Thêm niềm tin, thêm sức mạnh

Từ Bàu Cát, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi di chuyển hơn 7 km trên những con phố đông đúc và dưới cái nóng gần 360C tới nhà ông. Chỉ vừa đỗ xe chúng tôi đã nghe thấy tiếng ông mời “vô” nhà.

Trên bàn, ông chuẩn bị sẵn hai chai nước suối cho chúng tôi và chồng tài liệu tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tài liệu gồm hơn 100 ảnh gốc về thời kỳ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và nhiều hiện vật khối ông mua tại Liên Xô trong những chuyến công tác từ năm 1988 như kính lúp phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, quạt điện, lược chế tác từ sừng… Ngoài ra còn có một số tài liệu giấy quan trọng khác như bằng Sơ học yếu lược cấp năm 1950, thẻ học sinh Trường Học sinh miền Nam XXIV năm 1960, thẻ đọc Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 1985 và cuốn sách “Di truyền học” do ông là tác giả. Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1998, đến nay đã tái bản lần thứ 12.

 PGS.TS Phạm Đình Hổ chia sẻ thông tin với nghiên cứu viên

PGS Phạm Đình Hổ thổ lộ: Hạnh phúc của người làm thầy là khi viết sách có học trò đọc. Việc sách được tái bản liên tục chứng tỏ có nhiều học trò quan tâm đến sách của mình. Khi được hỏi về nghề làm thầy, ông tự sự: Mình thích nghề này vì nó giúp mình truyền tải được kiến thức nghiên cứu khoa học và niềm đam mê khoa học đến thế hệ trẻ.

Chia tay ông, chúng tôi cảm thấy quãng đường trở về nhà dường như ngắn lại. Những tình cảm nồng ấm và sự tin tưởng của ông vào hoạt động Trung tâm là động lực, sức mạnh để chúng tôi tiếp tục sứ mệnh lưu giữ và phát huy những di sản khoa học cho thế hệ sau.

 

Hoàng Kim Phượng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam