Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu Một đời gắn bó với chiến trường, nhà trường

Thuở niên thiếu, cậu bé Nguyễn Thúc Mậu được gia đình giáo dục chu đáo và chăm lo học hành nên luôn là học sinh giỏi được thầy giáo yêu thương, bạn bè quý trọng.

Giữa năm 1939, chàng trai Nguyễn Thúc Mậu vừa tròn 20 tuổi, thi đỗ vào Trường thuốc Đông Dương, lòng ôm ấp hoài bão trị bệnh cứu người. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, mùa hè năm 1946, ông đã tốt nghiệp và được cấp bằng bác sĩ y khoa. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ, ngay sau khi nhận bằng, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã gia nhập Vệ quốc đoàn, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Tháng 6-1946, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu được cử làm Trưởng ban Quân y Trung đoàn 28 Lạng Sơn và tháng 11-1946 đã chỉ huy quân y trung đoàn, phục vụ trận chiến đấu đầu tiên khi quân Pháp nổ súng chiếm thị xã Lạng Sơn.

Bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu (ngoài cùng, bên trái) tại Sở chỉ huy của Quân y tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 29-4-1975 ở Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh tư liệu.

Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, nhiệm vụ của ngành quân y phục vụ chiến đấu ngày càng nặng nề. Ngày 11-4-1947, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi và động viên bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu, cuối thư có đoạn viết “… Tôi mong anh hăng hái mãi và luôn khỏe mạnh để giúp đỡ bộ đội như anh đã giúp”.

Từ năm 1947-1954, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu lần lượt đảm nhiệm các cương vị Quân y vụ trưởng Khu 12, Quân y vụ trưởng Liên khu I, Trưởng phòng Lưu động Cục Quân y, Phó trưởng ban Quân y phục vụ chiến dịch Biên giới, Trưởng ban Quân y các chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950), chiến dịch Hà Nam Ninh (5-1951), chiến dịch Hòa Bình và Trung du Bắc Bộ (11-1951), chiến dịch Tây Bắc (10-1952), tham gia Ban Quân y trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954).

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của quân đội và dân tộc ta, từ ngày bắt đầu cho đến ngày toàn thắng, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã liên tục bám sát các chiến dịch, tổ chức chỉ huy quân y phục vụ bộ đội với tất cả lòng yêu nước và nghị lực, bản lĩnh của người cán bộ quân y cách mạng Việt Nam.

Hòa bình lập lại (1955-1958), ông được cử đi học chuyên ngành Tổ chức Chỉ huy quân y ở Liên Xô (trước đây). Sau 3 năm học tập các kinh nghiệm tổ chức chỉ huy quân y bên nước bạn, tháng 8-1958 trở về nước, ông được cử giữ chức Trưởng phòng Huấn luyện Cục Quân y. Trên cương vị công tác mới chưa được bao lâu, do yêu cầu cấp bách của tình hình đào tạo cán bộ quân y cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tháng 10-1960, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Quân y, rồi Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (3-1962), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quân y, kiêm Chủ nhiệm khoa Tổ chức Chỉ huy quân y (8-1966). Trong thời gian này, cùng với Giáo sư Hiệu trưởng Đỗ Xuân Hợp, thầy đã góp công lớn trong việc đào tạo hàng trăm bác sĩ quân y, phục vụ cho các chiến trường miền Nam và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu là một trong những cán bộ đầu tiên đặt nền móng cho ngành Tổ chức chỉ huy Quân y Việt Nam đi từ không đến có, từ sơ khai đến hoàn thiện như ngày nay. Thầy đã xây dựng cơ sở lý luận và nguyên tắc chỉ đạo của ngành như các vấn đề: Cứu chữa thương binh theo tuyến quân y, theo hướng hành quân, theo khu vực đóng quân, kết hợp quân y và dân y trong phục vụ chiến đấu…

Lá thư động viên bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngày 11-4-1947).

Cuối năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, một lần nữa theo yêu cầu của cách mạng, ông lại “xếp bút nghiên” lên đường ra tiền tuyến. Trong những năm 1969-1971, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tập trung đánh phá, hòng cắt đứt con đường tiếp tế của ta, bộ đội bị thương vong nhiều do bom mìn, đạn pháo, bệnh tật, lại thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ. Chiến đấu trên các chiến trường miền Nam, với cương vị Phó trưởng phòng Quân y Miền (B2), bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã cùng đồng nghiệp tổ chức chỉ huy và đảm bảo quân y đạt kết quả cao, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Từ tháng 5-1976, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu lại trở về mái trường xưa sau 7 năm xa cách, thầy được cử giữ chức Phó hiệu trưởng thứ nhất rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y và đến tháng 11-1981, làm Giám đốc Học viện Quân y. Trong thời gian này, thầy Mậu đã cùng Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện lãnh đạo nhà trường xây dựng và phát triển công tác đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời, thầy đã tham gia chủ trì nhiều công trình nghiên cứu tổng kết công tác đảm bảo quân y trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại: “Tổng kết công tác quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” và “Tổng kết công tác quân y Chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 1954-1975” (đề tài 04 thuộc Chương trình trọng điểm 060310 của Bộ Quốc phòng).

Đặc biệt, trong thời gian này, nhận thức sâu sắc nhu cầu cấp thiết trong công tác đào tạo cán bộ khoa học trẻ cho Học viện và cho toàn ngành Quân y, Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu đã chủ trương cử các bác sĩ trẻ có đầy đủ năng lực và phẩm chất đi nước ngoài để đào tạo sau đại học (thực tập sinh, nghiên cứu sinh…). Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ một buổi chiều đầu thu năm 1984, tôi được thầy Mậu gọi lên gặp tại phòng làm việc ở học viện. Thầy Mậu mỉm cười đôn hậu, cho phép tôi ngồi rồi nói:

– Các Giáo sư Đỗ Xuân Hợp và Phạm Gia Văn đã giới thiệu với tôi về anh. Tôi cũng đã được đọc các công trình nghiên cứu của anh về giải phẫu, nhân trắc đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Anh còn trẻ mà đã viết được nhiều bài báo khoa học có giá trị. Thế là tốt. Tôi sẽ đề nghị với tổ chức cử anh đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Hãy cố gắng lên nhé!

Tôi thật sự xúc động trước tấm lòng bao dung và tầm nhìn xa rộng của thầy. Gần 30 năm trôi qua kể từ buổi chiều thu hôm ấy, thế hệ chúng tôi đã trưởng thành, đã có những đóng góp cho nền y học và quân y nước nhà, mỗi khi nhớ lại những năm tháng đó, chúng tôi không thể quên công lao to lớn của Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu đối với sự phát triển của Học viện Quân y nói chung và sự trưởng thành của chúng tôi nói riêng…

Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu (1919-1989) nguyên Giám đốc Học viện Quân y.

Do những cống hiến to lớn trong sự nghiệp khoa học đào tạo và bảo vệ Tổ quốc, năm 1981, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã được Nhà nước phong chức danh Giáo sư, năm 1983, thầy được phong quân hàm Thiếu tướng và nhận được nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Cuối năm 1986, Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu được nghỉ chỉ huy điều hành, ông dành thời gian và tâm huyết để tổng kết các kinh nghiệm chỉ huy quân y cho hoàn chỉnh. Lật giở các trang tài liệu ghi chép được ở chiến trường, ông tổng hợp lại từ các yếu tố để lên kế hoạch tổ chức đảm bảo quân y đến diễn biến của các chiến dịch, kết quả và những nhận xét đánh giá thành công và cả chưa thành công, với tầm nhìn của người tổ chức, chỉ huy và đảm bảo quân y…

Nhưng công việc tiến hành chưa được bao lâu, những dự định của ông còn dang dở thì một căn bệnh hiểm nghèo ập đến: Ông bị ung thư dạ dày. Mặc dù được các thầy thuốc quân y và dân y tài giỏi hết lòng cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều ngày 14-6-1989 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội và học trò. Trong lễ tang Giáo sư, Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến viếng và ghi vào Sổ tang: “Thương tiếc vô cùng đồng chí Nguyễn Thúc Mậu-người cán bộ đảng viên trung thành, tận tụy với nhiệm vụ. Suốt hơn 40 năm, qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, đồng chí luôn là người gắn bó với chiến trường, bộ đội và nhà trường. Thương tiếc anh, người thầy giáo, thầy thuốc đầy trách nhiệm, người bạn trung hậu đã làm tròn trọng trách đến hơi thở cuối cùng. Quân đội luôn nhớ anh. Vĩnh biệt anh!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân, đi công tác nước ngoài về đã gửi thư chia buồn tới gia đình cố Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu ngày 19-6-1989: “Rất xúc động được tin Giáo sư Bác sĩ Thiếu tướng Nguyễn Thúc Mậu từ trần. Xin gửi đến gia đình, đơn vị và bạn bè lời chia buồn thống thiết”…

Mới đây, tháng 12-2010, Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, một vinh dự to lớn của ngành Quân y, của Học viện Quân y và của những thế hệ học trò.

 

GS.TS Lê Gia Vinh

Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/89/197354/print/Default.aspx