Thêm những thông tin mới về Đoàn đi Liên Xô 1951

Là cựu sinh viên khóa I trường Đại học Bách Khoa, khoảng năm 1959, ông Lê Thanh Việt về công tác tại Công ty than Hồng Gai, ông đã được tiếp xúc và biết đến các ông Nguyễn Thanh Quế – PGĐ Kỹ thuật Xí nghiệp than Cẩm Phả, ông Nguyễn Văn Nhiên – Giám đốc mỏ Tĩnh Túc Cao Bằng, ông Phan Lục và đặc biệt là người thủ trưởng trực tiếp quản lý ông là ông Văn Tôn – PGĐ Kỹ thuật Công ty than Hồng Gai.

Ông Lê Thanh Việt cung cấp nhiều thông tin mới về ông Văn Tôn

Ngày đó, Công ty than Hồng Gai là đơn vị quản lý toàn bộ ngành Than của miền Bắc, kể cả những mỏ than xa xôi như mỏ Khánh Hòa, mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ Na Dương (Lạng Sơn), các mỏ vùng Đông Triều, Mạo Khê, Vàng Danh (Quảng Ninh) và toàn bộ vùng Cẩm Phả, Hòn Gai. Tuy nhiên, hiện nay Công ty than Hồng Gai có quy mô nhỏ hơn và chỉ là một trong số nhiều Công ty Than của cả nước thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.

Trực tiếp cùng làm việc về chuyên môn trong thời gian khá dài, nên ông Lê Thanh Việt biết khá rõ về ông Văn Tôn và gia đình. Trong buổi trao đổi với các nghiên cứu viên Trung tâm, ông cũng bày tỏ sự cảm thông đối với hoàn cảnh ông Văn Tôn vì những sự mất mát lớn lao trong gia đình. Ông kể, khoảng tháng 5-1972, hai người con 10 tuổi và 8 tuổi của ông Văn Tôn bị bom Mỹ giết hại khi chúng không kích khu mỏ than Hồng Gai, vài năm sau đó ông tiếp tục chứng kiến người con trai thứ 2 của mình chết do tai nạn.

Nghiên cứu viên Trung tâm giới thiệu các tư liệu về

đoàn cán bộ được cử đi đào tạo ở Liên Xô 1951

Mặc dù chỉ tiếp xúc với ông Văn Tôn, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Thanh Quế trong một thời gian rất ngắn, nhưng với ông Lê Thanh Việt họ là những con người khiêm tốn, làm việc có trách nhiệm, là những con người của công việc, có phong cách làm việc sâu sát, cụ thể. Ông Lê Thanh Việt nói: “Tôi học hỏi được nhiều điều về tác phong làm việc của các anh ấy, kỷ luật nghiêm khắc, sai điều gì nhắc ngay”.

Biết Trung tâm đang nghiên cứu về đoàn cán bộ được Đảng và Bác Hồ cử đi học ở Liên Xô năm 1951, ông Lê Thanh Việt rất xúc động bởi từng được tiếp xúc, làm việc với một số thành viên trong đoàn, theo ông họ thực sự xứng đáng được tôn vinh. Đồng thời, ông đánh giá cao công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang theo đuổi. “Được làm quen, tìm hiểu về nhiệm vụ, chức năng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi thấy công việc của Trung tâm rất hữu ích cho đất nước. Mong Trung tâm phát huy được nhiều các di sản của các nhà khoa học và tôn vinh, giữ gìn kho tàng quý báu này cho đất nước”, ông chia sẻ.

Trình Sỹ Anh Dũng