triệt để trên đầu đốt của bếp gas. Chính điều này là mấu chốt giúp tiết kiệm gas, giảm được mùi gas sống và khí thải độc hại, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra thiết bị còn giúp ngọn lửa bếp gas cháy xanh và đều hơn, tăng năng suất nhiệt bếp gas giúp thức ăn nhanh chín, tiết kiệm được thời gian nấu nướng và đặc biệt, giảm hẳn muội than bám vào dụng cụ nấu nướng.
Theo tính toán, một gia đình bình thường sử dụng 1 bình gas 12 kg với thời gian khoảng 28 ngày nhưng khi lắp đặt thiết bị này, thời gian sử dụng có thể kéo dài tới 38 ngày. Hiệu quả của thiết bị cũng đã được phòng kỹ thuật của Công viên nước Đầm Sen thử nghiệm và sắp tới đơn vị này sẽ lắp đặt hàng loạt. Ngoài ra, thiết bị tiết kiệm gas cũng đã được sử dụng ở nhiều nhà hàng, quán ăn và các gia đình tại TP.HCM…
Thạc sĩ Lê Duy Tiến, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) cho biết, các giải pháp, công trình được trao giải WIPO, các giải thưởng WIPO nhằm khuyến khích các hoạt động sáng kiến, sáng chế trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các giải thưởng này góp phần làm cho công chúng chú ý nhiều hơn và trân trọng hơn công lao đóng góp của các nhà khoa học công nghệ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã tặng giải thưởng WIPO cho một giải pháp được giải nhất xuất sắc nhất “Hệ thống thiết bị sàng rửa sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng” của ông Võ Tấn Dũng (Công ty TNHH xây dựng và thương mại vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ); giải WIPO cho nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất là bà Phan Thị Hạnh (DNTN dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, tỉnh Bình Ðịnh), tác giả giải pháp đoạt giải nhất “Cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng giống keo lai bằng phương pháp giâm hom”; giải WIPO cho tác giả trẻ xuất sắc nhất là KS Lê Chiến Thắng, tác giả giải pháp đoạt giải nhì “Thiết bị tiết kiệm gas cho bếp gas gia đình và bếp công nghiệp” – Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Việt Phát, TP.HCM.